Bảo tàng gốm cổ sông Hương
- Thứ bảy - 07/05/2022 21:42
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Con sông có tên Hương Giang ấy hiền hòa bốn mùa chảy xuyên suốt qua thành phố Huế và băng qua nhẹ nhàng trước nhà tôi nơi vùng Hà Khê.
Một dòng sông yên tĩnh luôn như đang mơ và đẹp như một cô gái có suối tóc bồng bềnh gối đầu trên màu xanh của rặng núi Kim Phụng, như tranh của danh họa đời trước (cố họa sĩ Tôn Thất Đào), phóng bút hình dáng mềm mại của nó giữa cảnh trời bao la với mây trôi lững lờ đáy nước.
Nguồn xanh của đời sống cư dân hai bên bờ và nguồn của thi, họa, nhạc, của những giấc mơ bay cao và những nỗi buồn kim cổ. Và tôi đã giữ mãi hình ảnh văn vẻ của nó khi rời xa quê hương…
Cho nên nỗi bất ngờ thật lớn khi lần đầu tiên chạm vào bình gốm bày bán trên vỉa hè dọc theo bờ sông ấy, lần trở về thăm quê, và biết được xuất xứ của nó từ lòng sông ấy. Ngờ đâu con sông lặng lờ và thơ mộng của thời thơ ấu lại chất chứa trong lòng biết bao cổ vật của hàng nghìn năm.
Sự xúc động ‘tìm ra’ thấy được, sờ được bằng tay cái bình ấy thật khó tả. Nó khác với tất cả những hiện vật cổ mà tôi đã sưu tầm, đồ kiểu, đố sành sứ từ Việt Nam, Trung Quốc hay Âu châu mà tôi đã được nhìn ngắm trước đây và phần nào đang sở hữu. Nó không lộng lẫy kiêu sa. Hình dáng thô sơ nhưng hồn nhiên chân chất, không uốn lượn mà thô mộc, như chính bàn tay tiền sử cảm nhận chất liệu nguyên thủy, như chính nó phát xuất từ một nhu cầu thuần túy muốn được tồn tại trên Trái đất của con người.
Vẻ thẩm mỹ của nó đến từ trực nhận thể tính (Etre, Sein, Being) sáng tạo của mỗi hiện sinh riêng lẻ nằm chung trong đại thể vũ trụ. Nó mang trên mình một màu gốm mà không gốm nào có được, bởi vì nó đã chìm sâu, đã ngụp lặn, thâm nhập trong sâu thẳm của đáy sông, xô dạt trong ba đào, mò mẫm trong bóng tối của sự mất và sự còn.
Nó nâu một thứ nâu khác, vàng một thứ vàng khác, xám một thứ xám khác, đỏ một thứ đỏ khác, đó là thứ màu không thể gọi tên, một thứ màu ảo hóa vừa thu hút vừa siêu việt thị giác, đòi phải nhìn khác cái nhìn thường tục, bởi nó đang trôi – dù nằm yên – đang bồng bềnh giữa những sắc màu phản ảnh lẫn nhau. Một thứ sần sùi bởi lớp thời gian, được gột sạch trong bao làn nước, mà vẫn tự biết mình từ đất ấy, lửa ấy, nước ấy, tứ đại trần trụi nhưng đầy âm vang (echo) tiếng gọi cội nguồn của thẩm mỹ.
Cái bình gốm ấy có thể đứng một mình như một bản ngã không cần thuộc từ, nó khẳng định nó như là nguồn gốc, là chủ thể không thể thay thế, chủ thể di sản thi gan cùng tuế nguyệt! Và khi đứng chung với các tác phẩm nghệ thuật khác, tính đương đại của nó không lùi, mà còn nổi bật, truyền linh cảm về cảm hứng mỹ học hậu hiện đại mà nó đang là…
Nó đã đánh thức mơ hồ một ý niệm về bản lai, nơi chốn sinh thành, những gì thuộc nguồn cội của đời người, dấu vết của thể tính hiện sinh. Và trong phút chốc, vẻ đẹp của nó đã mê hoặc chúng tôi…
Từ đó bao lần chúng tôi đã trở về bến nước cũ, nhà xưa, để ngắm lại dòng sông ấy, nơi chúng tôi đã bao lần tắm gội, có lẽ lúc còn chưa sinh ra, nơi những tiếng cười và tiếng khóc của những bà mẹ theo dòng nước trôi xuôi, nơi bóng núi Kim Phụng vẫn giữ dáng đợi chờ lưu lại trong sông, nơi chính tôi một lần đã viết trong vô thức khi soi mình vào dòng sông ấy, rằng tôi đã thấy tôi trong ấy từ vô thủy vô chung. Và nỗi bất ngờ vẫn y nguyên: khối nước miên man luôn phản ảnh mặt trời và trăng sao ấy, yên lặng, không tỏ một lời, mang trong mình chứng tích của cả vùng đất và con người từ tiền sử: những nồi, ấm, chum, lu, vại, hũ, bình, bình vôi, chén, dĩa. Những xôn xao nếp sống đời này sang đời khác…
Khởi đầu của công trình sưu tập gốm sông Hương đến từ tình yêu kỳ lạ ấy, đam mê như không thể dừng loại cổ vật có thể nói là ‘nghèo’, những thứ dân gian tầm thường, khi vớt lên còn mang bùn, cát, rong rêu, vỏ sò, hến…lại có sức thu hút mê mải như một nỗi ghiền đối với hai người con đi xa trở về Huế, người anh – cố họa sĩ Thái Nguyên Bá, biệt danh Thái Bá từ nước Mỹ và tôi, người em từ nước Đức – Âu châu. Cũng im lặng như dòng sông, mối đồng cảm trở về bến cũ, con sông xưa của thời thơ ấu không cần nói thành lời, mà đã gặp nhau nơi từng sờ mó, ngắm nghía, mân mê, nâng niu, xuýt xoa những cổ vật được khám phá, tìm thấy từ lòng sông ấy, ngay cả những mảnh vỡ cũng được giữ lành trong khối nước ấy! Đã làm nên một sở thích đồng điệu yêu gốm cổ!
Chính tính lành lặn không phân lìa của nước, chính sự trôi đi mà giữ mãi dấu tích con người của dòng sông đã cho tôi sự minh triết về gìn giữ, bảo tồn, trân quý những gì mà dòng sông ôm mãi với thời gian, năng lượng mà các bậc tiền bối đã sang bờ bên kia để lại vẫn như dòng sông sống động của bát nhã, chảy mãi không ngừng cho đời sau, cho nghìn sau.
Trong ý nghĩa ấy, Bảo tàng Gốm cổ sông Hương được hình thành và gìn giữ ngay chính trên nền quê nhà, nơi sông Hương ngày ngày chảy qua.
Tôi xin tri ân những người thuyền chài không biết tên, bào huynh Thái Nguyên Bá, nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan đã ký thác hoài bão giữ gìn gốm cổ. Tri ân sự đồng cảm yêu gốm hết lòng của tiến sĩ Nguyễn Anh Thư không kể khó nhọc lặn lội đến tìm ngôi Từ đường bên sông, nhìn và thăm gốm, tìm tòi và trao đổi, và từ đó tận tâm đem kiến thức chuyên môn về khảo cổ, bảo trợ và gây dựng Bảo tàng. Đồng thời cùng các nhà văn hóa như tiến sĩ Phan Thanh Hải, các nghiên cứu khoa học, các giáo sư và cộng sự viên, đã khích lệ và ủng hộ việc thành lập Bảo tàng Gốm cổ sông Hương.
Đến Huế – vùng đất còn lưu giữ nhiều thành quách, đền đài, lăng tẩm, để nghe câu chuyện của quá khứ, người ta dễ dàng hình dung một Huế vàng son, cổ kính của một thời thủ phủ xứ Đàng Trong gần 400 năm, là kinh đô của triều Tây Sơn, rồi kinh đô của cả nước dưới triều Nguyễn trong hơn 100 năm nữa. Tìm về dấu tích của những chặng đường ấy không khó, nhưng để hình dung quá trình hình thành và phát triển của Huế trên dặm dài lịch sử, từ lúc dân cư bản địa khai sinh nền văn minh cổ xưa ở vùng đất này từ hơn 1.000 năm trước Công nguyên, tiếp tục tụ cư và gầy dựng nên phong tục, tập quán xã hội, phân biệt kẻ giàu người nghèo, tạo khởi niềm tin, chế tác ra các dụng cụ phục vụ đời sống và vũ khí để tranh đấu, dựng thành lũy để bảo vệ lãnh thổ, lớn mạnh và mở rộng giao lưu ra bên ngoài… tất cả quá khứ sâu thẳm ấy chỉ có thể lần tìm manh mối, chắp nối và nhận diện từ những di vật được dòng Hương cất giữ suốt bấy lâu “Con sông dùng dằng, con sông không chảy…”, sông ôm vào lòng mọi thăng trầm của Huế, để rồi đây gửi gắm câu chuyện của quá khứ vào không gian ký ức ở một nơi cũng nằm bên dòng sông – nơi có hơn 5.000 hiện thân của những mảnh ghép quá khứ được chủ nhân góp nhặt suốt gần nửa đời người, để níu giữ hình bóng của một thời dĩ vãng, rồi đến một ngày gom lại thành ánh sáng giúp soi rọi và lấp dần những khoảng trống tri thức về lịch sử và con người vùng cố đô xưa. Có lẽ bởi cái duyên của người đi góp nhặt đã gặp được cái duyên của đất – nơi tổ tiên để lại phúc ấm cho một ngày gốm cổ sông Hương hội tụ về ngôi nhà của từ đường Thái tộc. Ở đây, gốm là chính nó với những hình hài khác nhau, hiện diện ở mọi nơi, bên hàng hiên hay dẫn dắt từ lối nhỏ, nhiều nhất là trong một ngôi nhà được thiết kế riêng với lớp mái thoáng rộng, bài trí xen kẽ với những vật dụng xưa cũ gắn với ký ức của chủ nhân. Tất cả như hòa cùng nhịp sống với không gian của trầm tích quá khứ, êm đềm. Cả ngôi nhà, cả khu vườn và khoảng sân xanh mướt là một thế giới tĩnh lặng nhưng đong đầy cảm xúc nghệ thuật và trí tuệ. Cuộc sống xô bồ như dừng lại đâu đó ngoài kia, để tâm trí người ta trở nên bình ổn hơn với hơi thở trở nên dịu nhẹ khi nâng bước qua những cụm cỏ cây thân thuộc trong vườn Huế, tìm thấy mình thấp thoáng nơi nếp nhà mộc mạc bé nhỏ của ngày xưa. Cứ thế, cõi mộng của Thái Kim Lan cuốn người ta vào đó, một cách tự nhiên nhất. Câu chuyện của quá khứ được kể lại bằng một cách riêng như thế, ở Bảo tàng mang tên sông Hương. Huỳnh Thị Ánh Vân, Giám đốc Bảo tàng cổ vật cung đình Huế. |