Nhật ký của mẹ tiếp sức cho con gái vào đại học

Đăng lúc: Thứ ba - 16/09/2014 14:53 - Người đăng bài viết: admin
Bố bỏ đi tìm hạnh phúc riêng, mẹ mất vì bệnh ung thư. Nhiều năm qua, Nguyễn Thị Thúy (18 tuổi, quê Phú Thọ) sống một mình, mong muốn được đi học, đi làm, dành tiền cất mộ cho mẹ.

Lần đầu tiên Nguyễn Thị Thúy, tân sinh viên ĐH Hùng Vương xuống Hà Nội là để nhận học bổng tiếp sức đến trường dành cho học sinh nghèo hoàn cảnh khó khăn. Người đưa em đi là ông Ngô Quang Chính, bố của người bạn học thân thiết với em. Cha Thúy bỏ đi tìm hạnh phúc riêng từ nhiều năm trước, bỏ lại người vợ bị bệnh ung thư và Thúy khi ấy chưa tròn 3 tuổi. "Bao năm trôi qua, chưa bao giờ cha gọi điện hỏi thăm hay gặp lại. Giờ nếu ông đứng trước mặt, em cũng không thể nhận ra", Thúy rụt rè nói.

IMG-2003-6802-1410773504.jpg

Nguyễn Thị Thúy (áo trắng) luôn có bạn thân Ngô Hà Linh ở bên trong ngày nhận học bổng "Tiếp sức đến trường". Ảnh: Hoàng Phương.

Khi còn sống, mẹ Thúy luôn lo lắng rằng mình qua đời sẽ không có ai chăm sóc con nên chắt chiu tiền làm thuê và vay mượn, cất một ngôi nhà nhỏ. Năm Thúy học lớp 8, mẹ em qua đời sau bao năm chống chọi với bệnh ung thư, để lại con gái bơ vơ, sống lặng lẽ trong căn nhà nhỏ ở khu 3, xã Phú Nham (Phù Ninh, Phú Thọ).

Chứng kiến Thúy một mình vật lộn với khó khăn, nhiều người khuyên em nên nghỉ học, đi làm kiếm tiền, bởi trước tiên phải no bụng rồi mới có thể tính tiếp đến việc học hành. Đôi vai gầy gò của đứa trẻ 14 tuổi khi ấy phải gồng gánh nhiều nỗi đau buồn trong cuộc sống, nhiều khi Thúy nghĩ quẩn hay là mình cũng đi theo mẹ.

Một lần dọn đồ, Thúy phát hiện ra cuốn nhật ký của mẹ đã sờn gáy, nét mực hơi nhòe viết từ khi con gái mới 3 tuổi. Những trang nhật ký chất chứa đầy lo lắng, trăn trở: "Mẹ biết khi mẹ qua đời, con là đứa trẻ bất hạnh nhất vì không có nỗi đau và sự mất mát nào lớn hơn mất mẹ khi con còn ở tuổi ấu thơ... Con ơi, nghĩ đến mẹ lại đứt từng khúc ruột, cả đời mẹ chỉ có mình con lại không thể sống nuôi con nên người...".

Qua những dòng chữ gửi lại, mẹ Thúy động viên con gái cố gắng học vì đó là con đường duy nhất để tương lai tươi sáng hơn. Dặn dò con gái phải sống cho sạch, rách cho thơm, biết thương yêu, bà tin dù "không ở bên cạnh con, nhưng mẹ mãi sống trong lòng con, đang từng ngày từng giờ nhắc nhở con, dạy dỗ con khôn lớn trưởng thành, có ích cho đời, có ích cho xã hội".

nhatky-8478-1410780021.jpg

Những dòng nhật ký mẹ Thúy viết cho em khi biết mình bị bệnh nặng. Ảnh: NVCC.

Biết được tâm nguyện của mẹ, Thúy gạt đi những ý nghĩ dại dột trong đầu, tiếp tục sống. Từ khi mẹ mất đến lúc học cấp 3, em sống bằng tiền tuất 300.000 đồng mỗi tháng của mẹ, sau tăng lên 565.000 đồng năm Thúy 18 tuổi và cắt hoàn toàn khi em đủ 18 tuổi.

Trên chặng đường đời đầy gian khó, ngoài tình thương yêu của mẹ, Thúy may mắn gặp được nhiều người giúp đỡ. Gần gũi nhất có người bạn thân Ngô Hà Linh và gia đình của em. Hà Linh học cùng lớp và biết rõ "có những lúc trong nhà không còn hạt gạo, Thúy phải ăn mì tôm cả tuần trời". Nghĩ bản thân có cuộc sống đủ đầy, bố mẹ, anh chị luôn ở bên chia sẻ trong khi Thúy chỉ có một mình, Hà Linh muốn giúp nhưng lại sợ Thúy tủi thân mà không nhận.

Hà Linh mang chuyện của Thúy kể với gia đình. Bố mẹ em bèn bàn với hội cha mẹ trong lớp tìm cách giúp đỡ. Mẹ của một người bạn cùng lớp tìm cho em công việc nấu ăn ở trường mầm non. Thu nhập hằng tháng không nhiều nhưng cũng đủ để Thúy vượt qua những ngày gian khó, tìm cách ôn thi đại học. Tài sản giá trị đầu tiên Thúy sắm được sau nhiều ngày đi làm là chiếc xe đạp điện cũ giá 3,5 triệu đồng. Khi Thúy mua xe, em dành dụm được 1,5 triệu đồng. Số còn lại người thân cho mượn.

Những ngày cận kề thi đại học, Thúy thường về nhà Linh ăn cơm rồi cùng nhau ôn bài. "Bà ngoại Linh thương em như cháu gái. Trong những bữa cơm ngồi cùng mâm với cả nhà Linh, em cảm nhận được hơi ấm gia đình mà nhiều năm qua em luôn khao khát", Thúy tâm sự.

IMG-2004-1371-1410773504.jpg

Ông Ngô Quang Chính, bố của Hà Linh tâm sự rằng ông rất tự hào về các cô con gái luôn biết vượt qua gian khó và biết chia sẻ với những người kém may mắn hơn. Ảnh:Hoàng Phương.

Đến lúc thi đại học, cô gái 18 tuổi cũng phải đắn đo, suy nghĩ nhiều. Thúy muốn xuống Hà Nội học nhưng nghĩ đến tiền trọ, tiền ăn ở quá đắt đỏ, một thân một mình sẽ không kham nổi. Em chọn thi ĐH Hùng Vương, khoa Sư phạm Địa. "Học ngành này không phải đóng học phí, 4 năm học em sẽ xoay sở được. Em chỉ muốn hoàn thành ước mơ của riêng mình và cả tâm nguyện của mẹ", Thúy nói.

Ngày đi nhập học, ông Chính và Hà Linh đưa em đến trường bởi Thúy giờ đây giống như chị em sinh đôi với Linh, trở thành đứa con gái nữa của vợ chồng ông. "Thúy mạnh mẽ, kiên cường và rất có chính kiến. Sự giúp đỡ của những người xung quanh chỉ là động lực, còn lại là bản thân Thúy tự vượt qua", ông Chính chia sẻ.

Khi Hà Linh thi đậu Học viện Báo chí Tuyên truyền, đi học dưới Hà Nội, Thúy thường xuyên về nhà người bạn thân ăn cơm, chơi với bà ngoại và em gái bạn. Thời gian còn lại, cô vẫn sống một mình trong căn nhà nhỏ để lo hương khói cho mẹ. "Mẹ mất lâu rồi mà em chưa thể báo hiếu, ngay cả cất cho mẹ một ngôi mộ mới cũng chưa làm được", Thúy tâm sự điều canh cánh trong lòng.

Hoàng Phương


Nguồn tin: VNExpress

Share/Save/Bookmark
Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Lien he quang cao
Liên hệ quảng cáo
Thống kê truy cập Website
  • Đang truy cập: 24
  • Hôm nay: 3384
  • Tháng hiện tại: 3384
  • Tổng lượt truy cập: 24418040