Nhân tài thường không muốn đánh bóng tên tuổi và im lìm đâu đó

Nhân tài thường không muốn đánh bóng tên tuổi và im lìm đâu đó
GS.TSKH Lê Tuấn Hoa chia sẻ: "nhiều người rất giỏi nhưng họ chỉ lặng lẽ làm công tác nghiên cứu, không đánh bóng tên tuổi và im lìm đâu đó, nhiều khi tìm thông tin không dễ. Vì thế, nếu chỉ nhìn nhận một vài hiện tượng để đánh giá người tài không trở về là chưa chính xác".

Thời gian qua, hiện tượng “du học không trở về” hoặc người tài không chọn môi trường làm việc trong nước đã khiến dư luận chú ý. Theo một số nhà khoa học, có người đang âm thầm trở về. Cũng có những người lựa chọn ở lại sau khi xem xét những yếu tố quan trọng để phát triển nghề nghiệp.

GS.TSKH Lê Tuấn Hoa, Viện trưởng Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam: “Nhiều người giỏi vẫn về nhưng không “đánh bóng” tên tuổi”.

 GS.TSKH Lê Tuấn Hoa (ảnh Tiền phong)

GS.TSKH Lê Tuấn Hoa (ảnh Tiền phong)

Gần đây, nhiều người hay thảo luận và cho rằng nhân tài biến đi đâu. Thực tế, có nhiều bạn trẻ có những công trình rất xuất sắc, một số người ở lại nhưng có người đã và đang trở về. Tuy nhiên, vốn những người làm khoa học rất khiêm tốn nên nhiều người cho rằng họ đi đâu.

Tôi lấy thí dụ vừa qua, Viện Toán học đã quyết định trao giải thưởng (2 năm một lần) cho một nhà khoa học trẻ vừa về nước được 2 năm nay và hiện đang công tác tại TP Hồ Chí Minh. Anh này có một công trình được đăng tại một trong hai tạp chí đầu ngành của thế giới.

Tôi còn nhớ, trừ một số GS hoạt động ở nước ngoài và mấy chục năm trước có GS Nguyễn Hữu Anh cũng được đăng tải khi ông ấy đang công tác tại Viện Nghiên cứu cao cấp của Brighton, việc một nhà khoa học trẻ trong nước có công trình tại tạp chí uy tín này, đến bây giờ chưa từng xảy ra.

Mặc dù vậy, chúng tôi không bao giờ gọi đó là nhân tài. Chúng tôi coi đó là những người giỏi và họ thực sự đang háo hức trở về nước.

Đặc biệt, quan điểm của chúng tôi đưa ra là, các GS đầu ngành có thể không trở về nước hẳn cả năm vì như thế sẽ rất phí phạm. Người ta có thể về vài tháng hoặc vài tuần là những sự cống hiến quý giá không thể tính toán.

Chẳng hạn, GS Vũ Hà Văn, từ khi thành lập Viện Toán đến nay, năm nào ông ấy cũng về. Là một trong những nhà Toán học xuất sắc, là ngôi sao sáng và cộng sự của nhiều người đầu ngành trong Toán học nhưng năm nào trở về nước, ông cũng tham gia giảng bài. Và còn rất nhiều GS có uy tín khác đều âm thầm quay về cống hiến như thế.

Tôi nghĩ, chúng ta thực sự đã lôi cuốn được những người giỏi trở về, hoặc thậm chí cả khi đang hoạt động ở nước ngoài, đội ngũ đó vẫn quan tâm đến sự phát triển của Toán học trong nước nói riêng và khoa học nói chung. Đấy là những đóng góp quý giá không thể tính toán được.

Theo cá nhân tôi, nhiều người rất giỏi nhưng họ chỉ lặng lẽ làm công tác nghiên cứu, không đánh bóng tên tuổi và im lìm đâu đó, nhiều khi tìm thông tin không dễ. Vì thế, nếu chỉ nhìn nhận một vài hiện tượng để đánh giá người tài không trở về là chưa chính xác".

GS Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ:“Chính sách thu hút người tài còn nhiều bất cập”

 GS Chu Hảo (Ảnh: VNN)

GS Chu Hảo (Ảnh: VNN)

Nói chung chính sách đào tạo, tuyển chọn và sử dụng người có tài ở nước ta trong mấy chục năm gần đây chưa tốt và hiệu quả kém. Nhiều chính sách sai, chẳng hạn: Phân biệt thành phần xuất thân; Dựa vào lý lịch, cơ cấu, tuổi tác, vùng miền...là chính. Có một số chính sách đúng nhưng không đi vào cuộc sống hoặc thực hiện sai, chẳng hạn: Nâng đỡ cán bộ trẻ, đối xử với các ý kiến phản biện của trí thức v.v...

Đặc biệt là chính sách thu hút người tài đang học tập và làm việc ở nước ngoài về tham gia xây dựng và bảo vệ đất nước còn nhiều bất cập. Hầu hết người tài trong các lĩnh vực không cần lắm những ưu đãi đặc biệt về điều kiện sống, mà đòi hỏi một sự tôn trọng thật sự và môi trường nghiên cứu, kinh doanh, làm việc thuận lợi. Đó là tự do học thuật, bình đẳng trong kinh doanh và thông thoáng gọn nhẹ trong các thủ tục hành chính- những điều chúng ta còn thiếu, hoặc chỉ dừng lại ở các khẩu hiệu chính trị. Cơ chế " con ông cháu cha " có ảnh hưởng nhưng không đáng ngại đối với những người thực tài.    

Tôi tin tưởng rằng, khi nào người tài ở trong nước thực sự được trọng dụng thì những người ưu tú ở nước ngoài sẽ lần lượt trở về. Ai chưa về có nghĩa là hiệu quả tổng hợp các cố gắng  của họ ở nước ngoài cao hơn hẳn khi về làm việc trong nước. Trong trường hợp ấy, nên khuyến khích họ yên tâm cống hiến ở nước ngoài, thế giới " phẳng "rồi mà và yêu nước cũng có nhiều cách khác nhau".

TS Đặng Đình Tới, Chủ nhiệm Khối chuyên Lý, Phó Hiệu trưởng Trường chuyên KHTN (ĐHQG Hà Nội): “Không ai muốn bỏ quê hương để ra đi”.

Nói về những nhân tài xuất thân từ Trường chuyên Khoa học tự nhiên (KHTN), tôi thấy có người đi nhưng cũng có người trở về chứ không phải tất cả đều ở lại nước ngoài.

Tôi nghĩ, ở đâu có điều kiện làm việc thì đều tốt cho các em. Có những em tài năng, đoạt giải HCV, HCB môn này nhưng một số năm sau, các em không theo ngành đó nữa, đó là tùy thuộc lựa chọn của mỗi người.

Còn để đánh giá năng lực của một người từ khi trưởng thành đến lúc đủ điều kiện để trở về, tôi nghĩ tùy vào khả năng làm việc của mỗi người. Nếu về một nơi mà không được trọng dụng, cho dù có ở cả đời cũng không phát huy được hết năng lực.

Về cơ chế để thu hút người tài hiện nay ra sao, tôi nghĩ phụ thuộc vào việc hoạch định chính sách chứ không phụ thuộc vào bản thân nhà khoa học. Qua gặp gỡ và qua thư từ với các em, tôi đã nhận ra: Được cống hiến cho đất nước cho quê hương thì chẳng cũng muốn. Không ai muốn bỏ quê hương để ra đi. Vấn đề là ở đâu người ta có thể phát triển được năng lực lại là chuyện khác.

Qua những lần trò chuyện, tôi hiểu tâm nguyện của các em: Muốn phục vụ quê hương đất nước nhưng để lựa chọn, rõ ràng họ lựa chọn cái tốt hơn.

Mỹ Hà (ghi)

Nguồn tin: dantri