Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Huệ đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Vật Lý tại trường ĐH Tổng Hợp Warszawa, Ba Lan.

Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Huệ đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Vật Lý tại trường ĐH Tổng Hợp  Warszawa, Ba Lan.

Ngày 05/07/2022, tại Khoa Vật lý, trường Đại học Warsaw đã diễn ra Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cho Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Huệ, sinh năm 1990, giảng viên Bộ môn Vật Lý, Khoa Khoa học Tự Nhiên, Trường Đại học Hồng Đức
Tên đề tài luận án: “Optical properties and development of flat-surface nanostructured gradient index micro-optical vortex phase components” -“Tính chất quang học và sự cải tiến các vi linh kiện pha xoáy quang học có cấu trúc nano và chiết xuất phân cấp”.
Chuyên ngành: Khoa học Vật lý                Mã số: 405459
Nghiên cứu sinh: Nguyễn Thị Huệ
Cán bộ hướng dẫn:
1. GS. Ryszard Buczyński (University of Warsaw)
2. TS. Krzysztof Świtkowski (Warsaw University of Technology)
Cơ sở đào tạo: Trường đại học Warsaw (University of Warsaw)
Hội đồng chấm luận án gồm các thành viên trong và ngoài trường: GS. Tadeusz Stacewicz - University of Warsaw (Chủ tịch Hội đồng); GS. Jan Masajada - Wroclaw University of Science and Technology (Phản biện 1); GS. Szymon Pustelny - Jagiellonian University tại Kraków (Phản biện 2); GS. Katarzyna Rutkowska - Warsaw University of Technology (Phản biện 3); TS. Tomasz Kazimierczuk - University of Warsaw (Ủy viên thư ký).
Tóm tắt nội dung luận án:
Chùm tia xoáy quang học là một hiện tượng đặc biệt với pha xoắn ốc và cường độ phân bố như một vòng tròn sáng mà được tạo ra bởi điểm kỳ dị pha. Các xoáy quang học mang theo momen động lượng quỹ đạo (Orbital angular momentum - OAM) gắn với điện tích tôpô của nó. Những đặc tính đó làm cho chùm tia xoáy quang học trở nên độc đáo và thích hợp cho nhiều ứng dụng như bẫy quang, kỹ thuật STED cho kính hiển vi siêu phân giải, vi gia công laze, và truyền thông quang học. Tuy nhiên, một khó khăn ở đây là làm thế nào để tạo ra xoáy quang học với kích thước vi mô. Thông thường, các hệ thống phức tạp được sử dụng cho mục đích này.

Luận án nghiên cứu và khai thác những triển vọng mới trong việc điều chỉnh các tính chất của chùm quang học. Cụ thể, cấu trúc cường độ và cấu trúc pha của nó có thể được sửa đổi bằng cách sử dụng các vi linh kiện pha xoáy quang học có cấu trúc nano và chiết xuất phân cấp (nVPM). Linh kiện pha nVPM được tạo thành bởi sự sắp xếp của hàng nghìn sợi thủy tinh có đường kính cỡ nanometers. Khác với các loại kinh kiện pha thông thường, cả hai bề mặt của linh kiên pha nVPM đều phẳng. Thuộc tính độc đáo này cho phép nVPM ngâm trong không khí, nước, etanol hoặc bất kỳ chất lỏng trong suốt nào khác và tạo ra chùm tia xoáy sẽ có cùng giá trị điện tích tôpô. Kỹ thuật cấu trúc nano sử dụng phương pháp kéo sợi cải tiến cho phép sản xuất các vi linh kiện pha xoáy quang học với chi phí thấp và có thể sản xuất hàng loạt vi linh kiện trong thời gian ngắn. Ngoài ra, luận án còn hướng đến các thiết bị mới kết hợp với sợi quang như hệ thống sợi quang-nVPM cho phép tạo ra xoáy quang học đơn giản hơn. Hơn nữa, thiết kế cải tiến vi linh kiện với tính chất tiêu sắc để tạo ra chùm tia xoáy trắng đã được đề xuất.

Những vi linh kiện nVPM và hệ thống sợi quang – nVPM có tiềm năng ứng dụng cao trong bẫy quang học và thao tác hạt cũng như trong gia công vi cơ laze trong các môi trường chất lỏng và khí trong suốt. Linh kiện nVPM tương thích với công nghệ sợi quang có thể được sử dụng như một thành phần của bộ nguồn tạo chùm tia xoáy laser toàn sợi quang, do khả năng tích hợp với bộ cộng hưởng laser sợi quang.

Một số hình ảnh tại buổi lễ bảo vệ luận án tiến sĩ


Hội đồng chấm luận án đã thống nhất và kết luận: Luận án đã đáp ứng  những yêu cầu về nội dung và hình thức của một luận án tiến sĩ chuyên ngành Khoa học Vật lý. Hội đồng đã thống nhất đề nghị cấp bằng tiến sĩ chuyên ngành Khoa học Vật lý cho Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Huệ.
Xin chúc mừng Tân Tiến sĩ Nguyễn Thị Huệ.

Tác giả bài viết: Hội KHCN VN tại Ba Lan