Việt kiều mong muốn TP HCM phải là chính quyền mạnh
- Thứ bảy - 12/11/2016 15:14
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tại hội nghị chuyên đề Kiều bào với các vấn đề phát triển bền vững của TP HCMngày 12/11, GS Kiều Linh Caroline Valverde (Việt kiều Mỹ, giảng dạy tại Đại học UC Davis) - người dành nhiều thời gian nghiên cứu mối quan hệ giữa Việt Nam và cộng đồng Việt kiều - cho biết, khi còn là thanh niên bà không biết một từ tiếng Việt và hoàn toàn mù mịt về nơi mình sinh ra. Vào đại học, dù xác định mình là người Mỹ nhưng không hiểu sao bà vẫn thấy khác với bạn bè xung quanh.
"Từ đó tôi nhìn lại mình, nhìn lại cuộc đời qua những tấm ảnh cũ, giúp tôi nhận ra gốc tích của mình. Nhiều người hỏi tôi là người Mỹ hay người Việt Nam, tôi trả lời mình 100% người Mỹ nhưng cũng 100% nước mắm. Nếu tiếng Việt của tôi không chuẩn thì xin quý vị rộng lòng tha thứ, vì một phần nào đó do biến động của tuổi thơ tôi", bà Linh nói trong tràng vỗ tay của hàng trăm đại biểu dưới hội trường.
"Nếu mình mặc kệ không nuôi dưỡng nhân tài thì khác nào để tương lai vào vận may như một hòn bi lăn trên vòng quay. Ngược lại, nếu có một chính sách tốt sẽ kêu gọi người Việt Nam khắp mọi nơi xây dựng đất nước tươi sáng hơn. Nếu mình quyết tâm sẽ đưa Việt Nam trở thành ngôi sao sáng trong cộng đồng thế giới", bà Linh chia sẻ.
GS Kiều Linh Caroline Valverde (trái) chia sẻ, từng con đường, từng góc phố Việt Nam như mời gọi bà trở về xây dựng quê hương. Ảnh: Trung Sơn |
Nêu quan điểm của mình, ông Nguyễn Đỗ Dũng (Việt kiều Singapore) nói rằng, hiện có một thế hệ 100% "nước mắm" về tâm hồn, 100% "Thánh Gióng" về khát khao và 100% "quốc tế" về ý tưởng, gồm nhiều người Việt Nam học tập và làm việc ở nước ngoài, có tâm huyết muốn đóng góp cho Việt Nam.
Theo ông Dũng, muốn dẫn đầu thì TP HCM cần một chính quyền mạnh để có chính sách tốt, quy hoạch thông minh. Tất cả điều này dựa trên nền tảng một xã hội mở, xã hội tri thức và cộng đồng mở.
"TP HCM đã sẵn sàng để trở thành thành phố dẫn đầu hay chưa?", ông Dũng đặt vấn đề và thẳng thắn: "Chính quyền thành phố dù có tầm nhìn nhưng chưa thể hiện được sự khao khát của lãnh đạo, của người dân và phát huy hết tiềm năng của thành phố; bộ máy chưa đủ linh động; thẩm quyền còn chồng chéo…".
"Thành phố cần có chính sách khuyến khích sáng tạo thay vì cứ duy trì quan niệm 'không làm sai là tốt rồi'; phải có chính sách ổn định và giải pháp lâu dài, nhìn trong bối cảnh toàn vùng; cần có chính sách đối ngoại về kinh tế; quy hoạch phải gắn với thực tế phát triển...", ông Dũng đề xuất.
Còn ông Nguyễn Đức Khương (Việt kiều Pháp) cho rằng thành phố cần tạo lập các cơ chế huy động tất cả các chủ thể kinh tế cùng tham gia, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực con người. "Để sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, cần tạo ra cơ chế sử dụng và đãi ngộ xứng đáng cho các chuyên gia, nhà khoa học là kiều bào…", ông Khương nói.
Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới quy tụ 500 kiều bào về hiến kế xây dựng TP HCM phát triển, hội nhập. Ảnh: Trung Sơn |
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Sử Ngọc Anh cho biết, song song với hoạt động đầu tư, lượng kiều hối kiều bào cũng gửi nước cho thân nhân cũng tăng hàng năm.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM thống kê, từ năm 1993 đến 2015, có 50 tỷ USD kiều hối được chuyển về thành phố. Những năm gần đây, dòng tiền này về Việt Nam luôn đứng trong nhóm 10 nước cao nhất thế giới, riêng thành phố chiếm 45-55% của cả nước.
"Dòng tiền này đã góp phần tạo nguồn thu ngoại tệ, ổn định tỷ giá, ổn định thị trường ngoại hối, tăng tính thanh khoản trong thanh toán quốc tế và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế thành phố", ông Anh nói và cho biết kiều hối cũng giúp tạo công ăn việc làm, ổn định đời sống cho người dân thông qua đầu tư, kinh doanh của Việt kiều; đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống về nhà ở, y tế, giáo dục.
Lần đầu tiên 500 Việt kiều là chuyên gia, doanh nhân, nhà hoạt động xã hội... có mặt tại TP HCM tham gia Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới đóng góp ý kiến phát triển kinh tế, khoa học, nhân lực cho thành phố. Diễn ra từ ngày 11 đến 13/11, Hội nghị tổ chức 4 chuyên đề tập trung bàn bạc, góp ý xây dựng TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung phát triển.