Đầu hồi đa dạng của những ngôi nhà ở Amsterdam

Đăng lúc: Thứ tư - 03/08/2022 15:04 - Người đăng bài viết: admin
Khi dạo bước ở Amterdam, đến một lúc nào đó, các khách du lịch không còn chỉ bị lôi cuốn bởi những gì ngang tầm mắt mình, mà sẽ vừa đi vừa ngước mắt ngắm say sưa những đầu hồi nhà của những ngôi nhà cổ dọc kênh.

Amsterdam, thủ đô của Hà Lan có nguồn gốc lịch sử từ thế kỷ 12, là một thành phố nổi tiếng với một số khía cạnh mà hiếm nơi nào khác trên thế giới có được. Không chỉ những cảnh đẹp đẽ, các điểm tham quan lịch sử nổi tiếng, các bộ sưu tập nghệ thuật tuyệt vời, màu sắc và kiến trúc đa dạng của các khu vực cổ được bảo tồn rất tốt, Amsterdam còn rất đặc biệt với hệ thống kênh đào dài tổng cộng hơn 100km, với ba kênh chính là Herengracht, Keizersgracht và Prinsengracht, tạo thành vành đai đồng tâm xung quanh khu trung tâm. Có khoảng 1.500 cây cầu, trong đó có rất nhiều cầu đóng mở rất thường xuyên để thuyền tàu lưu thông trên kênh.

Khi dạo bước ở Amterdam, đến một lúc nào đó, các khách du lịch không còn chỉ bị lôi cuốn bởi những gì ngang tầm mắt mình, mà sẽ vừa đi vừa ngước mắt ngắm say sưa những đầu hồi nhà của những ngôi nhà cổ dọc kênh.
Rất nhiều các đầu hồi là các tác phẩm kiến trúc và nghệ thuật, được xây dụng rất công phu và trang trí rất tỉ mỉ và lộng lẫy với kiểu dáng rất phong phú. Không chỉ với mục đích thẩm mỹ, nó còn mang đậm dấu ấn về kiến trúc và phản ánh thục tế và đầy đủ về lịch sử của ngôi nhà.
Khách có thể dạo cả ngày mỏi chân, mỏi tay chụp ảnh không biết chán. Và nếu có mệt, thì cũng có thể ngồi nhâm nhi bia Hà Lan ở những quán vỉa hè mà vẫn tiếp tục thưởng thức được cả dãy đầu hồi đẹp đẽ dọc kênh.

Kiến trúc đầu hồi ở Amsterdam


Đầu hồi nhà hay là phần tường xây áp vì kèo của mái nhà (tiếng anh: gable). Các ngôi nhà trên kênh ở Amsterdam thường có dạng ống với đầu hồi thuộc phần mặt tiền của ngôi nhà có cửa ra vào chính. Đây cũng là một điểm khác biệt rất lớn của nhà dọc kênh Amsterdam. Các ngôi nhà ở các nơi khác thường có mặt tiền (và mặt hậu) thuộc phần tường nhà mà có mái xuôi xuống, tức là cửa chính vào nhà thuộc phần tường có mái xuôi xuống (chứ không thuộc phần tường áp vì kèo như nhà trên kênh ở Amsterdam).
Trải qua nhiều thế kỷ, thiết kế của đầu hồi cũng phát triển theo xu hướng hiện đại. Thủa ban đầu, chỉ có các đầu hồi nhọn hình tam giác đơn giản, chỉ chính là phần tường áp vì kèo. Từ năm 1600 trở đi, đầu hồi bậc thang và đầu hồi hình vòi (hình phễu ngược) được phát triển. Chúng được xây dựng kiên cố bằng gạch và đá sa thạch và với chức năng dần dần phức tạp hơn. Giai đoạn tiếp theo là sự phát triển đầu hồi hình cổ thắt với phong cách baroque của Louis XIV (*) thể hiện quyền uy, rồi đến đầu hồi hình chuông với phong cách Louis XV (**) sử dụng nhiều đường cong mềm mại.
Các ví dụ điển hình về đầu hồi có thể nhìn thấy ở rất nhiều nơi trong trung tâm Amsterdam, cả trên những ngôi nhà không nằm cạnh các kênh đào. Cũng cần lưu ý rằng những đầu hồi này không chỉ có ở Amsterdam hay Hà Lan, mà còn ở nhiều thành phố ở Bỉ. Tuy nhiên, Amsterdam là nơi có mật độ lớn nhất với số lượng nhiều nhất các đầu hồi với trang trí rất đẹp.
Cách hữu hiệu nhất có được trải nghiệm với các kiểu đầu hồi nhà khác nhau ở Amsterdam là đi dọc theo Brouwersgracht, Herrengracht, Keizersgracht và Prinsengracht.

Đầu hồi nhọn (point gable), thế kỷ 15


Những đầu hồi đầu tiên là kiểu đầu hồi nhọn, đơn giản hình tam giác, có niên đại khoảng năm 1420. Một số đầu hồi tam giác bằng gỗ vẫn còn tồn tại ở Amsterdam, như là ngôi nhà gỗ ở Begijnhof 34 (niên đại 1528). Đây là ngôi nhà gỗ cổ nhất và là một trong hai nhà gỗ còn tồn tại ở Amsterdam. Đầu hồi tam giác bằng gỗ nữa là ở Westerstraat 126.
Vào năm 1452, một vụ cháy lớn đã phá hủy phần lớn các ngôi nhà bằng gỗ ở trung tâm thành phố.  Nên sau đó gạch và đá sa thạch đã trở thành vật liệu tiêu chuẩn cho xây dựng tường, và gạch ngói được dùng thay cho mái nhà lợp tranh. Ngôi nhà ở Westerstraat 114 có đầu hồi nhọn xây bằng gạch.


Ảnh 1. Đầu hồi nhọn (point gable): Begijnhof 34 (bằng gỗ, là nhà cổ nhất ở Amsterdam, trái), Westerstraat 126 (bằng gỗ, giữa), Westerstraat 114 (bằng gạch, phải).

Đầu hồi bậc thang (step gable), giai đoạn 1600-1665

Vào thế kỷ 17, đầu hồi bậc thang rất phổ biến ở trung tâm cổ của Amsterdam. Hai bên cạnh đầu hồi được thiết kế với những bậc lên cao (đối xứng cả hai bên) và gặp nhau ở giữa. Trên cùng thường có các khối sa thạch trắng.
Ví dụ điển hình đầu hồi bậc là:
1/ Café Kobalt, ở Singel 2a, từ năm 1603, có toàn bộ khung nhà bằng gỗ,
2/ Herengracht 81, từ năm 1590, là ngôi nhà kiểu chung cư lâu đời nhất ở Amsterdam,
3/ Ngôi nhà có đầu hồi bậc được trang trí rất cầu kỳ là nhà Bartolotti tại Herengracht 170-172, niên đại 1618-21 cho Willem van den Heuvel. (Ông là một trong những thương gia giàu có nhất ở Amsterdam thời đó, sau đổi tên thành Guillelmo Bartolotti). Ngôi nhà này có một mặt tiền hoa lệ và hơi cong, là một trong những mặt tiền đẹp nhất của những căn nhà trên kênh (***), 
4/ Cafe’t Papeneiland ở Prinsengracht 2 có hai đầu hồi bậc, từ 1641-1642. Ngôi nhà này ở góc giao giữa hai phố và có đầu hồi bậc ở cả hai mặt nhà hướng ra hai mặt phố (Prinsengracht và Brouwersgracht),
5/ The Huis aan de Drie Grachten (từ năm 1610) là ngôi nhà có ba đầu hồi bậc ở ba hướng. Ngôi nhà này nằm ở khoảng đất giữa 3 con kênh. Mặt tiền nhà ở Oudezijds Voorburgwal 249 (hướng tây) và mặt hậu nhà ở cuối Oudezijds Achterburgwal (hướng đông) có cửa ra vào và nhiều cửa sổ ở các tầng nhà. Mặt bên nhà dọc Grimburgwal (hướng nam) là một bức tường gạch lớn và chỉ có một cửa sổ ở tầng trệt và tầng một.

 


Ảnh 2a. Đầu hồi bậc thang (step gable): Café Kobalt (Singel 2, trái), Herengracht 81 (giữa), nhà Bartolotti tại Herengracht 170-172 (phải (internet)).

Ảnh 2b. Cafe’t Papeneiland có hai đầu hồi bậc ở hai mặt tiền nhà ỏ Prinsengracht 2 và phía Brouwersgracht (trái), the Huis aan de Drie Grachten (ngôi nhà giữa 3 con kênh) có ba đầu hồi bậc, ở mặt tiền nhà ở Oudezijds Voorburgwal 249, ở một phần của bức tường gạch lớn ở mặt bên dọc Grimburgwal (giữa, chụp ở góc Oudezijds Voorburgwal  và Grimburgwal) và  ở mặt hậu nhà phía Oudezijds Achterburgwal (phải, chụp ở góc Grimburgwal và Oudezijds Achterburgwal)

 

Đầu hồi dạng vòi (spout gable), giai đoạn 1620-1720


Đầu hồi dạng vòi  trông giống như một cái phễu đặt ngược với khối hình chữ nhật ở trên cùng trông giống với vòi của phễu. Thiết kế đầu hồi này được các thương gia sử dụng để thể hiện là đó nhà kho và nơi buôn bán chứ không phải là nhà ở. Một số ngôi nhà ở Amsterdam có hai đầu hồi khác nhau, với một đầu hồi vòi ở phía sau (là phần kho trữ), và một đầu hồi trang trí công phu hơn ở phía trước của ngôi nhà (là phần nhà ở). Schottenburch tại Kromboomssloot 18-20 là nhà kho lâu đời nhất được biết đến ở Amsterdam, có niên đại từ năm 1595, với đầu hồi dạng vòi.
Sau suy thoái thương mại, nhiều chủ nhà đã thay thế những chiếc đầu hồi trang trí cầu kỳ bằng những đầu hồi dạng vòi tiện dụng hơn. Có thể thấy những nhà có đầu hồi vòi ở rất nhiều nơi. Khi đi từ ga trung tâm (Centraal station) dọc theo Damrak đến quảng trường trung tâm (Dam square), phía bên trái là cả một loạt nhà trên kênh Damrak có đầu hồi dạng vòi, hay như ngôi nhà ở Amstel 28 (thế kỷ 18-19), hay trên phố „những người nấu bia” ở Brouwersgracht 7-9 (từ cuối thế kỷ 17) hoặc Westerstraat 100 (thế kỷ 17-18, trên đỉnh đầu hồi là con sư tử bằng đá).


Ảnh 3a. Đầu hồi vòi (spout gable): dọc kênh Damrak (trái, có 6 nhà có đầu hồi vòi) và Amstel 28 (phải).
 

Ảnh 3b. Đầu hồi vòi (spout gable): Brouwersgracht 7-9 (trái) và Westerstraat 100 (phải).

 

Đầu hồi cổ thắt (neck gable), giai đoạn 1636-1780

Đầu hồi cổ thắt có các cạnh bên tạo thành góc 90 độ (khi nhìn vào phần gạch xây, mà không tính đến phần viền trang trí xung quanh). Hầu hết các mặt tiền đầu hồi cổ thắt được xây dựng bằng gạch. Các cạnh của đầu hồi cổ thắt được lấp đầy bằng các mảng trang trí bằng đá sa thạch. Có rất nhiều đầu hồi cổ thắt dọc Herengracht. Đầu hồi cổ thắt đầu tiên được xây dựng vào năm 1636 tại Herengracht 168.
Có hai loại đầu hồi cổ thắt: cổ thắt thường và cổ thắt có bậc:
1/ Loại thường hay có phần cổ cao hơn, phổ biến nhất vào nửa đầu thế kỷ 18, như ở Herengracht 366-368 (niên đại 1660-1662) với hai bộ đôi đầu hồi tương tự nhau chỉ khác về kích thước và với trang trí khá đơn giản, hay với trang trí rất đẹp ở Herengracht 16 (từ năm 1732) và Prinsengracht 650 (từ năm 1725).
2/ Loại cổ thắt có bậc là do có kết hợp thêm yếu tố kiến trúc của đầu hồi kiểu bậc, khi dưới phần cổ còn có thêm bậc, như ở Amstel 14 (từ 1661), Herengracht 59 (từ 1639) và Herengracht 91 (từ 1657).

Ảnh 4a. Đầu hồi cổ thắt (neck gable) loại thường: Herengracht 366-368 (ảnh trái, với hai bộ đôi đầu hồi tương tự nhau), Herengracht 16 (giữa) và Prinsengracht 650 (phải) với phần trang trí cầu kỳ bằng đá.


  

Ảnh 4b. Đầu hồi cổ thắt loại có bậc và loại thường: Amstel 14 (trái, cổ thắt có bậc), Herengracht 59-63 (giữa; đầu hồi cổ thắt có bậc (nhà số 59, phía trái ảnh) và hai đầu hồi cổ thắt thường (nhà số 61 và 63, ở giữa và phía phải), Herengracht 89-91 (phải; đầu hồi cổ thắt thường (nhà số 89, phía trái ảnh) và cổ thắt có bậc (nhà số 91, phía phải).


Đầu hồi hình chuông (bell gable), giai đoạn 1660 – 1790


Đầu hồi chuông có hình dạng giống quả chuông trong nhà thờ. Chúng được làm bằng gạch và có trang trí kiểu uốn cuộn bằng đá sa thạch ở các cạnh, trông như những bộ tóc giả màu trắng vốn là mốt trong thời kỳ đó. Trước năm 1700, các đầu hồi chuông thường thấp, đơn giản và hay có một mặt kê bằng trái cây và vòng hoa. Những năm sau này, chúng đặc trưng bằng các đính kết cầu kỳ theo phong cách của vua Louis XV.
Ví dụ điển hình của đầu hồi chuông là tại Blauwbergwal 22, Keizersgracht 50 (xây từ 1622 với đầu hồi bậc thang, nhưng đến 1783 được sửa lại thành đầu hồi chuông), Prinsengracht 716 (xây từ năm 1671). Đầu hồi này mặc dù phần xây gạch là hình chữ nhật như đầu hồi cổ thắt, nhưng tổng thể với phần trang trí thì lại là hình quả chuông.

Ảnh 5a. Đầu hồi chuông (bell gable): Blauwburgwal 22 (ảnh trái), Keizersgracht 50 (giữa), Prinsengracht 716 (phải).


Do phần trang trí bằng đá sa thạch của đầu hồi cổ thắt cũng thường uốn lượn và thoải dần xuống theo cạnh đầu hồi, nên đôi khi khó phân biệt chúng với đầu hồi chuông. Nhất là phần đỉnh trang trí của rất nhiều đầu hồi cổ thắt cũng cong lên và đối xứng, giống như đỉnh của đầu hồi chuông. Điểm khác biệt chính của hai loại đầu hồi này là phần gạch xây của đầu hồi chuông có hình quả chuông, trong khi phần gạch của đầu hồi cổ thắt thường là hình chữ nhật. Ở một vài nơi, như ở Nieuwe Spiegelstraat hay Westerstraat, khi đầu hồi chuông và đầu hồi cổ thắt cạnh nhau thì dễ phân biệt được chúng hơn.

Ảnh 5b. So sánh đầu hồi quả chuông và cổ thắt: Nieuwe Spiegelstraat (ảnh trái) và Westerstraat (phải). Trong cả hai ảnh, đầu hồi bên trái là đầu hồi chuông (phần gạch xây có hình quả chuông), đầu hồi bên phải là cổ thắt (phần gạch xây có hình chữ nhật).

 

Sự đa dạng phong phú của đầu hồi ở Amsterdam


Rất nhiều nơi ở dọc kênh có thể nhìn thấy cả dãy nhà với đầu hồi giống nhau, chẳng hạn ba ngôi nhà ở Keizersgracht 40-44 giống hệt nhau với ba đầu hồi bậc như nhau. Nhưng phần lớn các ngôi nhà cạnh nhau có các đầu hồi với kiến trúc khác nhau, có trang trí khác nhau, dù là cùng dùng đá màu trắng nhưng với các kiểu uốn lượn khác nhau. Ngoài ra kiến trúc từng ngôi nhà cũng khác nhau, phần gạch xây nhà cũng có màu sắc khác nhau. Nó tạo nên sự đa dạng phong phú về kiến trúc cũng như về nghệ thuật. Mặt khác, về tổng thể, nó lại mang cảm giác hài hòa và tuyệt mỹ.
Điển hình cho sự đa dạng là ở Oude Turfmarkt 141-147 gồm nhóm đầu hồi chuông, đầu hồi cổ thắt, đầu hồi cổ thắt có bậc và đầu hồi bậc với trang trí rất cầu kỳ. Ở Herengracht 29-33 có nhóm ba đầu hồi khác nhau; đầu hồi bậc, đầu hồi cổ thắt và đầu hồi chuông. Ở Singel 434-440 có nhóm bốn đầu hồi, gồm một đầu hồi chuông nhỏ nhắn nhưng trang trí rất cầu kỳ, đầu hồi cổ thắt và hai đầu hồi chuông. Hai đầu hồi chuông này có cấu trúc tương tự nhau, nhưng lại khác nhau do vì chiều cao và bề rộng nên trông khác nhau.



Ảnh 6a. Nhóm ba đầu hồi bậc giống hệt nhau của ba ngôi nhà giống nhau ở Keizersgracht 40-44 (trái). Nhóm bốn ngôi nhà cạnh nhau với bốn đầu hồi khác nhau ở Oude Turfmarkt 141-147 (phải, đầu hồi chuông, đầu hồi cổ thắt, đầu hồi cổ thắt có bậc, đầu hồi bậc).

Ảnh 6b. Nhóm ba đầu hồi khác nhau ở Herengracht 29-33 (trái, đầu hồi bậc, đầu hồi cổ thắt,  đầu hồi chuông), nhóm bốn đầu hồi ở Singel 434-440 (phải) gồm một đầu hồi chuông nhỏ nhắn nhưng trang trí rất cầu kỳ, đầu hồi cổ thắt và hai đầu hồi chuông có cấu trúc tương tự nhau nhưng khác nhau về kích thước, chiều cao và bề rộng khác nhau (phải).


Nhiều ngôi nhà dọc kênh Amsterdam trông như những cung điện bé nhỏ bé, mặc dù rằng có diện tích khá khiêm tốn. Cho đến thế kỷ 19, ngôi nhà trên kênh vẫn vừa là nơi kho trữ đồ và mua bán (chiếm tới 50% diện tích) vừa là nơi ở.
Ngày nay, những ngôi nhà trên kênh phần lớn đã được chuyển thành căn hộ tiện nghi rất được săn đón. Tuy nhiên cũng có những điều bất tiện: cầu thang thường rất dốc và có khi còn xoáy (do bề rộng của nhà rất chật hẹp), phòng ngủ trên gác mái với trần nhà rất góc cạnh nên chỉ có thể đứng thẳng được ở khoảng nhỏ ở giữa phòng.


Chú thích:
(1) Louis XIV là Hoàng đế trị vị nước Pháp từ năm 1643 đến 1715. Phong cách Louis XIV là phong cách Baroque cổ điển với các đường nét tinh xảo uốn lượn hoa mỹ, là biểu tượng của sự giàu sang, xa hoa và quyền uy.
(2) Louis XV là Hoàng đế trị vị nước Pháp từ năm 1715 đến 1774. Phong cách Louis XV dùng nhiều đường cong và ít góc cạnh, thiên về sự thoải mái, lãng mạn và gợi cảm và với quá trình chuyển đổi từ phong cách kiến trúc Baroque đến tân cổ điển.
(3) Nhà Bartolotti hiện đang trong thời kỳ tu bổ (hè năm 2022), nên dàn khung kim loại che chắn, nên không chụp được ảnh.

Tác giả bài viết: Nhữ-Tarnawska Hoa Kim Ngân
Tư liệu tham khảo: internet.
Ảnh: của tác giả.
 

Tác giả bài viết: Nhữ-Tarnawska Hoa Kim Ngân
Nguồn tin: internet

Share/Save/Bookmark
Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Lien he quang cao
Liên hệ quảng cáo
Thống kê truy cập Website
  • Đang truy cập: 24
  • Hôm nay: 1092
  • Tháng hiện tại: 75795
  • Tổng lượt truy cập: 25626377