Hua Tát và Nguyễn Huy Thiệp

Hua Tát và Nguyễn Huy Thiệp
Trung tuần tháng Tám vừa qua, Khoa Ngữ văn (Trường Đại học Tây Bắc) đã tổ chức một buổi gặp gỡ và trò chuyện văn chương với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ngoài hoạt động được thực hiện rất chu đáo và thân tình này, nhà trường còn tạo điều kiện để nhà văn quay trở lại thăm Hua Tát, một bản nhỏ của Sơn La, nơi gần năm mươi năm trước, chàng trai tuổi đôi mươi Nguyễn Huy Thiệp dốc lòng dạy học và dường như chưa định hình điều gì cho việc sẽ viết văn, sự nghiệp rồi đây đem lại cho ông bao danh tiếng, niềm vui lẫn nhọc nhằn, cay đắng.


Nguyễn Huy Thiệp ký tặng tập truyện Những ngọn gió Hua Tát ngay tại sân trường cấp III Mai Sơn, nơi ông từng dạy học vào cuối thập niên 1970. Ảnh: Mai Anh Tuấn.

Lời mách bảo của thiên nhiên

Hua Tát, cho đến ngày nay, dẫu đã có điện-đường-trường-trạm đủ để gây cảm giác đời sống nơi đây đang thay da đổi thịt, vẫn là một bản nhỏ với khoảng 100 hộ gia đình, hơn 500 nhân khẩu. Bản thuộc xã Cò Nòi, cách trung tâm huyện lị Mai Sơn chừng 15km về phía Đông theo trục quốc lộ 6. Địa thế Hua Tát và rộng ra là Cò Nòi, nhìn trước sau, đều thấm đẫm cảnh sắc thiên nhiên rừng núi kiểu Tây Bắc: dưới những dãy núi đá vôi cao ngất, gối tiếp nhau tít tắp chân trời là những lòng chảo khá bằng phẳng, xanh mướt ruộng lúa và cây ăn trái. Từ lòng chảo, bảng nhiệt từ khô nóng của gió mùa Tây Nam chuyển sang mát mẻ á nhiệt đới khi lên cao. Chẳng thế mà, bất chấp địa hình hiểm trở, du khách vẫn muốn dừng chân và lưu trú thật lâu ở đây để thả lỏng thân tâm trong không gian yên tĩnh, thanh khiết, tươi tắn. Thời đại của du lịch sinh thái, theo nhiều cách khác nhau, đã khiến con người trở nên ưa chuộng và quý trọng hơn những nơi thâm sơn cùng cốc.

Nhưng vào đầu thập niên 1970, lên Tây Bắc không hề là một chuyến đi dễ chịu. “Con tàu này lên Tây Bắc, anh đi chăng?” (Chế Lan Viên) là câu tu từ rất lãng mạn, nồng nàn và đầy tinh thần “xúi giục” theo lối từ chương sách vở. Anh giáo Thiệp, bấy giờ vừa mới tốt nghiệp ngành Sư phạm Lịch sử, lên Tây Bắc bằng chuyến xe khách cà tàng và dĩ nhiên, bằng cả đôi chân trên cung đường vượt núi gian truân, vất vả. Hãy đi xa hơn nữa (1963), tên một tác phẩm của Nguyễn Khải, nhang nhác khẩu hiệu, đánh trúng tâm lí lớp thanh niên những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, quyết chí làm điều gì đó lớn lao. Một nội dung của “Thanh niên ba sẵn sàng” (“sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ điều gì mà Tổ quốc cần”1) chẳng hạn, chắc chắn là lựa chọn lí tưởng, nếu ra chiến trường chưa phải là nỗi đau đáu đầu tiên. Anh giáo Thiệp cũng “đi xa hơn nữa” cho đến khi núi rừng bạt ngàn bao phủ. Và nơi chốn anh đặt chân trước nhất, Hua Tát, đã cách xa quê nhà Hà Nội những ba trăm cây số. Không chỉ Hua Tát, ngay cả các địa danh bao quanh gần đó, bản Lếch, bản Nhạp, bản Hin Thuội, Bó Ngoa, Phiêng Nậm, Hua Nong, Nong Te, hay chếch ra phía trung tâm, Nà Bó, Tà Hộc, Chiềng Đông, Chiềng Sàng, Hát Lót, Chiềng Lương…, đều hoàn toàn lạ lẫm như những dị âm đối với anh giáo hãy còn bạch diện thư sinh. Làm sao có thể tồn tại, hơn nữa, “thi đua dạy và học” trong điều kiện mà như ông hay nhắc lại trong các chuyện kể về sau của mình, là cô đơn, nghèo đói, và hiểm nguy thường xuyên rình rập? “Trường học miền núi nơi tôi ở nằm trên một quả đồi trọc gọi là đồi Thông mặc dầu trên ấy chẳng có một ngọn thông nào [...] Mưa lũ kéo dài từ đầu tháng bảy đến giữa tháng chín khiến nơi tôi ở không khác gì một ốc đảo… Tôi có thể ốm rồi chết ở nơi khỉ ho cò gáy này vô ích. Tôi đã thấy mộ những giáo viên vô danh chết như thế ở Mường Hum và Chiềng Cọ, cả ở trong bản Chi cuối đường 19 nữa” (Chuyện tình kể trong đêm mưa)2. Nhưng ngày tháng vẫn trôi qua trong xóm núi đơn điệu, buồn tẻ, dưới sương muối khô hanh ban ngày mà buốt giá ban đêm, và những cơn mưa ào ào trút xuống…

Miền núi/vùng cao, thực ra, vẫn luôn là một thực tại mới mẻ đối với bất cứ người Việt đồng bằng nào. Ngay cả hiện giờ, không ai trải nghiệm thực tại này với nỗi hoang mang tột cùng bằng các thầy cô giáo khi bị thuyên chuyển đến các điểm trường vùng sâu vùng xa heo hút. Anh giáo Nguyễn Huy Thiệp hẳn cũng tự thấy xót xa, tù túng vì tuổi trẻ đầu xanh phải vùi vào nơi rừng sâu núi thẳm. Nhưng cũng bởi thời thanh xuân là khi nhiệt huyết và tâm hồn dễ tự gây ảo giác về tự do, nghĩa vụ, về những điều cao cả mới cháy lên rực rỡ, sẵn sàng xua tan mọi âu lo, vụ lợi, toan tính nên Nguyễn Huy Thiệp mới trụ lại được những gần mười năm ở Tây Bắc. Liệu còn ẩn giấu nỗi niềm gì nữa? Trong Cô My, truyện ngắn đầu tiên được đăng trên Văn nghệ (3/5/1986), Nguyễn Huy Thiệp đã cho thầy giáo Thức với “đôi mắt thẳng thắn và hơi phảng phất u buồn” bộc bạch điều sâu thẳm: “Tôi ở mười năm mà chẳng bao giờ không nao lòng nhớ miền xuôi những khi chiều xuống […] Mấy đứa giáo viên xa nhà ngồi bên bếp lửa, rất nhiều câu chuyện vô nghĩa và vô tích sự. May mắn là tôi có niềm say mê sưu tập văn học dân gian, tôi không thiếu những công việc phải làm trong những buổi tối. Tôi sợ vô cùng những bếp lửa tàn. Nhìn những hòn than rừng rực nguội đi mà lòng tự dưng hốt hoảng một nỗi mơ hồ”. Không phải ai sống trải rừng núi cũng giữ được cho tâm trí mình chút “hoảng hốt” cần thiết này. Bởi nó chỉ xảy ra khi vỉa năng lượng sống sau cùng chưa tắt, khi những điểm huyệt nhạy cảm nhất của giác quan chưa bị méo mó, chai sần đi trước chuỗi thử thách, khó khăn quá mức chịu đựng. Nào ai đếm xỉa đến khoảng nội tâm bé tí của anh, thầy giáo cắm bản ấy, ngoại trừ thiên nhiên mênh mông vừa hoang dã, huyền hoặc vừa gần gũi, trong trẻo. Đã từng dạy học vùng cao, tôi quá thấm thía tình thế bi hài của nhiều anh giáo trẻ, tuy nghĩa khí hảo hán không kém anh hùng Lương Sơn Bạc, nhưng lại rất dễ mềm lòng, dù trước mặt chỉ là ánh chiều sắp phủ tím ngọn đồi im ắng xa xôi.

Úp mặt vào rừng núi, ở trạng thái tập trung và tinh tấn nhất, sẽ được thiên nhiên mách bảo cách thức tránh thoát lối sa ngã tầm thường. Nguyên tắc này, dưới dáng giọng điệu bình tâm mà giác ngộ, đã đi vào hồi ức của Nguyễn Huy Thiệp: “Mọi sự vẫn được tự nhiên chọn lọc kĩ càng, sức đề kháng trong tự nhiên rất lớn” (Những người muôn năm cũ). Muốn thông hiểu thiên nhiên, mỗi cá nhân không chỉ tự điều chỉnh để thích nghi, mà còn phải ngẫm nghĩ, suy tư và tiến gần đến nó bằng thái độ học theo, soi mình. Quãng thời gian ở Hua Tát, với thầy giáo Nguyễn Huy Thiệp, thay vì lưu cữu nỗi bẽ bàng thua thiệt, oán trách cuộc đời, lại sáng láng một tri nhận quan trọng: chỉ có chân thực mới được thiên nhiên chấp nhận. Những miêu tả, luận bàn về thiên nhiên, rừng núi về sau của Nguyễn Huy Thiệp đặt ông vào vị thế một nhà “thiên nhiên tâm luận”, lấy thiên nhiên để soi chiếu và nhìn nhận, đánh giá con người. “Nhờ rừng - tờ Le Monde nhận định, ông khám phá ra sức mạnh của thiên nhiên, điều này ánh men lên trong tất cả tác phẩm của ông”3. Đó hẳn là món quà lớn, đương nhiên đòi hỏi cách đón nhận đặc biệt mà các phép tính chi li về danh lợi, tiền bạc có khi phải ngã ngửa vì sự xoàng xĩnh của mình.

Khởi sinh của sáng tạo

Lúc đầu, Nguyễn Huy Thiệp dạy ở Trường Bổ túc công nông. Học viên đều lớn tuổi, thuộc diện cán bộ, công chức ở vùng Đông Bắc trong thời chiến. “Đến lúc đó - Nguyễn Huy Thiệp kể lại, thật sự họ cũng chưa được học nhiều, không ít người còn chưa biết viết”4. Anh giáo Thiệp tận tình, nhiệt huyết soạn bài và dạy theo đúng nội dung giáo án như các đồng nghiệp đang làm. Nhưng sau chừng ba năm, ông nhận ra học viên chẳng bận tâm và cũng chẳng hiểu gì những bài giảng đó. Ông bắt đầu chuyển sang cách dạy “kể chuyện”: đọc một cuốn tiểu thuyết nào đó rồi kể lại cho học viên nghe. Họ tỏ ra thích thú và nhớ lâu các câu chuyện này, có lẽ vì chúng sát thực với chuyện đời thường của học viên. Nhờ ảnh hưởng của các học viên-cán bộ, một thư viện được dựng lên trong trường. Và thầy giáo Thiệp, độc giả chính của thư viện này, sẽ tiếp tục kể lại những bộ tiểu thuyết quen tên thời đó: Làm gì của N. Chernysevski, bộ ba Chú bé, Cậu tú và Ngọn cờ khởi nghĩa của Jules Vallès… Trong bảy năm hai tháng dạy học ở đây, Nguyễn Huy Thiệp đọc gần hết sách của thư viện, bõ hờn cho ngày đầu tiên xách nách một va li có dăm ba cuốn sách nhưng phải vứt dọc đường vì kiệt sức leo bộ dốc núi. Hai năm tiếp theo, ông chuyển đến dạy ở trường phổ thông Mai Sơn với nhiều học sinh trẻ trung hơn. Lúc ấy, ông xấp xỉ ba mươi và không gì không thể, ông làm Bí thư Đoàn trường!

Đọc sách và kể chuyện, dù gì, cũng đỡ bị “sống mòn”. Thêm nữa, Nguyễn Huy Thiệp còn học vẽ. Ông theo chân họa sĩ Lò Văn Quang, một tên tuổi nổi bật của hội họa Sơn La cho đến giờ, để trau dồi tay vẽ của mình. Những năm sau chiến tranh, ông từng làm họa báo cho tờ Sơn La Đổi mới. Năm 1977 thì cùng Cà Kha Sam, cũng là họa sĩ xuất thân từ Đại học Mỹ thuật, tổ chức một buổi triển lãm tranh mang hơi hướng tuyên truyền. Vốn liếng ít ỏi ấy, trong hoàn cảnh nghèo nàn vật chất và tinh thần, dù sao cũng nuôi dưỡng ý nghĩ trở thành họa sĩ của Nguyễn Huy Thiệp, gieo trong chính bản thân ông hạt mầm sáng tạo. Những khát vọng đôi khi như liều doping cần kíp, xốc người ta đứng dậy lần hồi về phía ánh sáng ban mai ít ra chẳng đến mức mờ mịt, vô phương. Ba năm sau, 1980, ông trở về Hà Nội và nhanh chóng hiểu rằng chút năng khiếu vẽ của mình không đủ thành họa sĩ. Tài sản đáng kể nhất của “gã ngố rừng”, rút cuộc, lại là những mẩu truyện ngắn được viết một cách âm thầm khi ở Hua Tát. Phải bảy năm nữa, trước khi Tướng về hưu gây rúng động văn đàn, anh giáo Thiệp mới dám gửi đăng chùm truyện ngắn ấy trên báo Văn nghệ (1/1987) dưới một tên chung: Những chuyện kể bất tận của thung lũng Hua Tát.

Vậy là, ở Hua Tát, Nguyễn Huy Thiệp có câu chuyện của riêng mình. Trái tim hổ viết năm 21 tuổi, Con thú lớn nhất viết năm 23-24 tuổi, và đến 27 tuổi, ông hoàn chỉnh mười truyện ngắn liên hoàn. Sau này, khi in sách (1989), ông đổi tên thành Những ngọn gió Hua Tát. Tên bản nhỏ với đa số người dân tộc Thái, với những truyền thuyết huyền hoặc lạ thường, với không gian đậm chất xứ lạ ấy, như tất cả bạn đọc đều biết, đã trở nên nổi tiếng, được dịch sang tiếng Anh5. Hua Tát, tôi nghĩ, sẽ chẳng lưu dấu gì nếu không được văn chương hóa bởi chính người đã từng thân thuộc đến từng bông cúc dại nở vàng và sương mù bàng bạc. Hơn nữa, đó lại là người, vào lúc cô đơn và tươi trẻ nhất của cuộc đời, đã sớm vỡ lẽ rằng việc hiểu rõ những đau khổ trần đời sẽ nảy nở “sự sáng suốt đạo đức, lòng cao thượng, tính người”6.

Những ngọn gió Hua Tát khởi sinh và đồng thời làm cho hành trạng văn chương Nguyễn Huy Thiệp trở nên khác biệt. Bằng cách mượn dáng dấp các chuyện cổ (“nếu khách là người công minh chính trực, chủ nhà sẽ mời khách nghe một câu chuyện cổ”), Nguyễn Huy Thiệp đã không ngừng buộc người đọc phải hiểu đúng, hiểu lại miền núi và tộc người. Chính xác hơn, ông tạo ra một sự hoán định vị trí: chính miền núi/tộc người sẽ giúp điều chỉnh và thanh lọc tâm hồn, nhận thức của con người đồng bằng/miền xuôi. Ngược lại, nếu vẫn tiếp tục duy trì định kiến tộc người, không có sự cộng cảm tận đáy mà chỉ phán xét sai lạc về miền núi/vùng cao thì cái gọi là văn minh thành thị hiện đại sẽ bị trả giá, thua cuộc, bị thiên nhiên trừng phạt. Khi nhà văn đặt Hua Tát trong không gian chuyện cổ, với các tích huyền thoại và hồn linh bám chặt thời gian sống/sinh hoạt thế tục, hẳn ông đã nhìn thấy ở đó sự sâu dày, đặc sắc và tựu thành của trí tuệ, tính cách tộc người. Và cách ông chuyển tải quan sát đó, theo tôi, rất mực giản dị và trong trẻo, hệt như phẩm tính của rừng núi bản chiềng. Sau hơn ba mươi năm trường văn trận bút, Nguyễn Huy Thiệp dường như đang độ mình trở về đúng nơi bắt đầu, “phục quy ư phác”, trọng sự chất phác, mộc mạc, không đa sự, phân tích chi li.

Vĩ thanh

Tôi không muốn kết thúc những lời kể hồi cố khi sôi nổi khi trầm lắng của Nguyễn Huy Thiệp trên chuyến xe về Tây Bắc. Nhưng tôi sợ thất thố nếu cứ mải sa vào bình phẩm sự lựa chọn viết văn của thầy giáo Nguyễn Huy Thiệp hồi nào. Bởi ngã rẽ ấy, cú đẩy tay của số phận ấy, cũng khiến ông chịu bao biến cố thăng trầm. Chưa biết họa phúc nào là hơn, giữa hình ảnh một nhà giáo vùng cao hiền lành, chân chất và vô danh, với chân dung một nhà văn lớn nhưng chịu quá nhiều “đòn roi” phê bình, quá nhiều đố kỵ nhẫn tâm của người đời. Mọi sự vẫn cứ vô cùng trong lẽ biến dịch được mất mà thời gian nào cho sáng tỏ. Hua Tát đã thay đổi, Nguyễn Huy Thiệp thì già đi. Cuộc tái ngộ mà tôi chứng kiến xiết bao bùi ngùi, lúc nấn ná lúc vội vàng như chẳng kịp. Ở tuổi thất thập, mấy ai cả gan để kí ức ùa về quá lâu. Ông cố kìm nén nhưng thật khó giấu vẻ run rẩy, luống cuống khi gặp lại ân nhân, khi chạm vào đất lành Hua Tát. Hốt nhiên, tôi nhớ đến ông giáo Chi trong truyện Sống dễ lắm ước mình có thể bay lên, bay đến những dãy núi xanh xa xôi, lẩn khuất trong mây trắng, nơi không khí rất sạch và khoáng đạt, nơi hoa cúc dại nở vàng rực trong những thung lũng hoang vắng không một bóng người. Nguyễn Huy Thiệp có là ông giáo Chi ấy không!? Chẳng thể đoán định nhưng tôi biết, ông rồi sẽ tự an ủi mình bằng sự mẫn cảm của người già về hợp tan, tan hợp vốn luôn bày chật trên mặt đất.

An ủi cũng là một ngọn gió.
-----------
1 Hai sẵn sàng khác là “Sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu dũng cảm” và “Sẵn sàng gia nhập lực lượng vũ trang”.
2 Khá nhiều địa danh vùng Tây Bắc trong truyện kể của Nguyễn Huy Thiệp là địa danh xác thực. Đây là một dấu chứng cho thấy yếu tố dân tộc chí, không chỉ về cảnh quan rừng núi mà còn về tập tục và tập tính tộc người, trong văn chương Nguyễn Huy Thiệp. Chiềng Cọ nhắc đến ở đây là một xã thuộc thành phố Sơn La, gồm tám bản. Còn Mường Hum là một xã thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.
3 [Báo] Le Monde (2005), “Nguyễn Huy Thiệp, những vết thương cháy bỏng”, Nguyễn Quốc Trụ dịch. Nguồn: http://www.tanvien.net/chuyen_ngu_2/vet_thuong.html
4 Nguyễn Huy Thiệp (2015), “Vui mừng chiến thắng và vết hằn của chiến tranh Việt Nam”, phỏng vấn của Katharina Borchardt, Trần Huê dịch.
Nguồn:http://www.diendantheky.net/2015/06/katharina-borchardt-phong-van-nha-van.html#more
5 Như bản tôi đang có: Nguyễn Huy Thiệp (2003), Crossing the River: short fiction, edited by Nguyen Nguyet Cam and Dana Sachs, Curbstone Press, USA. Chùm truyện ngắn Những ngọn gió Hua Tát: Mười truyện kể trong bản nhỏ do Peter Saidel dịch.
6 Lời mở của tác giả trong Những ngọn gió Hua Tát.

Tác giả bài viết: Mai Anh Tuấn

Nguồn tin: Tia Sáng