Việt Nam hôm nay và ngày mai: Các trí thức chung giấc mơ Việt Nam thịnh vượng

Việt Nam hôm nay và ngày mai: Các trí thức chung giấc mơ Việt Nam thịnh vượng
Buổi ra mắt đầu tiên của tập sách 'Việt Nam hôm nay và ngày mai' sáng 24-4 như dịp để một số tác giả gặp nhau, chia sẻ tiếng nói về thời cuộc với điểm chung là cùng mơ về một Việt Nam thịnh vượng...

 

Việt Nam hôm nay và ngày mai: Các trí thức chung giấc mơ Việt Nam thịnh vượng - Ảnh 1.
 

Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn (thứ 2 từ phải qua) đang trình bày về bảo tồn di sản văn hóa, một nội dung cần giải quyết tốt trên hành trình phát triển đất nước - Ảnh: L.ĐIỀN

Ý tưởng thực hiện tập sách với bài viết của 22 trí thức hiện nay để cùng góp tiếng nói mong muốn Việt Nam phát triển ổn định trên nhiều lĩnh vực, đã nhận được đồng thuận từ cả trong và ngoài nước.

Nhấn mạnh vai trò trí thức

Trong khi giáo sư Trần Văn Thọ từ Nhật Bản không về nước được, tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh trong vị trí đồng chủ biên nhắc lại rằng: "Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nói nhiều về vai trò của người trí thức trong việc xây dựng xã hội mới".

Quan trọng hơn, ông dẫn một phát biểu từ những năm 1960 của tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee - người đã thay đổi vận mệnh đất nước ông một cách thần kỳ: "Trong tầng lớp lãnh đạo xã hội của Hàn Quốc, trí thức làm thành khối quan trọng nhất của dân tộc".

Việt Nam hôm nay và ngày mai: Các trí thức chung giấc mơ Việt Nam thịnh vượng - Ảnh 2.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh (giữa) tại buổi giao lưu đang nhắc lại vai trò của trí thức - Ảnh: L.ĐIỀN

Xác định vai trò của trí thức đến đâu, cũng chưa quan trọng bằng thực sự cầu thị để lắng nghe, tiếp thu và thực hiện những ý kiến, công trình, hoài bão của các trí thức.

Nói như giáo sư Cao Huy Thuần trong clip thu từ Pháp và gửi về buổi ra mắt sách: Ra được quyển sách là quan trọng, nhưng nếu không được giới thiệu đến với người đọc cần thiết, thì sách cũng như bị chôn sống giữa hỗn mang tri thức của thời nay.

"Người đọc" ở đây theo giáo sư Thuần, có thể hiểu trước nhất chính là các nhà quản trị quốc gia, những người quy hoạch ngành và tổ chức bộ máy, vận hành nền kinh tế nước nhà.

Và thật thú vị khi tác giả Phúc Tiến cho biết khi tổ chức bản thảo sách này, giáo sư Trần Văn Thọ gợi ý cần có bài viết về lịch sử phát triển của Sài Gòn. Đô thị phương Nam từng là hòn ngọc trong mắt bè bạn năm châu, hẳn có gì để soi chiếu cho hành trình đi lên tiếp tục của đất nước hôm nay và ngày mai chứ?

Theo ông Phúc Tiến, Sài Gòn có tính chất "hợp chủng xứ", một nơi hỗn dung và tích hợp được nhiều nguồn lực, và trong quá khứ xa xưa, tính từ vương quốc Phù Nam ở vị trí này, Sài Gòn cũng có bề dày di sản văn hóa đáng kể cả về vật thể và phi vật thể.

Việt Nam hôm nay và ngày mai: Các trí thức chung giấc mơ Việt Nam thịnh vượng - Ảnh 3.

Tác giả Phúc Tiến (bìa phải) đang giới thiệu lịch sử Sài Gòn với những nội dung cần soi chiếu cho quá trình phát triển đất nước - Ảnh: L.ĐIỀN

Điều gì làm nên sức mạnh quốc gia?

Câu hỏi căn cốt của tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh dường như khiến đông đảo cử tọa và các diễn giả phải nghĩ về hiện tình đất nước một cách có trách nhiệm.

Nhà kinh tế học Phạm Chi Lan nhắc lại cái lần bà "thọ nạn" khi phát biểu đại ý "Việt Nam không chịu phát triển". Nay, vẫn với một lòng đau đáu về tình hình doanh nghiệp Việt Nam, bà Phạm Chi Lan nhắc lại đầy tiếc nuối khi Việt Nam đã đổ ra rất nhiều nguồn lực, tốn kém hơn các nước cùng khu vực rất nhiều chỉ để vượt qua được ngưỡng nghèo.

Bà Chi Lan nhắc lại giấc mơ Việt Nam thịnh vượng như một điểm gặp nhau giữa các tác giả sách Việt Nam hôm nay và ngày mai. Bà dẫn ý kiến các chuyên gia quốc tế tính toán rằng nếu Việt Nam tăng tốc ngay từ năm 2015 thì đến năm 2035 may ra mới đạt chuẩn quốc gia có thu thập đạt trung bình cao, như vậy chuẩn quốc gia giàu hãy còn xa lắm.

Việt Nam hôm nay và ngày mai: Các trí thức chung giấc mơ Việt Nam thịnh vượng - Ảnh 4.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan (giữa) nói về giấc mơ Việt Nam thịnh vượng - Ảnh: L.ĐIỀN

Giáo sư Cao Huy Thuần nhấn mạnh rằng một khi góp ý về phát triển tức là nói đến chính sách, là nói đến thể chế, và đó là chính trị, là nhạy cảm... Chia sẻ với tâm lý đó, tác giả Trương Trọng Nghĩa cho rằng Nhà nước đã có những chuyển động đáng kể về mặt thể chế.

Cũng theo ông Nghĩa, có những chuyển động ở tầng sâu, chẳng hạn như khi xây dựng luật, đấu tranh để đưa bằng được một khái niệm pháp lý trở thành điều luật (như quyền giữ im lặng, tuy trong luật không dùng cụm từ "quyền im lặng"), mới thấy sự đổi mới thể chế ở ta cực kỳ khó khăn.

Việt Nam hôm nay và ngày mai: Các trí thức chung giấc mơ Việt Nam thịnh vượng - Ảnh 5.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa (bìa trái) phân tích những chuyển động trong chính sách Việt Nam - Ảnh: L.ĐIỀN

Dù vậy, ông Nghĩa vẫn có niềm tin rằng chúng ta đã có mục tiêu xây dựng đất nước tốt đẹp và hoàn hảo: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; "không ai còn thêm được gì vào nữa, vấn đề là ta cứ làm cho được cho đúng những gì ta đã viết ra, thì không thể gọi hay bị xem là Việt Nam không chịu phát triển nữa" - ông Nghĩa nhận định.  

Nguồn tin: tto