Trung Quốc: Nơi chất xám chảy ngược
- Chủ nhật - 07/01/2018 06:03
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Shi Yigong – nhà sinh học từ ĐH Princeton đã hồi hương và hiện là Phó Hiệu trưởng ĐH Thanh Hoa. Nguồn: nytimes.com
Năm 1978, Trung Quốc bắt đầu cử sinh viên và học giả đi du học với hy vọng bắt kịp khoa học và công nghệ phương Tây. Sau sự kiện Thiên An Môn và quyết định của Chính phủ Hoa Kỳ cho phép người Trung Quốc đại lục nộp đơn xin thường trú, số lượng người trở về giảm đột ngột và ngày càng có xu hướng khó kiểm soát. Kể từ năm 1978 đến năm 2010, Trung Quốc đã cử 1,9 triệu sinh viên và học giả đi du học, nhưng chỉ có 630.000 người trở về. Năm 2008, đã có 80.000 người Trung Quốc mua thẻ xanh và 40.000 người nhận quyền công dân Mỹ. Tám Hoa kiều nhận giải Nobel về khoa học cơ bản, năm trong số họ sinh ở Trung Quốc và hiện đang mang quốc tịch Mỹ, ngoại trừ Lý Viễn Triết từ Đài Loan. Truyền thông Ấn Độ gọi đây là “hiện tượng bò sữa”, ám chỉ một quốc gia đầu tư và một quốc gia khác hưởng lợi.
Thế nhưng kể từ sau năm 2008, chảy máu chất xám ở Trung Quốc bắt đầu có xu hướng được cải thiện. Nguyên nhân không chỉ do sự phát triển kinh tế của Trung Quốc trong những năm gần đây (đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng năm 2009, GDP Trung Quốc vẫn tăng trưởng 9%/năm) mà còn cả những nỗ lực và giải pháp mang tính khả thi của Chính phủ Trung Quốc trong thu hút – phát triển – giữ chân nhân tài.
Chính sách hồi hương
Khoảng hai thập niên sau chính sách mở cửa năm 1978, số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc vào năm 1995 cho thấy hơn một nửa sinh viên sau đại học đã không trở về khi kết thúc nghiên cứu. Trung Quốc sớm nhận ra những rủi ro tiềm tàng và đã triển khai ngay một số “chính sách hồi hương” trong những năm 1990: “Kế hoạch một trăm nhân tài” của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, Quỹ khoa học Thanh niên Kiệt xuất Quốc gia;… Tuy nhiên phải mãi đến năm 2008 khi Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động Chương trình tuyển dụng chuyên gia toàn cầu (hay còn được gọi là “Kế hoạch một ngàn nhân tài”) nhằm thu hút 2.000 nhân tài hải ngoại về Trung Quốc trong vòng 5 đến 10 năm tới, thì tình trạng chảy máu chất xám mới có những sự thay đổi tích cực.
Các học giả tham gia chương trình được nhận tiền lương lên tới 1 triệu NDT, gói tài trợ nghiên cứu 5 triệu NDT cùng nhiều lợi ích khác. Bên cạnh đó, các tỉnh và các trường đại học thường tài trợ thêm, ví dụ Đại học Công nghệ Nam Trung Quốc bổ sung cho những người tham gia chương trình các ưu đãi: mức lương cạnh tranh toàn cầu, hỗ trợ sinh hoạt phí 4,5 triệu NDT trong 3 – 5 năm, quỹ nghiên cứu khởi nghiệp trị giá 10 triệu NDT, nhà ở và bảo hiểm,…
Kết quả là số lượng giáo sư hồi hương trong giai đoạn 2008 – 2016 cao gấp 20 lần so với tổng số giáo sư quay lại trong ba thập kỷ từ 1978 – 2008. Tiến sĩ Shi Yigong, một trong những nhà sinh học phân tử ưu tú nhất ĐH Princeton, nằm trong số những người tiên phong trở về Trung Quốc trong “Kế hoạch một ngàn nhân tài”. Năm 2008, ông là công dân Mỹ nhưng đã từ chối gói tài trợ nghiên cứu 10 triệu USD để về phụ trách khoa học đời sống ở ĐH Thanh Hoa.
Cải cách giáo dục và tăng đầu tư cho khoa học
Tham vọng phát triển nền kinh tế tri thức để có thể chuyển từ “sản xuất ở Trung Quốc” trở thành “chế tạo ở Trung Quốc” đòi hỏi quốc gia này phải đảm bảo cho những người hồi hương có môi trường làm việc phù hợp . Vì thế Trung Quốc lên kế hoạch cải cách toàn diện hệ thống giáo dục và đầu tư không ngừng cho khoa học, công nghệ đi kèm với nhiều gói kích thích kinh tế và cơ hội phát triển nghề nghiệp.
Hai kế hoạch đầu tiên - dự án 211 (1995) và 985 (1998), đã giúp tăng rõ rệt chất lượng của khoảng 100 trường đại học hàng đầu. Nhưng các dự án này chỉ cải thiện các trường top đầu mà bỏ quên hơn 2000 trường đại học công lập khác, dẫn đến khoảng cách giáo dục giữa các vùng, giữa các trường được hỗ trợ và không được hỗ trợ ngày càng kéo rộng, do vậy không thay đổi được chất lượng giáo dục đại học ở Trung Quốc.
Tình hình chỉ được cải thiện khi đến năm 2008, Chính phủ khởi động Kế hoạch Phát triển Nhân tài Quốc gia trung và dài hạn (2010 – 2020), dự kiến phát triển nhân tài bền vững từ gốc, nghĩa là cải cách giáo dục từ mầm non, thu hẹp khoảng cách nông thôn – thành thị, phát triển văn hóa cho dân tộc thiểu số. Trong đó, giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học được đặt ở vị trí trung tâm: hàng ngàn trung tâm nghiên cứu nhằm nuôi dưỡng, ươm mầm tài năng được thành lập; tiến hành việc tuyển dụng nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài về giảng dạy trong trường đại học và nghiên cứu tại các tổ chức mới mở,… Cuối cùng, Trung Quốc đã thu được những quả ngọt đầu tiên, năm 1999 cả nước chỉ có ít hơn 30 trung tâm R&D của nước ngoài, đến năm 2014 con số này là hơn 1200.
Tuần hoàn chất xám
Trung Quốc sớm nhận ra họ có thể hưởng lợi từ việc các nhà khoa học và giáo sư gốc Trung ở nước ngoài dù không trở về nhưng vẫn đóng góp cho đất nước. Do vậy, đầu những năm 1992, Chính phủ Trung Quốc bắt đầu khuyến khích Hoa kiều trở về làm việc trong khoảng thời gian ngắn đến trung bình. Sau thành công từ chuyến về thăm quê hương của sinh viên Trung Quốc ở Đức năm 1996, chính sách “Tia sáng mùa xuân” bước vào giai đoạn thử nghiệm và đến năm 1997 được chính thức thực hiện để hỗ trợ tài chính cho Hoa kiều trở về trong các chuyến thăm ngắn hạn, trong đó chương trình trả vé máy bay chiều đi, còn các học giả có thể sử dụng các khoản trợ cấp nghiên cứu để trả tiền vé khứ hồi. Năm đầu tiên, đã có 600 học giả tham gia chương trình. Năm 2001, Trung Quốc thực hiện chính sách “Phục vụ đất nước” để học giả gốc Trung trở về đại lục vào dịp nghỉ hè và trả cho họ gấp năm lần mức lương họ đang nhận. Bộ Ngoại giao cũng đơn giản hóa các thủ tục nhập cảnh và cấp thị thực dài hạn để tạo điều kiện cho chuyên gia quốc tế đi lại dễ dàng. Các học giả được khuyến khích giữ vị trí chuyên môn ở cả Trung Quốc và nước ngoài, quay trở lại Trung Quốc để giảng dạy và trao đổi học thuật, nhận hoa hồng nếu tham gia dự án hợp tác giữa Trung Quốc và quốc tế...
***
Trong thời đại toàn cầu hóa, chính phủ không thể loại bỏ được chảy máu chất xám mà phải học cách chung sống, hạn chế các tác động tiêu cực và thậm chí có thể hưởng lợi từ đây nếu biết tận dụng đúng cách. Vì vậy bài học rút ra là các chính phủ cần cho những người ở hải ngoại thấy rằng họ có cơ hội được phát triển sự nghiệp khi trở về với Tổ quốc, xóa bỏ những định kiến và phân biệt đối xử với họ. Tiền hay những đãi ngộ cũng không phải là những thứ duy nhất mà họ đắn đo; muốn thu hút nhân tài, cần phát triển toàn diện chất lượng môi trường sống cũng như tháo gỡ những rào cản văn hóa xã hội để những người hồi hương cảm thấy thoải mái khi sống ở quê nhà.
Minh Thuận tổng hợp