Nhà khoa học Mỹ và cơ hội đáng mạo hiểm ở Việt Nam

Nhà khoa học Mỹ và cơ hội đáng mạo hiểm ở Việt Nam
Trong khi một số nhà khoa học Việt Nam còn băn khoăn về điều kiện làm việc ở trong nước, có những chuyên gia nước ngoài đã quả quyết đến nghiên cứu, phát triển sản phẩm, đào tạo các đồng nghiệp trẻ, quyết kiến tạo môi trường cho phù hợp ý tưởng của mình.
gul-4196-1426305931.jpg

Tiến sĩ Iftikhar Gul, thứ ba từ phải sang, cùng các đồng nghiệp. Ảnh: KCNC TP HCM

Tiến sĩ Iftikhar A.Gul, người Mỹ, là một trong số các nhà khoa học nước ngoài đang làm việc tại Khu Công nghệ cao TPHCM, với kỳ vọng phát triển sản phẩm công nghệ tại Việt Nam.

"Mục tiêu của tôi là góp phần đưa ngành công nghệ bán dẫn trở thành công nghệ tiên phong ở Việt Nam", ông Gul nói trong cuộc trao đổi vớiVnExpress.

Năm 2013, khi đang là giám đốc công nghệ của Semicoa, một công ty bán dẫn của Mỹ, ông Gul nhận được lời mời từ Khu Công nghệ cao TP HCM.Từng làm việc chung với nhiều đồng nghiệp ở Semicoa, ông cảm thấy rất hứng thú với triển vọng ở đất nước này.

"Khi nhận được lời mời hợp tác, tôi suy nghĩ và quyết định đó sẽ là một cơ hội mạo hiểm đáng giá nếu được thực hiện đúng đắn", ông Gul kể. Vậy là ông từ bỏ công việc tại Semicoa với mức lương 300.000 USD mỗi năm để sang Việt Nam bắt tay vào dự án mới.

Tại Khu công nghệ cao TP HCM, Tiến sĩ Gul được hưởng mức lương cố định từ ngân sách là 2.000 USD mỗi tháng. Chế độ lương từ ngân sách mà Khu Công nghệ cao TP HCM đang áp dụng nằm trong chương trình thí điểm mà TP HCM đang thực hiện nhằm thu hút các chuyên gia đầu ngành thuộc các lĩnh vực khoa học và công nghệ. Theo quy chế này, lương tháng dành cho các chuyên gia có thể lên đến 150 triệu đồng.

Tiến sĩ Gul cho biết công việc chính của ông là giúp phát triển nền tảng công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam. Hiện ông đang hỗ trợ Khu Công nghệ cao TP HCM thiết lập dây chuyền nghiên cứu và sản xuất thiết bị bán dẫn đầu tiên tại khu công nghệ này.

Ông cũng tham gia đào tạo các nhà nghiên cứu trẻ, hướng dẫn họ cách thiết kế các sản phẩm và phát triển các quy trình và cách kiểm soát, đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh chuyên môn kỹ thuật, tiến sĩ Gul còn tư vấn cho các nhà nghiên cứu cách làm marketing, sao cho Công ty TNHH Nghiên cứu và Triển khai quang lượng tử Việt Mỹ (UVP), đối tác của Khu Công nghệ cao TP HCM, đảm bảo có khách hàng cho các sản phẩm đầu tiên.

Sản phẩm dự kiến sắp xuất xưởng là các diode, chúng được dùng làm một phần của các hệ thống điện tử để điều khiển nguồn điện và giảm thất thoát năng lượng trong quá trình hoạt động của thiết bị. Giai đoạn hai của các sản phẩm này, như dự kiến của ông Gul cho vài năm tới, là các thiết bị bán dẫn dùng cho dòng điện tốc độ cao như transistor hiệu ứng trường (Mosfet) và transistor có cực điều khiển cách ly (IGBT), các sản phẩm khác dựa trên các vật liệu tiên tiến như là silicon cacbua (SiC), có độ cứng chắc cao và Gallium nitride (GaN) - vật liệu phát sáng.

Kỳ vọng của ông Gul và các đồng sự Việt Nam là phát triển chuyên môn trong thiết kế và sản xuất các sản phẩm dựa trên công nghệ bán dẫn, tạo nên các sản phẩm công nghệ cao có thể được giao thương trên toàn cầu. Đồng thời ông cũng mong góp phần đào tạo một đội ngũ các kỹ sư và chuyên gia marketing giỏi ở Khu Công nghệ cao TP HCM.

SHTP-8121-1426559775.png

Khu Công nghệ cao TP HCM. Ảnh: viettrade.gov.vn

Ban Quản lý Khu Công nghệ cao cho biết với chương trình thí điểm về đãi ngộ, TP HCM Ban mong muốn thu hút các nhà khoa học trẻ ở các nước tiên tiến đến làm việc, đặc biệt là các chuyên gia người Việt đang làm việc ở nước ngoài.

Tiến sĩ Tạ Minh Trí, một chuyên gia công nghệ nano đang sống và làm việc tại Pháp, cho rằng mức lương không phải yếu tố hàng đầu để các nhà khoa học trở về công tác. Theo ông Trí, điều quan trọng hơn là môi trường nghiên cứu, đồng nghiệp, cơ hội đi trao đổi với các nhà nghiên cứu nước ngoài, tham gia các hội thảo quốc tế.

Tương tự, tiến sĩ Trần Hải Linh, đang nghiên cứu chuyên ngành sinh học, năng lượng mới tại Đại học Quốc gia Chonbuk, Hàn Quốc, cho hay ông từng trao đổi với các nhà khoa học trong nước nhưng chưa có hợp tác cụ thể vì còn băn khoăn về điều kiện làm việc. Việc phối hợp với các đồng nghiệp và các thiết bị hiện đại để tạo nên thành quả nghiên cứu cuối cùng là điều ông Linh coi có tầm quan trọng hàng đầu.

Với ông Gul, điều hấp dẫn ở Việt Nam là "cơ hội để thể hiện".   "Mỗi người có những mục tiêu khác nhau và điều đó tạo nên sự khác biệt. Về phương diện cá nhân, nếu đạt được mục tiêu ở Việt Nam, đó sẽ là thành tựu có ý nghĩa mà tôi có thể tự hào sau này", ông chia sẻ.   

Gul nhận xét rằng Việt Nam đang thiếu cơ sở hạ tầng cho các dự án công nghệ cao, nhưng đó không phải là điều có thể ngăn cản.

"Tôi muốn cùng các đồng nghiệp khởi đầu để tạo nên sự khác biệt, tạo nên môi trường phù hợp cho ý tưởng của mình", Tiến sĩ Gul nói. 

Việt Anh

Nguồn tin: VNExpress