Giải pháp chống lãng phí chất xám

Đăng lúc: Thứ sáu - 17/04/2015 22:10 - Người đăng bài viết: admin
Từng có cơ hội tham gia một hội đồng trao học bổng cho các sinh viên Việt Nam đi làm thạc sỹ nghiên cứu sinh tiến sỹ ở nước ngoài, tôi đã gặp nhiều em không hề được thông tin đầy đủ về các cơ hội việc làm cũng như các lĩnh vực chuyên môn mà đất nước đang cần để phát triển, dẫn đến những lựa chọn sai lầm làm lãng phí kỹ năng chuyên môn và tài năng của các em.
 

Việt Nam gửi sinh viên đi du học ở những lĩnh vực 
hầu như không có triển vọng ứng dụng trong nước
Đây chỉ là một trong những ví dụ phổ biến của vấn đề đã kéo dài từ nhiều năm nay, với năm thực trạng phổ biến sau:  

1. Chúng ta gửi sinh viên đi du học ở những lĩnh vực hầu như không có triển vọng ứng dụng ở Việt Nam và cơ hội việc làm là số không. Hậu quả là nạn chảy máu chất xám khi một số em không quay về nước, hoặc lãng phí chất xám khi các em quay về phải chuyển sang ngành khác.

2. Đa số các em đi du học mà không có ai ở trong nước được giao chức trách duy trì liên lạc với các em một cách đều đặn thường xuyên.

3. Đa số các phụ huynh và các thầy cô giáo hầu như không có đủ kiến thức, kinh nghiệm để tư vấn cho con mình một cách đúng đắn về việc lựa chọn sự nghiệp học hành.

4. Việt Nam không hề có dữ liệu của quốc gia về nhu cầu đào tạo cho các ngành, lĩnh vực chuyên môn trong khoảng 20 năm tới, hoặc nếu có thì sinh viên cũng không được tiếp cận.

5. Chúng ta rất thiếu những nỗ lực thúc đẩy, khuyến khích các em theo học các ngành, lĩnh vực chuyên môn thiết yếu mà đất nước đang hết sức cần. 

Để góp phần thay đổi tình trạng này, tôi xin đưa ra hai giải pháp:

Cử người phụ trách từ trong nước cho mỗi nghiên cứu sinh thạc sỹ hoặc tiến sỹ ở nước ngoài có nhiệm vụ thường xuyên trao đổi, nắm bắt tiến trình học tập và tư vấn hỗ trợ các em khi cần thiết. Người phụ trách không cần phải có chuyên môn sâu, nhưng nên là cán bộ các trường, viện trong lĩnh vực chuyên môn liên quan tới ngành học của các em – tôi tin không ít cán bộ trẻ sẵn sàng đảm nhiệm chức trách này một cách tình nguyện – và khi cần có thể liên hệ với trường, viện hay các cấp thẩm quyền để hỗ trợ sinh viên du học xử lý các vướng mắc, khó khăn ngoài khả năng giải quyết của các em. Các trường, viện này cũng có thể là địa chỉ công việc để các em quay về khi học xong ở nước ngoài. Mỗi sinh viên đăng ký du học đều nên kèm điều kiện ràng buộc là có người phụ trách ở trong nước. Các trường ở nước ngoài hẳn sẽ không phản đối điều kiện này, bởi nó mang lại lợi ích chung cho tất cả các bên. Thực hiện giải pháp này tốn kém không đáng kể nhưng sẽ mang lại lợi ích quan trọng.

Hình thành một tổ chức ở tầm quốc gia có chức năng thường xuyên thu thập dữ liệu về thị trường lao động ở Việt Nam và các kênh đào tạo. Mỗi trường đại học, trường dạy nghề đều nên có văn phòng chi nhánh của tổ chức này, có chức năng định hướng, tư vấn, hỗ trợ học viên dựa trên những dữ liệu khách quan, có đầy đủ căn cứ thuyết phục. Họ sẽ chủ động tổ chức các sự kiện nhằm quảng bá, cung cấp thông tin cho học viên và mời các chuyên gia giàu kinh nghiệm về thị trường lao động tới giới thiệu cho học viên về triển vọng các ngành nghề. Các văn phòng này phải thường xuyên tích cực chủ động mời học viên tới liên hệ, sẵn sàng trao đổi cá nhân một cách trực tiếp hoặc qua mạng internet.

Như vậy chúng ta sẽ cần hàng nghìn chuyên gia tư vấn có năng lực, được chọn lọc và đào tạo một cách thích hợp trước khi phân công tới mọi vùng miền, đồng thời cần một trung tâm điều phối, giám sát họ một cách hữu hiệu. Đây sẽ là một công cụ hiệu quả giúp Chính phủ thu thập dữ liệu và định hướng phát triển lực lượng lao động của quốc gia một cách tốt nhất, chấm dứt tình trạng lãng phí chất xám và kỹ năng phổ biến lâu nay. Giải pháp này đòi hỏi tốn kém thời gian, tiền bạc, nhưng tôi hoàn toàn chắc chắn rằng lợi ích mà nó mang lại lớn hơn rất nhiều.

Thay vì chỉ loay hoay bàn về cải cách chương trình, sách giáo khoa, xếp hạng đại học, v.v. chúng ta nên chủ động hơn, có trách nhiệm hơn trong hỗ trợ thế hệ trẻ tiếp cận sự nghiệp của họ theo cách thiết thực cho bản thân họ cũng như cho sự phát triển của đất nước.     

Thanh Xuân dịch

Pierre Darriulat


Nguồn tin: Tia Sáng

Share/Save/Bookmark
Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin tức cập nhật

Lien he quang cao
Liên hệ quảng cáo
Thống kê truy cập Website
  • Đang truy cập: 98
  • Khách viếng thăm: 8
  • Máy chủ tìm kiếm: 90
  • Hôm nay: 511
  • Tháng hiện tại: 56792
  • Tổng lượt truy cập: 24471448