Việt Nam xếp hạng 56 thế giới về R&D và đổi mới sáng tạo
- Thứ bảy - 02/12/2017 03:36
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Xếp hạng các chỉ số thành phần GKI của Việt Nam
Chỉ số GKI giúp các quốc gia “đo lường” tri thức
GKI là một nghiên cứu nằm trong một dự án thúc đẩy sự phát triển của tri thức giữa UNDP và Quỹ Tri Thức MBRF. Nhóm dự án gồm hơn 7 chuyên gia nghiên cứu chính trong từng lĩnh vực và một hội đồng 12 chuyên gia trong tổ tư vấn cao cấp thuộc các lĩnh vực KH&CN, đổi mới sáng tạo và phát triển đến từ các viện nghiên cứu hàng đầu về KH&CN như Viện nghiên cứu chính sách và KH&CN UNU-MERIT, Đại học Maastricht (Hà Lan), Đại học Lund (Thụy Điển), các tổ chức quốc tế như Worldbank, UNDP và các doanh nghiệp lớn tại các quốc gia phát triển (PwC).
Đây được xem là một trong những nỗ lực tiên phong nhằm đo lường khái niệm “tri thức” của từng quốc gia trên thế giới, nó đặc biệt có ích trong bối cảnh rất nhiều các nền kinh tế thuộc nhóm thu nhập trung bình và thấp đang tìm cách bắt kịp với các nên kinh tế phát triển thông qua những cải cách về chính sách KHCN và giáo dục. Chỉ số này cũng là một công cụ đo lường giúp cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định chính sách trong việc thúc đẩy sự phát triển của tri thức, KH&CN và đổi mới sáng tạo, làm nền tảng cho những mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững.
Chỉ số tri thức GKI gồm bảy chỉ số thành phần, bao gồm i) giáo dục cơ sở, ii) đào tạo nghề, iii) giáo dục đại học và sau đại học, iv) nghiên cứu phát triền và đổi mới công nghệ, v) công nghệ thông tin và truyền thông, vi) sự phát triển, mức độ hội nhập và tính cạnh tranh của nền kinh tế nói chung, và vii) những yếu tố về thể chế, môi trường nhằm hỗ trợ cho sự phát triển của tri thức. Mỗi chỉ số thành phần sau đó được xây dựng dựa trên một loạt các chỉ số cơ sở khác. Tổng cộng, chỉ số tri thức GKI được xây dựng dựa trên 133 chỉ số cơ sở, tổng hợp nên bảy chỉ số thành phần vừa nêu.
Việc tính điểm xếp hạng các quốc gia trong lĩnh vực R&D và đổi mới sáng tạo của chỉ số GKI dựa trên ba yếu tố là số lượng công bố khoa học, chất lượng các cơ sở nghiên cứu khoa học và tỷ lệ bằng phát minh sáng chế trên tổng dân số. Với số liệu do tổ tư vấn cao cấp gồm các chuyên gia của các viện nghiên cứu hàng đầu như Viện nghiên cứu chính sách và KHCN (UNU-MERIT), Đại học Maastricht (Hà Lan), Đại học Lund (Thụy Điển), các tổ chức quốc tế (World Bank, UNDP), các doanh nghiệp lớn tại các quốc gia phát triển (PwC) cung cấp, người ta đã xác định được thứ hạng của Việt Nam ở từng mục: hạng 104 về tổng số công bố quốc tế, hạng 86 về chất lượng của các cơ sở nghiên cứu khoa học, hạng 85 về tỷ lệ trung bình bằng phát minh, sáng chế trên tổng dân số.
Theo bảng xếp hạng này, Thụy Sĩ, Singapore, Phần Lan, Thụy Điển, Hà Lan là những quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng. Đáng chú ý, Singapore là đại diện Châu Á duy nhất nằm trong top 10 của bảng xếp hạng (đứng thứ 2), vượt cả Nhật Bản (xếp hạng thứ 14) và Hàn Quốc (xếp hạng thứ 19).
Các chỉ số khiêm tốn của Việt Nam
Theo cách xếp hạng này, Việt Nam đứng thứ 64/131 các nền kinh tế được xếp hạng, nằm cùng nhóm với Lebanon (Tây Á) và Georgia (giao giữa Đông và Tây Âu).
Các chỉ số thành phần GKI của Việt Nam đều ở mức khiêm tốn: xếp hạng 56 về R&D và đổi mới sáng tạo, hạng 77 về công nghệ thông tin truyền thông, hạng 47 về giáo dục cơ sở, hạng 74 về dạy nghề, hạng 101 về giáo dục đại học và sau đại học, hạng 56/131 nước về thể chế môi trường tạo điều kiện cho việc phát triển tri thức. Tín hiệu tích cực nhất đối với Việt Nam trong các chỉ số thành phần này là xếp hạng về môi trường vĩ mô: đứng thứ 32/131 quốc gia. Mặc dù còn nhiều thách thức, Việt Nam được xếp hạng là một nền kinh tế mở với sự hội nhập sâu rộng về thương mại và tỉ trọng của thương mại, đặc biệt là thương mại công nghệ cao. Tuy nhiên đáng chú ý là phần lớn sản phẩm công nghệ xuất khẩu của Việt Nam là từ các cơ sở lắp ráp của các tập đoàn thiết bị điện tử lớn tại Việt Nam.
Những chỉ số cơ sở khác của Việt Nam cũng đáng quan tâm, bao gồm tính hiệu quả và chất lượng của hệ thống ngân hàng hạng 108, tỉ lệ lao động có tay nghề cao trong tổng nguồn cung lao động hạng 103, sự có mặt của những công nghệ mới nhất tại Việt Nam hạng 108, chỉ số về hoạt động kinh doanh của giới doanh nhân xếp thứ 80.
Thuận lợi lớn nhất mà Việt Nam có được là có một nguồn cung dồi dào về nguồn nhân lực lao động trong lĩnh vực KH&CN khi xếp thứ 40 thế giới. Nếu chất lượng của các cơ sở nghiên cứu khoa học và cơ sở giáo dục đại học trong nước được cải thiện trong tương lai thì nguồn nhân lực này sẽ là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế đất nước.
Mặc dù là một chỉ số mang tính tổng hợp, GKI cũng cung cấp rất nhiều thông tin hữu ích khi phân tích chi tiết các chỉ số thành phần cấu thành nên chỉ số này. Trên lĩnh vực giáo dục, vấn đề tụt hậu của giáo dục đại học và sau đại học trong tương quan với giáo dục cơ sở của Việt Nam được thể hiện rất rõ nét. Cụ thể giáo dục cơ sở xếp hạng thứ 47 trong khi giáo dục đại học và sau đại học chỉ đứng ở vị trí 101. Phát hiện này hoàn toàn thống nhất với ý kiến của những chuyên gia giáo dục tại Việt Nam, đồng thời một lần nữa khẳng định nhu cầu cải cách hệ thống giáo dục đại học để bắt kịp với thế giới. Bên cạnh đó, điều này cũng giúp lý giải vì sao Việt Nam liên tiếp xếp thứ hạng cao trong nghiên cứu PISA của tổ chức Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển của các quốc gia thịnh vượng OECD vì nghiên cứu PISA chỉ tập trung nghiên cứu và đánh giá bậc giáo dục cơ sở mà không tính đến những bậc cao hơn. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực đào tạo nghề, những chỉ số về nguồn cung các cơ sở dạy nghề, chất lượng của bằng cấp là những chỉ số Việt Nam xếp hạng rất thấp (trên 100/133).