Đại học Việt Nam và giấc mơ được xếp hạng

Đăng lúc: Thứ bảy - 07/11/2015 12:35 - Người đăng bài viết: admin
'Đại học Việt Nam đứng ngoài sân chơi của các trường đại học tiên tiến trên thế giới và vẫn đang loay hoay tìm cách thoát ra vùng trũng quá sâu', độc giả Đinh Bá Khương (Đại học Công nghệ Swinburne, Australia) viết.

Tạp chí Times Higher Education gần đây đã công bố bảng xếp hạng 800 trường đại học hàng đầu thế giới (bảng xếp hạng danh giá và uy tín nhất) và Việt Nam vẫn chưa có trường nào nằm trong danh sách này. 

Nhìn sang các nước khu vực như Singapore (2 trường với vị thứ khá cao), Thái Lan (7 trường), Malaysia (5 trường), Indonesia (một trường) và ngay cả các quốc gia như Kenya, Uganda, Bangladesh… đều có trường học nằm trong danh sách, thì đó là điều đáng buồn cho chúng ta.

Việc chưa được xếp hạng đồng nghĩa với giáo dục đại học của chúng ta chưa đi vào quỹ đạo phát triển chung của nền giáo dục hiện đại. Hay nói cách khác, đại học Việt Nam đứng ngoài sân chơi của các trường đại học tiên tiến trên thế giới, và vẫn đang loay hoay tìm cách thoát ra vùng trũng quá sâu, được tạo ra bởi những lý do khách quan và cả chủ quan trong một thời gian dài.

Ở khía cạnh nào đó, gần như có sự giống nhau giữa giấc mơ được xếp hạng trên các bảng xếp hạng thực chất và uy tín như Times Higher Education World University Rankings, Academic Ranking of World Universities của các đại học Việt Nam và giấc mơ tham dự vòng chung kết World Cup của đội tuyển bóng đá Việt Nam. 

Nếu trong bóng đá, chúng ta tự hào là một trong những quốc gia cuồng nhiệt nhất, đam mê nhất với trái bóng tròn, thì trong giáo dục, dân tộc Việt vẫn được ngợi ca về tinh thần hiếu học, sự vượt khó để tiếp cận tri thức. Chất kỹ thuật, sự khéo léo với trái bóng tròn của các cầu thủ Việt Nam hay sự thông minh, trí tuệ trong khoa học, giáo dục của chúng ta chắc hẳn không thua gì người Nhật Bản hay Hàn Quốc. Tuy nhiên, ở cả hai lĩnh vực chúng ta đang gặp phải những "căn bệnh nan y" và tụt lại khá xa so các nước trong châu lục hay thế giới. 

Trước hiện trạng như vậy, cả bóng đá và giáo dục cùng chung một yêu cầu cấp bách, đó là "Đổi mới căn bản và toàn diện" - cụm từ đã trở nên quá quen thuộc với chúng ta.

Với giáo dục đại học nói riêng, đã có những biện pháp cải cách, thay đổi trong tư duy quản lý điều hành được thực hiện và từ đó xuất hiện những biến chuyển tích cực mà chúng ta cần phải ghi nhận và trân trọng. Nhưng chúng ta còn quá nhiều việc phải làm, nếu không muốn ngày càng lạc hậu sâu so với thế giới, hay nguy hiểm hơn là sự lạc đường của cả nền giáo dục như lời cảnh báo của giáo sư Hoàng Tụy.

Xếp hạng các trường đại học cũng giống như sân chơi mà người chơi phải hiểu biết về những luật lệ và phải thực sự tuân thủ theo những nguyên tắc, luật lệ đó trước khi muốn tranh tài. Để đại học Việt Nam nhanh chóng tiếp cận sân chơi lớn này, đã có rất nhiều các nhà khoa học, nhà sư phạm uy tín trong và ngoài nước đưa ra những việc làm cần làm ngay đối với nền giáo dục nước nhà.

Điển hình là cách đây không lâu, nhóm Đối thoại giáo dục đưa ra bản kiến nghị đầy đủ và chi tiết những hạn chế, bất cập, cùng những đề xuất cụ thể để hiện đại hóa, đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế của các trường đại học trong nước.

Có thể nói, Việt Nam không thiếu các giải pháp để phát triển chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam, nhưng vấn đề là những ý tưởng đó sẽ được tiếp thu và triển khai vào thực tế như thế nào, khi đâu đó vẫn còn sự bảo thủ và định kiến lạc hâu.

Giáo dục đại học chỉ thực sự được đổi mới khi chúng ta có tư duy cởi mở và tinh thần cầu thị nghiêm túc, để từ đó hình thành cơ chế, chính sách linh hoạt, thông thoáng, mà trong đó sự tự chủ và minh bạch trong quản lý của các trường đại học, tính tự do trong học thuật là những yếu tố tiên quyết.

Cần phải nói thêm, tinh thần cầu thị, môi trường làm việc chuyên nghiệp (tôn trọng tính tự do trong chuyên môn và độc lập trong quản lý), cùng chính sách đãi ngộ thích hợp sẽ giúp chúng ta thu hút nhiều hơn nữa sự trở về cống hiến của các giáo sư, nhà khoa học người Việt thành danh ở nước ngoài. Họ đã giúp nhiều trường đại học trên thế giới tham gia và phát triển trong một sân chơi lớn giữa các nền giáo dục tiên tiến, đã am hiểu tường tận luật lệ của sân chơi này, thì chắc chắn họ cũng sẽ đóng góp rất tích cực và hữu ích trong quá trình hội nhập quốc tế của các trường đại học tại Việt Nam.

Có như thế giấc mơ vào bảng xếp hạng những trường đại học hàng đầu thế giới của chúng ta mới không quá xa vời.

Đinh Bá Khương

(Đại học Công nghệ Swinburne, Australia)


Nguồn tin: VNExpress

Share/Save/Bookmark
Từ khóa:

đại học

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Lien he quang cao
Liên hệ quảng cáo
Thống kê truy cập Website
  • Đang truy cập: 22
  • Hôm nay: 1379
  • Tháng hiện tại: 118164
  • Tổng lượt truy cập: 24404895