VINATOM: Bước tiến mới về năng lực khoa học
- Thứ tư - 05/01/2022 19:24
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Giáo sư Phạm Duy Hiển bên nhóm nghiên cứu khai thác kênh ngang số ba trên lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Nguồn: VINATOM.
Mặc dù đều là người trong cuộc nhưng tại hội nghị tổng kết công tác năm 2021, diễn ra vào ngày 30/12/2021, hầu hết thành viên VINATOM đều cảm thấy bất ngờ trước những kết quả từ nhiều nhiệm vụ KH&CN mà Viện đạt được trong năm gặp nhiều khó khăn do COVID-19: hoàn thành hồ sơ yêu cầu cho nhiệm vụ Lập báo cáo nghiên cứu khả thi và hồ sơ phê duyệt của Dự án Trung tâm KH&CN hạt nhân QG; nghiên cứu đưa kênh ngang số một trên lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt để lần đầu tiên đưa vào sử dụng; vận hành 4.000 giờ an toàn và hiệu quả lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, điều chế 1.002 Ci đồng vị phóng xạ, cung cấp cho các bệnh viện trong nước với tần suất một tuần/lần; nghiên cứu điều chế thành công vi cầu phóng xạ 90Y để điều trị bệnh ung thư gan nguyên phát và thứ phát; thiết kế chế tạo thành công robot FMI khảo sát ngập lụt chân đế giàn khoan bằng phương pháp gamma truyền qua; thiết kế và chế tạo thành công hệ thiết bị quan trắc tự động hiện trường hai đồng vị phóng xạ 134Cs và 137Cs trong môi trường nước biển; ứng dụng thành công phần mềm FLEXPART trong tính toán mô phỏng phát tán chất phóng xạ trong môi trường không khí khi có sự cố hạt nhân giả định…
Việc thực hiện những nhiệm vụ KH&CN này đã góp phần đem lại năng lực mới cho các nhóm nghiên cứu của VINATOM khi có được 68 công trình công bố quốc tế (61 trên tạp chí ISI) mà theo nhận xét của PGS. TS Phạm Đức Khuê, Viện trưởng Viện KH&KT hạt nhân “mặc dù ảnh hưởng của COVID nhưng VINATOM vẫn giữ được nhịp độ làm việc như những năm trước. Tuy về số lượng công bố quốc tế cũng bị suy giảm một chút so với hai năm 2020 và 2021 nhưng vẫn nhiều hơn năm 2019”. Một trong những cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm 2021 của VINATOM là TS trẻ Nguyễn Ngọc Anh (Viện Nghiên cứu hạt nhân) là tác giả chính và đồng tác giả 7 công bố đăng trên tạp chí quốc tế uy tín thuộc danh mục ISI.
Những gì đạt được trong năm 2021 không chỉ có vậy. Trong bối cảnh các hoạt động sản xuất, chế biến nói chung và các dịch vụ chiếu xạ, dịch vụ NDT (đánh giá không phá hủy), dịch vụ an toàn bức xạ… nói riêng đều bị thu hẹp thì các cơ sở R&D của VINATOM tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Lạt… đều nỗ lực áp dụng nhiều giải pháp ứng phó với tình hình mới. Ví dụ, trong thời gian từ tháng 5 đến hết tháng 10/2021, tình hình dịch bệnh ở TP.HCM khiến công việc đi lại, đo đạc hiện trường và triển khai dịch vụ không thể triển khai nhưng Trung tâm hạt nhân TPHCM tập trung vào xây dựng phòng thí nghiệm phân tích hoạt độ phóng xạ thấp, thiết lập trường chuẩn liều đối với bức xạ gamma và tia X…, bước chuẩn bị quan trọng để triển khai các dịch vụ an toàn bức xạ trong thời gian tới.
Tuy vậy, tổng doanh thu từ các hoạt động này tăng nhẹ so với năm trước với hơn 320 tỷ đồng. Điều mà các thành viên VINATOM cảm thấy tự hào không phải vì duy trì được doanh thu trong bối cảnh khó khăn mà là ở những thời điểm thách thức như vậy, họ vẫn giữ được trách nhiệm xã hội của mình. “Trong năm 2021, do tình hình dịch bệnh nên các cơ sở y tế phía Nam không nhận bệnh nhân ngoại trú, nhân lực dành cho điều trị bệnh nhân ung thư bị giảm sút nên nhu cầu đồng vị phóng xạ thấp. Đây là lý do khiến lượng đồng vị của Viện Nghiên cứu hạt nhân cung cấp thấp hơn mọi năm, thậm chí ở một số tháng giãn cách xã hội, nhu cầu sử dụng đồng vị rất thấp. Viện vẫn kiên trì duy trì công việc này dù xét về bài toán kinh tế, Viện phải chịu lỗ. Chúng tôi hiểu rằng đây không phải là bài toán kinh tế mà là bài toán xã hội”, TS. Cao Đông Vũ, Phó Viện trưởng phụ trách báo cáo.
Tại lễ tổng kết, TS.Trần Chí Thành, Viện trưởng VINATOM, cho rằng những bước tiến về mặt khoa học là cơ sở để hướng đến chủ đề của năm 2022 “Triển khai nghiên cứu khả thi (FS) Dự án lò nghiên cứu mới, phát triển nguồn nhân lực và năng lực khoa học các hướng nghiên cứu liên quan” .