Seoul – điểm hẹn của các dịch giả "Búp bê" châu Á

Seoul – điểm hẹn của các dịch giả "Búp bê" châu Á

 Ảnh - Từ trái sang phải: dịch giả Việt Nam Nguyễn Chí Thuật, dịch giả Hàn Quốc Cheong Byung-Kwon, GS Anna Dąbrowska, dịch giả Trung Quốc Zhang Zhenhui, dịch giả Nhật Bản Tokimasa Sekiguchi tại cuộc gặp gỡ Seoul.

Ghi chép của NGUYỄN CHÍ THUẬT

Trong những ngày cuối tháng 10 – đầu tháng 11 năm 2018, tại Khu học xá của Trường Đại học Ngoại ngữ Seoul xây dựng giữa thung lũng Wangsan đẹp như trong cổ tích ở thành phố Yongin, tỉnh Gyeonggi, trong khuôn khổ Cuộc gặp mặt Ba nước đào tạo Ngữ văn Ba Lan là Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản, một hoạt động rất ý nghĩa dành cho bốn dịch giả tiểu thuyết Búp bê ở châu Á đã được tổ chức.

Búp bê là bộ tiểu thuyết đồ sộ và được coi là tác phẩm có giá trị lớn nhất nhì trong toàn bộ lịch sử văn học Ba Lan. Tác giả tiểu thuyết này là nhà văn Boleslaw Prus (1847-1912), thuộc trường phái Thực chứng trong văn học Ba Lan cuối thế kỷ XIX. Đến nay tại châu Á, Búp bê đã được dịch ra bốn thứ tiếng là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Nếu tính theo thứ tự thời gian, Búp bê được dịch và xuất bản sớm nhất tại Trung Quốc (2005), tại Hàn Quốc (2015), tại Việt Nam (2016), cuối cùng là tại Nhật Bản (2017). Điều đáng chú ý là cả bốn dịch giả đều có học hàm giáo sư, đều ít nhiều làm công việc liên quan đến giảng dạy văn học và ngôn ngữ Ba Lan, coi việc dịch văn học Ba Lan là một trong những đam mê của cuộc đời nên đã có những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực này tại nước mình.

Trong thư gửi những người tham dự Hội thảo, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Văn hóa và Di sản quốc gia Cộng hòa Ba Lan, ngài Piotr Gliński, sau khi nhấn mạnh ý nghĩa của việc tiểu thuyết Búp bê được dịch ra bốn thứ tiếng ở châu Á, đã viết: „Trong Ngôi đền thiêng lưu giữ những bản dịch xuất chúng các tác phẩm văn học Ba Lan, bản dịch tiểu thuyết Búp bê sang tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Nhật và tiếng Việt xứng đáng được dành sự lưu ý đặc biệt. Kiệt tác của Boleslaw Prus giành được sự quan tâm của các dịch giả và nhà xuất bản ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam, nhờ đó Búp bê đến tay độc giả bốn nước châu Á xa xôi, còn lao động của các dịch giả, thiện chí của các nhà xuất bản đã và sẽ được Nhà nước Ba Lan đánh giá rất cao và thừa nhận rộng rãi. Mẫu số chung của tất cả những cố gắng về dịch thuật không chỉ là trình độ nghệ thuật, năng lực ngôn ngữ, đỉnh cao nghệ thuật dịch, mà trước hết là sự đam mê. Bởi vì chỉ có những ai thực sự đam mê mới có thể bỏ ra 8 năm của cuộc đời mình để đồng sáng tạo ra một cuốn sách dày 900 trang như giáo sư Trung Quốc Zhang Zhenhui. Sự đam mê tương tự cũng là động lực hành động của Giáo sư Nhật Bản Tokimasa Sekiguchi, Giáo sư Hàn Quốc Cheong Byung-Kwon và Giáo sư Việt Nam Nguyễn Chí Thuật. Tổng cộng các tác giả đã dành cho Boleslaw Prus không dưới 20 năm của cuộc đời họ”.

Cần nói thêm rằng Hội thảo khoa học do ba quốc gia có đào tạo Ngữ văn Ba Lan ở châu Á đồng tổ chức là cuộc gặp mặt đầy ý nghĩa của các nhà Ngữ văn Ba Lan ở châu Á và các nhà Ngữ văn Ba Lan tại Ba Lan. Hội thảo được tổ chức luân phiên 2 năm một lần. Năm nay Hàn Quốc vinh dự đăng cai tổ chức Hội thảo này trong thời điểm có ý nghĩa đặc biệt: Kỷ niệm 100 năm Ba Lan giành độc lập sau tổng cộng 123 năm đất nước bị các đế quốc trong khu vực chia cắt và xóa tên khỏi bản đồ thế giới. Khái niệm độc lập với bất cứ dân tộc nào trên thế giới cũng đều có ý nghĩa sâu sắc, nhưng với đất nước Ba Lan nói chung và văn hóa Ba Lan nói riêng, độc lập là một trong những giá trị cơ bản nhất được Nhà nước đề cao từ rất xa xưa cho đến ngày nay và mãi mãi sau này, điều đó được thể hiện rõ trong các cuộc khởi nghĩa vũ trang thế kỷ XIX và trong những gì Ba Lan đã và đang làm ở thời hiện đại.

Hội thảo 2018 là cuộc gặp mặt của các nhà ngữ văn Ba Lan ở châu Á và đại diện các trường đại học Ba Lan, diễn ra dưới tên gọi Hội thảo Khoa học Quốc tế lần thứ VI Ba quốc gia đào tạo Ngữ văn Ba Lan – Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Biểu tượng của Hội thảo là ba mũi tên đồng đặt cạnh nhau theo chiều thẳng đứng, mũi tên hướng lên trên. Tìm hiểu sâu hơn về biểu tượng này, tôi được biết ý nghĩa lịch sử sâu xa của nó. Ý tưởng dùng biểu tượng ba mũi tên đồng thể hiện sức mạnh đoàn kết của ba quốc gia đào tạo Ngữ văn Ba Lan ở châu Á xuất phát từ câu chuyện cổ „Ba mũi tên đồng” của Nhật Bản. Có thể tóm tắt câu chuyện đó như sau: Trong những năm 1497 – 1571, vị vua trị vì nước Nhật là Mori Motonari. Vào năm 1557 ông viết di chúc với ý định trao quyền lãnh đạo đất nước cho ba người con trai. Bản di chúc gồm 14 điều nói về nguyên tắc trị nước mà các con phải cùng nhau chung sức thực hiện. Một hôm vua Motonari gọi cả ba người con trai của mình đến bên và lệnh cho mỗi người bẻ một mũi tên. Cả ba người làm việc này không mấy khó khăn. Sau đó vua Motonari gộp ba mũi tên khác vào thành một nắm, lần lượt đưa cho các con và sai họ bẻ. Lần này thì không ai trong số các con trai ông bẻ gãy được. Bằng cách đó ông Motonari chỉ ra cho các con ông thấy rằng một mũi tên đứng riêng thì dễ bẻ gãy, nhưng ba mũi tên gộp lại thì trở thành một sức mạnh đáng kể, cho nên quan trọng hơn cả là mối gắn kết ba anh em trong một nhà. Chi tiết này khiến ta nhớ đến câu chuyện bó đũa trong một truyện dân gian Việt Nam mà một ông bố bình dân đã dạy sức mạnh đoàn kết trong gia đình, đặc biệt là giữa những người anh em ruột thịt, cho các con mình. Bài học đạo đức này cũng được ông bố Việt dạy các con thông qua việc bẻ từng chiếc đũa và bẻ cả nắm đũa.

Trở lại lịch sử các cuộc Hội thảo quốc tế về Đào tạo Ngữ văn Ba Lan tại ba quốc gia châu Á, sau này được các nhà tổ chức thống nhất dưới tên viết tắt để cho dễ nói, dễ hiểu hơn – SPTK („Cuộc gặp các nhà ngữ văn Ba Lan ba quốc gia”). Cuộc gặp đầu tiên được tổ chức năm 2007, tức là cách đây 11 năm, cũng tại Khu học xá nằm trong thung lũng Wangsan cổ tích. Hội thảo khi đó có tên gọi „Đào tạo Ngữ văn Ba Lan ở châu Á” và được tổ chức theo sáng kiến của Giáo sư Hàn Quốc Cheong Byung Kwon, nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày Đại học Ngoại ngữ Seul đưa vào đào tạo ngành Ngữ văn Ba Lan.

Như đã đề cập ở phần đầu, trong Hội thảo 2018, Ban tổ chức đã ưu ái dành cho bốn dịch giả tiểu thuyết Búp bê ở châu Á cuộc gặp mặt đầy ý nghĩa. Các dịch giả (trừ dịch giả Hàn Quốc) đến Hội thảo với tư cách khách mời danh dự, được bao cấp vé máy bay đi về và toàn bộ chi phí ăn ở trong thời gian Hội thảo. Cuộc gặp mặt bốn dịch giả Búp bê châu Á được coi là điểm nhấn của Hội thảo nên nó có mặt trong chương trình cuộc gặp toàn thể ngay sau lễ khai mạc. Mỗi dịch giả đều trình bày báo cáo, trong đó nhấn mạnh ý nghĩa việc tiểu thuyết Búp bê được dịch và xuất bản tại nước mình, những vấn đề bếp núc trong quá trình dịch và việc bạn đọc tiếp nhận bản dịch sau khi ấn hành. Giáo sư Anna Dabrowska, hiện đang giảng dạy tại Khoa Ngữ văn Ba Lan, Đại học Tổng hợp Wroclaw, được phân công điều khiển chương trình cuộc gặp. Trong phần mở đầu, bà đã đọc câu mở đầu trong nguyên bản của tiểu thuyết Búp bê, sau đó các dịch giả lần lượt đọc lời dịch ra tiếng nước mình. Điều này đã khiến những người có mặt đặc biệt thích thú.

Cần nói thêm rằng quá trình các dịch giả văn học Ba Lan ở châu Á đi từ sự đam mê đến quyết định coi dịch thuật là sự nghiệp cuộc đời mình có lẽ có nguồn gốc từ việc trong những năm tháng học tập tại Ba Lan, họ đã có dịp tiếp xúc, tìm hiểu, khẳng định giá trị đích thực tác phẩm của các cây bút xuất chúng trong lịch sử văn học Ba Lan từ cổ điển đến hiện đại, đại diện cho các lĩnh vực nghệ thuật khác nhau. Họ cũng đánh giá cao tính cách Ba Lan hay tính dân tộc được phản ánh trong thơ Adam Mickiewicz, trong âm nhạc Fryderyk Chopin khi những sáng tác này, dù là thơ hay nhạc, đều thấm đẫm truyền thống, lịch sử và văn hóa Ba Lan. Có những tác giả hoàn thành tác phẩm của mình ở hải ngoại, giữa những người đồng hương cùng cảnh ngộ, yếu tố yêu nước, nhớ về cội nguồn càng đậm nét hơn. Một đặc điểm cần nhấn mạnh nữa là tuy văn học nghệ thuật Ba Lan thấm đẫm tính cách Ba Lan, nó vẫn mang những giá trị toàn cầu, cho nên mức độ phổ cập của văn học Ba Lan thường xuyên vượt qua biên giới nước mình. Điều này lý giải tại sao văn học Ba Lan sản sinh ra bốn nhà văn nhà thơ được trao Nobel văn học và số lượng các tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài không ngừng tăng mạnh hàng năm.

Việt Nam có đội ngũ những người tốt nghiệp ngành Ngữ văn Ba Lan khá đông đảo, nhưng đây là số người đã học và tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Ba Lan của một số trường đại học tổng hợp Ba Lan. Thậm chí trong nhóm lưu học sinh sang Ba Lan từ giữa thập niên 50 của thế kỷ trước, đã có những người được phân công học ngữ văn Ba Lan. Con số này tiếp tục tăng vào thập niên 60 và 70. Sau khi tốt nghiệp về nước, họ trở thành lực lượng nòng cốt dạy tiếng Ba Lan, làm trong các cơ quan đối ngoại, văn hóa, dịch văn học. Tuy vậy cho đến nay, ngành Ngữ văn Ba Lan chưa phải là một ngành đào tạo chính thức ở bậc đại học. Chỉ có tiếng Ba Lan được giảng dạy tại Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội) trong gần hai thập kỷ, từ 1973 đến 1990, cho đối tượng lưu học sinh và nghiên cứu sinh chuẩn bị sang Ba Lan học tập và nghiên cứu theo hiệp định ký giữa hai Nhà nước. Cách đây một năm, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Cộng hòa Ba Lan, một thỏa thuận về việc mở lớp dạy tiếng Ba Lan đã được ký ở cấp Bộ Giáo dục hai nước và đang trong quá trình triển khai. Còn quá sớm để nói về việc đào tạo Ngữ văn Ba Lan trong tương lai ở Việt Nam. Trong lúc trình bày báo cáo của mình dưới nhan đề: „Tiếp nhận Búp bê ở Việt Nam trên nền các tiểu thuyết Ba Lan thế kỷ XIX”, tôi thể hiện mong muốn của mình là Việt Nam có thể trở thành mũi tên thứ tư góp phần củng cố khối đoàn kết các quốc gia đào tạo Ngữ văn Ba Lan ở châu Á. Khi nói những lời này, tôi ý thức rõ là mình không làm một việc của nhà ngoại giao mà thật sự muốn nhằm vào hiện thực đang đến gần. Bởi vì rất cần có cách nhìn lạc quan vào khả năng hợp tác toàn diện Việt Nam – Ba Lan trong tương lai. Mọi chuyện có thể trở thành hiện thực khi các công ty Ba Lan có thể sẽ có mặt đông đảo ở Việt Nam như các công ty Hàn Quốc ở Ba Lan.

 Cũng cần nói thêm rằng ở Ba Lan, tại trường Đại học tổng hợp mang tên đại thi hào dân tộc Ba Lan, Adam Mickiewicz, ngành Ngữ văn Việt đã được đưa vào đào tạo chính thức cách đây 15 năm, từ năm học 2004 – 2005. Đến nay, hàng chục sinh viên đã tốt nghiệp ra trường với tấm bằng cử nhân ngữ văn Việt, trở thành các nhà Việt Nam học tương lai, đóng góp cho việc thúc đẩy hợp tác Ba Lan – Việt Nam trong khung cảnh quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước đang có những bước tiến đầy triển vọng. Việc đáp lại thịnh tình của Ba Lan dưới hình thức mở ngành đào tạo Ngữ văn Ba Lan tại Việt Nam không chỉ là cách thể hiện cử chỉ ngoại giao mà là thiết thực chuẩn bị đội ngũ cho tương lai. Đó là những người không chỉ góp phần trực tiếp vào việc thúc đẩy quan hệ kinh tế, khoa học công nghệ, thương mại mà còn đảm nhiệm chức năng cầu nối văn hóa, văn học nghệ thuật trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay. Điều đặc biệt cần nhấn mạnh trong quan hệ Ba Lan – Việt Nam là Ba Lan đánh giá cao vị trí của Việt Nam tại Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung. Chưa kể là tại Ba Lan, một cộng đồng người Việt đông đảo đang làm ăn, sinh sống. Tiềm năng này cần được khai thác vì lợi ích chung của hai đất nước, hai dân tộc. 

Tác giả bài viết: NCT

Nguồn tin: queviet.eu