Thành lập bộ môn nghiên cứu tiếng Việt và văn hóa Việt tại đại học Đại học Tổng hợp mang tên Adam Mickiewicz (Poznań - Ba Lan)

Thành lập bộ môn nghiên cứu tiếng Việt và văn hóa Việt tại đại học Đại học Tổng hợp mang tên Adam Mickiewicz (Poznań - Ba Lan)

GS TSKH Piotr Wierzchoń, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, Trường đại học Adam Mickiewicz, thay mặt Hiệu trưởng, trao quyết định thành lập Bộ môn cho PGS TS Nguyễn Chí Thuật.

Ngày 30 tháng 1 năm 2017, Hiệu trưởng Đại học Tổng hợp mang tên Adam Mickiewicz (Poznań), GS TSKH Andrzej Lesicki, đã ký quyết định thành lập Bộ môn Nghiên cứu Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam đặt tại Viện Ngôn ngữ học, Khoa Ngữ Văn Mới của Trường. Đây là quyết định có ý nghĩa lớn lao đối với việc đào tạo tiếng Việt và nghiên cứu văn hóa Việt Nam tại Ba Lan, góp phần đào tạo những chuyên gia có kiến thức sâu về Việt Nam nhằm phục vụ cho sự hợp tác nhiều mặt giữa Ba Lan và Việt Nam đang trong xu hướng phát triển ngày càng tăng.

Ngành ngữ văn Việt được chính thức đưa vào đào tạo tại Đại học Tổng hợp mang tên thi hào dân tộc Ba Lan Adam Mickiewicz từ năm học 2004 – 2005 (lúc đầu có tên là Ngữ văn Việt – Thái, đến năm 2012 tách ra thành Ngữ văn Việt Nam). Sau hơn 10 năm đào tạo, hàng chục sinh viên đã ra trường với bằng cử nhân hoặc chứng chỉ đại học giai đoạn I ngành ngữ văn Việt Nam. Hiện nay ngành học này vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm của sinh viên Ba Lan. Số học sinh tốt nghiệp phổ thông tham dự tuyển sinh đầu vào hàng năm khá đông. Số sinh viên theo học từ năm thứ I đến năm thứ V, tuy ở những thời điểm nhất định không phải là con số mong đợi của Viện, của Khoa, song nó vẫn chứng tỏ sức hấp dẫn của ngành học.

Ngành Ngữ văn Việt Nam có được vị trí như hiện nay tại Đại học Adam Mickiewicz cũng như ở Ba Lan nói chung là nhờ công sức đóng góp xây dựng nền móng của GS Nguyễn Tự Thắng, TS. Hoàng Thu Oanh, GS TS Lê Đình Tư. Đặc biệt GS TS Lê Đình Tư là người đầu tiên trực tiếp tham gia giảng dạy ngay từ khi ngành học được đưa vào đào tạo, cũng là người làm việc tại Viện Ngôn ngữ học nhiều năm sau đó. TSKH, dịch giả Nguyễn Văn Thái cũng đã từng giảng dạy tại đây.

Hiện nay, trong tình trạng chung tại Ba Lan là các trường đại học thiếu sinh viên trầm trọng, việc duy trì số lượng sinh viên hiện đang theo học và thu hút sinh viên sẽ vào học trong tương lai là nhiệm vụ cấp bách được đặt ra đối với Bộ môn. Ngoài việc không ngừng cải tiến nội dung, hình thức giảng dạy, các hoạt động quảng bá cần được tiến hành như tổ chức Ngày văn hóa Việt Nam, hội thảo về hợp tác Việt Nam – Ba Lan, giao lưu sinh viên Việt Nam học tại Poznań với người Việt ở các thành phố tại Ba Lan, tìm hiểu khả năng đầu ra cho sinh viên tốt nghiệp tại các công ty Việt Nam tại Ba Lan hay tại các công ty Ba Lan đã và sẽ làm ăn với Việt Nam v.v… Tất cả các hoạt động đó đều đòi hỏi phải có nguồn kinh phí nhất định. Bộ môn và Viện Ngôn ngữ học trân trọng mọi sự động viên tinh thần và vật chất của các cá nhân, tập thể, tổ chức xã hội của người Việt tại Ba Lan và trong nước, các công ty Việt Nam đang hoạt động tại Ba Lan.

PGS TS Nguyễn Chí Thuật

Trưởng Bộ môn Nghiên cứu Tiếng Việt và Văn hóa Việt

Viện Ngôn ngữ học, Đại học Adam Mickiewicz (Poznań)

Nguồn tin: queviet.eu