VR3D: Đưa công nghệ ảo vào đời thực

VR3D: Đưa công nghệ ảo vào đời thực
Trên thế giới, bảo tồn các di sản bằng công nghệ 3D đã rất phổ biến trong khoảng 10 năm trở lại đây. Do thiếu một nền tảng công nghệ, các dữ liệu này không thể chia sẻ rộng rãi để cộng đồng cùng chung tay nghiên cứu, bảo tồn hoặc chỉ chia sẻ những file có chất lượng thấp. Tuy nhiên, công nghệ VR3D của Nguyễn Trí Quang, phát triển từ khi 15 tuổi có thể giải quyết được vấn đề này.

 


Con báo đá ở Phủ Dầy, Nam Định trên VR3D. Người xem có thể xoay, lật, thu nhỏ, phóng to để quan sát như đến tận nơi chiêm ngưỡng. Ảnh: VR3D.vn

Cuối năm lớp 9, Quang quyết định…bỏ học để tập trung vào việc phát triển nền tảng cho phép mọi người xem các mô hình 3D trên trình duyệt web của máy tính để bàn và điện thoại di động mà không cần cài thêm ứng dụng nào. Với những học sinh Hà Nội khác, quyết định này là bất thường, nhưng với Quang, đó lại là điều có thể hiểu được. Sinh ra trong một gia đình làm nghề chế tác đồ thủ công mỹ nghệ, Quang tiếp xúc vàđược hướng dẫn sử dụng máy quét 3D từ cách đây gần 10 năm để hỗ trợ việc sưu tầm và tạo mẫu của gia đình. Khi được giao cho việc thiết kế web để giới thiệu công ty và các sản phẩm của gia đình lên internet, Quang nảy ra ý tưởng đưa hẳn các file 3D đã quét lên cho sinh động. Nhưng file 3D vốn đòi hỏi phần mềm chuyên dụng và máy tính cấu hình cao mới có thể xem được. Hơn nữa, cách đây sáu năm, không sẵn có các nền tảng để chia sẻ và xem các file 3D một cách dễ dàng trên internet. Đó là lí do mà VR3D ra đời.

Tương tự như các nền tảng chia sẻ file 3D miễn phí trên web như Sketchfab (Pháp) và Clara.io (Canada) mở ra trong vài năm trở lại đây, VR3D được phát triển dựa trên nền tảngHtml5 và công nghệ WebGL (một giao diện lập trình ứng dụng website – API) cho phép hiển thị và tương tác với file 3D trên các trình duyệt web mà không cần phải cài thêm plug-in. Tuy nhiên, khác với hai doanh nghiệp trên, chỉ tạo ra một nền tảng chia sẻ chung giữa những nhà thiết kế đồ họa 3D, định hướng của Quang là phát triển vô số các giải pháp dựa trên VR3D tùy biến với nhu cầu thực tế của từng khách hàng không chuyên,  từ tạo mô hình 3D của một mẫu trưng bày nhỏ cho đến một công trình, không gian lớn. Vì vậy, Quang kết hợp kinh nghiệm xử lý file 3D lâu năm (tối ưu những cái “nho nhỏ” từ màu sắc, hình khối...) và tự phát triển công nghệ nén tích hợp vào VR3D, đảm bảo dung lượng file tải lên internet giảm nhiều lần nhưng vẫn giữ nguyên chất lượng của file gốc và chạy “mượt” ngay cả trên các thiết bị cấu hình thấp. Quang từ chối cho biết tên cụ thể nhưng tiết lộ rằng đã nhận được đề nghị chuyển giao từng phần công nghệ của một số công ty nước ngoài.
Tiềm năng lớn...

Nhiều người biết đến VR3D với bộ sưu tập linh vật Việt trên internet lên đến gần hai trăm mẫu, được quét 3D từ các chi tiết kiến trúc tại các di tích lịch sử của Việt Nam mà Quang tới thăm. Người xem có thể xoay, lật, phóng to, thu nhỏ các hình ảnh này và cảm thấy như được trực tiếp ngắm các hiện vật ở ngoài đời thực. Các mô hình 3D có ưu thế vượt trội so với ảnh và video trong việc bảo tồn và phục dựng di sản vì có thể đạt đến độ chính xác rất cao từ kích thước, màu sắc đến hiện trạng nứt, vỡ, xước của các công trình. Người bảo tồn có thể dựa vào đó để khôi phục chính xác những phần bị hư hỏng của vật thật trong tương lai. Hơn 10 năm trở lại đây, một loạt các tổ chức phi chính phủ và các nhà nghiên cứu trên thế giới rơi vào một cuộc “chạy đua” quét 3D các di sản văn hóa của thế giới trước khi nó bị tàn phá bởi những cuộc nội chiến, thiên nhiên hoặc bởi sự quên lãng của cộng đồng. Tuy nhiên, vì không có nền tảng công nghệ hỗ trợ, các dữ liệu số hóa này không được chia sẻ rộng rãi hoặc chỉ có thể chia sẻ các dữ liệu có chất lượng rất thấp. Nhưng công nghệ của Quang có thể giải quyết được vấn đề này. Nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Trần Hậu Yên Thế nhận định: “VR3D của Trí Quang có ưu điểm online nên tư liệu đến được với rất nhiều người. Mọi người cần xem và cần dừng chỗ nào tùy ý”.Nhiều hiện vật cổ đã được tái dựng lại từ nguồn dữ liệu của VR3D. Ví dụ, nhà điêu khắc Nguyễn Đức Vũ đã phục dựng thành công con nghê gỗ phủ sơn được đặt ở đền thờ Lê Thánh Tông (đã bị hư hỏng nặng và hiện nay đang trưng bày ở bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) dựa trên những hình ảnh 3D trên VR3D.

Bên cạnh đó, các file 3D có thể dễ dàng chuyển thành các file thực tế ảo (Virtual Reality - VR), cho phép người xem có thể bước vào một không gian sống, đi đứng, tương tác với các hiện vật trong đó như trong không gian thực hoặc chuyển thành các file thực tế tăng cường (Argumented Reality - AR), cho phép các hình ảnh 3D ảo hiện lên giữa không gian thực. Hiện tại, nền tảng VR3D của Quang hỗ trợ hiển thị cả AR và VR, cho phép người dùng không phải đầu tư những thiết bị đắt tiền mà trải nghiệm trên điện thoại mà trải nghiệm được ngay trên web, không cần cài các ứng dụng. Hiện nay, một số bảo tàng lớn trên thế giới đã sử dụng công nghệ AR, cho phép người tham quan đưa điện thoại gần một hiện vật và sẽ thấy các thông tin nổi lên trên hiện vật đó nhưng họ cần cài thêm ứng dụng di động mới có thể xem được.

Nhưng thương mại hóa thế nào?

Do các công ty phát triển nội dung 3D hoặc VR ở Việt Nam quá hiếm hoi, Quang hướng tới khách hàng trong lĩnh vực như bất động sản, thương mại điện tử hoặc giáo dục muốn quảng bá hoặc làm sản phẩm dưới dạng thực tế ảo hoặc 3D.Quang tự tin về giải pháp “trọn gói” từ quét cho đến hoàn thiện mẫu vật 3D của mình không chỉ tự chủ, linh hoạt về phần mềm mà còn ở phần cứng với kinh nghiệm của mình hơn 10 năm phối hợp, tùy chỉnh nhiều loại thiết bị quét 3D sao cho phù hợp với nhu cầu sử dụng.

Mặc dù VR3D là công nghệ đầy hứa hẹn nhưng để thương mại hóa ở quy mô lớn là một bài toán khó. Hiện nay, thời gian để xử lý hoàn thiện một hiện vật để đưa lên website trung bình là ba ngày. Còn với một công trình, quy trình này có thể diễn ra vài tháng (chẳng hạn như Đình Tiền Lệ trên website của VR3D mà Quang chia sẻ là công trình 3D lớn đầu tiên của mình, với nhiều bước “thử và sai” được thực hiện trong vòng 4 tháng). Anh Hoàng Quốc Việt, CEO của công ty Vietsoftpro, chuyên hỗ trợ số hóa các bảo tàng và di tích bằng phương pháp chụp ảnh 2D hoặc 360 chia sẻ, Quang phải đẩy nhanh tốc độ hơn bây giờ rất nhiều, nhu cầu của các bảo tàng là phải số hóa hàng vạn hiện vật trong vòng một năm hoặc các khu di tích rộng hàng trăm ha trong vòng một, hai tháng.

Hơn thế nữa, VR, AR là hai lĩnh vực còn xa lạ với cả thị trường trong và ngoài nước. Trong hội nghị Innovatube tổ chức hôm 30/7 vừa qua, Trịnh Tùng Anh, người sáng lập Lapentor – một startup cung cấp giải pháp chụp ảnh 360 chất lượng cao, cho người xem trải nghiệm đầu tiên về thực tế ảo, cho biết, các công ty trong lĩnh vực VR, AR rất khó để bước chân vào các lĩnh vực đặc thù như bất động sản, giáo dục, y tế... nếu người sáng lập không có hiểu biết sâu sắc, hoặc chưa từng làm việc trong những ngành đó.

Thừa nhận rằng, mặc dù về nền tảng tương tác đã khá vượt trội, nhưng quy trình tạo ra nội dung 3D vẫn còn nhiều bước thủ công, hơn một năm qua, Trí Quang đã tập trung vào việc tăng tốc quá trình tạo nội: thiết kế hệ thống quét tự động, viết phần mềm xử lý các công đoạn... để tạo mô hình 3D từ vật thật hàng loạt: “Tôi nghĩ giải pháp mới của VR3D nếu được ứng dụng rộng rãi có thể trở thành một thế mạnh riêng của Việt Nam mình trongnhiều lĩnh vực, đặc biệt là thương mại điện tử. Các ông lớn thương mại điện tử trên thế giới cũng chưa có ứng dụng này”.

Tác giả bài viết: Hảo Linh

Nguồn tin: Tia Sáng