Mạng nhện cứu mạng Vua

Mạng nhện cứu mạng Vua
Truyền thuyết kể lại rằng vào cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14, Władysław I Łokietek (vua Ba lan thời kỳ 1320-1233) đã chạy trốn khỏi sự truy nã của đội quân của vua Wenceslas II và đã ẩn náu trong hang mà lối vào được phủ kín bằng mạng nhện. Nhờ đó mà ông thoát nạn vì mạng nhện đã đánh lạc hướng sự truy lùng. Bài báo điểm lại một số nét lịch sử cũng như địa danh liên quan tới truyền thuyết này.

Cửa kim loại trước cửa hang có mô tip hình mạng nhện.


Mạng nhện cứu Vua

Hang hiện nay mang tên Łokietka (Grota Łokietka) trong vườn quốc gia Ojców (Ojcowski park narodowy)  gắn liền với truyền thuyết về Władysław I Łokietek (a). Sau khi trốn thoát khỏi sự truy lùng của đội quân của Wenceslas II (b), là vua của vương quốc Bohemia và là công tước của Cracow, Władysław I Łokietek chạy trốn từ Cracow đến ẩn náu ở hang này trong khoảng thời gian từ cuối thế kỷ 13 đến đầu thế kỷ 14. 
Władysław I Łokietek - vị vua tương lai của Ba Lan đã ở trong hang khoảng 6 tuần. Vua ngủ trên một phiến đá trong động có tên là Động Ngủ. Trên hành lang dẫn vào Động Ngủ có một hốc nhỏ gọi là bếp, nơi vua nấu ăn. Thực phẩm do những người dân địa phương trung thành với nhà vua mang đến qua một lỗ mở từ trên xuống.
Lối chính vào hang được mạng nhện khổng lồ phủ kín và thường có những giọt sương bám. Władysław I Łokietek vào hang bằng cách được thả xuống bằng một sợi dây qua một lỗ hổng khó nhìn thấy. Ông không đi vào qua cửa hang, cho nên mạng nhện chắn cửa hang không bị hư hại. Chính vì thế đã làm lạc hướng cuộc truy đuổi, vì binh lính của Wenceslas II đã bỏ qua nơi này, khi nghĩ rằng không có ai vào hang. Vậy là mạng nhện đã cứu tính mạng vua Władysław I Łokietek.
Những sự kiện này vẫn tồn tại sống động trong ký ức của người dân địa phương cho đến ngày nay. Hang trú ẩn của nhà vua được gọi đặt tên ông là hang Łokietka. Hiện nay có cửa kim loại tại lối vào hang. Hình dạng của cánh cửa lập lại mô-típ mạng nhện.

Hang Lokieka: khe núi hẹp dẫn vào cửa hang, cửa kim loại hình mạng nhện
và cảnh nhìn từ trong cửa hang ra ngoài.


Hang Łokietka (Grota Łokietka)

Hang Łokietka nằm ở độ cao khoảng 125 mét so với đáy của thung lũng Sąspów (dolina sąspowska) và là hang động lớn nhất trong số các hang động được biết đến trong vườn quốc gia Ojcowa. Hang có chiều dài 320 m và chênh lệch độ cao là 7 mét. Một khe đá hẹp, dài 20 mét, không có trần dẫn đến lối vào hang. Hang bao gồm một số hành lang nối hai hang động lớn được gọi là Động Hiệp sĩ và Động Ngủ và hai động nhỏ hơn.
Hang động được tạo bởi nước sói mòn các đá vôi từ kỷ Jura Thượng. Từ cửa vào, hang thấp dần và quay về hướng tây nam và được mở rộng đáng kể khi đi vào hành lang chính. Trên các bức tường của hành lang, có thể thấy những phần đá trắng tương phản với phần đá màu khói. Có khá nhiều những cột đá và măng đá trong hang. Đặc biệt là trên trần của cả hai động lớn có rất nhiều những nhũ đá hình ống nhỏ được gọi là mì ống. Cấu trúc các khối thạch nhũ trong hang rất yếu. Trừ một phần nhỏ tại những nơi khó tiếp cận còn được giữ nguyên,  phần lớn các khối thạch nhũ bị vỡ và rơi khỏi trần hay tường, thành một đống đổ nát rất lớn, đặc biệt là trên sàn của Động Ngủ. 

Cảnh trong hang Łokieka: những phần đá trắng tương phản với phần đá màu khói,
có nơi đá trắng tạo thành hình dạng đặc biệt gọi là Mặt Quỷ.

Hang này đã được biết đến từ rất lâu. Những ghi chép đầu tiên về hang đã có từ cuối thế kỷ 17, khi đó nó được gọi là Spelunca Regia (Hang Hoàng gia). Từ cuối thế kỷ 18, nó đã là một điểm thu hút khách du lịch trong những chuyến thăm vùng Ojców nổi tiếng lúc bấy giờ. Từ năm 1927, nó đã được công nhận là một di tích lịch sử quốc gia. Hang cũng là nơi trú ẩn của người dân địa phương trong chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai.
Một điều khá lý thú là cổng thành duy nhất trong số tám cổng thành của thành cổ Cracow còn tồn tại đến hiện nay có tên là cổng Floriana (Brama Floriańska), nối từ Barbican đến nhà thờ Thánh Maria (Kościół Mariacki) ngay ở Quảng trường chính (Rynek Główny). Còn cổng có tên là „Cổng Cracow” (Brama krakowska) lại là khe núi rộng giữa những tảng đá vôi cao vút dẫn lên hang Łokietka.

Khe núi rộng giữa những tảng đá vôi cao vút dẫn vào hang Łokietka được gọi là Cổng Cracow.


Khi đến thăm vườn quốc gia Ojcow, ngoài kế hoạch thăm các hang động, trèo núi, đạp xe địa hình, đi dạo trong rừng, du khách còn hứng thú đi thăm pháo đài và lâu đài cổ.

Pháo đài cổ ở Ojców (Zamek w Ojcowie)

Pháo đài thuộc công trình phòng thủ do Vua Casimir III Đại đế (c) xây dựng để bảo vệ tuyến đường thương mại từ Krakow đến Silesia. Casimir III đã đặt tên pháo đài là „Cha trên Tảng Đá” (Ociec u Skały),  để tưởng nhớ cuộc chạy trốn của cha ông là Władysław I Łokietek trong vùng này. Dân chúng sau đó chỉ nói về Cha (Ojców) nên từ Ojców cũng được dùng gọi ngôi làng dưới chân lâu đài và là tên cả khu vườn quốc gia rộng lớn gần 2150 hecta.
Vào thời Trung cổ, lâu đài là một trong những công trình kiến ​​trúc nổi bật nhất ở vùng Tiểu Ba Lan (Małapolska). Tàn tích của lâu đài còn tồn tại cho đến ngày nay là tháp hình bát giác (bên trong hình tròn), cổng vào với mái vòm nhọn, giếng và các mảnh tường thành phòng thủ (nằm dưới mặt đất). Từ trên đồi lâu đài, có thể nhìn thấy toàn cảnh tuyệt đẹp của thung lũng Prądnik (dolina Prądnika).

Pháo đài ở Ojców: cổng vào với mái vòm nhọn và tháp hình bát giác.


Lâu đài Pieskowa Skała (Zamek Pieskowa Skała)

Lâu đài là một mắt xích quan trọng trong chuỗi các công trình phòng thủ bảo vệ tuyến đường thương mại từ Krakow đến Silesia. Ngày nay nó là một trong số ít các di tích của thời Phục hưng tại Ba Lan. Lâu đài là một điểm nằm trên tuyến đường du lịch nổi tiếng có tên „Đường mòn của Tổ chim Đại bàng và Vườn quốc gia Ojców” thu hút lượng lớn khách du lịch.
Lâu đài lần đầu tiên được nhắc đến với cái tên Peskenstein trong một tài liệu do Władysław I Łokietek ban hành vào năm 1315. Vào nửa đầu thế kỷ 14, Casimir III Đại đế đã tiến hành xây dựng lâu đài tại đây.
Theo truyền thuyết có một cô gái tên là Dorota bị giam trong tòa tháp của lâu đài. Con chó yêu quý của cô đã trèo lên tảng đá và mang cho cô chủ của mình những mẩu thức ăn thừa được ném cho chú, do đó đã cứu Dorota khỏi chết đói. Nên tảng đá được gọi là „Tảng đá của chú chó” (Pieskowa Skała).

Lâu đài Pieskowa Skała: toàn cảnh nhìn từ phía cột Herkules và sảnh lớn từ thời Phục hưng
của lâu đài.

Lâu đài được xây dựng, mở rộng và thay đổi qua nhiều thời kỳ với các chủ nhân khác nhau. Nó được xây trên một mỏm đá và sườn dốc lớn. Phần phía trên xây trên tảng đá được gọi là "Dorotka"và có tòa tháp cao nhất hiện không còn tồn tại. Chỉ còn phần dưới bao gồm một sân lớn từ thời Phục hưng và các tòa nhà xung quanh sân và được bao quanh bởi các bức tường phòng thủ. Không có một đồ nội thất đích thực nào của lâu đài còn tồn tại đến ngày nay.
Hiện lâu đài có các phòng triển lãm về lịch sử của lâu đài, về nghệ thuật từ thế kỷ 14 đến giữa thế kỷ 19 gồm điêu khắc, hội họa, đồ gỗ, dệt, gốm sứ, sản phẩm của ngành nghệ thuật. Không chỉ thăm bảo tàng, du khách còn đi thăm khu vườn kiểu Ý của lâu đài.

Bên trong lâu đài nơi có các triển lãm lịch sử và nghệ thuật và vườn của lâu đài.

Dưới chân đồi nơi có lâu đài có một quần thể các ao có nước chảy qua được thành lập vào thế kỷ 16. Nơi đây được sử dụng để nuôi và lai tạo các loại cá chép, cá hồi. Từ năm 1993, việc chăn nuôi chấm dứt. Hiện nay, nó là nguồn nước để nuôi dưỡng các loài lưỡng cư ở Vườn quốc gia Ojców.
Dưới chân lâu đài là cột đá vôi được gọi là Cây Gậy Hercules (Maczuga Herkulesa) cao 25 m. Do điều kiện đặc biệt, nó đã chống lại các lực ăn mòn, và có hình dạng giống như cây gậy có phần trên chóp to hơn phần dưới chân. Có một truyền thuyết và nhiều câu chuyện dân gian gắn liền với cột. Tên dân gian phổ biến nhất của Gậy Hercules là Cột đá Chim Ưng (Sokoła Skała).

Gậy Herkules dưới chân lâu dài Pieskowa Skała.

 

Lâu đài Pieskowa Skała xuất hiện khá thường xuyên trong các bộ phim Ba lan. Một trong số đó là bộ phim trinh thám đình đám trong thập kỷ 70 của thế kỷ trước tựa đề „Đánh cược với số phận” (Stawka większa niż życie). Chắc chắn rất nhiều người việt hiện thuộc thế hệ U60-80 còn nhớ rõ bộ phim này, vì nó được chiếu rộng rãi ở Việt Nam.

Cá hương vùng Ojców (Pstrąg z Ojcowa)

Mỗi vùng miền đều tự hào với những sản phẩm không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác: cá hương ở Ojców không chỉ là một sản phẩm đặc biệt của vùng, nó còn là một sản phẩm nuôi truyền thống có từ năm 1935. Có rất nhiều trang trại cá tại đây. Thật không còn gì bằng sau những giờ leo núi hay đi dạo đến mỏi chân chồn gối được thảnh thơi thư giãn và trải nghiệm ẩm thực với bia tươi và đĩa cá rán, hay cá nướng, hay cá hun. Cá hương (pstrąg) là một loài cá nước ngọt thuộc họ cá hồi, da trơn không có vảy, thịt trắng, dai, không bở.

Làng Ojców nổi tiếng với nhiều khu ao nuôi cá hương và nhiều cửa hàng ăn phục vụ cá hương rán, nướng hay hun.

Nếu ai muốn thưởng thức rượu quê, có thể thăm và nếm rượu ở Krokoszówka Górska, là một nhà máy rượu thuộc tuyến đường trồng nho tại vùng Tiểu Ba lan (Małopolska) cũng trong khu vực Ojcow.
Khu Ojcow chỉ cách thành phố cổ Cracow khoảng 30 km về phía bắc. Có rất nhiều tuyến xe buýt từ Cracow tới đó. Vào những ngày trời nắng đẹp, không chỉ có nhóm đông dạo bước, mà rất nhiều người đi xe đạp. Nhiều gia đình cùng với cả trẻ con đi xe riêng có chở theo xe đạp tới đó, để xe tại bãi đỗ, rồi cả nhà dạo quanh vùng bằng xe đạp. Đặc biệt rất nhiều nhóm thanh niên cùng nhau phóng xe đạp từ tận Cracow tới đó. Thật thanh thản khi được thở hít khí trời trong lành, ngắm cây cối với là xanh mướt, ngắm hoa dại nở rực rỡ khắp nơi, và nghe tiếng nước róc rách chảy từ những khe đá.

Ảnh của tác giả.

Sơ lược lịch sử liên quan đến Władysław  I Łokietek
a) Władysław  I Łokietek (1260/1-1333) là Vua của Ba Lan từ năm 1320 đến năm 1333. Trong những năm trước đó ông là Hoàng tử của Kuyavia (Kujawy, 1267-1288), công tước của Sandomiesz (1289-1292). Ông đã được đặt biệt danh là "Łokietek": „Cao đến khuỷu tay”.
Năm 1288, sau khi Leszek II Czarny-Công tước của Krakow và Sieradz mất, quyền lực được chuyển giao cho Władysław I Łokietek là người anh cùng cha khác mẹ lớn tuổi nhất. Władysław I Łokietek tự phong cho mình là Công tước Craców và Sandomierz. Tuy nhiên, do cuộc tranh giành quyền tối cao trong công quốc Cracow và Sandomierz, ông phải trốn khỏi Cracow và cố gắng củng cố quyền cai trị của mình ở công quốc Sandomierz. 
Wenceslaus II -Vua sứ Bohemia và là Công tước Cracow từ năm 1291 không muốn Władysław I Łokietek nắm quyền ở công quốc Sandomierz.  Tháng 9 năm 1291, quân đội Bohemia, nhờ ưu thế về số lượng và với sự hỗ trợ từ các hoàng tử Ba Lan ở các vùng khác đã đánh đuổi Władysław I Łokietek khỏi Sandomierz. Năm 1292 quân Bohemia tiến vào vùng đất Sieradz, nằm ngay gần Đại Ba Lan (Wielkaposlka). Sau một cuộc bao vây ngắn ngủi, Władysław I Łokietek và anh trai là Casimir II đã bị bắt giam. Tháng 10 năm 1292 một thỏa thuận đã được ký kết, theo đó Władysław I Łokietek và Casimir II buộc phải từ bỏ các yêu sách với Tiểu Ba Lan (Małapolska) và phải trung thành với nhà cai trị Bohemia. Đổi lại họ được giữ vùng Kuyavia.
Năm 1293, Władysław I Łokietek và Casimir II đã liên minh chặt chẽ với Przemysł II (là Công Tước Đại Balan và là Vua Balan năm 1295-1296) để chống lại người Bohemia với mục tiêu là giành lại Cracow. Władysław I cũng được coi là xứng đáng với ngai vàng của Przemysł II sau khi Przemysł II mất. Tuy nhiên người kế vị của vua Przemysł II lại là Henry III của Głogów theo di chúc của Przemysł II viết vào khoảng năm 1290. Theo thỏa thuận, Władysław I Łokietek cũng đồng ý trao cho Henry III một phần của Đại Ba Lan.
Trong những năm 1299-1304 Władysław I phải chạy trốn khỏi đất nước do sự đàn áp của Wenceslaus II.  Năm 1304 Władysław I trở về Tiểu Ba Lan cùng với một đội quân ủng hộ ông và dần chiếm lại được Tiểu Ba Lan và Kuyavia. Năm 1305 Wenceslaus II chết, quyền lực được trao cho con trai ông là Wenceslaus III (1289-1306). Władysław I Łokietek đã tận dụng được tình thế và giành lại chủ quyền một số công quốc trong đó có Sandomierz. Năm 1306 Wenceslaus III bị sát hại và nội chiến bùng phát trong vương quốc Bohemia, nên tình thế càng thuận lợi cho Władysław I Łokietek giành lại vị trí và ảnh hưởng của mình.
Năm 1309, sau khi Henry III của Głogów mất, đất đai được chia cho 5 con trai của ông. Giới quý tộc và hiệp sĩ đã nổi dậy chống lại các con trai của Henry III của Głogow. Kết quả là vào năm 1314 quyền lực được chuyển giao cho Władysław I Łokietek. Władysław I tự phong mình là Hoàng tử của Vương quốc Ba Lan. Từ năm 1315, Wladyslaw I Łokietek cũng bắt đầu nỗ lực giành được sự đồng ý của Giáo hoàng để đăng quang hoàng gia. Năm 1320, ông trở thành Vua đầu tiên của Ba Lan đăng quang tại nhà thờ hoàng gia của lâu đài Wawel tại Craców. Ông đã khôi phục lại sự thống nhất của vương quốc Ba Lan.
b) Wenceslaus II (Václav II, 27.09.1271-21.06.1305) là Vua của vương quốc Bohemia (1278-1305) và là Công tước của Cracow (1291-1305) sau khi nhận được Tiểu Ba Lan từ Przemysł II vào năm 1291. Przemysł II đăng quang Vua của Ba Lan vào tháng 6 năm 1295, nhưng chỉ sau khoảng 7 tháng thì bị giết, vào tháng hai năm 1926. Wenceslaus trở thành lãnh chúa của Ba Lan sau khi Przemysł II chết, khi toàn bộ Tiểu Balan, Đại Ba lan và nhiều vùng khác nằm dưới sự cai trị trực tiếp của Wenceslas II. Ông đồng thời tăng cường được sự phụ thuộc của một số Công tước Ba lan vào quyền cai trị ông. Vào năm 1300 Wenceslaus II đăng quang ngôi vua của Ba Lan và trị vì đến năm 1305.
c) Casimir III Đại đế (30.4.1310-05.11.1370, Kazimierz III Wielki) là con trai út của Władysław I Łokietek (và vợ là Jadwiga Bolesławówna), và là Vua của Ba Lan trong những năm 1333–1370. Władysław  I Łokietek và Casimir III Đại đế là hai nhà cai trị cuối cùng vào thế kỷ 14 của triều đại Piast của vương quốc thống nhất Ba Lan. (Vương triều Piast là triều đại cầm quyền lịch sử đầu tiên của Ba Lan, từ năm 960 đến năm 1370).
Casimir III Đại Đế  được coi là một trong những nhà cai trị Ba Lan vĩ đại nhất. Năm 1364, ông thành lập Học viện Krakow, đổi tên thành Đại học Jagiellonian từ năm 1817, viết tắt là UJ (Uniwersytet Jagiellonski). UJ là đại học công lập Ba Lan tại thành phố Cracow, là trường đại học lâu đời nhất của Ba Lan, và là một trong những trường đại học lâu đời nhất trên thế giới, là trường đại học lâu đời thứ hai tại Đông Âu (chỉ sau trường Đại học Charles tại Prague thành lập năm 1348).
Nicolaus Copernicus đã học tại Học viện Cracow trong những năm 1491-1495. Ông là nhà thiên văn học nổi tiếng, tác giả của mô hình nhật tâm của hệ mặt trời (mặt trời là ở trung tâm của hệ mặt trời và tất cả các hành tinh trong hệ mặt trời đều quay xung quanh mặt trời)
 

Tác giả bài viết: Nhu-Tarnawska Hoa Kim Ngan

Nguồn tin: Tài liệu tham khảo: Internet.