Oscar 2017: Những ứng viên sáng giá
- Thứ hai - 20/02/2017 21:07
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
1. Moonlight (Ánh trăng)
Moonlight của đạo diễn Barry Jenkins là phim tiểu sử, mà chủ nhân của tiểu sử ấy, Chiron, là con người khiêm cung quá đỗi trong kiếp làm người, khiến cho các thước phim kéo lê qua những mốc đời nó chẳng vẻ vang gì. Chính xác Moonlight là một tiểu sử tâm trạng cho một cộng đồng da màu co quắp yếm thế, dễ bạo động, ít lựa chọn cho sự sinh tồn và hạnh phúc. Trong suốt ba phần của bộ phim: I. Little; II Chiron; II. Black, ta thấy dáng dấp của một hành trình thân phận cổ xưa, được cắm mốc bởi ba sự kiện Gặp gỡ - Lưu lạc – Đoàn viên. Tất cả các sự kiện đó đều được sắp xếp dựa trên dòng chảy cảm xúc, nó không đánh dấu sự thay đổi nhận thức hay thành tựu. Chiron nghe thấy tiếng gọi số phận mình một lần duy nhất, tình yêu đồng giới với người bạn học, và dùng cả đời mình để đáp lại. Song, tình yêu này cũng tiết chế diễn dịch, nó xuất hiện và ngưng đọng trong sự nhẫn nại.
Moonlight lược bỏ những phân đoạn có khả năng dễ thổi lửa lòng nhất như cái chết lặng lẽ của người bạn lớn tuổi, những giận hờn nhớ mong Kevin khi ở trong tù, mối quan hệ với người mẹ nghiện ngập, hoặc hồi tưởng những sự việc đã xô đổ, xáo trộn, nhào nặn Chiron biến anh thành kẻ buôn bán ma túy... Tất cả được “lờ đi”, dọn chỗ cho màn thư hùng của tình cảm, bờ biển, nơi ánh sáng trăng phết lên cơ thể đen đúa một màu xanh ái tình. Giờ phút tình yêu trở nên bất tử theo cách Chiron bảo toàn qua năm tháng bằng nụ hôn duy nhất. Nụ hôn của kẻ khóc lẻ loi một mình, và nhờ nó, nhân vật được trút bỏ tính chức năng, không còn phải tạo nghĩa bằng hành động, trở thành sinh vật thuần cảm xúc. Suốt bộ phim, dù quay phim ưa chuyển động nhưng tốc độ chuyển động thường bị thay đổi đột ngột khiến nhịp phim đầy ức chế, kìm nén.
2. Arrival (Cuộc đổ bộ bí ẩn)
Arrival, bộ phim khoa học viễn tưởng của đạo diễn Denis Villeneuve, là cuộc nghênh tiếp của thế giới loài người trước cuộc đổ bộ của người ngoài hành tinh mà nhiệm vụ đầu tiên của loài người là xem xét xem mục tiêu của cuộc viếng thăm ôn hòa này là gì, có nên đón tiếp trì hoãn hay dùng vũ khí tối tân hủy diệt chúng. Nhân vật chính của bộ phim là nữ tiến sĩ ngôn ngữ học Louise Banks với câu chuyện học một ngôn ngữ mới để phiên dịch – giao tiếp với người ngoài hành tinh đã gợi nhắc phẩm chất của truyền thông, đó là khả năng kiên nhẫn nghe, giải mã, đọc hiểu thông điệp. Sự kiên trì để hiểu , để thương, để xóa bỏ bạo lực, tội ác, bi kịch này có thể tiếp nối từ những phim The sea inside, The diving bell and the butterfly, The reader… Nhưng nếu ở những phim trên, ngôn ngữ được hiểu là phương tiện giao tiếp, thì với Arrival, ngôn ngữ - trong trạng huống để giao tiếp với người ngoài hành tinh, nó còn là căn cước, là quyền lực, là tiềm tàng hủy diệt…
Bộ phim còn được xây dựng trên ý niệm chống lại cơ chế xem phim cố hữu của khán giả. Trong khi sự “bẻ gẫy trục thời gian” ở các bộ phim thường gắn với sự xuất hiện chớp nhoáng của các hồi tưởng, hay việc cố gắng xây dựng câu chuyện quá khứ của nhân vật thì ở Arrival lại gắn với những sự kiện trong tương lai. Câu chuyện về một người có thể nhìn thấy tương lai đã xuất hiện ở nhiều phim nhưng ở Arrival, nó không bị ảo kịch hóa mà diễn tả những trạng thái rất bình thường của con người. Biết trước tương lai trong Arrival là chuyện “đã” sống trong tương lai, sở hữu những cảm xúc từ tương lai… Biết và trải nghiệm mất mát từ tương lai nhưng Louis đã không thay đổi. Arrival là niềm thanh thản của việc lựa chọn một tương lai có thể đau khổ, bởi những trải nghiệm trong tương lai cũng chính là máu thịt của cô, một sự định dạng làm nên con người cô của ngày hôm nay.
3. La La Land (Những kẻ khờ mộng mơ)
Vang danh ở giải Quả cầu Vàng, đại thắng ở các phòng vé, La La Land của đạo diễn Damien Chazelle dâng hiến cho khán giả cảm xúc điện ảnh tinh khôi. Người xem hôm nay trở thành người xem ban đầu của điện ảnh, đến rạp để mơ mộng giữa cuộc đời bao chuyện buồn. Và quan trọng, thể loại phim ca nhạc trở về với mẫu hình nguyên thủy của nó – âm nhạc hậu trường (backstage musical), với các câu chuyện nghề nghiệp, ước mơ và tình yêu của các ca sĩ, vũ công. Trong các phim này, cấu trúc tự sự đơn giản, sự hấp dẫn ở các màn vũ đạo điêu luyện, hay những bài ca bộc lộ tâm trạng, cảm xúc thay cho những đoạn hội thoại phân trần, hay những lời tỏ tình.
Lấy bối cảnh đương đại, nhưng phong cách tạo hình của phim (bao gồm thời trang, ánh sáng, phông nền, bố cục… ) lại mô phỏng thời kì hoàng kim của phim ca nhạc, thập niên 1950, 1960 của thế kỉ trước. Đặc biệt, nhiều phân đoạn, chi tiết, hình ảnh trong phim được lấy cảm hứng từ nhiều bộ phim ca nhạc kinh điển khác khiến cho La La Land giống như cuộc đi tìm thời gian đã mất. Mối quan hệ của chàng nhạc sĩ nhạc Jazz và cô diễn viên trẻ, cùng chuyện tình và mơ ước nghề nghiệp của họ bện xoắn và nâng đỡ, song buông lơi như những điệu vũ, vừa kịch tính vừa mơ mộng. Tính mơ mộng của La La Land còn tưởng thưởng cho khán giả một cái kết huyễn hoặc hạnh phúc, khi đôi trai tài gái sắc gặp lại nhau sau mối tình tan vỡ, hay chính xác đó là lời mời mọc xây dựng những cốt truyện khác nhau từ khán giả trên những khả năng của chất liệu phim.
4. Manchester by the sea (Bờ biển Manchester)
Kierkegaard nói: “Cuộc đời chỉ có thể hiểu trở ngược. Nhưng phải sống hướng về phía trước”. Manchester by the sea của Kenneth Lonergan tiến hành nghiệm suy về chủ đề mắc kẹt trong quá khứ bằng một tự sự song trùng. Lee, người chú trong quá khứ vô tình đã gây ra cái chết của ba đứa con, đến Manchester để làm giám hộ cho đứa cháu trai Patrick sau cái chết của cha cậu. Mạch chuyện đơn giản, sự phức tạp nằm trong mâu thuẫn nội tại của các nhân vật, vì thế trải nghiệm xem phim là trải nghiệm cảm xúc luôn được làm dày đến đáng sợ. Cùng một lúc, người xem bị giằng co bởi hai thái cực cảm xúc trái chiều, sự hài hước cố hữu của các tình tiết, hội thoại sinh hoạt và sự đau đớn dai dẳng của sự tự kết tội và hòng không tha thứ.
Có một từ xuất hiện thật đắc địa trong phim: động cơ. Nó là động cơ tàu, thứ hỏng hóc của chiếc tàu người cha để lại cho Patrick, cần phải thay để có thể chạy được, nhưng luôn bị người chú từ chối. Nó là động cơ sống, cần được tạo ra để cuộc sống dễ dàng hơn, bớt bạo động, kiến trúc tương lai, tìm kiếm những thảnh thơi. Tuy nhiên, cái kết lấp lửng của Manchester by the sea lại đem tới sự hoài nghi vào khả năng siêu vượt của con người.
5. Hacksaw Ridge
Dựa theo câu chuyện có thật của Desmond Doss, Hacksaw Ridge của Mel Gibson mô tả chân dung một người lính tay không cứu sống 75 người trong trận chiến giữa quân Mỹ và quân Nhật trên đảo Okinawa năm 1945. Desmond Doss là người lính không dùng súng. Lương tâm không cho phép anh dùng súng để giết người khác, cho dù đó là những người được gọi là ‘kẻ thù’. Thứ duy nhất bảo vệ và tiếp sức cho anh trong trận chiến là cuốn kinh thánh vợ anh tặng. Hacksaw Ridge đi theo hành trình của một người hùng nhưng đã tránh được việc anh hùng hóa một cách sáo mòn mẫu nhân vật người lính như hầu hết những phim chiến tranh của Hollywood. Nếu như những người lính chiến đấu bằng cách giết người, thì ở đây, Desmond chiến đấu bằng cách cứu người. Desmond tin vào Đức Chúa trong lòng anh và Ngài dạy anh rằng “Không được giết người”. Trong một thế giời tràn ngập bạo lực và nỗi sợ, một khẩu súng lên đạn thì đáng tin hơn là niềm tin vào Chúa. Nhưng đó không chỉ đơn thuần là niềm tin tôn giáo, mà đó chính là niềm tin vào tình yêu thương giữa con người với nhau. Hacksaw Ridge đã tinh tế để cho chúng ta nhận ra sự khác biệt giữa việc chiến đấu vì chủ nghĩa dân tộc và việc chiến đấu vì tình yêu thương. Tình yêu thương là phổ quát, đó là lý do Desmond đã băng bó vết thương cho một người lính Nhật. Trong tình yêu không có ta và người.
6. Hell or High Water (Không lùi bước)
Hell or High Water của David Mackenzie khéo léo đan cài giữa câu chuyện cướp nhà băng ly kì với tình hình khủng hoảng kinh tế của nước Mỹ. Hai anh em nhà Howard - người anh vừa ra tù vì tội giết cha, còn người em thì đang nặng gánh chăm lo cho vợ cũ và hai đứa con - phóng xe bạt mạng qua những thị trấn hẻo lánh để cướp tiền từ chính ngân hàng đang cầm cố miếng đất của người mẹ quá cố. Tiền và dầu mỏ xuất hiện xuyên suốt phim như sự gợi nhắc cho cái giá của lòng tham. Cái hài châm biếm của phim dành cho những tay chủ nhà băng lúc nào cũng bảnh bao và sẵn sàng cướp nhà của người khác. Đó còn là sự châm biếm về cách mà nước Mỹ trở nên giàu có bằng sự phi nhân, tính ngạo nghễ của những định chế tài chính và bằng quá khứ đô hộ áp bức những người thổ dân da đỏ. Cho đến cuối phim, chúng ta sẽ tự hỏi, liệu hai anh em Howard đã ‘cướp’ từ nhà băng hay họ chỉ ‘lấy lại’ những gì nhà băng đã cướp từ họ?