Hình chữ

Hình chữ
Tranh của Đặng Đình Hưng nhiều những dấu chấm, nhiều những vạch đứt hoặc liền, những chữ cái, O, A, dấu mũ mà ông gọi là những “Hình ban đầu”. Tức là những ký tự cơ bản, tự nhiên, ấu thơ, nó vừa là chính nó mà lại là một nó khác. Đó là một kiểu hội họa ký hiệu. Một ký hiệu đủ ngầm hiểu cho một câu chuyện, một trạng thái. Hoặc ngược lại, cả một câu chuyện được gói vào một ký hiệu. Thơ của ông cũng vậy, nhiều Alfa, nhiều Beta, nhiều YZ, nhiều những con số.

 


Nhà thơ Đặng Đình Hưng và họa sĩ Lê Thiết Cương khoảng những năm 1980.


Tôi ghé Bến lạ một chiều không Alfa / Nơi tôi đứng / Một cái đĩa Mê ta”.

“Từ góc nhọn A, tôi đi ghềnh V ghê sợ nhất”

“Ngộ nhỡ 40 tuổi, tôi phải 40 đôi vai / hễ tuổi 42 là có cái lưng zài / 40 cái mâm / 40 đôi đũa”.


Đặng Đình Hưng chỉ dùng một số ký tự, ký hiệu, vạch, chấm, vuông, tròn nào đó. Ông chỉ sử dụng vài ba màu, thường là cỏ úa, nâu đất, vàng rơm, trắng ngà gạo nếp… cho tất cả các tác phẩm của mình.


Vậy câu chuyện ở đây là gì? Là tổ hợp những ít ỏi màu hình đó, để ít mà nhiều, kiệm lời mà vẫn phong phú, im lặng nhưng đầy ắp. Tổ hợp của Đặng Đình Hưng là gì? Là đan cài, ghim ghép, móc nối, là cài lại, ghép lại, nối lại, vui lại, buồn lại, thức lại, mơ lại, “không biết” lại. Âm nhạc là phát triển, là biến tấu trên một chủ đề. Đặng Đình Hưng đã sử dụng thao tác này của nhạc cho hội họa của mình, thơ ông cũng vậy, cũng là phát triển và biến tấu từ một chủ đề. Thơ nhạc họa ở trong ông là một. Tranh ông không phải là minh họa cho thơ. Ngay cả khi có những bức, ông vẽ trên cảm hứng từ một ý thơ của chính ông. Hoặc thậm chí có những bức tranh ông viết một câu thơ như một hình / chữ rồi vẽ thêm bên cạnh thì thơ ấy vẫn không phải là thơ đề trên tranh, minh họa cho tranh và ngược lại tranh ông cũng không phải là minh họa cho thơ. Nó là một. Là một văn bản thơ / họa. Ông không làm chữ như vậy thì ông có vẽ vậy không?



Ví dụ có bức, ông chọn khổ toan, panorama ngang 50x150cm để viết câu: “Tôi đi ra phố nửa giờ / tìm một cái ao ngồi giặt áo cả ngày”. Ông chỉ vẽ thêm một nét chạy dài suốt chiều ngang tranh để đủ gợi, đủ đưa đẩy xa xăm.


Một bức khác, trên mặt tranh có nhiều nét đứt, ngang, dọc và ông viết bài thơ ngắn nhất của ông: “Đêm Virgule”, 2 chữ, 3 âm tiết, đêm dấu phẩy.


Nhưng ở một bức tranh khác chỉ có vài vạch chéo đứt quãng, ông vẽ trên cảm hứng từ bài thơ lẻ của ông: “Tôi có trăm xu /tôi đi tám phố /mua con đường dài / vừa đi vừa nghỉ /mua năm xu ánh sáng /sống ghẹ mặt trời /mua năm xu chơi vơi /mủi lòng viên đạn /mua năm xu mưa lay phay /trang hoàng dậu sắt ...

đến phố hàng kèn gặp thằng trĩ mũi / tôi mua năm xu lá chuối /tôi cho nó xem /nó mua năm xu hoa loa kèn /nó cho tôi ngửi / ...  đôi bạn èng èng chia tay đầu phố”.


Cách vẽ của ông là cách viết, như viết chữ thôi. Cái hình ấy, cái ý ấy ở trong ông đi ra đầu bút, trực giác, trực họa, vẽ một nét, một lần là xong, không tô đi tô lại, không vờn tỉa. Vẽ là viết, viết là vẽ, là một như nhau.





Thơ ông có nhiều hình, nhiều gợi ý cho tạo hình.


“Tôi lại đi…

cái nong hình záng lưng tôi, một bảng đen trước mặt, một vòng phấn dưới chân, zính zính… những con 8 lộn zọc nhẵn thín nam châm gói trong hạt thóc jống của không biết”


Đặng Đình Hưng, thơ của ông, hội họa của ông là một. Một lạ. Một Đặng Đình Hưng. Một bến lạ.

Tác giả bài viết: Lê Thiết Cương

Nguồn tin: Tia Sáng