Giới thiệu hai tác phẩm văn học Ba Lan mới được dịch giả Nguyễn Văn Thái chuyển ngữ sang tiếng Việt
- Thứ tư - 14/02/2018 23:11
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cuối năm 2017 vừa qua NXB Kim Đồng đã ấn hành hai tác phẩm mới do Nguyễn Văn Thái chuyển ngữ từ nguyên tác tiếng Ba Lan sang tiếng Việt. Đó là cuốn „Trên sa mạc và trong rừng thẳm” (W pustyni i w puszczy) của Henryk Sienkiewicz và „Những truyện ngắn kinh điển Ba Lan” (Nowele Polskie) của 5 nhà văn nổi tiếng viết từ cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX: Henryk Sienkiewicz, Bolesław Prus, Stefan Żeromski, Eliza Orzeszkowa và Maria Konopnicka.
Dưới đây Quê Việt xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc về hai cuốn sách đó.
„Trên sa mạc và trong rừng thẳm” là một trong những sáng tác hay nhất thế giới dành cho thiếu nhi trong suốt hơn một thế kỉ qua. Truyện kể về cuộc phiêu lưu của cậu bé người Ba Lan, Stas, 14 tuổi và cô bé người Anh, Nell, tám tuổi khi bị bắt cóc, bị đưa từ kênh đào Suez, qua sa mạc Sahara tới Sudan. Hai đứa trẻ phải trải qua biết bao hiểm nguy, đối mặt với nhiều khó khăn gian khổ, chiến đấu với những thử thách nghiệt ngã của số phận, vượt sa mạc nắng cháy, băng rừng rậm nhiệt đới trong mùa mưa dầm, trước mối đe dọa đến từ những bộ lạc xa lạ và các loài dã thú.
Câu chuyện về cuộc hành trình vượt qua miền Đông châu Phi của Stas và Nell là khúc tráng ca về vẻ đẹp kì vĩ của thiên nhiên châu Phi, khúc ca ca ngợi lòng quả cảm, khát khao chinh phục chân trời mới, ước vọng thực hiện kì tích phi thường để bảo vệ những điều thân yêu.
Các nhân vật trong tiểu thuyết „Trên sa mạc và trong rừng thẳm” thực ra là những nhân vật hư cấu, song tác giả đã miêu tả những cuộc phiêu lưu gắn chặt với thực tế châu Phi và liên quan đến những sự kiện lịch sử trọng đại, đến mức quyển sách cũng có thể coi là tiểu thuyết lịch sử. Trẻ em sẽ ham mê những sự kiện gây ấn tượng mạnh mà hai nhân vật chính trong tiểu thuyết là Stas và Nell trải qua, ngược lại, các độc giả lớn tuổi, những người mà Henryk Sienkiewicz cũng muốn dành tặng quyển sách này, sẽ có thể so sánh sự hiểu biết hiện tại của mình về các vấn đề châu Phi với những bức tranh gợi lại quá khứ của „lục địa đen”, được phác họa bằng ngòi bút bậc thầy của một nhà văn lớn có tâm hồn chứa chan tình yêu quê hương đất nước.
Về cuốn tiểu thuyết này, Nguyễn Thúy Loan, trưởng ban Văn học NXB Kim Đồng cho biết: “Trên sa mạc và trong rừng thẳm” trước đó có một vài dịch giả đã dịch tại Việt Nam, trong đó có bản dịch được nhiều người biết đến là của dịch giả Nguyễn Hữu Dũng, tuy nhiên dịch giả Nguyễn Văn Thái dịch tác phẩm này với một giọng văn khác. Ông truyền tải bằng một văn phong chắc chắn, vững vàng. Vẫn là góc nhìn đấy, với một văn phong chậm rãi. Và bạn đọc cũng hiểu được là không có bản dịch nào là hoàn hảo nhất, nhưng luôn luôn có những dịch giả muốn chuyển thể tác phẩm đấy đến với công chúng bằng ngôn ngữ của mình.“
Sách do NXB Kim Đồng ấn hành quý 4/2017 tại Hà Nội, với 46 chương và đoạn kết, dày 552 trang khổ 13x19 cm.
Nhà văn - dịch giả Nguyễn Văn Thái (ảnh: Phi Hà)
Giới thiệu về dịch giả Nguyễn Văn Thái, ngày 21 tháng 3 năm 2017 nhà báo Phi Hà (VOV5) đã viết: Năm 2017 bản dịch „Trên sa mạc và trong rừng thẳm” của Henryk Sienkiewicz và „Những truyện ngắn kinh điển Ba Lan” của 5 tác giả nổi tiếng Ba Lan thế kỉ XIX, XX sẽ ra mắt độc giả tại NXB Kim Đồng. Trước đó, tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Thái từng đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2013 về dịch thuật với tiểu thuyết kinh điển, được coi như bộ sử thi của dân tộc Ba Lan “Nông dân”, của tác giả Wladyslaw Reymont. Chị Nguyễn Thúy Loan cho biết lý do NXB Kim Đồng lựa chọn những bản dịch của dịch giả Nguyễn Văn Thái: “Dịch giả Nguyễn Văn Thái vốn là một nhà khoa học hiện đang sống tại Ba Lan nhưng tiếng Việt của ông rất tốt và các bản dịch của ông khi gửi đến NXB Kim Đồng đều rất truyền cảm và tạo được dấu ấn khá đặc biệt. Tác phẩm đầu tiên ông dịch giúp NXB Kim Đồng chính là truyện „Hania tình yêu của tôi nỗi buồn của tôi”. Bản dich này không hẳn là mới, vì ở Việt Nam trước đó cũng có một vài người khác dịch truyện Hania, tuy nhiên ngôn ngữ của dịch giả Nguyễn Văn Thái rất truyền cảm và thể hiện đúng thời điểm lịch sử của Ba Lan thời đó. Ông có một sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa Ba Lan, vì ông vốn đã sinh sống tại Ba Lan rất nhiều năm. Nên cách ông thể hiện qua từ ngữ, câu thoại, cách diễn đạt, hành văn của tác giả Henryk Sienkiewicz là tác phẩm bạn đọc rất ấn tượng. Tiếp đó ông dịch cuốn sách đương đại „Kì nghỉ hè với nhà văn” của Andrzej Grabowski. Dịch giả Nguyễn Văn Thái đã hòa được với giọng viết của tác giả. Điều này thường rất khó với các dịch giả vì các dịch giả thường được coi là người thể hiện lần thứ hai hoặc kể lại, hoặc như người diễn lại… Với cuốn này dịch giả Nguyễn Văn Thái đã cảm thụ và truyền tải gần như hoàn hảo tác phẩm."
Tác phẩm „Những truyện ngắn kinh điển Ba Lan” bao gồm hai tập: tập I „Giấc mơ cối xay gió” và tập II „Người gác đèn biển”.
Tập I có các truyện của Eliza Orzeszkowa (A...B...C..., Bà chủ tốt bụng), Bolesław Prus (Giấc mơ cối xay gió, Những tội lỗi tuổi ấu thơ, Chiếc áo ghi lê, Đàn quay, Từ những huyền thoại Ai Cập cổ đại), Stefan Żeromski (Người phụ nữ mạnh mẽ). Sách dày 384 trang, khổ 13x19 cm, in tại NXB Kim Đồng, quý 4/2017.
Bolesław Prus gửi gắm vào Giấc mơ cối xay gió niềm đam mê nghệ thuật cháy bỏng và tình yêu thuần khiết, Bà chủ tốt bụng của Eliza Orzeszkowa để lại nỗi ám ảnh khôn nguôi và những trang viết của Stefan Żeromski, ”lương tâm của nền văn học Ba Lan”, đậm chất hiện thực và giàu cảm xúc. Chàng trai làng tài hoa rời bỏ quê hương, mang theo mối tình câm lặng, trao gửi thân mình vào thế giới mênh mông. Cô bé mồ côi tưởng như đã tìm được mái ấm bình yên bên bà chủ tốt bụng, nhưng cuộc sống ấm êm đó cũng mỏng manh như những cánh hoa hồng trong lời ca cô hát. Và biết bao thân phận con người cứ lần lượt hiện lên, chân thực, xúc động qua từng trang viết...
Những câu chuyện trong cuốn sách không chỉ kể với chúng ta nỗi niềm của thời đại cách đây hàng thế kỉ mà còn gieo hạt giống tình cảm trường tồn qua thời gian, bắt rễ vào phần sâu lắng nhất nơi trái tim mỗi con người.
Tập II bao gồm các truyện ngắn của Maria Konopnicka (Khói, Ông Mười lăm Gdansk, Con ngựa già của chúng tôi) và Henryk Sienkiewicz (Người gác đèn biển, Janko Người chơi nhạc, Tù trưởng, Hồi ức từ Maripoza, Vì miếng bánh mì, Từ hồi kí của một giáo viên ở Poznan), sách dày 384 trang khổ 13x19 cm, in tại NXB Kim Đồng quý 4 năm 2017.
Nếu như Nguời gác đèn biển của Henryk Sienkiewicz, dạt dào tình yêu quê hương xứ sở là truyện ngắn góp phần làm nên tên tuổi của nhà văn Ba Lan đầu tiên đoạt giải Nobel văn học (1905), thì những trang viết của Maria Konopnicka lấp lánh lòng cảm thông, tình yêu thương con người sâu sắc cũng là những truyện ngắn khắc họa đậm nét tính cách Ba Lan trong lòng người đọc mọi thế hệ. Người gác đèn biển tưởng chừng đã tìm được bến đỗ bình yên sau quãng đời phiểu bạt, nhưng chỉ một phút đắm mình trong những cuốn sách thức tỉnh nỗi niềm quê hương xứ sở lại đưa ông về làm chiếc lá bị gió cuốn tung giữa dòng đời. Bà mẹ già mòn mỏi bên khung cửa sổ ngắm làn khói bay lên trời mà tưởng tượng đó là hình bóng người con trai dấu yêu đã mất. Hi vọng tuyên tập những truyện ngắc đặc sắc của Maria Konopnicka, Henryk Sienkiewicz cũng có thể trở thành hành trang của các bạn trong cuộc sống, như cuốn sách người gác đèn biển luôn mang theo bên mình nhằm giữ mãi ngọn lửa cháy bỏng tình yêu quê hương xứ sở, tình cảm sâu lắng, chân thật nhất của con người.
Đây là những truyện ngắn kinh điển đặc sắc nhất do các nhà văn nổi tiếng Ba Lan viết cách đây trên 100 năm và được đưa vào chương trình giảng dạy văn học trong hệ thống trường phổ thông các cấp của Ba Lan. Đó là các tác phẩm không những rất nhân văn mà còn phản ánh hiện thực xã hội lịch sử của Ba Lan và một phần Châu Âu vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Bản dịch đã được Viện sách Ba Lan tài trợ.
Để hiểu nội dung cuốn sách cần nói thêm rằng giai đoạn từ năm 1795 đến 1918, Ba Lan bị phân chia thành ba lãnh địa, đặt dưới quyền đô hộ của Nga, Phổ và Áo. Mãi đến năm 1918, sau thất bại của các đế chế Đức, Áo và Ý trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Ba Lan mới giành lại được độc lập. Nhiều nhà văn trong giai đoạn bi hùng đó của dân tộc đã tham gia vào các cuộc khởi nghĩa chống ngoại xâm. Những truyện ngắn trong tập sách phản ánh đời sống, những suy nghĩ và tình cảm của người dân Ba Lan, từ trẻ em đến người lớn tuổi, từ nông dân, dân nghèo thành thị, công nhân, trí thức đến những người buộc phải sống tha hương nơi đất khách quê người. Cảnh tủi cực của người dân nghèo ở nông thôn và thành thị Ba Lan, số phận đắng cay của con người, cuộc sống của nhân dân Ba Lan thời kì cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX được vẽ lên hết sức sinh động. Trong nhiều truyện, hình ảnh trẻ em Ba Lan ở làng quê, thành phố, trường học và trong cuộc sống hàng ngày được khắc họa vô cùng hấp dẫn.
Qua việc miêu tả số phận của người Ba Lan sống nơi đất khách quê người, chúng ta cũng có thể thấy rõ hơn bức tranh khá thú vị về nước Mĩ trong những ngày mới hình thành và sức hút mãnh liệt của quê hương, đất nước đối với những người con xa xứ.
Hi vọng hai tác phẩm văn học kinh điển này sẽ là món quà tinh thần dành cho người Việt đang làm ăn sinh sống tại Ba Lan, đặc biệt là thế hệ trẻ.