'Truyện Kiều' phát hành bản tiếng Nga
- Thứ ba - 10/11/2015 15:32
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trước đây, Truyện Kiều từng hai lần được chuyển ngữ sang tiếng Nga, nhưng đều là những bản tóm tắt hoặc trích đoạn trong tác phẩm. Đây là lần đầu có một ấn bản Truyện Kiều trọn vẹn được xuất bản bằng tiếng Nga.
"Truyện Kiều" bản tiếng Nga. |
Sách lấy tên Kiều, được các dịch giả thực hiện trong vòng hai năm. Từ lâu, một số cá nhân người Việt sinh sống ở Nga mong muốn đưa tác phẩm tinh hoa dân tộc đến với bạn đọc quốc gia này. Cuối những năm 2000, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng và ông Hoàng Văn Vinh - Chủ tịch hội người Việt tại tỉnh Xvetlov, Nga - đã tìm những người có khả năng, am hiểu Truyện Kiềutham gia dịch thơ.
Công trình được hoàn thiện bởi nhóm bốn người. Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng (Cộng tác viên Khoa học Đại học Tổng hợp Moscow) chủ biên dịch và hiệu đính. Dịch giả, nhà giáo Ưu tú Vũ Thế Khôi chuyển ngữ. Tác giả Vaxili Popov dịch thơ. Và dịch giả Đoàn Tử Huyến tham gia với vai trò hiệu đính.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng đã dẫn câu thơ "Công trình kể biết mấy mươi" trong Truyện Kiều để nói về quá trình dịch tác phẩm. Nhóm dịch giả phải vượt qua trùng trùng điệp điệp điển tích, điển cố. Họ chịu áp lực thời gian khi phải hoàn thành bản dịch trước dịp kỷ niệm dịp 250 năm sinh Nguyễn Du (tháng 11/2015).
Ngay từ khi bắt tay vào công việc, họ đề ra nhiều nguyên tắc và mục tiêu, với quy trình rõ ràng: Truyện Kiều sẽ được chuyển nghĩa từ tiếng Việt sang tiếng Nga theo từng câu, từng khổ. Phần nghĩa được Vaxili chuyển thành thơ tiếng Nga. Sau đó, các nhà nghiên cứu Đông Phương cùng chuyên gia tiếng Nga đính chính, góp ý, gửi lại cho dịch giả.
Nhà thơ Nga Vaxili Popov (sinh năm 1983, Thư ký Ban chấp hành Hội Nhà văn Nga) là người dịch phần thơ Truyện Kiều sang tiếng Nga. Anh nói: "Được dịch Kiều là một vinh dự của tôi. Chúng tôi nhận thấy Truyện Kiềunhư là một Yevgeniy Onegin (tiểu thuyết bằng thơ của Puskin). Để dịch tác phẩm này, tôi đã phải tìm hiểu rất nhiều về tác phẩm, tác giả, bối cảnh xã hội phương Đông trước đây, các tư tưởng về nam - nữ thời phong kiến. Sau khi dịch xong, tôi trở thành một con người khác".
Ông Hoàng Văn Vinh là người ôm ấp ý tưởng dịch Truyện Kiều sang tiếng Nga từ lâu, cũng là người tài trợ cho công việc dịch thuật, xuất bản. Chủ tịch hội người Việt tại Xvetlov nói trong lễ ra mắt sách: "Tôi sinh ra trên quê hương Nguyễn Du và muốn bạn bè Nga hiểu được tinh hoa văn hóa Việt. Cảm ơn các dịch giả đã giúp tôi hiện thực hóa giấc mơ. Hy vọng bạn đọc Nga có thể hiểu được giá trị nhân văn, vẻ đẹp của Truyện Kiều".
Nhà thơ Nga Vaxili Popov (thứ hai từ phải qua) và nhóm dịch "Truyện Kiều", cùng những người yêu văn chương Việt - Nga. |
Chủ tịch Hội liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Phú Bình cho rằng mỗi tác phẩm được dịch ra ngôn ngữ khác là một nhịp cầu văn hóa. Bản dịch Kiều là một cây cầu vững chắc giúp người Nga hiểu hơn về Việt Nam. Ông Vladimir Buianov - Chủ tịch Hội hữu nghị Nga - Việt đánh giáKiều có ý nghĩa quan trọng với những nhà nghiên cứu Nga. Ông hy vọng thời gian tới có nhiều tác phẩm văn học Việt được dịch sang tiếng Nga.
Ông Thúy Toàn, Giám đốc Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Việt - Nga, bày tỏ vui mừng khi có thêm một tác phẩm được đưa tới xứ sở bạch dương. Ông nói trong những năm qua, nhiều tác phẩm Nga dịch sang tiếng Việt. Trong khi văn học Việt hầu như chưa được biết tại Nga. "Việc ra mắt bản dịchKiều là một niềm vui, nỗ lực lớn của những người yêu văn học hai nước", ông nói.
Lam Thu