Định hướng xây dựng những trung tâm đào tạo với trình độ quốc tế

Đăng lúc: Thứ ba - 13/03/2018 04:27 - Người đăng bài viết: admin
Xây dựng các trung tâm đào tạo chất lượng cao là một vấn đề quan trọng trong việc đào tạo những học viên có tài năng để họ có thể trở thành những người có trình độ cao về nghiên cứu và ứng dụng khoa học, và đồng thời cũng có những đóng góp tích cực và gắn bó với cơ sở đào tạo, luôn là một mối quan tâm hàng đầu của các trường đại học, các trung tâm đào tạo và nghiên cứu trên thế giới.

 


Đoàn Việt Nam tham dự Cuộc họp Hội đồng Chấp hành UNESCO vào năm 2015 tại Paris, Trong sự kiện này, hai đề xuất của Việt Nam về việc thành lập Trung tâm dạng II, một loại hình viện chuyên môn trong các lĩnh vực mà UNESCO quan tâm (Trung tâm Toán học quốc tế và Trung tâm Vật lý quốc tế) đã được thông qua. GS. Lê Tuấn Hoa, chủ trì đề tài về Trung tâm Toán học quốc tế ngồi thứ tư, từ trái sang. Nguồn ảnh: VAST.

Đối với nước ta, xây dựng các cơ sở đào tạo và nghiên cứu sau đại học với trình độ quốc tế cũng nên là một định hướng phát triển. Hoạt động có hiệu quả của một cơ sở như vậy không chỉ thúc đẩy sự phát triển khoa học, cung cấp các giảng viên, các nhà nghiên cứu và ứng dụng có trình độ cao cho cả nước, mà còn nâng cao vị trí và tạo ảnh hưởng cho khoa học của nước ta trong khu vực, góp phần tăng cường quan hệ quốc tế của chúng ta. Tính hiệu quả ấy phụ thuộc mật thiết vào việc thu hút được các học viên (thạc sĩ, nghiên cứu sinh tiến sĩ, thực tập sinh sau tiến sĩ) có năng lực cao.

Hai phương thức đào tạo

Chúng ta có thể phân biệt hai phương thức về đào tạo của các trung tâm đào tạo và nghiên cứu: phương thức thứ nhất chỉ là đào tạo và sau khi các học viên hoàn thành khóa học thì trung tâm cũng hoàn thành trách nhiệm. Phương thức thứ hai là đào tạo những học viên gắn bó với trung tâm, để sau khi học xong họ vẫn có thể là các thành viên của các nhóm nghiên cứu, và tiếp tục hợp tác đóng góp cho sự phát triển của trung tâm. Trong bài viết này, chúng tôi thảo luận một mô hình đào tạo theo phương thức thứ hai. Theo đó, không cần phải tuyển sinh đại trà mà chỉ lựa chọn một số tương đối ít học viên thực sự có khả năng, có triển vọng và dự định gắn bó lâu dài với trung tâm, tiếp tục con đường nghiên cứu khoa học và ứng dụng.

Bên cạnh đó, cần nhận định rằng ngay cả trong quá trình đang được đào tạo, những người theo học cũng có những đóng góp thực tế cho trung tâm. Hiện nay trên thế giới, các học viên cao học, các nghiên cứu sinh và thực tập sinh sau tiến sĩ là một bộ phận quan trọng của các nhóm nghiên cứu. Ngay từ cuối năm thứ nhất và giữa năm thứ hai của chương trình thạc sĩ, các học viên cao học đã tham gia vào các nhóm nghiên cứu, là thành viên của các đề tài nghiên cứu do người hướng dẫn chủ trì. Các nghiên cứu sinh trong ba năm làm tiến sĩ của mình là những thành viên tích cực và thường xuyên của các đề tài nghiên cứu. Các kết quả nghiên cứu của họ thường được công bố trong các bài báo trên các tạp chí có uy tín. Và các thực tập sinh sau tiến sĩ là những thành viên chính, mang nhiều nhân tố mới đóng góp cho các đề tài. Thực tập sau tiến sĩ (postdoc) là giai đoạn trưởng thành của các tân tiến sĩ, giúp họ có khả năng độc lập nghiên cứu. Tuy hãn hữu, nhưng trong một số trường hợp, chính trong giai đoạn này, một số thực tập sinh sau tiến sĩ đã hoàn thành những công trình hoặc tìm ra những ý tưởng đột phá, làm bản lề cho cuộc đời khoa học của họ - và khi đó cơ sở đào tạo trở thành nơi xuất phát của ý tưởng/ công trình đó. Như vậy, ở mọi cấp độ đào tạo, song song với việc học tập, học viên có năng lực và thực tập sinh sau tiến sĩ đã thực sự là một bộ phận không thể thiếu trong các nhóm nghiên cứu, góp phần thực hiện nhiều nhiệm vụ từ nghiên cứu đến thực nghiệm, mang lại thành công cho đề tài.  Có thể nhận xét thêm rằng ở nhiều trường đại học ở các nước tiên tiến, ngay nghiên cứu sinh cũng tham gia giảng dạy với vị trí là trợ giảng hay chữa bài tập, hướng dẫn thảo luận nhóm.

Với cách nhìn như trên, thực chất có thể xem các học viên và nghiên cứu sinh như là những cán bộ hợp đồng nghiên cứu! Do vậy, phải quan niệm trong việc cấp học bổng có một phần là trợ cấp nghiên cứu, tức xem việc làm thạc sĩ nghiên cứu hay nghiên cứu sinh như một dạng việc làm có thời hạn.
Hiện nay ở nước ta, có một thực tế là đào tạo càng lên cao thì càng có nhiều cách biệt so với các nước có uy tín trên thế giới. Trình độ thạc sĩ ở các cơ sở đào tạo của ta chưa được như các trường đại học quốc tế. Với đào tạo tiến sĩ, mặc dù chúng ta có những cơ sở đào tạo đạt trình độ cao nhưng việc tuyển sinh cũng có nhiều khó khăn, số người đăng ký nghiên cứu sinh trình độ cao thường ít. Vì sao như vậy? Nguyên nhân là mặc dù có một số sinh viên giỏi sau khi tốt nghiệp có lòng đam mê và dự định theo đuổi con đường học tập và nghiên cứu lâu dài, nhưng phần đông trong số họ không thể đủ kinh phí để tự trang trải chi phí học tập và cuộc sống. Một số sinh viên tìm được các nguồn học bổng để đi du học. Số sinh viên còn lại hoặc đi làm và sau đó đi học, hoặc phải vừa học vừa làm thêm, dạy thêm rất nhiều để có thể đủ sống. Vì vậy phần lớn những học viên và nghiên cứu sinh trong nước khó có thể dành toàn bộ thời gian để học tập và nghiên cứu, dẫn đến kết quả đạt được chưa cao.

Để tìm cách khắc phục những khó khăn này, chúng ta hãy tìm hiểu thêm về chính sách ở các trường đại học hoặc trung tâm đào tạo ở các nước khác, đơn cử trong ngành Toán.

Tại Mỹ và châu Âu

Qua tham khảo mức học bổng ở một số Trung tâm đào tạo tại Mỹ và châu Âu, ta có thể nhận định: mức học bổng thạc sĩ thường tối thiểu là 1200 USD/ tháng, và có các hỗ trợ về nhà ở, về đi lại, và bảo hiểm xã hội; mức học bổng Tiến sĩ thường dao động từ 1200 đến 3000 USD/ tháng, trong nhiều trường hợp có các hỗ trợ về vé máy bay và nhà ở, và có thể cả chi phí tham dự hội nghị ở nước ngoài; mức lương thực tập sau tiến sĩ phụ thuộc rất nhiều vào cơ sở nghiên cứu, vào các đề tài nghiên cứu, nhưng thường dao động từ 1500 đến 3500 USD/ tháng và có các điều kiện như chi phí đi tham dự hội nghị trong nước và nước ngoài, điều kiện nhà ở (đôi khi cho cả gia đình).

Tại các nước châu Á

Gần đây các nước có nền kinh tế mạnh ở châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore đã đầu tư rất nhiều vào các trung tâm nghiên cứu và đào tạo, và họ đã trao những mức học bổng gần tương đương (hoặc thậm chí có khi cao hơn) mức học bổng của các trung tâm ở châu Âu. Học bổng cho thạc sĩ tối thiểu là 800 USD/ tháng, và học bổng cho tiến sĩ thường từ 1000 USD/ tháng trở lên.

Trên thế giới hiện có hơn 60 viện nghiên cứu Toán và hàng trăm trường đại học có khoa Toán tốt. Hầu hết các viện và trường đại học này đều cấp học bổng hấp dẫn cho các thực tập sinh sau tiến sĩ, nghiên cứu sinh và một tỷ lệ nhất định học viên nhằm thu hút những người thực sự có năng lực. Có thể nói, đang có một cuộc cạnh tranh ngầm giữa các cơ sở đào tạo trên thế giới, và trong những năm gần đây sự cạnh tranh càng tăng mạnh ở một số nước châu Á.

Một số điều kiện cần thiết

Từ những phân tích trên, chúng ta nhận thấy sự cần thiết có một mô hình đào tạo hiện đại để có thể thu hút được những học viên có tài năng. Trước hết, các hoạt động đào tạo trong các cơ sở này cần đảm bảo các tiêu chí khoa học sau:

Chương trình học tiên tiến hiện đại, có sự tham khảo các giáo trình của các trường đại học tiên tiến trên thế giới, giảng viên là những nhà khoa học có uy tín và có kinh nghiệm giảng dạy;

Có nhiều hợp tác với quốc tế, có điều kiện mời các giáo sư đầu ngành nước ngoài sang giảng dạy và tham gia các nhóm nghiên cứu;

Thường xuyên tổ chức các Hội thảo, các seminar, các khóa học ngắn hạn về những hướng nghiên cứu mới, đang phát triển;

Tổ chức các nhóm nghiên cứu do các nhà khoa học đầu ngành dẫn dắt, trong đó có sự đóng góp và tham gia tích cực của các học viên;

Có các trao đổi học viên với nước ngoài, tạo cơ hội đi thực tập hoặc đồng hướng dẫn các luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ.

Theo chúng tôi, việc xây dựng một mô hình như vậy là khả thi. Để đảm bảo các tiêu chí như đã nêu, chúng ta đã có một đội ngũ các nhà khoa học ở các Viện nghiên cứu và các trường đại học, nhiều người là những nhà khoa học đầu ngành, có uy tín quốc tế; chúng ta có nhiều hợp tác quốc tế với các nhóm nghiêu cứu mạnh trên thế giới, nhiều nhà khoa học từ các nước khác sẵn sàng đến giảng dạy ở nước ta, và trên thực tế họ cũng đã tham gia nhiều trường học ngắn hạn, nhiều khóa học hay các hội thảo khoa học.

Vấn đề cần chú trọng là việc thiết lập một cơ chế học bổng hợp lý cho các học viên. Bước đầu định mức có thể ở mức từ 6 đến 10 triệu đồng/ tháng, tuy chưa được như của thế giới nhưng có lẽ cũng đủ để đảm bảo cuộc sống cho học viên, để họ có thể toàn tâm toàn ý học tập và nghiên cứu. Trong 10 năm qua, Nhà nước ta đã có một số chương trình cấp học bổng cho học viên đi du học ở nước ngoài (với mức học bổng từ 600 đến 1000 USD/ tháng), qua đó đã thu được một số kết quả nhất định cho việc phát triển đội ngũ khoa học. Đã đến lúc, cùng với các chương trình đó, chúng ta nên cấp học bổng cho các học viên học trong nước, với mức học bổng tuy cao hơn mặt bằng chung trong nước, nhưng vẫn thấp hơn so với chi phí gửi học viên đi nước ngoài rất nhiều.

Trong những năm vừa qua ở nước ta, một số trường đại học (công lập và dân lập) đã có những chương trình đào tạo sau đại học với các hợp tác quốc tế, có những lớp đặc biệt và có những mức học bổng cao để thu hút học viên giỏi. Mới đây, theo Thông tư 88/2017/TT-BTC thực hiện Đề án đào tạo bồi dưỡng nhân lực khoa học công nghệ, người học trúng tuyển bồi dưỡng sau tiến sĩ ở trong nước có thể được tài trợ với mức kinh phí hỗ trợ lên đến 200 triệu đồng/ hai năm. Mong rằng thông tư này sớm được triển khai vào thực tế. Và gần đây, vào ngày 25/8/2017, Chính phủ ta đã cùng với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) ký Thoả thuận về việc thành lập Trung tâm quốc tế  Đào tạo và Nghiên cứu Toán học và Trung tâm Vật lý quốc tế dưới sự bảo trợ của UNESCO, và chính phủ cũng đã ủng hộ chủ trương có những mức học bổng tiệm cận với học bổng của quốc tế để thu hút học viên. Hy vọng rằng các Trung tâm này sớm được thành lập và đi vào hoạt động.

Chúng ta có nhiều cơ sở để tin rằng có thể xây dựng được những trung tâm quốc tế đào tạo chất lượng cao, có chính sách tài chính hợp lý cho học viên - bước đầu với quy mô vừa phải, như những thử nghiệm, và sau đó có thể sẽ nhân rộng ra ở các trường đại học - từ đó tạo điều kiện để những bạn trẻ có tài năng và lòng đam mê được học tập và tiếp tục con đường nghiên cứu ở ngay trên quê hương mình, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển khoa học của đất nước.

(Bài viết được thực hiện từ các trao đổi, thảo luận của nhóm xây dựng đề tài về Trung tâm dưới sự bảo trợ của Unesco do Gs. Lê Tuấn Hoa chủ trì tại Viện Toán học.)

Tác giả bài viết: Phan Thị Hà Dương

Share/Save/Bookmark
Từ khóa:

đào tạo

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Lien he quang cao
Liên hệ quảng cáo
Thống kê truy cập Website
  • Đang truy cập: 8
  • Khách viếng thăm: 7
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 2951
  • Tháng hiện tại: 7653
  • Tổng lượt truy cập: 24422309