WEF: Việt Nam không thuộc nhóm các nước sẵn sàng cho CMCN 4
- Chủ nhật - 04/03/2018 04:56
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
DTT là một trong số ít những công ty tư nhân đi tiên phong đầu tư nghiên cứu và giảng dạy giáo dục STEM cho học sinh ở Việt Nam. Trong ảnh: Bộ TUHOC do DTT phát triển để trẻ em tạo ra những đồ vật thông minh. Nguồn: DTT
Chỉ một số ít quốc gia hưởng lợi và vượt trội: Báo cáo đã phân tích, hệ thống sản xuất trên toàn cầu sẽ phải biến đổi để thích ứng, đáp ứng với những thách thức trong tương lai, và các nước trên thế giới sẽ phân cực: chỉ có 25 nước sẽ hưởng lợi từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chủ yếu các quốc gia thuộc khu vực Châu Âu, Bắc Mỹ và Đông Á1, chiếm hơn 75% giá trị sản xuất toàn cầu và tiếp tục có khả năng tăng trưởng thị phần trong tương lai. Một số quốc gia thuộc nhóm này như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ, Đức sẽ chiếm 70% doanh thu của thị trường robot toàn cầu – một trong những công cụ quan trọng và được sử dụng phổ biến trong CMCN 4, đặc biệt Đức, Nhật Bản và Mỹ sẽ thống trị về mặt hàng robot có giá trị cao. Hơn 90% các quốc gia còn lại chủ yếu ở các khu vực Mỹ La tinh, Trung Đông, Châu Phi, châu Á được xếp vào hạng yếu kém trong việc chuẩn bị cho CMCN 4 (nascent countries), có nguy cơ rơi vào tình trạng tụt hậu.
Điểm số về công nghệ và đổi mới của Việt Nam thấp:Việt Nam được các chuyên gia xếp vào nhóm các quốc giayếu kém. Trong số các tiêu chuẩn nền tảng để đánh giá mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai thì các yếu tố về phát triển nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo công nghệ - liên quan trực tiếp đến quá trình chuẩn bị cho CMCN 4 của Việt Nam đều có điểm số thấp. Cụ thể:
+ Việt Nam chỉ xếp thứ 70/100 về nguồn nhân lực, trong đó các chỉ số về lao động có chuyên môn cao, chất lượng đại học lần lượt xếp thứ 81/100 và 75/100;
+ Việt Nam chỉ xếp hạng 90/100 về công nghệ và đổi mới sáng tạo (Technology& Innovation), trong đó, hạng 92/100 về công nghệ nền (Technology Platform), hạng 77/100 về năng lực sáng tạo.
Nếu so sánh một quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, chúng ta xếp sau Malaysia (xếp hạng thứ 23/100 về công nghệ và đổi mới sáng tạo và 21/100 về nguồn nhân lực), Thái Lan (41/100 về công nghệ và đổi mới sáng tạo, 53/100 về nguồn nhân lực) hay Philippines (59/100 công nghệ và đổi mới sáng tạo và 66/100 về nguồn nhân lực). Việt Nam chỉ xếp hạng gần tương đương Campuchia (có xếp hạng tương ứng 83/100 và 86/100).
Chúng ta có thể tham khảo một vài chỉ số cụ thể trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong bảng dưới đây:
Báo cáo cũng chỉ ra, dù có lợi thế nhưng các nước dẫn đầu như Mỹ và Nhật Bản cũng mới chỉ ở bước khởi đầu của quá trình chuyển đổi nền sản xuất cho phù hợp với CMCN 4. Cơ hội chuyển đổi nền sản xuất theo cách thức khác nhau vẫn rộng mở với các nước còn lại: có thể lựa chọn “kép” - vừa chuyển đổi một số ngành chọn lọc sang sản xuất tiên tiến vừa tiếp tục duy trì sản xuất truyền thống ở một số ngành. Báo cáo khuyến nghị các quốc gia phải tự đánh giá, phân tích nền kinh tế của mình để có được chiến lược phát triển khôn ngoan, tận dụng tốt những lợi thế riêng có.
----------
1 25 quốc gia sẽ dẫn đầu bao gồm: Hoa Kỳ, Anh, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Áo, Bỉ, Canada, Trung Quốc, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Ireland, Israel, Italia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Hà Lan, Ba Lan, Singapore, Slovenia, Tây Ban Nha.
Nguồn báo cáo: https://www.weforum.org/reports/readiness-for-the-future-of-production-report-2018