Giải chính VinFuture 2022 vinh danh nghiên cứu công nghệ mạng toàn cầu

Đăng lúc: Thứ tư - 21/12/2022 13:42 - Người đăng bài viết: admin
Giải thưởng trị giá 3 triệu USD của VinFuture trao cho phát minh kết nối công nghệ mạng toàn cầu - thay đổi phương thức giao tiếp, làm việc và đặt nền móng cho sự phát triển kinh tế, xã hội hiện đại.

Lễ trao giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu VinFuture ngày 20/12, quy tụ đông đảo nhà khoa học danh tiếng thế giới. Hai nhà khoa học đoạt giải Nobel Vật lý GS Gérard Albert Mourou và GS Sir Kostya S.Novoselov FRS, chủ nhân giải Millennium Technology Vật lý GS Sir Richard Henry Friend, cùng nhiều tên tuổi có đóng góp lớn trong việc hồi sinh và tái thiết đời sống của hàng triệu người trong và sau đại dịch đã có mặt. Gần 600 khách mời là các nhà nghiên cứu, chuyên gia, chủ nhân giải thưởng và cộng đồng khoa học... đã tới từ 20h và ở lại suốt hơn 2 tiếng diễn ra lễ trao giải tại Nhà hát lớn Hà Nội.

Năm thứ hai tổ chức, VinFuture cho thấy "sức nóng" vượt trội về số lượng và chất lượng, với gần 1.000 dự án đến từ 71 quốc gia trên 6 châu lục được đề cử (tăng gần gấp đôi so với con số 599 đề cử nhận được năm 2021). Giải thưởng tìm kiếm và vinh danh các công trình ứng dụng cao, phát minh quan trọng giúp giải quyết các thách thức của nhân loại và có tầm tác động toàn cầu giúp hàng triệu người được hưởng lợi, với 4 giải thưởng có giá trị lên tới 4,5 triệu USD.

Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sự khác biệt của Lễ trao giải VinFuture 2022 so với mùa giải trước là sự thoải mái, an toàn khi đại dịch Covid-19 gần như được kiểm soát. Ông nhắc và bày tỏ sự biết ơn tới nhóm nhà khoa học của TS Katalin Karikó - "mẹ đẻ" công nghệ mRNA, nền tảng của vaccine Covid-19. Công trình chứng minh sức ảnh hưởng với hơn 150 quốc gia hưởng lợi từ nghiên cứu này. Đây cũng là nghiên cứu được vinh danh giải thưởng chính mùa trước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Giang Huy

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Giang Huy

Ông đánh giá điểm khác biệt nổi bật của VinFututre ở tính tác động lan tỏa toàn cầu và truyền cảm hứng tới cộng đồng khoa học ở khắp nơi trên thế giới thể hiện ở số hồ sơ tham dự tăng. Ông dẫn sự gia tăng của tỷ lệ đối tác đề cử đến từ các nhà khoa học châu Á với 34,6%; đặc biệt tỷ lệ đến từ châu Phi lên đến 12,4%, tăng hơn 6 lần so với năm 2021. "Giải thưởng mang tới niềm hy vọng về những công trình khoa học hữu ích với cuộc sống của hàng triệu người, hướng tới một thế giới phát triển công bằng hơn", ông nói.

Ông cũng khẳng định, khoa học công nghệ đã thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của văn minh nhân loại, đồng thời nhấn mạnh VinFuture sẽ là sợi dây bền chặt gắn bó các nhà khoa học Việt với thế giới, cũng là nhịp cầu để các nhà nghiên cứu, phát minh trên toàn cầu hiện thực hóa những khát vọng khoa học lớn lao để phụng sự nhân loại.

Ngay sau phần tri ân thành viên Hội đồng Giải thưởng và hội đồng Sơ khảo, lần lượt chủ nhân các hạng mục giải thưởng được hé lộ, điểm xuyết là những thước quay xúc động ghi dấu ấn về nghiên cứu và chặng đường của mỗi nhà khoa học.

Cả khán phòng nín thở trong giây phút công bố giải thưởng chính - hạng mục quan trọng nhất của VinFuture - vinh danh phát minh đột phá trong việc kết nối công nghệ mạng toàn cầu, đã thay đổi toàn diện phương thức giao tiếp, làm việc của con người trên thế giới và đặt nền móng cho sự phát triển kinh tế, xã hội hiện đại. VinFuture Grand Prize trị giá 3 triệu USD xướng tên 5 nhà khoa học gồm GS Sir Timothy John Berners-Lee; TS Vinton Gray Cerf; TS Emmanuel Desurvire; TS Robert Elliot Kahn và GS Sir David Neil Payne với công trình "biến Internet và mạng lưới toàn cầu thành hiện thực".

chu-tich-quoc-hoi-trao-giai-chinh_167155

Ông Vương Đình Huệ (giữa) trao giải chính cho 4 tác giả công trình. Ảnh: Giang Huy

Giải thưởng chính VinFuture ghi nhận phát minh World Wide Web, Internet và Internet cáp quang trở thành công cụ giao tiếp thống trị trên toàn thế giới. Hàng tỷ người hưởng thụ thành quả của nghiên cứu, sử dụng để lấy thông tin, trao đổi và kết nối dễ dàng hàng ngày.

GS Timothy John Berners-Lee (67 tuổi), nhà khoa học người Anh, đã phát minh ra mạng lưới toàn cầu World Wide Web. Ông đã viết trình duyệt web đầu tiên, dẫn dắt việc thiết kế và thiết lập ba tiêu chuẩn Internet quan trọng - HTML, HTTP và URL. Hai nhà khoa học người Mỹ, TS Robert Elliot Kahn (84 tuổi) và TS Vinton Gray Cerf (79 tuổi) được coi là "cha đẻ của Internet" khi dẫn đầu việc thiết kế và triển khai giao thức điều khiển truyền dẫn và giao thức Internet (TCP/IP) - cơ sở cho Internet hiện tại. Internet ngày nay, dựa vào giao tiếp cáp quang, được kích hoạt bởi công trình nghiên cứu Bộ khuếch đại sợi quang pha tạp Erbium của hai nhà khoa học David Neil Payne (78 tuổi, người Anh) và Emmanuel Desurvire (67 tuổi, Pháp).

Trên sân khấu trung tâm của sự tôn vinh, chỉ có 4 nhà khoa học. TS Robert Kahn không thể dự vì lý do sức khoẻ. Nhóm nhà khoa học tạo nên công nghệ gắn bó hàng triệu người xúc động khi toàn bộ khán giả đứng dậy vỗ tay chúc mừng.

"Tôi rất vinh dự khi nhận giải thưởng. Đây là ghi nhận cho sự nỗ lực từ rất nhiều đồng nghiệp của chúng tôi. Sự ra đời của mạng Internet toàn cầu giúp con người vẫn làm việc được trong đại dịch Covid-19, điều này thể hiện thành công về giao thức an ninh không dây phần mềm, sự kết nối hàng triệu km đường dài cáp quang. Khi bạn ở nhà trong đại dịch, bạn vẫn giao tiếp, làm việc bởi có bộ khuếch đại tín hiệu cáp quang do các đồng nghiệp của tôi thiết kế", GS Sir David Neil Payne chia sẻ khi nhận giải, đồng thời cảm ơn tới Quỹ VinFuture, trường đại học ông gắn bó suốt 60 năm và người vợ chịu đựng để ông cống hiến cho khoa học. Trong khi TS Emmanuel Desurvire nói ông chỉ là một trong những người làm laser và cáp laser trên toàn cầu. Ông biết ơn "nếu như không có óc tò mò không thể làm được gì trong khoa học".

Bên cạnh giải chính, VinFuture còn trao 3 giải đặc biệt dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển, nhà khoa học nữ và nhà khoa học trong lĩnh vực mới tiên phong, mỗi giải trị giá 500.000 USD.

Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển được trao cho GS Thalappil Pradeep, Viện Công nghệ Ấn Độ Madras, Chennai, với hệ thống lọc nước chi phí thấp để loại bỏ Asen khỏi nước ngầm. GS Pradeep phát hiện ra các hạt nano kim loại có thể được sử dụng để phá vỡ các liên kết mà kết nối và vận chuyển asen trong nước ngầm. Công nghệ phá vỡ liên kết này làm sạch nước ngầm hiệu quả với chi phí rất thấp, giúp hàng triệu hộ gia đình đang bị ảnh hưởng.

Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển được trao cho GS Thalappil Pradeep, Viện Công nghệ Ấn Độ Madras, Chennai. Ảnh: Giang Huy

Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển được trao cho GS Thalappil Pradeep, Viện Công nghệ Ấn Độ Madras, Chennai. Ảnh: Giang Huy

Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nữ thuộc GS Pamela C. Ronald, Đại học California, Davis, Mỹ, cho nghiên cứu cơ bản của bà về các giống lúa có khả năng chịu ngập, và tạo ra các giống mới năng suất cao. Giống lúa do GS Ronald nghiên cứu đặc biệt phù hợp với điều kiện trồng trọt ở Lào, Bangladesh, Ấn Độ và có thể được áp dụng thêm trong việc trồng lúa của các quốc gia khác. Đây là một phát hiện đột phá trong lĩnh vực trồng và thu hoạch lúa.

GS Pamela C. Ronald (trái) nhận giải đặc biệt cho nhà khoa học nữ. Ảnh: Giang Huy

GS Pamela C. Ronald (trái) nhận giải đặc biệt cho nhà khoa học nữ. Ảnh: Giang Huy

Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học trong lĩnh vực mới được trao cho TS Demis Hassabis (Anh) và John Jumper (Mỹ), với công trình AlphaFold - một hệ thống trí tuệ nhân tạo dự đoán cấu trúc 3D của protein. Hai nhà khoa của DeepMind đã phát triển AlphaFold 2, sử dụng phương pháp học sâu để dự đoán cấu trúc protein. Với AlphaFold, trí tuệ nhân tạo (AI) được chứng minh có thể dự đoán chính xác hình dạng của protein với độ chính xác đến mức nguyên tử, ở quy mô và tính bằng phút. Nhóm đã sản xuất và cung cấp công khai cơ sở dữ liệu về cấu trúc của hơn 200 triệu protein trao quyền cho hàng nghìn nhà khoa học giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến tất cả cộng đồng, quốc gia và thế giới, cho phép mọi người hưởng lợi.

Trong lễ trao giải do 2 chủ nhân giải thưởng bận việc phải quay về nước sớm nên Giáo sư Leslie Gabriel Valiant là người nhận thay.

Giáo sư Leslie Gabriel Valiant nhận giải thay và chia sẻ bài phát biểu của hai tác giả. Ảnh:Giang Huy

Giáo sư Leslie Gabriel Valiant nhận giải thay và chia sẻ bài phát biểu của hai tác giả. Ảnh:Giang Huy

Xen kẽ mỗi phần công bố, trao giải là các tiết mục trình diễn nghệ thuật đặc sắc của các nghệ sĩ hàng đầu thế giới. Nghệ sĩ tài năng Đồng Quang Vinh xuất hiện ở một vai trò rất khác là nghệ sĩ đàn Tơ-rưng cùng ban nhạc tre nứa Sức sống mới. Giai điệu vui tươi và trong trẻo của Gà gáy và Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ đã chinh phục nhiều khán giả. "Huyền thoại Disney" Christina Aguilera gửi tới 3 bài hát tiếng Anh cùng thông điệp luôn có niềm tin ở bản thân và chúng ta toả sáng khi là chính mình. Màn múa mang đậm bản sắc dân tộc Một thoáng Việt Nam của NSƯT Linh Nga cùng vũ đoàn thể hiện. Đêm vinh danh VinFuture khép lại với phần trình diễn của nghệ sĩ violin trẻ Bùi Công Duy và dàn nhạc giao hưởng Việt Nam do Nhạc trưởng Honna Tetsuji chỉ huy.

Giải thưởng do Quỹ VinFuture được khởi xướng từ năm 2020 và trao hàng năm cho các phát minh khoa học công nghệ đột phá, có tiềm năng tạo ra thay đổi ý nghĩa trong cuộc sống của con người. Sau 2 mùa giải đã có 16 nhà khoa học được tôn vinh.

Tác giả bài viết: Như Quỳnh
Nguồn tin: VNExpress

Share/Save/Bookmark
Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Lien he quang cao
Liên hệ quảng cáo
Thống kê truy cập Website
  • Đang truy cập: 29
  • Khách viếng thăm: 27
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 1339
  • Tháng hiện tại: 109592
  • Tổng lượt truy cập: 24396323