PGS. TS Phạm Hoàng Hiệp: Từ cậu bé mê giải toán đến nhà toán học

PGS. TS Phạm Hoàng Hiệp: Từ cậu bé mê giải toán đến nhà toán học
Nhà toán học Việt Nam đầu tiên ở trong nước có bài đăng trên tạp chí Acta Mathematica danh tiếng mới đây đã trở thành chủ nhân đầu tiên của Giải thưởng Tạ Quang Bửu dành cho Nhà khoa học trẻ.
 

PGS Phạm Hoàng Hiệp (bìa trái) với thầy giáo
và đồng sự nước ngoài.
Khác với năm ngoái, Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm nay đã tìm được chủ nhân cho hạng mục Nhà khoa học trẻ, đó là PGS.TSKH. Phạm Hoàng Hiệp, người mới chuyển về Viện Toán học từ tháng Tư vừa qua, sau 10 năm giảng dạy ở Khoa Toán-Tin, ĐHSP Hà Nội.

Với công trình viết chung cùng Viện sĩ viện Hàn lâm khoa học Pháp, Giáo sư Jean-Pierre Demailly mang tên “A sharp lower bound for the log canonical threshold” (Một đánh giá tốt nhất có thể của ngưỡng chính tắc) đăng trên tạp chí Acta Mathematica số 212, tập 1, năm 2014, nhà toán học 34 tuổi đã giành được số phiếu tuyệt đối của Hội đồng Giải thưởng. 

“Đây là lần đầu tiên một nhà toán học Việt Nam ở trong nước có bài đăng trên tạp chí Acta Mathematica - tạp chí được xếp hạng cao nhất theo chỉ số ảnh hưởng và chỉ số trích dẫn năm năm trong danh mục 302 tạp chí ngành toán lý thuyết của cơ sở dữ liệu ISI. Công trình này được viết chung với nhà toán học hàng đầu của thế giới. Theo thư ủng hộ của ông ta thì PGS Phạm Hoàng Hiệp là người đề xuất vấn đề nghiên cứu và đưa ra ý tưởng chính để giải quyết vấn đề, đồng thời là người đóng vai trò chủ chốt trong việc viết bài. Công trình này đưa ra một ước lượng tốt nhất cho một chỉ số quan trọng trong Hình học, có thể giúp giải quyết giả thuyết Guedj và Rashkovskii đang được nhiều nhà toán học hàng đầu thế giới quan tâm nghiên cứu,” theo GS Ngô Việt Trung, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu, cũng là Chủ tịch Hội đồng khoa học ngành Toán học của Quỹ Nafosted.

PGS Phạm Hoàng Hiệp cho biết, anh bắt đầu nghiên cứu công trình này từ cuối năm 2010; sau đó, vào tháng 9 năm 2011, khi sang làm nghiên cứu một năm ở viện Fouier, ĐH Grenoble, Pháp, anh đã gặp và trao đổi với VS. GS Jean-Pierre Demailly để hoàn thiện công trình trong vòng hai tháng. “Đây là một trong năm kết quả nghiên cứu mà tôi ưng ý nhất từ trước đến nay,” Hiệp chia sẻ. 

Điều bất ngờ là tác giả của nghiên cứu xuất sắc này đến với toán học khá muộn và với một tình yêu vô cùng đặc biệt. Mãi đến năm lớp 9, sau khi tình cờ đọc một cuốn sách về số học mà bố anh mua cho từ trước đó rất lâu, Hiệp phát hiện mình có thêm niềm đam mê mới ngoài bóng đá. Mặc dù đã lỡ cơ hội thi vào lớp chuyên toán của tỉnh Hải Dương, nhưng Hiệp vẫn nuôi mơ ước được đi thi toán quốc tế. Cậu say sưa tìm giải các đề thi toán trong tạp chí Toán học và Tuổi trẻ. Đôi lần, lời giải của cậu được tạp chí chọn đăng. “Hồi đó có khi tôi dành vài ba ngày để giải một bài toán. Giờ thì một bài toán có thể lấy của tôi vài ba năm,” anh kể. Mặc dù không thực hiện được ước mơ thi toán quốc tế (Hiệp chỉ đoạt giải ở các cuộc thi toán của tỉnh), “nhưng đó chính là những năm tháng tôi đã rèn cho mình cách tự học, đọc sách, và suy nghĩ giải quyết vấn đề”. Sau đó, Hiệp thi vào học Khoa Toán, ĐH Sư phạm với ước mơ rất khiêm tốn là “nếu không được nghiên cứu toán thì cũng được giảng dạy toán”. 

Anh cho rằng, những năm theo học Lớp chất lượng cao của Khoa Toán, ĐH Sư phạm Hà Nội là giai đoạn quan trọng nhất trong cuộc đời nghiên cứu của anh khi anh dành phần lớn thời gian để đọc và nghiền ngẫm các tài liệu về toán học, tạo cho mình một nền tảng vững chắc. Cũng tại đây, sau khi được thầy giáo của mình là GS. Nguyễn Văn Khuê giới thiệu về hướng nghiên cứu The complex Monge-Ampere Equation (Phương trình Monge-Ampere phức) của GS. Urban  Cegrell, anh đã tìm tòi để viết các kết quả nghiên cứu về hướng này rồi gửi cho các tạp chí toán học quốc tế. Nhờ đó, vị giáo sư người Thụy Điển đã biết đến anh và nhận lời hướng dẫn anh bảo vệ luận án tiến sĩ tại ĐH Umea vào năm 2008. Sau đó, từ năm 2011 đến năm 2014, anh lần lượt dự tuyển thành công vào một số vị trí nghiên cứu ở Pháp với niềm tin rằng ở những nơi đó, anh sẽ có cơ hội gặp gỡ nhiều đồng nghiệp xuất sắc. Về nước vào cuối năm 2014, anh xin chuyển sang Viện Toán học vì muốn “tập trung sâu hơn vào nghiên cứu, đồng thời vẫn có thể giảng dạy một cách có chọn lọc”.

Trò chuyện với Hiệp, có thể cảm nhận mối quan tâm của anh dành cho toán học chiếm vị trí đặc biệt như thế nào trong cuộc sống so với các mối quan tâm khác. Những thời điểm mà anh cho là đáng nhớ trong đời cũng đều gắn với toán học - đó là những ngày đầu cấp 3, khi anh lần đầu phát hiện ra vẻ đẹp của toán học; hay những năm còn là sinh viên, mỗi khi nghĩ ra lời giải cho một bài toán nào đó anh liền đến nhà thầy Khuê để trao đổi và nghe những bình luận của thầy. Cách anh đi qua mọi chuyện ngoài toán học hệt như đường đi của một hòn đá được ném xuống nước, nó sẽ rơi xuống đáy bằng con đường nhanh nhất, và chỉ để bị hút theo cái đích của mình.

Vậy anh nghĩ thế nào về tính ứng dụng thực tế trong các nghiên cứu của mình? “Tôi cho rằng nghiên cứu toán học cũng như nghiên cứu ở các lĩnh vực lý thuyết khác, trước hết phải là tìm kiếm, khám phá những điều mới mẻ để làm phong phú thêm kho tàng tri thức của con người. Việc ứng dụng vào cuộc sống cần sự tổng hợp của nhiều người trong nhiều lĩnh vực. Thiết nghĩ, làm nghiên cứu cũng giống như phát triển thể thao, cần phong trào ở nhiều nơi với nhiều người tham gia, từ đó những vận động viên xuất sắc chắc chắn sẽ xuất hiện. Theo cách đó, càng có nhiều người làm nghiên cứu khoa học thì càng tốt, vì chỉ cần một trong số các nghiên cứu lý thuyết được ứng dụng thì cũng có thể dẫn tới sự thay đổi bộ mặt của cả thế giới; còn nếu nghiên cứu của họ chưa thể ứng dụng ngay thì ít nhất nó cũng phát huy được vai trò trong việc đào tạo những người đi sau,” Hiệp chia sẻ.


Vài nét về PGS. TS Phạm Hoàng Hiệp:

2000-2004: Lớp Chất lượng cao, Khoa Toán-Tin, ĐH Sư phạm Hà Nội
2007: Tốt nghiệp Thạc sĩ tại ĐH Sư phạm Hà Nội
2008: Bảo vệ Tiến sĩ tại ĐH Umea, Thụy Điển
2013: Bảo vệ Tiến sĩ Khoa học tại ĐH Aix-Marseille, Pháp

Được phong Phó giáo sư năm 29 tuổi (2011)

Chuyên ngành: Giải tích và Hình học

Đã có 29 bài báo đăng trên các tạp chí ISI như Comptes Rendus Mathematique, Annales de l’institut Fourier (Grenoble), Journal de Mathématiques Pures et Appliquées
Thái Thanh

Nguồn tin: Tia Sáng