Trận chiến Waterloo 206 năm trước

Trận chiến Waterloo. Tranh sơn dầu khổ 88cmx177cm của họa sĩ người Ireland William Sadler II. (Nguồn: internet).

Trận chiến Waterloo. Tranh sơn dầu khổ 88cmx177cm của họa sĩ người Ireland William Sadler II. (Nguồn: internet).

Trận Waterloo diễn ra vào ngày 18 tháng 6 năm 1815 được các sử gia xếp vào trong danh sách 15 trận chiến có ý nghĩa quan trọng nhất trong lịch sử. Nhân dịp tháng 6 này, bài báo đề cập lại ký ức lịch sử năm xưa.

 Trận Waterloo diễn ra vào ngày chủ nhật, 18 tháng 6 năm 1815 tại một địa điểm cách thị trấn Waterloo khoảng 1,6 km và cách thủ đô Brussels của Bỉ khoảng 15 km về phía nam.


Đó là trận chiến đẫm máu nhất vào đầu thế kỷ 19. Gần 200.000 binh lính của 7 vùng lãnh thổ tham gia chiến đấu. Đại quân Pháp gồm 74 nghìn quân dưới sự chỉ huy của Hoàng đế Napoléon I đã bị đánh bại bởi liên quân của Liên minh thứ bảy, bao gồm 68 nghìn quân Anh và đồng minh do Thống chế Arthur Wellesley-Công tước xứ Wellington chỉ huy, cùng 50 nghìn quân Phổ do Thống chế Gebhard von Blücher chỉ huy.
Cuộc chiến mở đầu và kết thúc chỉ trong một trận đánh, kể từ khi tiếng súng đầu tiên khai hỏa cho tới 9 giờ sau đó khi đội quân hùng mạnh của Napoleon bị đánh bại tan tác. Thương vong và tổn thất phía đồng minh và Phổ là khoảng 22 nghìn quân, còn phía Pháp là khoảng 33 nghìn. Tổng số ngựa chết trong trận chiến là 20 nghìn.
Người Pháp gọi cuộc đụng độ quân sự là "Trận Mont Saint-Jean", là tên địa danh nơi đóng quân của Napoléon. Ông chưa từng bao giờ đặt chân đến Waterloo. Nhưng nó được hầu hết thế giới biết đến với cái tên "Trận Waterloo". Công tước Wellington đặt trụ sở chính của mình tại ngôi làng mang tên Waterloo, và đó là địa chỉ được viết trên các bản báo cáo chính thức của ông gửi về nước Anh. Do vậy mf Waterloo đã trở thành địa danh phổ biến của trận chiến.
Các sử gia xếp trận Waterloo vào trong danh sách 15 trận chiến có ý nghĩa quan trọng nhất trong lịch sử. Napoléon Bonaparte là một trong những nhà chiến lược quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử. Ông đã chinh phục hầu hết trung và tây Âu vào đầu thế kỷ 19. Trận Waterloo chính là cuộc chiến quyết định trong chiến dịch Waterloo ba ngày (16-19 tháng 6 năm 1815), cũng là trận đánh cuối cùng của Napoléon. Thất bại ở trận Waterloo đã đặt dấu chấm hết cho ngôi vị Hoàng đế Pháp của Napoléon và phá hủy hoàn toàn quyền lực đế quốc của ông. Ông bị lưu đày tới đảo Saint Helena và qua đời tại đó vào năm 1821. Nó cũng kết thúc một cuộc chiến tranh đã kéo dài suốt 23 năm, chấm dứt những nỗ lực của Pháp để thống trị châu Âu, và thiết lập một thời kỳ dài nhiều thập kỷ tương đối hòa bình ở châu Âu.
Tất cả binh sĩ của Napoléon lúc đó đều là các cựu binh lão luyện từng tham chiến cùng ông. Lực lượng quân kỵ binh của Napoléon rất đông đảo và mạnh mẽ. Đoàn binh mà Napoléon dẫn đầu trong trận chiến Waterloo trở thành một trong những đội quân tinh nhuệ nhất trong suốt cuộc đời võ nghiệp của ông. Trong khi đó phần lớn các chiến binh của quân đồng minh do Wellington chỉ huy chưa hề tham chiến, không có binh sĩ áo giáp nặng và cũng chỉ có một ít kỵ binh đánh giáo, bộ binh rất thiếu trang bị và ban chỉ huy cũng rất thiếu kinh nghiệm. Phía quân Phổ cũng rất thiếu kinh nghiệm chiến đấu và thiếu trang bị, nhưng ít nhất là có ban chỉ huy rất chuyên nghiệp và tài giỏi. Hoàn cảnh lịch sử, diễn biến từng bước của trận Waterloo về phía quân liên minh và phía quân Pháp được mô tả rất chi tiết và đầy đủ trong rất nhiều sách lịch sử. Nguyên nhân thất bại của đội quân hùng hậu với người chỉ huy kiệt xuất như Napoleon, hay nhìn từ phía khác là chiến công hiển hách của Wellington khi chỉ có đội quân thiếu kinh nghiệm và trang bị yếu kém mà đã hoàn toàn hạ đo ván Napoléon, đã được phân tích rất chi tiết về phương diện chiến thuật chiến đấu. Hiện nay cũng rất dễ dàng tìm đọc thông tin trên các trang mạng.
Nhưng có lẽ, để thấm nhuần được bài học lịch sử về Waterloo một cách hiệu quả nhất là đến thăm chiến trường của trận Waterloo năm xưa.
Biểu tượng hào hùng hiện nay của trận chiến Waterloo là Đồi Sư Tử (Lion's Mound) ngay ở trung tâm vùng đất nơi diễn ra trận chiến. Ngọn đồi cao 43 m, hình chóp nón, trên đỉnh là một bức tượng sư tử đúc bằng kim loại cỡ lớn, chiều rộng và cao đều là 4,5 m. Con sư tử khổng lồ trên đỉnh đồi lấy ý tưởng từ tượng sư tử Medici ở Florence, Italy hồi thế kỷ 16. Sư tử có chân trước đặt lên một quả cầu với ý nghĩa là chiến thắng toàn cầu.


Đồi Sư Tử tại vùng đất nơi diễn ra trận Waterloo vào ngày 18 tháng 6 năm 1815 (trái, theo Amusingplanet.com) và lối đi với 226 bậc thang lên đỉnh đồi để ngắm toàn cảnh xung quanh.

Đồi Sư Tử được xây dựng theo yêu cầu của vua William I của Hà Lan. Ông muốn xây công trình này tại nơi con trai mình bị thương vì trúng đạn và ngã ngựa trong trận chiến. Công trình này bắt đầu xây từ năm 1820 và hoàn tất năm 1826. Gần 400.000 mét khối đất được thu thập từ các khu vực quanh nơi diễn ra trận Waterloo. Trong đó gồm cả phần đất của vùng nông trại La Haye Sainte và con đường của Công tước Wellington chạy về trung tâm trận đánh. Dấu tích của trận chiến cũng chẳng còn nhiều. Đồi Sư Tử làm thay đổi địa hình lịch sử của bãi chiến trường xưa, so với lúc xảy ra trận đánh. Tuy nhiên, khi đi theo lối đi có 226 bậc thang để leo lên đỉnh đồi Sư Tử, đứng trên đó, mọi người có thể thưởng ngoạn quang cảnh đặc biệt của chiến trường Waterloo. Khi ngắm các bản đồ ghi lại trận chiến, sử dụng kính thiên văn quan sát 4 phía, chúng ta cũng có thể hình dung lại các vị trí phòng thủ hay tiến công của các đội quân trong trận đấu năm xưa.

Quang cảnh của chiến trường Waterloo xưa nhìn từ trên đồi Sư tử và các bản đồ chỉ dẫn các vị trí phòng thủ hay tiến công của các đội quân trong trận Waterloo.


Để lên được đồi Sư Tử, du khách sẽ phải đi qua cửa vào bảo tàng tưởng niệm (có mua vé vào bảo tàng). Ngay tại sảnh vào có một sa bàn rất lớn, trình bày rất chi tiết và rất đầy đủ sự bố trí lực lượng của các đội quân tham chiến. Trong bảo tàng có thể khám phá lịch sử của trận chiến thông qua các vật phẩm lịch sử trưng bày. Nhưng thường là du khách háo hức muốn lên thưởng ngoạn ở đồi Sư Tử trước.

Sa bàn lớn ở sảnh vào của bảo tàng tưởng niệm chỉ rõ vị trí của từng đội quân (trái) và vị trí của Napoleon trên chiến trường (phải). Napoleon đội mũ đen, áo khoác xám cưỡi con ngựa trắng (chỉ bằng mũi tên màu đỏ).


Trên đường ra, du khách sẽ đi qua một tòa nhà hình trụ lớn (Panorama) trưng bày bức tranh toàn cảnh khổ lớn, dài 110 mét và cao 12 mét, mô tả trận chiến Waterloo của họa sĩ người Pháp Louis Dumoulin. Công trình này được xây dựng vào năm 1911, bức tranh hoàn thành ngay sau đó một năm. Du khách vừa xem bức tranh, vừa nghe tiếng những bước chân dầm dập của bộ binh, tiếng vó ngựa, tiếng ngựa hí, tiếng đạn pháo nổ rầm trời, sàn nhà rung chuyển, cũng sẽ cảm nhận được không khí ác liệt của trận đấu.

Tòa nhà hình trụ lớn (Pamorama) bên cạnh đồi Sư Tử, nơi trưng bày bức tranh khổ lớn mô tả trận Waterloo của họa sĩ người Pháp Louis Dumoulin (trái) và một phần của bức tranh (phải).


Sau khi thưởng ngoạn tại đồi Sư Tử, ngắm dàn pháo ở dưới chân đồi, và chuyện trò hay chụp ảnh với những người gác khu đồi Sư Tử trong bộ đồng phục giống như quân lính tham gia trận Waterloo, du khách quay trở lại Bảo tàng. Trong bảo tàng cũng có đầy đủ và chi tiết thông tin lịch sử của trận chiến và rất nhiều các vật phẩm lịch sử, các bản đồ, các bộ đồng phục của các đội quân. Đặc biệt là có rất nhiều trống trận theo mẫu hình trống dùng trong trận chiến Waterloo, nhưng trên mỗi mặt trống lại là màn hình chiếu các thông tin về trận đấu.  Có cả màn ảnh chiếu diễn tả trận chiến khi từ trên cao (bird’s view).

Các màn hình chiếu các thông tin về trận đấu trên mặt các trống trận theo mẫu trống dùng trong trận Waterloo (trái) và nơi chiếu cảnh trận đấu được mô tả khi nhìn từ trên cao (phải).


Đặc biệt là du khách có dịp xem bộ phim ngắn diễn tả lại trận đấu bằng 4D, màn hình vòng tròn rất rộng, có lồng tiếng động làm sàn nhà rung bận bật phối hợp với cuộc chiến.
Bảo tàng tưởng niệm là nơi lưu trữ đầy đủ nhất các số liệu lịch sử của trận Waterloo. Chỉ một vài giờ tham quan bảo tàng, chúng ta có thể thu nạp được được rất nhiều thông tin vào đầu.

Cảnh phim 4D chiếu trong bảo tàng tưởng niệm Waterloo. Napoleon đội mũ đen, áo choàng xám đang quan sát bằng ống nhòm.


Khi thăm bảo tàng, chắc hầu hết các du khách đều muốn có vật kỷ niệm Waterloo để mang về nhà. Một trong số kỷ niệm là đồng xu lưu niệm, ở trên máy đặt trên đường đến khu Panorama. Dù Napoleon là kẻ bại trận trong trận Waterloo, chân dung ông được khắc họa trên đồng tiền này.

Đồng lưu niệm tại Waterloo, một mặt là hình nước Bỉ có ghi „Di sản quốc gia của Bỉ”,  một mặt có chân dung của Napoleon Bonarparte.

Trước khi ra về, khách khó lòng bỏ qua một điểm quan trọng tại khu lưu niệm: nhà hàng Waterloo ngay cạnh bãi đỗ xe. Chuyến thăm đồi Sư tử trở nên mỹ mãn hơn sau khi được thưởng thức bia nhãn hiệu Warterloo trên chiếc cốc sứ đặc biệt có in chữ Waterloo, và chọn món ăn trên thực đơn có tên Wellington.

Quán ăn Waterloo cạnh bãi đỗ xe của bảo tàng tưởng niệm, nơi phục vụ bia nhãn hiệu Waterloo trong cốc sứ đề Waterloo và đồ ăn trong thực đơn có tên Le Wellington.

 

Đường đến đồi Sư Tử rất dễ dàng. Từ trung tâm Brussels, chỉ cần đi dọc đại lộ lớn có tên là đại lộ Waterloo (Chaussée de Waterloo). Có lẽ đây là một trong số đại lộ dài nhất trong thành phố ở châu Âu, dài hơn 8 km, các ngôi nhà dọc đại lộ được đánh số lên đến hơn 1500. Đại lộ kết thúc tại Waterloo. Đi thẳng tiếp khoảng 1.5 km rẽ phải vào Route du Lion là tới.

Các loại bia nhãn hiệu Waterloo và bìa đĩa hát của nhóm ABBA của Thụy điển có bài hát với tựa đề Waterloo.

Trước khi rời Brussels, bạn không thể tránh khỏi chuyện chất vào cốp xe mấy bịch bia hiệu Waterloo. Cũng khá thú vị khi ngồi thảnh thơi tại nhà nhâm nhi bia Waterloo và ngẫm lại cuộc chiến năm xưa. Ngày nay, thành ngữ người nào đã “gặp Waterloo của mình” mang ý nghĩa là người đó đã phải chịu một thất bại nặng nề hoặc chịu một thất bại quyết định cuối cùng. Nhưng ý nghĩa quyết định của Waterloo cũng có nghĩa tích cực trong bài hát tựa đề Waterloo của nhóm nhạc ABBA của Thụy điển. Bài hát này đã đạt giải nhất tại cuộc thi Bài hát Eurovision năm 1974 và trở thành một bản hit toàn cầu: ”Waterloo, cuối cùng em cũng phải chấp thuận đối mặt với Waterloo của chính em: số phận của em là ở bên anh”.

Tài liệu trích dẫn: từ Internet.
Ảnh của tác giả.

 


Tác giả bài viết: Nhữ-Tarnawska Hoa Kim Ngân