Rắn có đúng là nhân tố lan truyền virus mới ở Vũ Hán?
- Thứ bảy - 25/01/2020 16:37
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Khi các ca lây nhiễm trên người gia tăng trong một dịch bệnh bí ẩn bùng phát từ Trung Quốc, các nhà khoa học đã tập trung vào nhận diện các loài vật bị nghi ngờ là điểm xuất phát của dịch bệnh. Trong một nghiên cứu gây tranh cãi mới xuất bản, một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc đã tuyên bố là đã có câu trả lời: những con rắn.
Nhưng nhiều nhà khoa học khác cho biết không có chứng cứ nào cho thấy các con virus như những con đang là nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh này có thể lây nhiễm cho các loài khác hơn động vật có vú và chim. “Không có gì ủng hộ loài rắn cả,” David Robertson, một nhà vi trùng học tại đại học Glasgow, Anh, nói.
Mầm bệnh gây ra dịch bệnh này thuộc về một họ lớn là coronavirus, bao gồm các virus là nguyên nhân dẫn đến hội chứng SARS và hội chứng MERS, cũng như tất cả những virus đằng sau chứng cảm lạnh thông thường. Virus mới nhất – hiện nay được gọi là 2019-nCoV, là chủng gần nhất với virus SARS và có liên quan đến các virus lưu hành trên dơi. Nhưng chúng có thể lây nhiễm cho các loài động vật khác và có thể truyền sang người. Nhiều nhà khoa học nghi ngờ một loài vật chưa xác định đã mang theo 2019-nCoV và lan truyền sang người tại khu chợ bán hải sản sống và động vật hoang dại ở Vũ Hán, nơi những trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên được ghi nhận vào tháng 12/2019.
“Vật chủ trung gian này là miếng ghép chưa tìm thấy của bài toán: làm thế nào mà những người này đều bị nhiễm bệnh?”, Robertson nêu vấn đề.
Các ứng viên nhím, gà và dơi
Một nhóm nghiên cứu do Wei Ji, một nhà vi sinh học tại Trung tâm các khoa học khoa cơ bản của trường ĐH Y Bắc Kinh dẫn dắt, đã xem xét một dấu hiệu cho thấy 2019-nCoV đã thích nghi với vật chủ trung gian là bất kỳ loài động vật nào.
Phần lớn các axít amino được giải mã bằng các mã codon – những trình tự của tổ hợp ba nucleotide DNA hoặc RNA được mã hóa mang thông tin về axít amino. Một cách cho thấy các virus thích nghi khi các protein được mã hóa bằng việc dùng cùng một lựa chọn các mã hóa codon như vật chủ mang nó. Nhóm nghiên cứu của Wei đã so sánh các codon được 2019-nCoV ưa thích với những loại codon được ưa thích của vật chủ tiềm năng, bao gồm nhím, tê tê, dơi, gà, người và rắn.
Nhóm nghiên cứu đã cho thấy là sự lựa chọn mã hóa codon của 2019-nCoV phần lớn đều tương tự như những thứ được ưa thích của hai loài rắn: Bungarus multicinctus (cạp nia bắc) và Naja atra (hổ mang Trung Quốc). Các loài rắn được bán ở chợ Vũ Hán, các nhà nghiên cứu cho biết. “Đặt cạnh nhau, các con rắn có thể là ‘bể chứa’ 2019-nCoV hàng đầu trong số các động vật hoang dại,” họ viết như vậy trong một công bố xuất bản vào ngày 22/1/2020 trên tạp chí Journal of Medical Virology.
Robertson cho biết, dường như không có loài vật trung gian thứ cấp nào bị nhiễm 2019-nCoV trong thời gian đủ dài để biến đổi hệ gene của chúng một cách đáng kể như vậy. “Sẽ phải mất một thời gian dài cho một tiến trình đó được diễn ra”, ông lưu ý.
Khoảng trống về bằng chứng
“Họ không có bằng chứng cho thấy các con rắn có thể bị lây nhiễm bởi chủng coronavirus mới và đóng vai trò là một vật chủ,” Paulo Eduardo Brandão, một nhà vi trùng học tại trường đại học São Paulo và đang tham gia nghiên cứu vấn đề là liệu các coronavirus có thể lây nhiễm từ rắn hay không. “Không có bằng chứng thích hợp về các coronavirus trong các vật chủ nào hơn là động vật có vú và chim.”
Nhóm nghiên cứu của Wei cũng chưa phản hồi các e-mail của Nature để giải thích về vấn đề công bố của họ đặt ra và sớm hứng chịu chỉ trích.
Nhiều nhà nghiên cứu đang hoài nghi rằng vật chủ của 2019-nCoV có thể được nhận diện mà không cần thêm các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm hay thực địa nữa. Họ hi vọng là các xét nghiệm di truyền của động vật hoặc nguồn từ môi trường, cũng như các lồng nuôi nhốt và container chở động vật từ khu chợ ở Vũ Hán cũng có thể đưa ra được manh mối.
Một loài động vật có vú là ứng cử viên số một, theo Cui Jie, một nhà vi trùng học tại Viện Pasteur Thượng Hải từng tham gia vào nhóm nghiên cứu nhận diện các virus liên quan tới SARS trên dơi từ một hang động ở Vân Nam ở tây nam Trung Quốc vào năm 2017. SARS và 2019-nCoV là một phần của phân nhóm virus betacoronavirus. Công việc nghiên cứu thực địa trong giai đoạn bùng phát dịch SARS vào năm 2002–2003 đã tìm thấy các virus chỉ có trong các động vật có vú, Cui nhận xét. “Rõ ràng là 2019-nCoV là một virus trên động vật có vú.”
Thanh Phương dịch