Xây dựng và phát triển nhóm nghiên cứu mạnh trong trường đại học

Xây dựng và phát triển nhóm nghiên cứu mạnh trong trường đại học
Phòng thí nghiệm máy gia tốc (ĐH Khoa học tự nhiên– ĐH Quốc gia Hà Nội) Các nhóm nghiên cứu mạnh là hạt nhân phát triển của những Trung tâm nghiên cứu xuất sắc, qua đó thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và gắn kết với các đối tác lớn trong và ngoài nước để cùng nhau giải quyết những nhiệm vụ KH&CN trọng điểm tầm quốc gia, quốc tế và tạo ra những sản phẩm KH&CN xuất sắc.
 
Định hướng và nguyên tắc xây dựng

Các nhóm nghiên cứu mạnh ở trường đại học sẽ là nơi tập hợp các thầy giỏi, trò giỏi cùng nhau nghiên cứu,  tạo ra các sản phẩm tốt nhất cho xã hội và là hạt nhân cho việc phát triển thành những Trung tâm nghiên cứu xuất sắc (Center of Excellence - COE), những yếu tố tiêu biểu cho sức mạnh của một tổ chức KH&CN. Vị thế của một trường đại học sẽ được nâng lên nếu trong đó có những COE và những nhóm nghiên cứu mạnh, vốn là nơi thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và gắn kết với các đối tác lớn trong và ngoài nước. 

Trong KH&CN, một COE bao gồm một số nhóm nghiên cứu mạnh, liên ngành, kết hợp lại một cách linh hoạt, được tăng cường trang thiết bị hiện đại nhất để cùng nhau giải quyết những nhiệm vụ trọng điểm tầm quốc gia, quốc tế và tạo ra những sản phẩm nghiên cứu xuất sắc, trong đó kết quả của nhóm này có thể là nguyên nhân giải thích cho kết quả hay đem lại ý tưởng, sự bắt đầu cho nghiên cứu của nhóm khác.   

Vì vậy, chúng ta cần định hướng xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh dựa vào năng lực hiện có và nhu cầu phát triển của các trường đại học trong mối quan hệ với định hướng phát triển của đất nước; kết hợp phát triển các nhóm nghiên cứu xuất sắc nhất trong đơn vị với việc hình thành và phát triển những nhóm nghiên cứu mới. Chúng ta không thể chỉ mong muốn có nhóm nghiên cứu mạnh bằng cách kêu gọi các nhà khoa học trong nước và quốc tế về xây dựng trong khi các nguyên tắc, cơ chế quản lý vẫn chưa thể đổi mới ngay lập tức. 

Điều kiện cần để phát triển 

Căn cứ vào tình hình thực tiễn về năng lực nghiên cứu của cán bộ, cơ sở vật chất trang thiết bị của các đơn vị, tiềm năng ngân sách hỗ trợ của từng trường đại học, chúng ta sẽ hoạch định tiêu chí xây dựng, phát triển các nhóm nghiên cứu, đặt kế hoạch theo đơn vị trực thuộc, theo lĩnh vực chuyên môn hoặc theo số lượng mong muốn. Tuy nhiên, dân gian cũng có câu “trông giỏ, bỏ thóc”, việc đầu tư xây dựng, phát triển nhóm nghiên cứu mạnh cần bắt đầu từ các nhóm vốn đã mạnh trong nội bộ từng trường. 

Nhóm nghiên cứu mạnh (nói khiêm tốn là nhóm mạnh hơn so với các nhóm chưa mạnh) là nhóm các nhà khoa học đã đạt và có tiềm năng tiếp tục đạt được các kết quả nghiên cứu tốt nhất trong cộng đồng các nhóm nghiên cứu hiện có trong mỗi trường, căn cứ trên phải đáp ứng một số tiêu chí nhất định (đặc biệt là số lượng các công bố ISI). Nhóm này bao gồm các cán bộ khoa học và sinh viên hiện đang hoạt động tích cực trong lĩnh vực chuyên môn của mình ngay cả khi trường đó chưa có chiến lược xây dựng và phát triển nhóm nghiên cứu mạnh. Tự họ phải có ý thức về tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng nghiên cứu và đào tạo để phát triển dựa trên nguồn đầu tư đa dạng không chỉ bó hẹp trong nguồn tài trợ của đơn vị chủ quản. Chúng ta sẽ có thêm hỗ trợ, đầu tư để họ trở nên tốt hơn và mạnh hơn. Song song với việc phát triển những nhóm nghiên cứu mạnh vốn có, từng trường đại học có thể xem xét việc đăng ký xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh mới. Với cách làm như vậy, sau quãng thời gian khoảng 10 năm, chúng ta sẽ sở hữu những nhóm nghiên cứu mạnh ở một số lĩnh vực ưu tiên.

Để duy trì hoạt động của nhóm nghiên cứu, cần phải có sự đầu tư kinh phí hợp lý theo nhiều nguồn như ngân sách nhà nước, hợp tác quốc tế (qua nguồn ODA, các tổ chức phi chính phủ, các công ty chế tạo thiết bị khoa học…). Khi rót kinh phí xuống các nhóm nghiên cứu từ nguồn ngân sách nhà nước, đơn vị chủ quản cần lưu ý đến tính hiệu quả đầu tư, tránh đầu tư dàn trải và chỉ tập trung một số hướng mũi nhọn của nhóm. 

Qua thực tiễn, tôi thấy rằng để một nhóm nghiên cứu trở thành một nhóm nghiên cứu mạnh vẫn cần được đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng phòng thí nghiệm một cách đồng bộ. Trong phần đầu tư trang thiết bị lớn cần có khoản kinh phí nhỏ duy trì hoạt động thường xuyên, ví dụ vẫn cần giữ cho các bộ thiết bị phục vụ nghiên cứu hoạt động tương đối liên tục (stand-by), kể cả khi không có mẫu đo, để duy trì điều kiện ổn định và tạo điều kiện hoạt động cho máy trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi, trước khi được duyệt đề tài. 

Một số chú ý khi đầu tư mua sắm thiết bị phục vụ nghiên cứu của các nhóm nghiên cứu là nên lựa chọn thiết bị lớn, các thiết bị phụ trợ đồng bộ; dành kinh phí cho việc mua phụ tùng, linh kiện thay thế; điều kiện hạ tầng lắp đặt thiết bị: khí, điện, nước đồng bộ, đặc biệt lưu ý ổn định hệ thống điện và máy phát điện dự phòng; cán bộ phụ trách từng bộ thiết bị lớn được cử đi đào tạo hoặc làm việc tại các phòng thí nghiệm quốc tế đã được trang bị những thiết bị cùng loại.

Nhân lực là vấn đề sống còn 

Giữ vai trò trưởng nhóm của các nhóm nghiên cứu mạnh phải là những nhà nghiên cứu có uy tín khoa học trong nước và quốc tế, có định hướng chiến lược lâu dài cho sự phát triển của nhóm, có tiềm năng mở ra những hướng nghiên cứu triển vọng tiếp theo [những hướng nghiên cứu đã định hình], có khả năng huy động nguồn đầu tư trong và ngoài nước. 

Hỗ trợ cho trưởng nhóm về công việc quản lý, điều hành các dự án nghiên cứu là các trưởng nhánh, cán bộ hạt nhân, những người có uy tín khoa học trong nước, có công bố quốc tế, có định hướng phát triển theo các hướng chuyên môn sâu, có khả năng điều hành dự án/đề tài, có năng lực liên kết với các đơn vị  khác, biết cách khai thác nguồn vốn và có khả năng tư vấn cho trưởng nhóm về chuyên môn và phát triển nguồn nhân lực cho nhóm. 

Bên cạnh những nhân vật chủ chốt, nhóm nghiên cứu còn có những thành viên có thể thay đổi như các postdoc, nghiên cứu sinh, học viên cao học, cán bộ học nghề (cần khuyến khích thành viên quốc tế tham gia). Dù không phải là thành viên cố định như các trưởng nhóm, trưởng nhánh nhưng họ là những người thi công tốt các dự án nghiên cứu và là lực lượng quan trọng, làm việc toàn thời gian trong nhóm nghiên cứu mạnh. Do vậy, các đơn vị chủ quản cần có chính sách tuyển dụng, đào tạo và đãi ngộ thỏa đáng đối với họ. Theo kinh nghiệm nước ngoài, nghiên cứu sinh, đặc biệt postdoc, là lực lượng trẻ, có nhiệt tình, nhiều ý tưởng và động lực thực hiện những nghiên cứu mới, dù chỉ là nguồn nhân lực trong một thời gian xác định nhưng cũng cần được sử dụng một cách hiệu quả. Trong thời gian qua, do có nhiều công trình công bố quốc tế, hướng nghiên cứu về “Chất lượng nước ăn từ nước ngầm và các vấn đề liên quan đến sức khỏe con người và cộng đồng”, trung tâm CETASD của chúng tôi đã nhận được thư xin làm postdoc của bốn tiến sĩ nước ngoài. Để có thể thu hút nguồn nhân lực này, ngoài kinh phí thuê khoán chuyên môn trích từ các đề tài, cần có những suất học bổng cho các thực tập sinh sau tiến sĩ  nước ngoài tham gia vào nhóm nghiên cứu mạnh. Đây là một điều mới và đã được ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội đưa vào chiến lược phát triển KH&CN trong thời gian tới.

Hoạt động của nhóm nghiên cứu mạnh cần được đánh giá định kỳ với những kết quả cụ thể: tạo ra những nghiên cứu có chất lượng được khẳng định bằng số lượng công trình khoa học, đặc biệt là số bài báo quốc tế ISI, các phát minh sáng chế, thể hiện khả năng ứng dụng thực tiễn, chuyển giao công nghệ cho xã hội… mang lại uy tín, thương hiệu cho trường đại học, thu hút được các học viên giỏi của các chương trình đào tạo sau đại học, các thực tập sinh sau tiến sỹ đến làm việc…  

Kinh nghiệm thành công của CETASD

Phát triển từ Trung tâm Hóa Môi trường thuộc khoa Hóa học, ĐHKHTN, ĐHQGHN, Trung tâm Công nghệ Môi trường và Phát triển bền vững (CETASD) có nhiều hướng nghiên cứu, một trong số đó là môi trường nước, bao gồm cả nước ngầm, nước mặt. Trong 10 năm qua, nhóm nghiên cứu Địa hóa môi trường đã công bố được 25 bài báo quốc tế, đào tạo được 5 TS, 20 Ths, thực hiện được nhiều dự án hợp tác trong và ngoài nước. 

Tất cả các nhánh nghiên cứu của nhóm đều có quan hệ mật thiết với nhau và liên quan đến các chuyên ngành Hóa học, Sinh học, Y học, Địa chất, Thủy văn, Môi trường, Công nghệ…

Việc hợp tác với các nhóm nghiên cứu quốc tế là một yếu tố quan trọng giúp các nhóm nghiên cứu ở CETASD phát triển cả về đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường kinh phí, mở rộng uy tín quốc tế. Tuy nhiên việc cùng một lúc triển khai nhiều mối quan hệ với các nhóm nghiên cứu quốc tế cũng đòi hỏi việc điều phối các hợp tác một cách khéo léo, ví dụ cần lựa chọn nhóm nghiên cứu đối tác phù hợp nhất trong từng nhiệm vụ nghiên cứu, các đối tượng, vùng khảo sát không được chồng chéo, các nghiên cứu không được cạnh tranh nhau về mặt công bố khoa học, thậm chí còn có thể hỗ trợ lẫn nhau. 


Nội dung nghiên cứu

Đối tác trong nước

Đối tác ngoài nước

Chất lượng nước ăn từ nước ngầm và các vấn đề liên quan đến sức khỏe con người và cộng đồng….

Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội

Viện Y học Lao động và vệ sinh môi trường

Các Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh

 

Viện KH&CN Nước Liên bang Thụy Sỹ

Viện nghiên cứu Chulabhorn, Thái Lan

Trường ĐH Columbia, Mỹ

Trường ĐH Munster, CHLB Đức

Trường ĐH Bochum, CHLB Đức

Trường ĐH Ehime, Nhật Bản

Nghiên cứu cơ chế phát sinh ô nhiễm nước ngầm

Cục quản lý nước, Bộ TNMT

Liên Đoàn Địa chất Thủy văn khu vực I, III

ĐH Mỏ - Địa chất

Viện KH&CN Nước, Liên bang Thụy Sỹ.

Cơ quan khảo sát Địa chất Đan Mạch

Trường ĐH Kỹ thuật Đan Mạch

Trường ĐH Columbia Mỹ

Trường ĐH Karlsruhe, CHLB Đức

 

Phát triển quy trình phân tích ô nhiễm môi trường nước

Bộ môn Hóa học Phân tích, Khoa Hóa học

Trung tâm Phân tích, Thí nghiệm địa chất

Viện KH&CN Nước, Liên bang Thụy Sỹ

Trường ĐH Liên hợp Quốc Nhật Bản

Trường ĐH Ehime Nhật Bản

Trường ĐH Sydney, Úc

Phát triển công nghệ xử lý nước ăn, nước mặt

Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam

Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội

 

Công ty sản xuất vật liệu lọc asen GEH, CHLB Đức

Trường ĐH Kỹ thuật Berlin, CHLB Đức

Trung tâm SANDEC, Viện KH&CN Nước, Liên bang Thụy Sỹ

 

Phạm Hùng Việt*
——
 

* GS. TS, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Môi trường và Phát triển bền vững (CETASD), ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội.​

Nguồn tin: Tia Sáng