Trường Đại học Luật Đông Dương: 15 năm tỏa sáng ngắn ngủi
- Thứ bảy - 27/03/2021 23:02
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ngày 15/2/1932, tại Đại Giảng đường Đại học Đông Dương, chính quyền tổ chức lễ khánh thành và khai giảng trường Đại học Luật Đông Dương được thành lập tại theo sắc lệnh ngày 11.09.1931 của Tổng thống Cộng hòa Pháp, Paul Doumer Nguồn: Gouvernement général de l’Indochine – Direction de l’Instruction publique, Annale de l’Université de Hanoi, Tome 1, Hanoi, Imprimerie d’Extrême-Orient
Ta hãy tưởng tượng một diễn đài với những hàng nghế bọc nỉ xanh từ trên cao xuống thấp dần, trước mắt là một sân khấu rộng rãi với một cái bàn rộng lớn phủ nỉ xanh và một chiếc ghế bành đồ sộ, vị giáo sư mặc áo thụng đen, phía trước ngực đeo ngù đỏ và ba hàng băng lông thỏ trắng toát trịnh trọng diễn giảng. Sau lưng ông ta là bức tường hình vòng cung trên vẽ phong cảnh với hàng chữ lớn thiếp vàng tiếng La tinh có nghĩa là: "Đại học ban cho ta kiến thức, phẩm giá, hạnh phúc". Riêng quang cảnh này cũng đã khiến cho các người nghe trở nên nghiêm nghị, cảm thấy mình đang dự một buổi lễ, không còn ý tưởng phá rối trật tự nữa. Khỏi cần nói là trong bầu không khí trang nghiêm ấy, kẻ diễn giảng dễ có cảm tưởng là mình đang thi hành một sứ mạng cao cả, còn sinh viên ngồi nghe có ảo tưởng là mình thuộc thành phần ưu tú của xã hội. Đây không phải là một xảo thuật của nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương nhằm nêu cao uy tín của nền đại học Pháp mà chỉ là một truyền thống của nền đại học ấy trước khi xảy ra phong trào cách mạng năm 1968”.1
Đoạn hồi ký trên của một cựu sinh viên trường Đại học Luật Đông Dương đã cho chúng ta ngược dòng thời gian để như được chứng kiến không khí một giờ học trên đại giảng đường Đại học Đông Dương thời kỳ trước khi Nhật đảo chính Pháp, một không khí nghiêm trang của lớp Đại học Luật năm thứ nhất.
Vạn sự khởi đầu nan
Sự ra đời của Đại học Luật khá gian truân. Ban đầu, Việt Nam chỉ có trường Pháp Chính (École de Droit et d’Administration) như một thành viên của Đại học Đông Dương nhưng thời kì đó, nội dung và phương pháp đào tạo của trường chỉ ngang với một trường trung cấp chuyên nghiệp. Sau đó, chính quyền Pháp tại Đông Dương gửi một dự án về Paris yêu cầu thành lập một ban luật trong trường, để đáp lại thỉnh cầu của nhiều gia đình người Pháp và người Đông Dương không muốn gửi con sang nước Pháp xa xôi để học cao hơn. Đề án này sau đó đã dẫn đến sự sáp nhập của trường Pháp Chính và trường Văn Chương (École des Lettres, mới thành lập năm 1923, cũng là một thành viên của Đại học Đông Dương) để trở thành Trường Cao học Đông Dương (École des Hautes Études indochinoise) nhằm bồi dưỡng giáo dục, nâng cao trình độ tầng lớp tinh hoa bản địa với chương trình được nâng cấp như giảng dạy về hành chính, pháp lý trọng yếu và vấn đề lớn thuộc kinh tế và xã hội của thời đại. Ngoài ra còn có lớp về triết học và văn học Việt – Hoa.
Tuy nhiên, Trường Cao học Đông Dương vẫn chưa thỏa mãn ước muốn người dân và hệ thống hành chính của Pháp ở Việt Nam. Trường buộc phải tiến lên một bước nữa để thành một cơ sở giáo dục đại học thực sự. Một cuộc thăm dò dư luận được thực hiện vào năm 1928 bởi Nha học chính đã chỉ ra rằng chỉ có thể là một cơ sở giáo dục đại học giống như bên Pháp thì mới thu hút và tuyển sinh được số lượng đầy đủ sinh viên. Và người ta sẽ có thể tuyển được khoảng 70 sinh viên cho năm đầu. Hơn nữa, một cuộc cải cách như vậy được thực hiện sẽ cho phép người Đông Dương được đào tạo về luật sẽ đủ khả năng thay thế vào nhiều vị trí mà người âu đang nắm giữ. Yêu cầu về việc mở trường đại học đào tạo cử nhân luật được đặt ra.2 Đến năm 1932, trường Luật Đông Dương mới chính thức được hình thành.
Khóa đầu tiên của trường Luật Đông Dương có 21 sinh viên cũ của Trường Cao học Đông Dương chuyển sang và 18 tân sinh viên mới được tuyển chọn. Ngoài các giảng viên của trường, các chuyên gia về luật là viên chức tại thuộc địa cũng tham gia vào việc giảng dạy. Tuy nhiên, sau khi thành lập, trường Luật Đông Dương không có một khởi đầu suôn sẻ. Trong giai đoạn ‘quá độ’ mới chuyển đổi từ Trường Cao học Đông Dương sang trường Luật Đông Dương, trường mãi vẫn chưa bắt đầu đào tạo cử nhân luật.
Tin về sự ra đời của trường Đại học Luật Đông Dương trên Pháp viện báo (Revue Judiciaire Franco-Annamite) năm 1932.
Thất vọng vì phải chờ đợi quá lâu, sinh viên Bùi Quang Tới và Từ Bộ Hứa3 đại diện cho 41 người đã viết một thỉnh nguyện thư ký ngày 28/11/1932 để đề nghị những người có trách nhiệm cần nhanh chóng khai giảng lớp cử nhân luật. "Chúng tôi đã chờ đợi việc mở lớp cử nhân luật trong sự thiếu kiên nhẫn, và chúng tôi vẫn còn phải tiếp tục chờ đợi. Thời gian thì cứ trôi, sự chờ đợi thật khó khăn, huống chi trong số chúng tôi tuổi thanh xuân đại học không thể kéo dài. Cho phép chúng tôi được gửi tới ngài Toàn quyền tâm thư này với sự trân trọng và mong ngài cho mở những lớp cử nhân luật sớm nhất có thể, vì sự chậm sẽ tương đương cho các ngài một sự mất mát về thời gian và tiền bạc”.4
Có thể lý giải cho sự chậm chễ này là do mới thành lập, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, trường cần thời gian để chuẩn bị và tổ chức. Hoặc sự ra đi đột ngột của Tổng thống Paul Doumer, người ký sắc lệnh thành lập Đại học Luật Đông Dương cũng có thể là một nguyên nhân. Tuy nhiên cũng có thể có một lý do khác. Theo giáo sư Jean Escarrat, khi đến Trường Luật vào cuối năm 1933, ông đã có một báo cáo gửi về Pháp sau đó, ông nhận xét rằng ở Đông Dương cũng như phần đa ở các thuộc địa của Pháp, luôn tồn tại một nhóm người mà có thể gọi là "phái thực dân già" (parti vieux colonial), phái này mong muốn luôn nhìn thấy nhân dân thuộc địa trong điều kiện thấp kém, không được hưởng những lợi ích chung và họ muốn chỉ vài người trong số dân Đông Dương có thể đến được với vị trí cao. Theo ông, đó là một xu hướng trái ngược với việc thành lập trường Đại học Luật Hà Nội.5
Học luật đã khó, làm luật sư còn khó hơn
Cuối cùng, may mắn là lớp cử nhân luật đã được khai giảng vào ngày 13/2/1933. Bài giảng đầu tiên cho lớp cử nhân được thực hiện bởi giáo sư luật Bienvenue, đến từ khoa luật chính quốc Pháp, đồng thời là Hiệu trưởng trường Luật Đông Dương. Ngoài ra còn có các giảng viên, giáo sư luật khác là ông And về luật La Mã và lịch sử luật, ông Kherian về kinh tế chính trị và luật dân sự. Vì lớp cử nhân luật khai giảng muộn, để đảm bảo tiến độ năm học, thời gian học trong năm học đã phải tăng lên.6
Nếu như các Trường Pháp Chính, Trường Cao học khi trước hoàn toàn chỉ dành cho sinh viên Đông Dương thì trường Luật mới được mở còn dành cho cả sinh viên người Pháp để theo học bằng cử nhân luật. Theo giáo sư Le Bras, người được Bộ Thuộc địa giao nhiệm vụ thanh tra trường luật Hà Nội năm 1936, thì ngoài việc đào tạo cử nhân luật, trường còn phải góp phần vào sự tiến bộ về hiểu biết ở Đông Dương và vào sự phổ biến khoa học pháp lý Tây phương ở vùng Viễn Đông.7
Danh sách các môn học ở Trường Luật Đông Dương trong 3 năm học.
Việc học tập của sinh viên khá linh hoạt, không nhất thiết phải có mặt đầy đủ thời gian trên lớp, nhưng phải vượt qua được kỳ kiểm tra đánh giá để được học tiếp hoặc tốt nghiệp. Vũ Quốc Thúc, sinh viên khóa bảy, về sau trở thành Thống đốc Ngân hàng ở miền Nam trước năm 1975 từng viết:
“Ở trường Luật tôi cảm thấy hoàn toàn tự do, không bị gò bó bởi kỷ luật khắt khe nào như là lúc học trung học. Chẳng hạn nếu bận việc riêng, tôi có thể vắng mặt trong các buổi diễn giảng ở đại giảng đường, không sợ bị một sự chế tài nào miễn là mượn được tài liệu do các bạn cùng lớp ghi chép. Cùng lắm, tôi vẫn có thể vào thư viện tìm đọc các sách giáo khoa để hiểu xem giáo sư đã nói gì. Lời đồn là các sinh viên Luật học ở Pháp cả ngày ngồi ở quán cà phê mà cuối năm thi vẫn đậu quả thực không sai. Chính vì thế mà nhiều sinh viên nghèo vẫn có thể vừa đi làm kiếm tiền vừa đi học, khác hẳn ở trường Y khoa, nơi đó sự hiện diện hàng ngày là một bổn phận". 8
Vào thời đó, không ít sinh viên gặp khó khăn về kinh tế, vừa làm thêm vừa đăng ký học luật, nên cũng ảnh hưởng không ít đến việc học. Tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế khó khăn, phải đi làm thêm là điều cần thiết để có thể theo chí nguyện học hành. Như trường hợp sinh viên Vũ Đình Hòe, sau này là Chủ nhiệm báo Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục (sau Cách mạng Tháng 8), rồi Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Ông viết trong hồi ký của mình:
“Nhiều môn học đã có giáo sư của trường Đại học Paris gửi sang dạy.9 Nhất thiết phải theo lớp, đọc sách giáo khoa không đủ. Nhưng nếu tiếp tục làm giáo viên ở trường Hoa kiều, thì phải bỏ nhiều giờ nghe giảng. Rất thiệt nên tôi phải tính cách khác kiếm sống. Phan Anh mách tôi đến gõ cửa anh Hoàng Minh Giám (sinh viên Vũ Đình Hòe lúc đó đi xin dạy thêm tại trường tư Thăng Long và được nhận) (…) Lợi thì thế (đi dạy học có thêm thu nhập), nhưng có cái hại đi kèm. Là tôi không tập trung được thì giờ và tâm trí vào việc học luật. Không đi được thư viện, không dự thính được nhiều phiên tòa, không nghiên cứu thêm được để tham gia thi môn ngoại khóa. Tôi vẫn cứ chỉ học theo kiểu ba-sốt-ta (bachotage)10 như xưa. Đấy chỗ yếu của tôi là như vậy ! Thua xa các bạn đồng môn11 Phan Anh, Trịnh Khánh Phong, Vũ Văn Hiền, Tạ Như Khuê, Vũ Văn Mẫu, Vũ Quốc Thúc, vv… Tôi đỗ cử nhân luật loại bình thường. Dở quá ! Tuy nhiên, nay nghĩ lại, tôi cảm thấy mình đã sống đầy đủ đời sinh viên. Biết bao kỷ niệm vui vẻ trẻ trung, hình ảnh đẹp, cảm xúc mặn mà còn ghi đậm trong trí trong lòng”.12
Cần lưu ý rằng hai ông không ủng hộ việc bỏ học trên giảng đường, “Rất thiệt”, đó chỉ là hoàn cảnh đôi khi bắt buộc không thể lên lớp đầy đủ. Ngược lại, khi nghỉ học thì họ phải cố gắng rất nhiều để bổ khuyết. Một lưu ý nữa đó là cũng tùy đặc thù của từng ngành học, có những môn học nếu không trực tiếp nghe giáo sư giảng sẽ vô cùng khó khăn để tự học, nếu không muốn nói là không thể, ví dụ như "ở trường Y khoa, nơi đó sự hiện diện hằng ngày là một bổn phận".
Do lớp cử nhân khai giảng vào tháng 2/1933, cho nên tháng 10 năm 1935 mới có khóa đầu tiên tốt nghiệp sau 3 năm học. Kỳ kiểm tra tháng 10/1935 này có 7 người đỗ và kỳ thi lại được tổ chức vào tháng 2/1936 có 8 người đỗ.13
Năm 1939, đến Hà Nội trên cương vị là đại biểu của Khoa luật Paris cử đến, giáo sư René Cassin, người sau này là một trong số đồng tác giả của Tuyên ngôn Thế giới về quyền con người năm 1948, đã soạn một báo cáo gần 80 trang về Trường Luật ký ngày 03/6/1939.14 Trong đó, ông cho biết đã đọc những bài luận của sinh viên, thậm chí còn tham gia hỏi thi vấn đáp trong nhiều môn của sinh viên các khóa. Ông nhận thấy rằng yêu cầu đặt ra trong các bài thi cho sinh viên tại Trường Luật Hà Nội ít nhất cũng là ngang bằng với yêu cầu cho sinh viên luật khoa bên Pháp. Năm 1939, những bài viết được tuyển chọn rất nghiêm túc, nhất là đối với năm thứ nhất. Dù mỗi chủ đề được lựa chọn đòi hỏi đồng thời cả kiến thức lịch sử và tư pháp cùng khả năng diễn đạt nhưng không có bài luận bị bỏ trống và rất hiếm những bài đạt điểm tệ. Giáo sư Cassin cũng cảm thấy rõ ràng rằng trường đã vượt qua khó khăn để thành một cơ sở giáo dục xứng đáng với cái tên Đại học của nó trong Liên bang Đông Dương, đạt được cả phần "thân thể và tâm hồn". Ông cũng đề cập đến những kế hoạch cần thiết, trong đó có việc tiến tới tổ chức đào tạo nghiên cứu sinh ngành luật tại trường.
Trong báo cáo của giáo sư Cassin có kèm theo danh sách các cử nhân luật đã tốt nghiệp từ khóa đầu tiên đến khóa 4. Trong danh sách đó có tên các vị rất đáng chú ý là: Vũ Văn Hiền, Vũ Đình Hòe, Tạ Như Khuê, Phan Anh (Phan Văn Anh), Vũ Văn Mẫu, Bửu Lộc, Võ Nguyên Giáp, Vũ Trọng Khánh**, Phạm Huy Thông, Vũ Tuân Sán… Tuy nhiên, cử nhân luật không có nghĩa là đã được phép làm luật sư. Muốn trở thành luật sư thì phải trải qua một kỳ tập sự tại văn phòng luật sư và đáp ứng những quy định cụ thể khác, và đương nhiên phải có tổ chức công nhận. Qua những điều đã đề cập ở trên cùng tâm sự sau đây cho chúng ta thấy vào thời trước Cách mạng Tháng tám, học xong đại học luật đã rất khó khăn, tiếp tục để thành luật sư lại càng khó khăn hơn. Theo ông Vũ Đình Hòe, "Có một nghề tự do ‘oai lắm’ và làm giàu được, làm giàu hợp pháp, nghề ‘thầy cãi’. Nhưng tôi không dám nghĩ đến, vì không đủ thế và lực để chen chân vào. Lực vật chất và tinh thần. Lực vật chất là phải có vốn ứng trước, ít nhất để sống trong năm năm tập sự. Lực tinh thần là phải có bằng tiến sĩ luật -tuy không bắt buộc thế- thì mới cạnh tranh được với thiên hạ, mà muốn có tấm bằng tiến sĩ, thì phải ‘sang Tây’ học và thi !” 15
(Còn tiếp)
-----
** Sửa lại so với bản in là Vũ Hồng Khanh. Vũ Trọng Khánh là Bộ trưởng Bộ Tư Pháp đầu tiên của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
* Cựu nghiên cứu sinh tại Đại học Lyon, Pháp
1 Vũ Quốc Thúc, Thời đại của tôi, cuốn II, Đời tôi trải qua các thời biên, Nxb Người Việt, 2010, tr.156-157.
2 Gouvernement général de l’Indochine, Rapportsau Conseil de gouvernement, (tome 2), 1928, p.396.
3 Xem thêm về nhân vật Từ Bộ Hứa trong quyển "Văn Thi sĩ tiền chiến" của Nguyễn Vỹ. Ông mất sớm khi còn là sinh viên do bị bệnh lao phổi (thời đó là một loại nan y).
4ANP, AJ/16/8339, Rapport sur le Fronctionnement de l’École supérieure de Droit de Hanoi (1932-1933).
5 ANP, AJ/16/8339, Rapport du professeur Jean ESCARRA sur le Fronctionnement de l’École supérieure de Droit de Hanoi, le 2 janvier 1934.
6 Gouvernement général de l’Indochine, Rapports au grand Conseil des intérêts économiques et financières et au Conseil de gouvernement, session ordinaire de 1933, Hanoi, Impr Extrême-Orient, 1933, p.106.
7 ANP, AJ/16/8339, Rapport du professeur Le Bras (1936)
8 Vũ Quốc Thúc, Thời đại của tôi, cuốn II, Đời tôi trải qua các thời biên, Nxb Người Việt, 2010, tr.152-153.
9 Cụ Vũ Đình Hòe đăng ký học cử nhân luật khoá đầu 1932, vì khóa khai giảng muộn như đã nói, năm 1933 mới bắt đầu và có giáo sư Pháp sang.
10 Tiếng pháp là học vội để thi.
11 Ở đây là những người cùng học Đại học Luật Đông Dương với tác giả, có thể cùng hoặc khác khóa.
12 Vũ Đình Hòe, Thuở lập thân, Nxb Trẻ, 2012, tr.160-161 (để biết thêm đời sinh viên sôi nổi của tác giả Vũ Đình Hòe, xin đọc trong sách này).
13 Chúng tôi sẽ có bài về những cử nhân luật đầu tiên tại Đại học Luật Đông Dương trong một bài sắp tới đây.
14 ANP, AJ/16/8339, Rapport du professeur René Cassin sur le fonctionnement de l’École supérieur de Droit, le 3 juin 1939.
15 Vũ Đình Hoè, Thuở lập thân, Nxb Trẻ, 2012, tr.172.
16ANP, AJ/16/8339, Rapport du professeur Jean ESCARRA sur le Fronctionnement de l’École supérieure de Droit de Hanoi, le 2 janvier 1934.