Tiểu thuyết “Bieguni” của Olga Tokarczuk được dịch ra tiếng Việt

Tiểu thuyết “Bieguni” của Olga Tokarczuk được dịch ra tiếng Việt
Một lần nữa, người Việt tại Ba Lan lại được chứng kiến những thành công mới của một dịch giả trong cộng đồng của mình, đó là dịch giả Nguyễn Văn Thái, người đã chuyễn ngữ 7 tác phẩm đồ sộ của các đại văn hào Ba Lan, từ tiếng Ba Lan sang tiếng Việt.

Lần này, Nguyễn Văn Thái giới thiệu với chúng ta tác phẩm "Bieguni, những người không ngừng chuyển động" của nhà văn Ba Lan Olga Tokarczuk (SN 1962).

Tác giả của cuốn sách, như chúng ta đã biết, là một nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học và là tác giả kịch bản sân khấu và điện ảnh. Bà được giới phê bình văn học Ba Lan đánh giá cao và là người thành công nhất trong thế hệ của bà ở Ba LanBà cũng là một trong những nhà văn được đánh giá cao trên thế giới và là người nhận được nhiều giải thưởng ở trong nước và ngoài nước trong những năm gần đây. Cho đến tháng 10 năm 2019 sách của bà đã được dịch ra 37 thứ tiếng. Bà được nhận giải thưởng Nobel Văn học năm 2018.

Những tác phẩm nổi tiếng nhất của Tokarczuk cho dến nay bao gồm: "Prawiek i inne czasy” (Nguyên sinh và thời gian khác), "Dom dzienny, dom nocny” (Ngôi nhà ban ngày, ngôi nhà ban đêm), "Prowadź swój pług przez kości umarłych” (Lái máy cày qua bộ xương chết chóc) và "Księgi Jakubowe” (Những cuốn sách của Jacob) . Cuốn tiểu thuyết "Prowadź swój pług przez kości umarłych” đã được chuyển thể thành kịch bản phim "Pokot" do Agnieszka Holland và Kasia Adamik đạo diễn, vào năm 2017.  

“Bieguni, những người không ngừng chuyển động”, xuất bản năm 2007 đã giúp Tokarczuk nhận giải thưởng Văn học “Nike” (2008) và giải thưởng danh giá “The Man Booker International Prize (2018). Nó cùng với "Księgi Jakubowe”, xuất bản năm 2014 đã góp phần quan trọng để Olga Tokarczuk nhận Giải thưởng Nobel Văn học.

 

Cuốn sách "Bieguni, những người không ngừng chuyển động" là một cuốn tiểu thuyết được quan tâm nhiều nhất trong những năm gần đây. Nó được coi là một cuốn sách đáng kinh ngạc, xuất sắc, và được viết theo một cảm hứng rất đặc biệt. 

Đặc biệt vì tác giả đã đưa ra những câu chuyện liên quan đến chuyển động rất đời thường nhưng bức tranh tổng thể khi ghép những câu chuyện này lại thì lại rất huyền bí, ma thuật. Những câu chuyện không có những nhân vật cụ thể, không có ranh giới về thời gian và không gian, được cài đặt giữa cũ và hiện đại, thực và huyền thoại, giữa lục địa, đảo và thành phố. Cái trục xoay quanh mà tác giả xây dựng cuốn sách không phải là một nhân vật hay một câu chuyện, mà là một hiện tượng  - hiện tượng du hành.

Ngay cái tên của tác phẩm cũng mang một nét độc đáo (trong bản in bằng tiếng Ba Lan chỉ là “Bieguni”), không thể dịch ra từ gì. Trong bản dịch tiếng Việt anh Thái đã phải thêm vào một câu mà tôi nghĩ nhằm để cắt nghĩa, giúp người đọc không phải đau đầu tìm hiểu: “Những người không ngừng chuyển động”. Theo như tác giả giải thích thì cái tên này xuất phát từ hai từ “bieg” (chạy) và “ucieczka” (chạy trốn), nhưng nó hoàn toàn không phải là một từ ghép của hai từ này.

“Bieguni” được lấy cảm hứng từ một thuyết của Chính thống giáo Nga trong thế kỷ 18, thuyết này cho rằng quỷ Satan đang ngự trị trên thế giới. Satan có thể hãm hại chúng ta khi chúng ta ở yên một chỗ, trong một thời gian dài. Do đó, những tín đồ trước đây của Chính thống giáo đã coi việc thuần hóa cái ác bằng cách di chuyển. Và, khi chúng ta thường xuyên di chuyển trên đường tức là lúc chúng ta đang thuần hóa cái ác. Những người luôn di chuyển được tác giả gọi là Bieguni.

Trong tác phẩm, những Bieguni liên tục lang thang để trốn thoát khỏi cái ác - họ tự mình lên đường. Annushka để lại đứa con trai ốm yếu và người chồng hờ hững của mình để sống trong tàu điện ngầm ở Moscow, vẫn gần nhà, nhưng để được xa rời bổn phận và thói quen. Vị giáo sư, người đã đến tuổi nghỉ hưu từ lâu và biết mọi thứ về Hy Lạp, lên kế hoạch cho một chuyến thám hiểm theo bước chân của Odysseus. Một người phụ nữ gặp ở sân bay Stockholm đi khắp thế giới để tìm bằng chứng về việc ngược đãi động vật. Và, có rất nhiều câu chuyện tương tự khác nữa, từ các địa điểm và thời gian khác nhau.

Như vậy, nội dung cốt lõi của tiểu thuyết “đặc biệt” này không phải là một nhân vật hay một giai đoạn lịch sử, không phải là nhật kí du lịch hay một phóng sự, mà là một hiện tượng văn hóa (du hành). Khả năng di chuyển của con người đến từ đâu đến đâu?. Nhu cầu di chuyển là gì? Có phải tất cả chúng ta là những Người du mục?. Việc vượt qua không gian có phải là ý nghĩa của cuộc sống? Tác giả cũng mô tả thế giới của những du khách đương thời, những người có gu du lịch đặc trưng. Đan xen vào những câu chuyện du hành là những suy nghĩ và cảm xúc của con người, những triết lí đạo đức. Nhờ ngòi bút điêu luyện của tác giả, một chuyến viếng thăm một nơi thực thực, hư hư, cũng khiến chúng ta tò mò muốn khám phá.

Olga Tokarczuk đưa chúng ta vào một cuộc hành trình hấp dẫn từ các cung điện trước đây của Sultan ở thế kỷ 17 đến các sảnh, nơi chờ máy bay khởi hành trong thời đương đại. Tác giả đã đưa vào cuốn sách thời gian và địa điểm hành động với sự tung hứng, không gian và thời gian cứ thay đổi hỗn loạn khi chuyển từ câu chuyện này sang câu chuyện khác, thậm chí ngay trong một câu chuyện. Tác giả như muốn khuyến khích chúng ta từ bỏ những khuôn mẫu và lối mòn. Vì theo bà, chỉ khi đó chúng ta mới có thể hiểu đầy đủ về vũ trụ.

Đúng ra, "Bieguni" là một cuốn sách, trong đó Olga Tokarczuk nói về bản thân mình và nhận thức của mình về thế giới. Có nhà phê bình đã nói rằng Olga đã rất dũng cảm mới có thể viết được tiểu thuyết như thế này. Tôi cũng nghĩ rằng anh Thái cũng đã rất dũng cảm mới có thể dịch đươc nó. Cuốn sách này, theo tôi là dành cho những người có trí tưởng tượng phong phú. Bởi nếu chỉ suy nghĩ theo lối mòn từ xưa đến nay thì sẽ không thể đọc nổi. Những mẩu chuyện được tác giả đưa ra rời rạc và không theo một logic như chúng ta thường thấy. Vì vậy mà người đọc phải tự xâu chuỗi chúng lại để thấy được một điều gì toát ra ở đây, mà nhiều khi chỉ là một cảm giác.

Có thể so sánh tiểu thuyết "Bieguni" với các tiểu thuyết mà chúng ta vẫn đọc từ trước đến nay như  tranh trìu tượng với tranh vẽ phong cảnh. Cũng có thể ví tiểu thuyết này như một bát cháo. Cháo của bà Olga và anh Thái với tư cách ông chủ nhà hàng tự tay múc ra bát đưa cho ta. Nhìn vào bát cháo đã thấy nó khác - từ màu sắc cho đến những hạt gạo, những cọng rau với nhiều kích thước khác nhau trong bát làm ta tò mò, không biết có ngon không. Và nếu ai quen ăn cháo hành của vợ, hay cháo gà của bà hàng cháo đầu phố thì hãy coi đây là một cuộc thử nghiệm. Dù là bạn đang đói, nhưng cứ phải ăn từ từ, nhấm nháp từ thìa một, nếm thử những gì có trong bát cháo để cảm nhận đầy đủ mùi, vị của nó. Nói cách khác, để cảm nhận được cái hay của tác phẩm chúng ta phải thay đổi cách suy nghĩ, chứ nếu không, cứ đọc đi đọc lại vẫn chẳng giúp ích được gì.

Xuân Nguyên (Bài phát biểu nhân ngày ra mắt “Bieguni, những người không ngừng chuyển động”, của Dịch giả Nguyễn Văn Thái (05/05/2022))

Nguồn tin: www.queviet.pl