Ngày Cảnh báo tiểu hành tinh

Ngày Cảnh báo tiểu hành tinh
Ngày Cảnh báo tiểu hành tinh (Asteroid Day) sẽ được tổ chức vào giữa năm tới để cảnh báo nguy cơ các tiểu hành tinh đâm vào và gây thiệt hại cho Trái đất.
 

Martin Rees (bìa trái) và Brian May (bìa phải) tại 
buổi họp báo công bố Ngày Cảnh báo tiểu hành tinh 
tại Bảo tàng Khoa học, London, 3/12/2014.
Báo Anh Daily Mail ngày 4/12/2014 đưa tin: Hơn 100 nhà khoa học và du hành vũ trụ (DHVT) cùng các ngôi sao nhạc rock, trong đó có cây ghi ta của ban nhạc Queen là Brian May - người có học vị tiến sĩ vật lý thiên văn, nhà DHVT người Anh Martin Rees, nhà sinh học tiến hóa Richard Dawkins... vừa ký một bản tuyên bố yêu cầu tăng cường hành động để đối phó với các tiểu hành tinh. Họ sẽ tổ chức một buổi hòa nhạc ngoài trời vào ngày 30/6/2015 để nói với mọi người rằng nếu không hành động thì nhân loại sẽ phải đối mặt với thảm họa nguy hiểm. Họ kêu gọi tăng 100 lần các nỗ lực phát hiện và theo dõi cái gọi là những vật thể gần Trái đất (NEO).

TS Brian May nói: “Chúng ta càng nắm được quỹ tích tiểu hành tinh đâm vào Trái đất thì càng có thể đề phòng tai họa thiên nhiên, tránh được những nguy hiểm do các tiểu hành tinh đem lại.”

Các chuyên gia khác cho biết, nhằm ngăn ngừa ảnh hưởng phá hoại do tiểu hành tinh đem lại cho Trái đất, nên sử dụng kính viễn vọng hồng ngoại để theo dõi các tiểu hành tinh ở giữa Trái đất với sao Kim.

Buổi hòa nhạc nói trên nằm trong khuôn khổ Ngày Cảnh báo tiểu hành tinh (Asteroid Awareness Day), một sự kiện sẽ diễn ra cùng lúc ở nhiều nước trên thế giới, vào ngày kỷ niệm 107 năm vụ Tunguska khi một tiểu hành tinh lớn nhất trong lịch sử đâm vào Trái đất và hủy diệt cả một vùng rộng 2.000 km2.

Ước tính có khoảng một triệu tiểu hành tinh có thể gây ra thiệt hại cho Trái đất nhưng hiện nay loài người chỉ mới biết được khoảng 10.000, tức 1%. Còn vô số tiểu hành tinh chúng ta chưa biết, như vậy nghĩa là vào bất cứ lúc nào, chúng cũng có thể đâm vào bầu khí quyển và gây ra sự hủy diệt trên một diện tích rộng mà trước đó không ai biết gì. Tháng 2/2013, hơn 1.600 người đã bị thương khi một thiên thạch rộng 20 m rơi xuống Chelyabinsk ở Nga, đây là vụ rơi thiên thạch lớn nhất ghi chép được trong hơn một thế kỷ. Cách đây 68 triệu năm, một tiểu hành tinh rộng 10 km đâm vào Trái đất đã tạo ra hố thiên thạch Chicxulub rộng 200 km ở Mexico. Chính là loài khủng long trên Trái đất đã bị tiêu diệt bởi tai họa này, như lập luận của nhà vật lý Luis Walter Alvarez đưa ra vào năm 1980.

Đầu năm nay, Quỹ B612 và Cục Hàng không ở London cảnh báo một tiểu hành tinh to gấp 10 lần Trái đất có thể đang tiến tới gần hành tinh của chúng ta, nếu cứ tiếp tục di chuyển thì vào khoảng năm 2029 nó sẽ đâm vào Trái đất và hủy diệt hành tinh xanh này.

Tiến sĩ Ed Lu –nhà DHVT từng hai lần đáp tàu con thoi và một lần đáp tàu Soyuz lên trạm ISS, có tổng thời gian làm việc trên vũ trụ 206 ngày – nói chúng ta có những công nghệ để phá hủy các tiểu hành tinh có nguy cơ đe dọa Trái đất, nhưng tiền đề là phải phát hiện được chúng từ vài năm trước khi chúng đâm vào Trái đất.

Nguyễn Hải Hoành

Nguồn tin: Tia Sáng