“Giải Nobel khoa học máy tính” năm 2014 đã có chủ

“Giải Nobel khoa học máy tính” năm 2014 đã có chủ
Ngày 25/3/2015, Hội Máy tính Mỹ (Association for Computing Machinery, ACM) thông báo: Giải Turing năm 2014 trị giá một triệu USD được trao cho Michael Stonebraker của Học viện Công nghệ Massachusetts vì những cống hiến có tính chất đặt nền móng trong lĩnh vực khái niệm và ứng dụng thực tiễn các hệ thống cơ sở dữ liệu hiện đại.

Michael Stonebraker
 Bản tin do ACM phát đi cho biết: Hệ thống cơ sở dữ liệu (database systems) là những ứng dụng quan trọng của khoa học máy tính; chúng lưu giữ, bảo quản rất nhiều dữ liệu quan trọng của thế giới. Stonebraker đã phát minh ra nhiều khái niệm được sử dụng trong hầu như tất cả các hệ thống cơ sở dữ liệu. Ông trình bày cách thiết kế hệ thống cơ sở dữ liệu có thể hỗ trợ các khái niệm đó và công bố các hệ thống này như những phần mềm mở có thể ứng dụng rộng rãi. Mọi người có thể tìm thấy mã nguồn mở của các hệ thống Stonebraker trong nhiều hệ thống cơ sở dữ liệu hiện đại. Trong bốn thập niên làm việc, Stonebraker đã sáng lập nhiều công ty để thương mại hóa thành công các công trình tiên phong của ông về công nghệ cơ sở dữ liệu.

Giới khoa học máy tính cho rằng Stonebraker rất xứng đáng nhận giải thưởng Turing. 

Michael Stonebraker sinh năm 1943, tốt nghiệp Đại học Princeton, nhận học vị thạc sĩ và tiến sĩ tại Đại học Michigan, từ năm 1997 được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Kỹ thuật Mỹ (U.S. National Academy of Engineering). Hiện nay ông là giáo sư trợ giảng tại Phòng thí nghiệm Khoa học Máy tính và Trí tuệ nhân tạo thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT CSAIL), tại đây ông là người đồng sáng lập và là đồng giám đốc của Trung tâm Big Data Khoa học và Công nghệ Intel, tham gia phát triển các hệ thống cơ sở dữ liệu Aurora, C-Store, H-Store, Morpheus và SciDB. Trước khi đến MIT, Stonebraker từng có 29 năm là giáo sư khoa học máy tính của Đại học California tại Berkeley; trong thời gian đó ông đã phát triển các hệ thống dữ liệu quan hệ Ingres và Postgres.

Ông đã được tặng Huy chương John von Neumann (2005) và giải thưởng sáng tạo SIGMOD Edgar F. Codd. 

Stonebraker là người sáng lập một số công ty cơ sở dữ liệu như Ingres, Illustra, Cohera, StreamBase Systems, Vertica, VoltDB, Tamr, Paradigm4, và từng là Giám đốc kỹ thuật (CTO) của Informix, biên tập viên sách Readings in Database Systems. 

Lễ trao giải sẽ được tổ chức vào ngày 20/6/2015 tại San Francisco.

ACM là một hội học tập khoa học tính toán, được thành lập năm 1947, trụ sở đặt tại New York. Chủ tịch ACM thời gian 2012-2014 là nhà khoa học máy tính Mỹ Vint Cerf, người được coi là một trong những cha đẻ của Internet, Chủ tịch ACM thời gian 2014–2016 là Alexander L. Wolf của Imperial College London, Anh Quốc. 


ACM có hơn 100.000 thành viên, có 171 phân hội và 37 Nhóm Lợi ích đặc biệt (SIG) chuyên tiến hành các hoạt động của hội; ngoài ra còn có phân hội tại hơn 500 trường cao đẳng-đại học trên toàn thế giới, các phân hội chuyên nghiệp và SIG tại 56 nước, các phân hội học sinh tại 41 nước. ACM đặt ra nhiều giải thưởng nhằm khuyến khích phát triển khoa học tính toán, trong đó có giải Turing (A.M.Turing Award).

Giải Turing còn gọi là “Giải Nobel” về khoa học máy tính được ACM đặt ra để kỷ niệm Alan Mathison Turing (1912-1954), nhà toán học và nhà khoa học máy tính lỗi lạc người Anh, được coi là cha đẻ của máy tính. Ông đã có những cống hiến lớn trong lĩnh vực cấu trúc máy tính, thuật toán, hình thức hóa việc tính toán (formalization of computing), và trí tuệ nhân tạo. Turing góp phần quan trọng vào công tác phá khóa mật mã của phát xít Đức trong Thế chiến II, nhờ đó quân đội Đồng minh đã sớm giành thắng lợi và kết thúc chiến tranh. 

Giải Turing được lập năm 1966, trị giá giải là 250.000 USD, được Intel và Google đồng tài trợ; từ năm 2014 tăng lên một triệu USD, do Google tài trợ. Ngoài tiền thưởng, từ 2014 trở đi người nhận giải còn được cấp chi phí đi lại khi đến dự và đọc diễn từ tại buổi chiêu đãi lễ trao giải hàng năm [annual Awards Banquet].

Chủ nhân giải Turing đầu tiên là Alan Perlis của Carnegie Institute of Technology (1966).
Bà Frances E. Allen của IBM là phụ nữ đầu tiên được nhận giải này (2006). 

 

Nguyễn Hải Hoành tổng hợp

Nguồn tin: Tia Sáng