Cuộc đời nhạc sĩ Phạm Tuyên qua hồi ký của người vợ quá cố
- Chủ nhật - 25/12/2016 04:50
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhạc sĩ Phạm Tuyên năm nay 86 tuổi. Vợ ông - bà Ánh Tuyết - đã mất được bảy năm. Trước khi ra đi, bà phải chống chọi với bệnh tiểu đường, dạ dày và nhiều căn bệnh khác. Thế nhưng, bà vẫn dành trọn những năm tháng cuối đời để viết hồi ký cho gia đình như một cách đáp lại ân tình của chồng và lưu giữ những tư liệu quý giá.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ cuốn sách luôn gắn với những thời điểm đáng nhớ của gia đình. Cuối năm 2013, Chúng tôi đã sống như thế được in vài trăm bản để lưu hành nội bộ. Đó cũng là dịp kỷ niệm 120 năm ngày mất của học giả Phạm Quỳnh - cụ thân sinh nhạc sĩ. Ba năm sau, nhờ sự kết nối của một nhà báo, cuốn sách được in ấn và phát hành trên cả nước đúng dịp gia đình chuẩn bị thực hiện đêm nhạc "Phạm Tuyên - Nhớ và quên" vào tháng 1/2017.
Hồi ký "Chúng ta đã sống như thế" của PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết. |
Hồi ký gồm sáu phần: Nơi hai điểm xuất phát, Nơi gặp gỡ của tình yêu, Tổ ấm đầy biến động, Đường vào khoa học, Con đường âm nhạc và Vượt núi chặng cuối cùng. Hồi ký mang đến cho người đọc bức tranh toàn cảnh về gia đình Phạm Tuyên những năm 30 thế kỷ trước, chân dung cụ Phạm Quỳnh cùng sự nghiệp và cuộc sống hôn nhân sau này của hai ông bà.
Hồi ký còn bật mí hoàn cảnh ra đời các ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Tuyên như Tiến lên đoàn viên (1954), Chiếc đèn ông sao (1956), Trường cháu là trường mầm non (1973), Cô và mẹ (1975), Chú voi con ở bản Đôn (1983), Cánh én tuổi thơ (1987), Chiếc gậy Trường Sơn (1967), Như có Bác trong ngày vui đại thắng (1975)…
Nhiều chi tiết được vợ Phạm Tuyên ghi chép tỉ mỉ. Khi sách xuất bản, nhiều người tỏ ý nghi ngờ nhạc sĩ mới là người viết bởi có những chuyện tưởng rằng chỉ ông mới hiểu được. Theo nhạc sĩ, hồi ký của vợ ông "là cả một công trình với cả tình yêu, trách nhiệm cho gia đình, cuộc sống với văn phong vừa mạch lạc của khoa học, vừa tinh tế của nghệ thuật, lại lấp lánh ân tình của cuộc đời".
Nhạc sĩ Phạm Tuyên (trái) và nhà thơ Trần Đăng Khoa. |
Cuốn sách cũng khiến người đọc cảm động bởi tình cảm thủy chung, bền chặt mà nhạc sĩ Phạm Tuyên và vợ dành cho nhau suốt nhiều năm. Bà Ánh Tuyết bộc bạch trong sách: "Nếu tôi được coi là điểm tựa của nhạc sĩ Phạm Tuyên thì chính anh ấy cũng là điểm tựa của tôi. Chúng tôi dựa vào nhau để sống và làm việc… Một vài người bạn trách anh sao viết nhạc buồn vậy? Không, đó là nỗi lòng của chính anh, anh cũng như chúng ta, những người đã được hưởng hòa bình, hạnh phúc, ấm no do biết bao người đã hy sinh mang lại, giờ đây chúng ta không thể sống vô tư trong hòa bình được".
Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận định: "Cuốn sách là trang ký ức của bà về những năm tháng vất vả gian nan, những ngọt bùi cay đắng mà bà từng trải. Phần hay nhất trong cuốn sách là những trang bà viết về học giả Phạm Quỳnh và nhạc sĩ Phạm Tuyên... Tôi tin rằng cuốn sách sẽ khiến bạn đọc yêu thích".