Ứng dụng tế bào gốc trong điều trị ung thư, bệnh mạn tính

Ứng dụng tế bào gốc trong điều trị ung thư, bệnh mạn tính
Tế bào gốc không có khả năng diệt tế bào ung thư nhưng có thể tái tạo tế bào, mô bị tiêu diệt trong quá trình hóa, xạ trị.

PGS Phạm Văn Phúc, Viện trưởng Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học quốc gia TP.HCM khẳng định công nghệ tế bào gốc sẽ hỗ trợ tối đa trong điều trị bệnh hiểm nghèo nhưng không có khả năng diệt tế bào ung thư.

Đối với ung thư và các bệnh mạn tính, tế bào gốc có thể ứng dụng tái tạo những tế bào, mô, cơ quan ung thư bị tiêu diệt bởi các tác nhân trị ung thư, như phẫu thuật, hóa, xạ trị. 

Đối với ung thư máu, các tế bào miễn dịch bị ung thư (tăng sinh không kiểm soát tạo các tế bào miễn dịch không chức năng). Để điều trị, người ta sẽ sử dụng các tác nhân như hóa trị để tiêu diệt các tế bào ung thư và dùng tế bào gốc để tái tạo hệ thống tạo máu của bệnh nhân.

Cán bộ kỹ thuật nghiên cứu tế bào gốc tái tạo hệ thống tạo máu của bệnh nhân. Ảnh: T. Hằng.

Cán bộ kỹ thuật nghiên cứu tế bào gốc tái tạo hệ thống tạo máu của bệnh nhân. Ảnh: T. Hằng.

Tuy nhiên thời gian qua nhiều thông tin về tế bào gốc được quảng cáo, hiểu sai lệch so với thực tế. Tác dụng, vai trò, hiệu quả sử dụng tế bào gốc được phổi phồng, bóp méo đáng kể. Điều này đã gây hiểu lầm, hiểu sai về tế bào gốc ở nhiều người và gây những phản cảm nhất định.

Để có thể khai thác tối đa lợi ích từ công nghệ này, tại nhiệm vụ đánh giá hiện trạng, năng lực và khả năng nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ tế bào gốc trong lĩnh vực y - dược và nông nghiệp ở Việt Nam, PGS Phúc đề xuất định hướng đến năm 2030 tại Việt Nam cần xây dựng trung tâm sản xuất thử nghiệm tế bào gốc. 

Hiện nay kết quả nghiên cứu từ các phòng thí nghiệm, viện, trung tâm tế bào gốc  có mức độ sẵn sàng công nghệ rất thấp. Đây là một trở ngại lớn cho việc chuyển giao kết quả cho các doanh nghiệp phát triển các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm. "Nếu có các trung tâm sản phẩm thử nghiệm quy mô pilot sẽ giúp nâng mức sẵn sàng công nghệ chuyển giao cho doanh nghiệp", PGS Phúc nói.

PGS Phạm Văn Phúc tại phòng nghiên cứu. Ảnh: NVCC.

PGS Phạm Văn Phúc tại phòng nghiên cứu. Ảnh: NVCC.

Nhóm nghiên cứu cũng kiến nghị các bộ ngành cần có chiến lược tổng thể (hay chiến lược quốc gia) về phát triển và ứng dụng công nghệ tế bào gốc ở Việt Nam, trong đó việc xây dựng hành lang pháp lý cho nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc là điều tiên quyết để thu hút sự đầu tư ở khu vực ngoài nhà nước, để tạo việc làm, tạo động lực cho sự phát triển và phát triển bền vững.

Nhiệm vụ nghiên cứu thuộc Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý.

Để biết thêm thông tin chi tiết về các Chương trình khoa học và công nghệ có thể liên hệ Văn phòng các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia:

Địa chỉ: Số 113 Trần Duy Hưng, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội

Điện thoại: (84.24) 3.5551.726 

Email: vpctqg@most.gov.vn                       

Website: http://www.vpctqg.gov.vn

Tác giả bài viết: Bích Ngọc

Nguồn tin: VNExpress