Thế hệ nhà văn sau 1975: Chấm dứt "đồng phục"
- Thứ hai - 02/05/2016 11:28
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (bên phải) là một trong những tác giả được đánh giá có cách tân về thi pháp. |
Trong tham luận dẫn nhập với nhiều kiến giải riêng của mình, nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn đã cố gắng khái lược những nét cơ bản nhất về thế hệ này. Theo ông, phải sau quãng giao thời 1975 - 1985 mà mỹ học thời chiến còn theo bám, đến năm 1986 với sự xuất hiện của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Dư Thị Hoàn, Dương Kiều Minh, Nguyễn Quang Thiều... thì một thế hệ cầm bút mới chính thức khai hỏa. Mỹ học thời chiền lùi hẳn vào hậu trường nhường chỗ cho mỹ học hậu chiến. Đó là mỹ học của cái ngày thường muôn thủa, phát hiện cái bất thường trong cái bình thường là tư duy thẩm mỹ bao trùm. .
TS Chu Văn Sơn |
Sử dụng các ví von một cách mạnh mẽ, TS Chu Văn Sơn cho rằng đã có sự "đảo chính về thi pháp" mà đi tiên phong là văn xuôi. Tựu trung lại, với sự xuất hiện của thế hệ nhà văn sau 1975, mẫu nhà văn chiến sĩ đã nhường chỗ chomẫu nhà văn kẻ sĩ hiện đại.
PGS Đỗ Lai Thúy tiếp cận chủ đề hội thảo từ lý thuyết "tiếp cận hệ hình" - một học thuyết về sự phát triển. Theo quan sát của ông, văn học từ 1986 - 1992 là đổi mới từ trên xuống, chủ yếu từ đối mới chính trị. Tiếp theo đó, những đổi mới mang tính chất tự giác và cá nhân tạo đà cho đổi mới từ dưới lên. Thời kỳ này mày mắn gặp được sự phổ biến của mạng internet vào VN.
Kết thúc tham luận, PGS Đỗ Lai Thúy nhìn nhận "Tuy sáng tác của thế hệ nhà văn sau 1975 đã nằm trong hệ hình văn học hiện đại, nhưng chưa chiếm giữ được vai trò chủ đạo. Điều này không chỉ ít nhiều hạn chế năng lực của chính bản thân nó, mà còn ảnh hưởng đến tiến trình hội nhập thế giới của văn học VN.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng các đại biểu dâng hương trước giờ hội thảo |
GS Trần Đình Sử nhìn nhận chủ trương "cởi trói" thực sự tạo bước ngoặt cho văn hóa và văn học VN, rõ nét nhất là đã chấm dứt một nền văn học "đồng phục". Các nhà văn không cùng kể chung một câu chuyện của thời đại mà mỗi người kể câu chuyện của mình về thời đại.
Hội thảo nhận được hơn 80 tham luận. Các đại biểu gặp gỡ bên lề |
GS Trần Đình Sử cũng so sánh văn học Đổi mới của Việt Nam không có sự phát triển luân phiên như văn học thời kỳ mới ở Trung Quốc (đi từ văn học vết thương, văn học phản tư, văn học tiền phong, văn học tầm căn, văn học viết cá nhân, văn học hương thổ viết về nông thôn...). "Văn học VN hình như không có lớp lang như thế, mà ngay từ đầu đã có đủ các xu hướng...".
Nhìn tổng quát, GS cho rằng thế hệ nhà văn sau 1975 "Họ xuất hiện để tiếp thu, tìm tòi những nguyên tắc nghệ thuật hiện đại, đi tìm những mỹ học mới và khác, làm phong phú cho văn học dân tộc".
- Hạ Anh
- Ảnh: Văn Chung