Vì sao Viện hàn lâm Khoa học Xã hội ít có nghiên cứu công bố quốc tế

Vì sao Viện hàn lâm Khoa học Xã hội ít có nghiên cứu công bố quốc tế
Lo ngại ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, khoảng cách về chế độ chính trị và sự liên thông trong khoa học xã hội không dễ dàng là những lý do được lãnh đạo Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nêu ra khi có ít nghiên cứu công bố quốc tế.

Trong buổi họp báo làm rõ thông tin "lò sản xuất tiến sĩ" gây nóng mạng xã hội, Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cũng lý giải tại sao số lượng nghiên cứu được công bố quốc tế của viện lại thấp.

Theo thông tin công bố trên Web of Science trong năm 2015, Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chỉ công bố 3 bài báo ISI, chiếm 1,15% tổng số bài báo ISI trong cùng lĩnh vực của Việt Nam, trong khi tỷ lệ này của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam là 19,32%, Trưởng ban quản lý khoa học Trần Thị An cho rằng đó là thống kê chưa đầy đủ.

Bà cho biết, năm ngoái trên một diễn đàn chính thức của Bộ Khoa học và Công nghệ có thông tin số lượng bài đăng trên tạp chí quốc tế của Viện rất ít. Ngay sau đó, Viện đã thống kê lại toàn bộ và cho kết quả chưa đầy đủ là giai đoạn 2011-2015 Viện có khoảng 400 xuất bản phẩm quốc tế ở nhiều dạng. Trong đó, có một số được xếp vào ISI và một số thì không.

Theo bà An, việc công bố quốc tế của khoa học xã hội ít hơn khoa học công nghệ và tự nhiên là tình trạng chung toàn cầu, không riêng gì Việt Nam. Sự liên thông giữa khoa học tự nhiên nhanh và dễ dàng hơn khoa học xã hội. Hơn nữa, nghiên cứu xã hội có những khoảng cách về chế độ chính trị nên để đăng trực tiếp không dễ dàng như khoa học tự nhiên.

vi-sao-vien-han-lam-khoa-hoc-xa-hoi-it-co-nghien-cuu-cong-bo-quoc-te

Trưởng ban quản lý khoa học Trần Thị An. Ảnh: HT

GS Vũ Dũng, Viện trưởng Tâm lý học cho biết, trong các kỳ họp Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước cũng bàn đến công bố quốc tế và khẳng định đây là xu hướng đúng, đáp ứng nhu cầu hội nhập. Tuy nhiên, Hội đồng cũng thấy được khó khăn của ngành khoa học xã hội, bởi với khoa học tự nhiên công bố quốc tế đơn giản, nhưng khoa học xã hội việc công bố cần cân nhắc có ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia hay không. Ví dụ ngành an ninh, quân sự, dân tộc học, tôn giáo, kể cả tâm lý học hay khảo cổ học, việc công bố quốc tế đều phải tính đến làm sao đảm bảo tính khoa học nhưng không ảnh hưởng lợi ích quốc gia.

"Tôi là chủ nhiệm 3-4 đề tài cấp nhà nước nghiên cứu về dân tộc ở Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ, nhưng không đăng bài báo quốc tế nào mặc dù số liệu rất hay vì nếu đăng thì không có lợi cho quốc gia", ông nói và nhấn mạnh phải đăng bài báo như thế nào để hòa nhập với quốc tế nhưng không ảnh hưởng lợi ích chung. Đó là nguyên nhân tại sao khoa học xã hội ít bài báo quốc tế hơn khoa học tự nhiên.

Trước thông tin một số đại học bỏ tiền cho nghiên cứu sinh đăng bài trên tạp chí quốc tế, GS Võ Khánh Vinh (Giám đốc Học viện Khoa học Xã hội) cho rằng Hội đồng giáo sư nhà nước cũng bàn về vấn đề này, nhưng khẳng định đây chỉ là một trong số chỉ tiêu để đánh giá chất lượng sản phẩm nghiên cứu.

"Dù là một tiêu chí thôi nhưng hiện Học viện có ý tưởng tới đây tìm các nguồn lực lập quỹ hợp pháp đầu tư cho nghiên cứu sinh giỏi, có bài đăng ở tạp chí nước ngoài, nhưng chúng tôi cũng phải xem lĩnh vực nghiên cứu là gì. Nếu là an ninh quốc gia, tôn giáo, dân tộc, nhân quyền... thì không phải đơn giản", ông nói và cho rằng ở Việt Nam đăng bài báo thì có tiền nhuận bút, còn ở nước ngoài muốn đăng phải nộp tiền (chưa kể có năng lực để viết hay không).

Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, ông Phạm Văn Đức cho rằng nếu đầu tư 100 triệu để đăng bài báo quốc tế thì nên dành cho những đề tài nghiên cứu có giá trị thực tiễn.

"Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước cũng đặt câu hỏi có nên đầu tư đăng bài báo quốc tế không? Nhưng rồi lại đặt câu hỏi những bài đăng trên tạp chí phục vụ cho ai? Cuối cùng nhiều người thống nhất nghiên cứu khoa học trước hết phải phục vụ phát triển kinh tế xã hội cho Việt Nam rồi mới đến hội nhập quốc tế", GS Vũ Dũng giải thích. 

Trước đó một người dùng Facebook phân tích Học viện Khoa học Xã hội (Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) sản xuất tiến sĩ với năng suất năm 2015 là một ngày 3 giờ 55 phút cho ra đời một tiến sĩ khiến nhiều người bất ngờ. Chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo tiến sĩ 2016 tại cơ sở này là 350. "Vài năm sau, nếu tính rơi rụng 50 nghiên cứu sinh thì chắc sẽ ra lò 300 tiến sĩ một năm, tức sẽ nhanh chóng vượt đích cho ra lò dưới một ngày làm việc một tiến sĩ", vị này nhận xét.

Nhiều người cho rằng việc đào tạo tiến sĩ nhanh và dễ dàng như thế cho thấy chất lượng các nghiên cứu không đảm bảo.  

Hoàng Thùy

Nguồn tin: VNExpress