Sự phấn khích điên cuồng trong bức tranh của Podkowiński
- Thứ ba - 16/07/2019 03:51
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tranh sơn dầu trên vải tựa đề „Sự phấn khích điên cuồng” (nguyên bản tiếng Ba lan: Szał uniesień),do Władysław Podkowiński vẽ năm 1893-1894, hiện trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Quốc Gia Krakow. (Ảnh: Internet).
Podkowiński (sinh ngày 4 tháng 2 năm 1866 mất ngày 5 tháng 1 năm 1895)là một họa sĩ người Ba Lan gắn liền với phong trào Ba Lan trẻ (Young Poland, thời kỳ nghệ thuật, văn học và âm nhạc Ba Lan những năm từ 1890 đến 1918). Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là bức tranh sơn dầu trên vải tựa đề „Sự phấn khích điên cuồng” (tiếng anh: Ecstasy (hay còn được gọi là Frenzy of Exultations), nguyên bản tiếng Ba lan: Szał uniesień), thường được gọi gọn là „Sự Điên cuồng” (Frenzy, Szał). Đây được coi là tác phẩm đầu tiên và là một trong những ví dụ tuyệt vời và hấp dẫn nhất của nghệ thuật biểu tượng (symbolism) của Ba Lan. Bức tranh miêu tả một người phụ nữ khỏa thân, tóc đỏ cưỡi một con ngựa đen đang lồng lên như điên cuồng. Con ngựa nhe răng, lưỡi thè ra, lỗ mũi của nó bị giãn ra và nước bọt chảy thành dòng từ miệng. Người phụ nữ ôm cổ nó với đôi mắt nhắm nghiền, mái tóc xõa bung ra như dẻ quạt hất ngược lên trên, hòa lẫn với bờm ngựa. Bức tranh có chiều cao 3.10 mét, rộng 2.75 mét, nên tạo cảm giác như kích thước thật trong thực tế. Bức tranh này được cho là mô tả biểu cảm cực khoái của phụ nữ. Sự xuất thần gợi cảm tràn ngập sức mạnh hủy diệt của sự phấn khích điên cuồng đã được họa sĩ thể hiện một cách trọn vẹn nhất: người phụ nữ quyến rũ giống như thần vệ nữ Venus bị chi phối bởi bản năng tình dục. (Venus là tên La Mã của Nữ thần tình yêu, sắc đẹp và dục vọng; trong thần thoại Hy Lạp là Aphrodite; tương tự như nữ thần Astarte trong thần thoại Babilon). Bằng cảm nhận của mình, Podkowiński đã nâng sự xuất thần của tình dục lên đến một giá trị tuyệt đối.
Phạm vi dùng màu khá hạn hẹp, chỉ bao gồm màu đen, nâu và xám tương phản với màu trắng hồng và vàng da cam. Bức tranh chia thành các mảng sáng và tối. Góc trên bên trái được chiếu sáng, hướng sự chú ý đến hình dáng khỏa thân của người phụ nữ và miệng con ngựa, chuyển dần sang gam màu xám về góc trái bên dưới. Phía bên phải của bức tranh là mảng màu tối nhưng có thể nhìn thấy chân và đuôi ngựa. Nghệ thuật truyền tải của tác phẩm được thông qua một bố cục sống động và bảng màu sắc dựa trên sự tương phản giữa màu đen và nâu với sắc thái đầy đam mê của màu trắng hồng của cơ thể và màu cam rực lửa của mái tóc của người phụ nữ. Ý tưởng về bức tranh đã xuất hiện từ năm 1889 trong thời gian Podkowiński ở Paris. Cảnh một người phụ nữ cưỡi một con ngựa điên khùng đã trở nên rất hấp dẫn đến mức làm mất đi sự bình yên trong tâm trí ông. Ông đã phác thảo định hình cho bức tranh trong vài năm. Đến khoảng nửa cuối năm 1893 thì các bản phác thảo bằng than và dầu đã xuất hiện. Bức tranh được thực hiện tại Warsaw trong vòng 3 tháng. Trong quá trình vẽ, trong các bản phác thảo khác nhau, màu sắc và kích thước được thay đổi. Một bản phác thảo dầu được thực hiện theo phong cách ấn tượng, nhưng về sau thì họa sĩ từ bỏ phong cách này. Thang màu được giới hạn và gam màu giảm dần (dùng ít màu khác nhau hơn), từ màu xanh biển thẫm (bản đã bị mất), rồi với màu xanh lá cây nổi bật rồi đến các màu tiếp theo, trong đó màu cam lửa mãnh liệt chiếm ưu thế. Phiên bản cuối cùng đã đạt được tính sống động, độ tương phản khá yếu trước đó của màu được tăng cường giữa màu vàng và màu đen, sự căng trong tương phản giữa ánh sáng và bóng tối được nhấn mạnh. Đây có thể do ảnh hưởng của trạng thái tinh thần và sự tiến triển của căn bệnh lao phổi trong những tuần cuối ông vẽ bức tranh. Cảnh đá lở rơi xuống từ một dốc đácũng được gỡ bỏ khỏi phiên bản cuối cùng.
Bức tranh vẽ năm 1895 miêu tả cảnh Władysław Podkowiński đang vẽ bức tranh „Sự điên cuồng” của Antoni Kamieński (1860-1933)-họa sĩ Ba lan gốc Belarus. (Ảnh: Internet.)
Bức tranh được trưng bày lần đầu tiên tại Triển lãm Nghệ thuật Quốc Gia Zachęta tại Warsaw vào ngày 18 tháng 3 năm 1894, bao quanh bởi bầu không khí bê bối với sự chỉ trích dữ dội của báo chí và sự phản đối của công chúng. Bức tranh làm phá vỡ mọi quy ước, làm dấy lên cuộc tranh luận sôi nổi trên báo chí về ranh giới của cảm nhận tích cực về nghệ thuật thị giác, sự khác biệt giữa nghệ thuật và khiêu dâm. Công chúng thì xôn xao bàn luận về quyền của nghệ sĩ trong việc bày tỏ cảm xúc của mình, về giới hạn của người nghệ sĩ trong việc sử dụng thế giới nội tâm của cá nhân với niềm vui hay nỗi buồn, đam mê hoặc lãng quên vào nghệ thuật.
Rất nhiều người đến xem bức tranh. Chỉ trong vòng 36 ngày kể từ khi trưng bày, đã có 12 vạn lượt người xem. Tuy vậy, Podkowiński không tìm được người mua bức tranh. Giá trả cao nhất chỉ là khoảng 3 nghìn rúp lúc đó, trong khi ông muốn bán nó với giá 10 nghìn. Vào sáng ngày 23 tháng 4 năm 1894, ngày thứ 37 kể từ khi triển lãm khai mạc, và ngay trước khi nó kết thúc, Podkowiński đã đến triển lãm và lấy dao chém bức tranh mà không một lời giải thích, càng làm gia tăng không khí bê bối.
Hành động mạo phạm của Podkowiński làm dấy lên tin đồn rằng hình ảnh miêu tả trong bức tranh là của một người phụ nữ mà nghệ sĩ có tình cảm nhưng không được đền đáp. Sự thiệt hại của bức tranh cộng với cái chết của Podkowiński không lâu sau đó đã gây nên sự suy đoán là cái chết của ông là một vụ tự sát. (Ông chết khi mới hơn 28 tuổi.) Một lý do phụ họa cho sự suy đoán này là dấu vết của vết cắt trên bức tranh cho thấy hình người phụ nữ chính là đối tượng tấn công. Có thể đó là một người phụ nữ mà ông đã gặp trong kỳ nghỉ hè tại một cung điện gần Warsaw. Nhưng cô này tóc nâu. Dù vậy vẫn có ý kiến cho rằng gia đình cô ấy đã nhìn thấy sự tương đồng giữa cô và người phụ nữ trong bức tranh nên đã lên án ông rất gay gắt. Sau khi Podkowiński mất, Witold Urbański-họa sĩ Ba lan (1851-1907) đã khôi phục lại bức tranh. Nó đã được triển lãm tại một số thành phố ở Ba lan và Nga. Năm 1901, Feliks Jasieński-nhà phê bình nghệ thuật và sưu tầm Ba lan (1861-1929)đã mua nó rồi trao tặng nó cho Bảo tàng Quốc gia ở Kraków; bức tranh thuộc về sở hữu của bảo tàng từ năm 1920 tới nay.
Bức tranh hiện là một trong những tác phẩm được biết đến rộng rãi nhất và được công nhận nhất trong lịch sử hội họa Ba Lan. Hầu hết các nhà phê bình và công chúng đều yêu thích và bày tỏ thái độ nhiệt tình với nó, chẳng nề hà gì đến các ý kiến của các chuyên gia nghệ thuật về khía cạnh mỹ thuật của một số lỗi trong bức tranh. Có ý kiến cho rằng nó tượng trưng cho sức mạnh hủy diệt của bản năng, nó như là một cơn sốt của sự say mê nhục dục, nhưng là một thứ hoàn toàn khác với sự say mê thời cổ điển hay thời trung cổ hay kiểu triết học.., nó thậm chí không phải là một cơn sốt lãng mạn... Nó như có mối liên hệ trực tiếp đến sự tự sát được biết đến theo khía cạnh tâm thần học.
Bức tranh cũng làm mọi người liên tưởng tới niềm đam mê tình ái thể hiện trong thần thoại Hy Lạp, về Europe bị Zeus bắt cóc. Theo truyền thuyết, thần Zeus (là vua của 12 vị thần và người cai quản đỉnh núi Olympus, là thần bầu trời và sấm sét) đã say mê say mẩn vẻ đẹp của Europe nên Zeus kiếm cách đoạt được công chúa Europe, đã biến thành con bò đực trắng để tiếp cận và rồi bắt cóc Europe từ xứ Phoenicia về đảo Crete (đảo lớn nhất của Hy Lạp). Hình tượng Europa trên con bò đực trắng được vẽ trên rất nhiều những cổ vật Hy Lạp, cũng như đươc một số nhà họa sĩ sau này thể hiện trên tranh. Đặc biệt nét ‘điên cuồng’ cũng được thể hiện rõ hơn trong bức tranh do Gustave Moreau vẽ năm 1869. (Độc giả ai muốn hiểu thêm về Europa và Zeus hay tìm hiểu thần thoại Hy lạp nhé. Tác giả chỉ vì cố gắng miêu tả bức tranh này nên lại phải tìm hiểu xem thêm biểu cảm cực khoái của phụ nữchỉ được thể hiện trong bức tranh với con ngựa hay còn với con vật nào khác, cho nên rồi phải lan man sang cả sang cả bức tranh với con bò đực. „Bull” là con bò đực như được miêu tả trong tranh. (Trong nhiều bản dịch tiếng Việt thì Zeus biến thành con trâu (Buffalo), mà trâu thì chỉ có ở châu Á, chứ không có ở châu Âu)).
Europa trên con bò đực (Europa on the bull), do Asteas vẽ trên bình hoa Hy Lạp cổ đại, khoảng 370-360 trước công nguyên. (Ảnh: Internet.)
Europa và con bò đực (Europa and the Bull) do Gustave Moreau vẽ năm 1869. (Ảnh: Internet.)
Khi các bạn có dịp thăm thành phố cổ Kraków ở Ba lan, một địa điểm mà ai cũng phải đặt chân đến là Quảng trường trung tâm (Rynek Główny) trong khu phố cổ. Ở chính giữa quảng trường là khu nhà Sukiennice (Cloth Hall) xây từ thế kỷ 13-14. Hãy dành thời gian thăm Bảo tàng quốc gia tại Krakow trên tầng hai và thưởng thức vẽ đẹp mãnh liệt dữ dội của bức tranh „Sự khiêu khích điên cuồng” (và tất nhiên là cả những tác phẩm nồi tiếng khác nữa của hội họa Ba Lan). Sau khi thưởng thức nghệ thuật, các bạn có thể ngồi thư dãn nhâm nhi cà phê, ngắm nhìn qua của sổ hai tòa tháp gạch đỏ của nhà thờ St. Mary vươn lên trời cao và nghe tiếng kèn nổi tiếng của thành phố Kraków (Hejnał mariacki) vang lên từ trên đỉnh tháp tỏa ra 4 hướng đông tây nam bắc mỗi khi chuông đồng hồ điểm từng giờ.
Ảnh chụp bức tranh „Sự khiêu khích điên cuồng” trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Quốc Gia Krakow tại quảng trường trung tâm. Khi lên gác thì vào phòng trưng bày phía bên trái. Bức tranh treo trên bức tường ngay bên trái sau khi đi qua cửa vào phòng (Ảnh: Kim Ngân).