Vừa thừa, vừa thiếu

Vừa thừa, vừa thiếu
Vừa qua, tại buổi hội thảo “Định hướng nghiên cứu ưu tiên của ngành Vật lý đến 2020”, do Hội Vật lý soạn thảo, nhiều nhà vật lý đã cho rằng, thay vì đưa ra một số lĩnh vực cần ưu tiên, ban soạn thảo đề án của Hội Vật lý đã “ôm đồm” hầu như mọi nội dung nghiên cứu mà NAFOSTED tài trợ, vì thế đề án “quá chi tiết nhưng không đầy đủ”. Tia Sáng đã có cuộc trao đổi với GS. Nguyễn Đức Chiến – Chủ nhiệm đề tài “Chiến lược phát triển Vật lý Việt Nam đến năm 2020”, một trong những nhà khoa học tham dự buổi hội thảo.

GS. Nguyễn Đức Chiến
Thưa giáo sư, ông có cảm nhận thế nào về nội dung dự thảo “Định hướng nghiên cứu ưu tiên của ngành vật lý đến 2020” của Hội Vật lý?

Khi trình bày nội dung dự thảo về Định hướng nghiên cứu ưu tiên của ngành vật lý đến 2020, GS Nguyễn Đại Hưng (Chủ tịch Hội Vật lý) đã nhắc đến những hướng nghiên cứu lâu nay của ngành vật lý Việt Nam nên những người tham dự không thấy có gì mới. Đó là những hướng nghiên cứu được Hội Vật lý đưa ra từ năm 2004 và sau này được đưa vào danh mục tài trợ “Hướng nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên” của quỹ NAFOSTED. 

Bên cạnh đó, một văn bản mang tính định hướng cũng không nên đề ra quá chi tiết, cụ thể từng nội dung cần nghiên cứu. Kinh nghiệm cho thấy, ta chỉ có thể đưa ra được những hướng nghiên cứu chung lớn như vật lý lý thuyết và vật lý tính toán, vật lý chất rắn…, trong quá trình thực hiện, dựa trên những thành tựu, thế mạnh tiềm năng có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực hoặc trên thế giới, ta mới tập trung đầu tư và phát triển các lĩnh vực nhỏ. 

Mục đích của bản dự thảo lần này là chọn lọc ra một số hướng nghiên cứu ưu tiên để thực hiện chiến lược phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2020 và phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, đề ra nhiều nội dung chi tiết như vậy khiến có cảm giác không rõ ưu tiên hướng nào. 

Là chủ nhiệm đề tài “Chiến lược vật lý Việt Nam đến năm 2020”, vậy xin giáo sư cho biết vì sao chiến lược này không được triển khai?

Trong bản chiến lược đó, chúng tôi đã dự kiến kinh phí cho từng nhiệm vụ với tổng chi phí để thực hiện toàn bộ chiến lược là khoảng hơn một nghìn tỷ đồng. Với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay, việc thực hiện đầy đủ chiến lược này là điều rất khó. Do vậy, Bộ KH&CN đã cùng với Hội Vật lý soạn thảo đề án “Định hướng nghiên cứu ưu tiên của ngành vật lý đến 2020”, trong đó xác định một số hướng nghiên cứu quan trọng, để trong khuôn khổ điều kiện kinh tế xã hội cho phép có thể xây dựng được một chương trình quốc gia về phát triển vật lý có tính khả thi cao.

Những lĩnh vực nào theo giáo sư nên được ưu tiên trong định hướng phát triển vật lý đến năm 2020?

Trên cơ sở thế mạnh truyền thống của ngành vật lý Việt Nam, theo tôi, lĩnh vực đầu tiên cần ưu tiên là vật lý lý thuyết và vật lý tính toán, trong đó có lý thuyết trường, lý thuyết chất rắn, mô phỏng, mô hình hóa… Khi triển khai trong thực tế, dựa trên những thế mạnh có thể tiến lên để sánh ngang với trình độ khu vực và quốc tế thì ta sẽ lựa chọn cụ thể sau. 


Trên cơ sở thế mạnh truyền thống của ngành vật lý Việt Nam, theo tôi, lĩnh vực đầu tiên cần ưu tiên là vật lý lý thuyết và vật lý tính toán, trong đó có lý thuyết trường, lý thuyết chất rắn, mô phỏng, mô hình hóa…
Lĩnh vực thứ hai cần ưu tiên là lĩnh vực liên ngành khoa học và công nghệ nano có tính ứng dụng cao trong công nghiệp, trong y sinh, trong đời sống… Đây cũng là lĩnh vực nhiều đơn vị mạnh trong ngành mới được đầu tư trang thiết bị nghiên cứu tương đối hiện đại như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, và đã có những đề tài ứng dụng thành công trong công nghiệp. Nhưng nhìn chung, việc đưa các kết quả nghiên cứu vào ứng dụng thực tiễn gặp nhiều khó khăn bởi nhu cầu của các doanh nghiệp còn rất hạn chế do nhiều nguyên nhân: thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa viện nghiên cứu, đại học và doanh nghiệp; những công trình nghiên cứu cơ bản có tính ứng dụng cao khó tìm được địa chỉ ứng dụng vì nền công nghiệp của đất nước còn ở trình độ thấp…

Một lĩnh vực khác cần được chú trọng là lĩnh vực quang tử, quang lượng tử, bởi tiềm năng ứng dụng rộng rãi trong công nghiệp và ta có thể tận dụng các thiết bị hiện đại sẵn có. 

Thứ tư, lĩnh vực vật lý hạt nhân cũng cần được ưu tiên để phục vụ cho chương trình phát triển điện hạt nhân của đất nước. 

Ai cũng nói rằng, chúng ta cần phải đầu tư có trọng điểm cho những nhóm nghiên cứu mạnh, những nhà khoa học giỏi, không nên dàn trải. Tuy nhiên, trong thực tế, có người cho rằng điều đó là không công bằng vì sẽ có những người có nhiều đề tài trong khi người khác lại có ít hoặc không có. Lấy ví dụ, hồi trước ở Đại học Bách khoa, hằng năm có rất nhiều đề tài cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi đề tài có kinh phí khoảng hai- ba mươi triệu nên số người có cơ hội nhận được đề tài rất lớn, nhưng kết quả công bố cũng rất hạn chế. Sau này, khi chính sách thay đổi, các đề tài cấp Bộ được giao trên cơ sở cạnh tranh và có kinh phí lớn vài trăm triệu, số người được nhận đề tài vì thế mà ít đi nên nảy sinh thắc mắc. Vì vậy, để thực hiện được việc ưu tiên một hướng nghiên cứu, người quản lý phải quyết đoán đưa ra quyết định của mình. 

Theo giáo sư, làm thế nào để có thể thực hiện những định hướng ưu tiên của ngành vật lý một cách hiệu quả?

Việc thực hiện các định hướng ưu tiên đó có thể dựa trên cơ sở những tổ chức, đơn vị sẵn có và đang hoạt động mạnh trong lĩnh vực. Từ đó, ta có thể thực hiện một kế hoạch đầu tư bổ sung về cơ sở vật chất và áp dụng một hình thức quản lý mềm dẻo để liên kết các cơ sở này. Đặc biệt, rất cần đầu tư cho con người, tức là trả lương đủ sống để các nhà khoa học có thể chuyên tâm tập trung cho nghiên cứu. 

Bên cạnh đó, với những cơ sở cùng lĩnh vực nghiên cứu, ta phải tạo ra cơ chế, điều kiện để họ có thể sử dụng chung các thiết bị lớn, đắt tiền. Ví dụ, Viện Tiên tiến Khoa học và Công nghệ (AIST) có những thiết bị tương đối hiện đại và không chỉ Viện Vật lý Kỹ thuật, Viện Đào tạo Quốc tế về Khoa học vật liệu (ITIMS), các đơn vị khác ở ngoài Đại học Bách khoa có thể sử dụng chung. Chính sách này vừa nâng cao khả năng nghiên cứu của các đơn vị nhỏ vừa giúp có thể tập trung đầu tư hiệu quả theo từng cụm, nhóm các viện. 

Hơn nữa, chúng ta cần phải có kế hoạch đầu tư dài hạn cho các nhóm nghiên cứu, các viện trọng điểm, có đánh giá kiểm tra theo từng giai đoạn, đặt ra mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ và nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Như kinh nghiệm của nhiều nước vẫn làm: nhiệm vụ giai đoạn đầu là xây dựng cơ sở vật chất, củng cố nhóm nghiên cứu; giai đoạn hai là thực hiện các nghiên cứu liên ngành, xuất phát từ yêu cầu của công nghiệp; giai đoạn ba là tạo ra các công trình, sáng chế đẳng cấp quốc tế. Ngay ở giai đoạn một và hai, các viện phải được tạo điều kiện liên kết với các doanh nghiệp. Điều này không chỉ góp phần phát triển doanh nghiệp mà còn huy động được vốn đầu tư từ doanh nghiệp cho nghiên cứu, giảm bớt gánh nặng đầu tư từ phía Nhà nước.

Trong buổi hội thảo “Định hướng ưu tiên của ngành vật lý đến 2020”, người chủ trì có nói rằng đến năm 2020, trình độ Vật lý của Việt Nam sẽ ngang bằng với Singapore. Về phía cá nhân, giáo sư nhận xét như thế nào về trình độ Vật lý của nước ta trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và trên thế giới nói chung?

Có một số lĩnh vực Việt Nam cũng khá mạnh như vật lý lý thuyết và vật lý tính toán. Do trước đây ít có điều kiện thực nghiệm nên nhiều người giỏi trong ngành vật lý tập trung ở lĩnh vực này. Hơn nữa, đây cũng là lĩnh vực có hợp tác quốc tế tốt, các thành tựu đạt được là đáng kể. Các lĩnh vực mà anh em vật lý tập trung đông đảo nhất hiện nay là vật lý các môi trường đông đặc và công nghệ nano. Lực lượng này bắt đầu khá lên do có điều kiện tiến hành thực nghiệm nhiều hơn. Các trường, các viện gần đây cũng được đầu tư về các lĩnh vực này. Hơn nữa, số cán bộ trẻ được đào tạo ở nước ngoài trong lĩnh vực này về cũng nhiều. Lĩnh vực quang điện tử và quang lượng tử đang phát triển tương đối nhanh và đây là hướng nghiên cứu triển vọng vì mang tính ứng dụng cao.  

Đó là các lĩnh vực khá nhất trong ngành vật lý Việt Nam hiện tại có thể kể ra. Xét về tổng thể so với thế giới thì ngành vật lý của mình vẫn còn yếu. Bây giờ, nhiều nước xung quanh trong khu vực Đông Nam Á xếp hạng cao hơn mình về ngành vật lý, không chỉ Singapore mà cả Thái Lan, Malaysia. Đặc biệt, ngành vật lý nước ta vẫn rất yếu về số lượng phát minh, sáng chế (patent). Hiện giờ, các nhà vật lý mới chỉ chú ý đến bài báo quốc tế chứ còn ít người để ý đến patent. 

PV thực hiện


Thưa giáo sư, điều gì ngành vật lý Việt Nam hiện nay cần ưu tiên nhất?
Cần phải có một chính sách để thu hút các nhà khoa học giỏi vào các trường và viện nghiên cứu. Ở các trường nói chung và ở Đại học Bách khoa nói riêng, nhiều người sau khi được đào tạo ở nước ngoài thì không về nước. Tuy nhiên, ở các đơn vị nghiên cứu và đào tạo về vật lý của Đại học Bách khoa Hà Nội, bao gồm Viện Vật lý kĩ thuật, Viện ITIMS và Viện AIST, trong ba năm qua đã “lôi kéo” được hơn hai mươi tiến sĩ trẻ từ các nguồn đào tạo khác nhau ở nước ngoài về. Đó là do các viện này đã tạo ra môi trường làm việc tốt, nhất là tạo cơ hội để họ được tiếp tục nghiên cứu thay vì chỉ chuyên giảng dạy.
Nguồn nhân lực tương lai để nghiên cứu vật lý là những sinh viên, học sinh ở tốp đầu, hay nói cách khác là lực lượng tinh hoa trong những người học ngành này. Ngay cả những nước phát triển như Mỹ, theo GS Silvera ở Đại học Havard, chỉ khoảng ¼ số người học vật lý theo đuổi công việc nghiên cứu chuyên về vật lý. Chính vì vậy, để tìm kiếm, phát hiện và nuôi dưỡng những nhà vật lý thì cần phải tập trung đầu tư, ưu tiên vào các lớp cử nhân tài năng, kỹ sư tài năng về vật lý của các trường như  Đại học Bách khoa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Sư phạm… Trong “Chiến lược Vật lý đến năm 2020”, chúng tôi cũng đã đề xuất đề án đào tạo học sinh năng khiếu vật lý trong các trường trung học phổ thông, đào tạo đội ngũ giáo viên vật lý trong các trường phổ thông và các trường đại học, cao đẳng.

 

Nguồn tin: Tia Sáng