Thuốc điều trị Covid-19 - lỗ đen trong đại dịch

Thuốc điều trị Covid-19 - lỗ đen trong đại dịch
MỸ - Gần một năm rưỡi trong đại dịch, các nhà nghiên cứu khắp thế giới vẫn vật lộn chưa tìm ra phương thuốc hiệu quả, dễ sử dụng để điều trị Covid-19.

10 loại thuốc được phê duyệt khẩn cấp hoặc khuyến nghị sử dụng tại Mỹ. Hai trong số đó về sau bị thu hồi giấy phép vì không đủ hiệu quả. Chính phủ gần đây tạm dừng lô hàng của một loại khác do không tác dụng trên biến thể mới. Những loại thuốc phù hợp để điều trị người bệnh giai đoạn khởi phát hiện rất khó sử dụng. Thuốc dành cho người nhập viện chỉ thực sự hiệu quả khi bệnh nhân đã chuyển nặng.

Daniel Griffin, trưởng bộ phận truyền nhiễm của mạng lưới y tế ProHealth New York, cho biết: "Chúng tôi bị giới hạn. Hiện chưa có phương pháp điều trị Covid-19 nào thực sự ấn tượng".

Có rất nhiều lý do khiến thuốc chữa Covid-19 còn là bức tranh ảm đạm. Giới chức tập trung nguồn lực phát triển nhanh vaccine và đã thành công. Tuy nhiên, nghiên cứu trong lĩnh vực điều trị còn thiếu sót, bất chấp tính cấp thiết từ các đợt bùng phát. Các thử nghiệm lâm sàng rải rác của Mỹ phải cạnh tranh để có nguồn bệnh nhân tình nguyện. Khi các loại thuốc hiệu quả nhưng khó sử dụng ra đời, hệ thống y tế rệu rã của đất nước chưa đủ trang thiết bị để cung cấp chúng cho người nhiễm nCoV.

Ở một khía cạnh khác, sự thiếu hiểu biết của các đơn vị cung cấp dịch vụ y tế gây khó dễ cho người bệnh. Bob Bellin, sinh sống tại Austin, Texas, từng trải nghiệm điều này. Ông xét nghiệm dương tính nCoV tháng 12 năm ngoái, triệu chứng đau đầu và ho nhẹ. Bellin lo lắng bởi có bệnh lý suy giảm miễn dịch.

 
 
 
 
 

 

Ông gọi cho một trung tâm hỗ trợ xin thông tin điều trị kháng thể, song nhân viên trực điện thoại không biết về phương pháp này, dù nó từng được sử dụng cho cựu tổng thống Donald Trump. Sau vài phút nghiên cứu, nhân viên gọi lại và thông báo danh sách các bệnh viện hỗ trợ điều trị kháng thể. Tuần tiếp theo, Bellin được truyền dịch trong ba giờ và khoẻ hẳn, có thể chạy bộ trở lại.

Ông Bob Bellin, sinh sống tại Austin, Texas, nhiễm nCoV tháng 12/2020. Ảnh: WSJ
 

Ông Bob Bellin, sinh sống tại Austin, Texas, nhiễm nCoV tháng 12/2020. Ảnh: WSJ

Nghiên cứu vụn vặt, thuốc khó sử dụng

Khi đại dịch hoành hành, các nhà khoa học và công ty dược phẩm vội vã tìm kiếm phương pháp điều trị tiềm năng. Tuy nhiên, các nghiên cứu hầu hết là nhỏ lẻ, với ít tình nguyện viên. Đây cũng không phải lĩnh vực được chú trọng so với vaccine. Thực tế, tình trạng này tồn tại từ lâu.

Đợt bùng phát SARS năm 2003 và MERS năm 2012 làm dấy lên báo động về nhu cầu nghiên cứu virus. Tuy nhiên, sau khi dịch được kiểm soát, sự quan tâm lại chuyển về các loại thuốc tiềm năng sinh lời hơn, dành cho ung thư, viêm khớp dạng thấp hoặc viêm gan.

Từ năm 2000 đến 2017, tài trợ toàn cầu cho nghiên cứu liên quan đến virus corona là 500 triệu USD, tương đương 0,5% tổng chi phí cho bệnh truyền nhiễm ở giai đoạn này, theo phân tích của tạp chí Lancet.

Đến khi ra mắt, thuốc Covid-19 hầu hết khó sử dụng, hoặc chỉ hiệu quả trong từng giai đoạn nhất định. Một trong những loại thuốc đầu tiên được phê duyệt khẩn cấp là remdesivir. Các thử nghiệm năm 2014 cho thấy thuốc loại bỏ SARS (cùng họ với nCoV) khỏi phổi chuột nhiễm bệnh, hiệu quả trong giai đoạn mới phát bệnh.

Tuy nhiên, remdesivir không dễ dùng trên người, cần truyền tĩnh mạch và theo dõi vài ngày trong bệnh viện. Nhà sản xuất Gilead cho biết ở dạng viên, thuốc sẽ bị gan phân hủy trước khi đi đến máu.

Vì vậy, các nhà khoa học chuyển hướng nghiên cứu remdesivir trên các bệnh nhân nghiêm trọng, phải vào viện. Song ở thời điểm này, nồng độ virus của nhiều người đã giảm, dù cơ thể vẫn vật lộn với các tổn thương. Trong thử nghiệm lâm sàng, thuốc tăng thời gian phục hồi, nhưng không hiệu quả đáng kể tgiảm tử vong.

Thuốc men không đuổi kịp tốc độ đại dịch

Theo dữ liệu của công ty nghiên cứu thị trường Informa Pharma Intelligence, từ tháng 1/2020 đến tháng 6/2021, các hãng dược đã khởi động hàng nghìn thử nghiệm thuốc trên thế giới, 650 dự án diễn ra tại Mỹ. Song tất cả không đáp ứng kịp nhu cầu khẩn cấp hoặc tốc độ của đại dịch.

Janet Woodcock, quyền uỷ viên của FDA, thanh tra Chiến dịch Thần tốc, cho biết các thử nghiệm cạnh tranh để tìm kiếm tình nguyện viên. Điều này làm chậm quá trình nghiên cứu.

Trong số gần 3.000 nhóm thử nghiệm lâm sàng, tính đến tháng 11/2020, chỉ 5% đủ nghiêm ngặt để cung cấp dữ liệu thực tiễn, theo phân tích của tiến sĩ Woodcock hồi tháng 2 năm nay.

Bà cho biết: "Mọi người thường cho ra kết quả mang tính lý thuyết hoặc thử nghiệm rất nhỏ, chúng dễ gây hiểu lầm. Chúng ta không thể có dữ liệu nếu chưa tiếp cận một cách hệ thống hơn".

Các chuyên gia đang kiểm tra lô thuốc kháng thể Regeron điều trị Covid-19, tháng 5/2021. Ảnh: AP

Các chuyên gia đang kiểm tra lô thuốc kháng thể Regeron điều trị Covid-19, tháng 5/2021. Ảnh: AP

Các thử nghiệm tại Mỹ tốn nhiều công sức và thời gian, đòi hỏi bác sĩ thu thập dữ liệu từ hàng loạt bệnh nhân. Song, ở một điểm sáng khác, các nhà khoa học tại Đại học Oxford theo đuổi cách làm đơn giản, thực dụng hơn. Nghiên cứu có tên là Recovery, mang đặc tính của các thử nghiệm lâm sàng hiện đại, chẳng hạn so sánh thuốc với giả dược và tiến hành xét nghiệm máu đại trà để ước đoán tác dụng phụ. Các nhà khoa học nhanh chóng ghi danh được hàng nghìn tình nguyện viên.

Bên cạnh đó, các thử nghiệm của Viện Y tế Quốc gia Mỹ phụ thuộc nhiều vào trung tâm y tế học thuật. Trong khi đó, người mắc Covid-19 thường tập trung ở các bệnh viện cộng đồng hoặc công lập tại địa phương. Những nơi này không đủ trang thiết bị để thử nghiệm lâm sàng, dẫn đến sự chậm trễ.

"Chúng ta có hàng chục nghìn người nhập viện trên cả nước, nhưng họ không được ghi danh vào nghiên cứu", bà Woodcock nói.

Chính quyền Joe Biden gần đây cho biết sẽ chi 3,2 tỷ USD hỗ trợ phát triển thuốc kháng nCoV. Mỹ cũng có hơn 225 thử nghiệm lâm sàng, gồm các loại thuốc mới lẫn đã phê duyệt trước đây. Một vài phương pháp tiềm năng, cho thấy kết quả hứa hẹn.

Hai "ông lớn" là Merck và Pfizer đều đang thử nghiệm thuốc kháng virus có thể dùng tại nhà ngay sau khi nhiễm bệnh. Merck từng thất bại hồi tháng 4 khi sản phẩm của hãng không hiệu quả trên bệnh nhân nhập viện. Hãng tiếp tục thử nghiệm thuốc trên những người mới biểu hiện triệu chứng.

Tác giả bài viết: Thục Linh (Theo WSJ)

Nguồn tin: VNExpress