Tôn vinh 41 nhà nghiên cứu trong cuộc chiến Covid-19
- Thứ ba - 19/05/2020 10:31
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Lễ tôn vinh được Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức chiều 18/5. Trong số này có các nhà khoa học thuộc Học viện Quân y và Công ty cổ phần công nghệ Việt Á chỉ sau hơn một tháng được Bộ Khoa học và Công nghệ giao nhiệm vụ, đã nghiên cứu và sản xuất thành công kit xét nghiệm nCoV. Ở thời điểm đó, hầu hết các quốc gia trên thế giới gặp khó khăn trong việc xác định các ca nhiễm bệnh do thiếu kit.
Các nhà khoa học Việt Nam đã tạo ra hai loại kit chẩn đoán nCoV bằng kỹ thuật sinh học phân tử (RT-PCR và realtime RT-PCR), bào chế dưới dạng dung dịch, kiểm tra nCoV trong mẫu bệnh phẩm. Trừ thời gian xử lý mẫu và tách chiết, kit cho kết quả sau khoảng một giờ. Cuối tháng 3 Bộ Y tế đã cấp phép sản xuất đại trà và đến cuối tháng 4, kít xét nghiệm của Việt Nam được cấp phép tiêu chuẩn châu Âu. WHO sau đó cũng công nhận tiêu chuẩn kit của Việt Nam và cấp mã số danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL). Hiện kit này đủ tiêu chuẩn xuất khẩu toàn thế giới.
Nhóm các chuyên gia tiếp theo được tôn vinh đã phát huy nền tảng của Hệ tri thức Việt số hóa để xây dựng bản đồ vùng dịch sử dụng Vmap; phát hiện những người có nguy cơ lây nhiễm tại các điểm du lịch; xây dựng phần mềm khai báo y tế...
TS Đào Thị Thu Hà, một trong số 300 chuyên gia của nhóm này cho biết, "khi tham gia, tất cả chỉ cùng mong muốn có thể làm được một chút gì đó, dù rất nhỏ, cho thời điểm khó khăn đó của đất nước. Chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là với các bạn ở nước ngoài, nhất là các vấn đề về dữ liệu. Tôi biết một số nhóm bạn thức ngày đêm để làm mô hình, kiếm dữ liệu, đọc tài liệu, tôi rất khâm phục họ", TS Hà nói.
Các nhà nghiên cứu thuộc Học viện Kỹ thuật Quân sự cũng được tôn vinh trong dịp này vì đã sản xuất và thử nghiệm thành công sản phẩm robot hỗ trợ y tế VIBOT – 1a. Hiện robot được thử nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội, giúp giảm tải công việc cho đội ngũ y bác sỹ, giảm tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh, người nghi nhiễm bệnh, qua đó giảm lây nhiễm chéo.
Còn nhóm nghiên cứu Viện Ứng dụng Công nghệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã chế tạo và thử nghiệm thành công robot NaRoVid1 có tính năng lau khử khuẩn sàn nhà nhằm hỗ trợ, thay thế nhân viên y tế trong các khu vực cách ly điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội.
Theo Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, vừa qua là một thời gian rất đáng nhớ với giới khoa học Việt Nam, tinh thần khoa học mở trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực trực tiếp liên quan tới chống dịch.
Ghi nhận những đóng góp của các nhà khoa học, Bộ trưởng mong muốn sự chung sức trong trạng thái bình thường mới do Covid-19 đặt ra thách thức và cơ hội cho ngành khoa học công nghệ Việt Nam.
Ông cho biết, Bộ sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, nhằm tạo động lực cho việc ứng dụng các thành tựu, kết quả của nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ vào sản xuất, kinh doanh và triển khai có hiệu quả các chương trình nghiên cứu cơ bản lớn của quốc gia.