HỘP ĐEN TRÊN MÁY BAY LÀ GÌ?
- Thứ năm - 26/03/2015 18:08
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Khi có một tai nạn hàng không, ta thường nghe về việc tìm hộp đen của máy bay. Bạn biết gì về thiết bị vô cùng quan trọng để xác định nguyên nhân tai nạn này?
Mỗi máy bay chở khách hay chở hàng đều có trang bị hai thiết bị: một để ghi âm trong buồng lái (CVR - cockpit voice recorder) và cái thứ hai để ghi các tham số bay (FDR - flight data recorder). Hai bộ phận này được gọi chung là „hộp đen”. Chúng không giúp gì khi máy bay đang bay nhưng đóng vai trò tối quan trọng khi máy bay bị tai nạn, nó giúp các chuyên gia xác định chuyện gì đã xảy ra trên máy bay ngay trước khi bị nạn.
Để dễ dàng tìm hộp đen khi máy bay rơi ở trên biển, mỗi thiết bị ghi trên có một bộ phận giúp định vị hộp đen ở dưới nước, tiếng Anh gọi là Underwater Locator Beacon (ULB). Nó tự kích hoạt khi hộp đen tiếp xúc với nước và có thể phát tín hiệu khi nằm sâu đến khoảng 5000m (14.000 feet). Và để dễ nhận, „hộp đen” được sơn màu cam sáng.
Các thiết bị trên phải qua rất nhiều thử trước khi đưa vào sử dụng. Ví dụ như hộp đen có mã số L-3 FA 2100 chịu được nung đến 1.110°C trong một giờ và chịu nóng tới 260°C trong 10 tiếng. Nó có thể hoạt động ở dải nhiệt độ từ -55° đến +70°C và có thể ghi ít nhất các số liệu của 25 giờ bay.
Ai đã phát minh ra hộp đen?
Đó là nhà khoa học trẻ người Úc, tiến sỹ David Warren khi làm việc ở Phòng thí nghiệm thủy khí (Aeronautical Research Laboratory) ở Melbourne vào những năm 50 của thế kỷ trước, khi ông tìm hiểu nguyên nhân của tai nạn chiếc máy bay phản lực thương mại đầu tiên trên thế giới, máy bay Comet. Ông nhận ra tầm quan trọng của việc ghi lại những thông tin ngay trước khi máy bay bị tai nạn và đã thiết kế bộ ghi các tham số bay. Nó được giới thiệu lần đầu vào năm 1957, nhưng mãi đến năm 1960, sau một vụ tai nạn máy bay không tìm ra nguyên nhân ở Queensland, nước Úc là nước đầu tiên trên thế giới bắt buộc tất cả các máy bay thương mại phải có trang bị hộp đen.
Bộ ghi âm thanh trong buồng lái (CVR)
Công dụng chính của CVR là ghi lại các tiếng nói của phi hành đoàn và các âm thanh trong buồng lái. Nhứng người nghiên cứu giàu kinh nghiệm ngoài các trao đổi của phi công có thể phân biệt được tiếng động cơ, các tiếng va chạm hay các tín hiệu cấp cứu. Họ cũng có thể từ các âm thanh này biết được tốc độ của máy bay và số vòng quay của động cơ, có thể phát hiện các âm thanh lạ trước khi có tai nạn. Nó cũng cho ta biết chính xác thời gian theo trao đổi của phi công với mặt đất và các máy bay xung quanh. CVR hay lắp ở phần đuôi máy bay.
Bộ ghi tham số bay (FDR)
Bộ ghi tham số bay cũng quan trọng bằng hay còn quan trọng hơn CVR. Nó ghi lại nhiều tham số của máy bay đồng thời như thời gian, độ cao, tốc độ và hướng bay. Các FDR đời mới còn ghi nhiều hoạt động khác của máy bay như chuyển động của mỗi bộ cánh nhỏ ở phía dưới cánh máy bay, chế độ bay tự động hay cửa mở lối vào của nhiên liệu. Thông tin ghi lại ở đây là vô giá cho các chuyên gia xác định nguyên nhân tai nạn. Các số liệu ở trong đó cho phép tạo ra mô hình máy bay trên máy tính trước lúc tai nạn xảy ra. FDR và CVR cho phép tìm ra nguyên nhân tai nạn, từ đó đề ra các biện pháp mới để giữ an toàn cho các chuyến bay.
Tương lai của „hộp đen”
Cùng với sự phát triển của công nghệ, các hộp đen được cải tiến và ngày càng tinh xảo hơn, giúp các nhà nghiên cứu nhiều hơn khi xác định nguyên nhân tai nạn. Ví dụ như các máy ghi và phát nhạc dạng MP3 phổ biến hiện nay cũng có thể trở thành một phần của các phần mềm ghi tham số bay. Khi đó thời gian ghi có thể lên đến 500 giờ bay.