'Sản phẩm' của cuộc thử nghiệm giáo dục 40 năm trước lần đầu họp mặt

Đăng lúc: Chủ nhật - 07/12/2014 17:51 - Người đăng bài viết: admin
Khoảng 20 tướng quân đội, hàng chục lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam và hàng trăm người nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực đã tề tựu trong ngày họp mặt học viên các đại đội C1x6 ĐH Kỹ thuật Quân sự giai đoạn 1972-1981.

Chiều 6/12, buổi lễ gặp mặt của những người một thời từng được ưu ái đặc biệt, mà bạn bè thường gọi vui với nhau là các "vì sao đất nước", được tổ chức tại hội trường Học viện Kỹ thuật Quân sự. Các thành viên từ mọi miền đất nước gặp nhau, ôn lại kỷ niệm của những ngày học tập, huấn luyện tại ĐH Kỹ thuật Quân sự như một người lính thực thụ cách đây 30-40 năm.

PGS Đặng Quốc Bảo, nguyên Trưởng ban Khoa giáo trung ương, khi đó là Hiệu trưởng kiêm Chính ủy ĐH Kỹ thuật Quân sự cho biết, đầu những năm 70 của thế kỷ 20, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước còn khốc liệt, Bộ trưởng Đại học và Trung học chuyên nghiệp lúc bấy giờ là GS Tạ Quang Bửu chủ trương đưa những học sinh giỏi nhất ra nước ngoài đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học và kỹ thuật để về tái thiết đất nước, xây dựng quân đội trong tương lai.

Nguồn tuyển sinh là bộ đội đã qua huấn luyện chiến đấu làm nòng cốt và học sinh các trường chuyên như ĐH Tổng hợp Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm Vinh; Chu Văn An (Hà Nội), Lê Hồng Phong (Nam Định); Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu (Nghệ An); Thái Phiên (Hải Phòng); Nguyễn Huệ (Hà Đông)... Thành viên được tuyển chọn là những học sinh giỏi trên toàn quốc, đảm bảo điều kiện thi đại học từ 23 điểm trở lên, trong đó Toán phải được ít nhất 8 điểm.

DSC-8186.jpg

Cuộc gặp mặt các thế hệ học viên C1x6 của ĐH Kỹ thuật quân sự được tổ chức chiều 6/12.  Ảnh: Quý Đoàn.

Khóa đầu tiên được tổ chức vào năm 1972, chỉ với khoảng 40 học viên quân sự. Năm sau đó (1973), gần 150 quân nhân và học sinh đã được tuyển chọn để hình thành nên đại đội C186. Và những năm tiếp theo là các đại đội C196, 106, 116... với khoảng 150-200 học viên gồm cả quân sự và dân sự, để chính thức hình thành biệt danh C1x6 - một "thương hiệu" riêng, đặc biệt của ĐH Kỹ thuật Quân sự thời bấy giờ.

Cố Bộ trưởng Tạ Quang Bửu đã lựa chọn ĐH Kỹ thuật Quân sự để đào tạo với mong muốn thế hệ học viên này vừa được học kiến thức, vừa được rèn luyện trở thành các cán bộ khoa học và kỹ thuật có kỷ luật, nề nếp như những người lính. 10 khóa đào tạo thử nghiệm đã đưa hơn 1.500 học viên gồm cả quân sự và dân sự ra nước ngoài học tập. Hầu hết trong số đó đã tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc các trường đại học của Liên Xô và các nước Đông Âu thời ấy, được tiếp nhận trở về các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội.

Học viên C186, trung tướng, GS Phạm Thế Long, nguyên Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự thống kê, đến nay có ít nhất 4 học viên trở thành cấp Thứ trưởng hoặc tương đương của các bộ, ngành ngoài quân đội. Đó là các ông Lê Nam Thắng - Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông; Trần Việt Thanh - Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ; Đoàn Xuân Hưng - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Nguyễn Đình Công - Phó chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.

Trong quân đội có khoảng 20 cấp tướng, trong đó cao nhất là Đô đốc Hải quân, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến; các trung tướng Nguyễn Châu Thanh (Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật), Phạm Thế Long (nguyên Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự), Trần Phước Tới (nguyên Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương), Đoàn Nhật Tiến (Giám đốc Viện Khoa học và Công nghệ quân sự).

Cấp thiếu tướng thì rất nhiều như Phạm Dũng Tiến, Vũ Xuân Bình, Nguyễn Công Thành (Phó chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật), Bùi Công Nghĩa (nguyên Cục trưởng Cục bản đồ), Nguyễn Mạnh Hùng (Tổng giám đốc Viettel), Trần Bá Tấn (Phó Tư lệnh Thông tin), Phạm Văn Khánh (Cục trưởng Quản lý Xe máy), Đoàn Xuân Nghiệp (Cục trưởng Quản lý công nghệ Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng), Nguyễn Hồng Dư (Tổng giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga), Nguyễn Đức Long, Nguyễn Văn Sơn (Tổng Cục 2), Nguyễn Văn Tuyến (Hiệu trưởng trường Sỹ quan Thông tin)...

Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều người nổi danh ở các lĩnh vực ngoài quân đội, như: Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn FPT Trương Gia Bình; Tổng giám đốc tập đoàn FPT Bùi Quang Ngọc; nguyên Tổng giám đốc FPT Nguyễn Thành Nam; GS Lê Tuấn Hoa, Viện trưởng Viện toán học Việt Nam; Phạm Ngọc Minh - Tổng giám đốc Vietnam Airlines; Tổng giám đốc Vinaphone Cao Duy Hải; Phó tổng giám đốc Viettel Tống Viết Trung... 

DSC-8312.jpg

Tên của các thầy được xướng lên trong tiếng vỗ tay của học trò.

"Trong quân đội, trung bình 1.000 quân thì có một tướng. Với khoảng 1.500 học viên các lớp C1x6, mật độ cấp tướng và tương đương, có thể nói là đậm đặc, tỷ lệ khoảng 1/20. Đó là chưa kể tương lai còn nhiều người đang phát triển. Vì vậy, cuộc thử nghiệm giáo dục này có thể nói đã rất thành công", trung tướng Phạm Thế Long nhận định.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, đại đội trưởng Phạm Văn Khải năm xưa kể lại, học viên của các khóa C1x6 được hiệu trưởng Đặng Quốc Bảo giới thiệu là "những vì sao của đất nước". Ngoài học kiến thức, các học viên còn phải rèn luyện như bộ đội chính quy, thực hiện 11 chế độ trong ngày từ lúc báo thức. Mỗi tuần hành quân một lần, thứ ba chạy thường, thứ sáu chạy vũ trang. Giai đoạn cuối năm 1977-1978, các học viên còn phải hành quân ban đêm.

"Từ những buổi hành quân này, học sinh hiểu sâu sắc trách nhiệm của mình, khi bạn bè cùng trang lứa ra chiến trường, mình đi học nước ngoài thì phải phấn đấu hết sức", thầy Khải nói. Ông cũng nhận định, mục đích của Bộ trưởng Tạ Quang Bửu và Hiệu trưởng Đặng Quốc Bảo lúc bấy giờ đã đạt được khi có nhiều học viên đang nắm những trọng trách của đất nước hoặc là chuyên gia đầu ngành về khoa học và kinh tế.

Trung tướng Đoàn Nhật Tiến, thế hệ C173 tâm sự, thời gian một năm học ở ĐH Kỹ thuật quân sự đã giúp ông trưởng thành lên rất nhiều. "Những điều căn dặn của các thầy, đại đội trưởng đã đi suốt cuộc đời chúng tôi, kể cả những người đang phục vụ cho quân đội và những người đã ra ngoài phát triển kinh tế đất nước", tướng Tiến nói.

Còn Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn FPT Trương Gia Bình vui vẻ kể lại những ngày học ở ĐH Kỹ thuật Quân sự. Theo ông, nhiệm vụ thầy Đặng Quốc Bảo giao cho các bạn học viên quân đội là phải chế được máy bay, tên lửa, tàu ngầm. Còn bộ phận dân quân du kích còn lại (học viên hệ dân sự) thì phải học thành tài để tham gia vào quá trình gia tăng kinh tế.

"Đã 40 năm trôi qua, ngày ấy chúng ta được chăm sóc với điều kiện tốt nhất, được các thầy giỏi nhất giảng dạy, được tin tưởng tuyệt đối. Bây giờ điểm lại, khoảng cách của Việt Nam với các nước vẫn còn xa. Như vậy là tất cả chúng ta hoàn thành không tốt nhiệm vụ", ông Trương Gia Bình nói và đặt câu hỏi "Chúng ta phải làm gì vào lúc xế chiều này đây?".

Vị Chủ tịch Hội đồng quản trị của tập đoàn FPT nhớ lại, thầy Đặng Quốc Bảo lúc bấy giờ mơ ước chiều chiều bên các căn biệt thự, học sinh của mình sẽ cùng với các nhà khoa học hàng đầu thế giới bàn về phát triển khoa học thế giới. Bây giờ biệt thự rất nhiều, nhưng không có nhà khoa học hàng đầu thế giới. Dẫu vậy, cái tứ của thầy thì vẫn còn đó, tức là tương lai của đất nước không thể không có khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo và công tác trọng dụng nhân tài.

"Tôi mong tất cả các bạn bất cứ tuổi nào tiếp tục truyền lửa, truyền niềm tin cho thế hệ đi sau. Thế hệ chúng ta chưa làm được thì để các bạn trẻ làm. Chúng ta không bao giờ buông súng về ý thức: Việt Nam phải là đất nước tiên tiến, khoa học công nghệ, Việt Nam phải phát triển, nhân tài Việt Nam phải được tạo điều kiện tốt nhất", ông Bình nhấn mạnh.

Hoàng Thùy


Nguồn tin: VNExpress

Share/Save/Bookmark
Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin tức cập nhật

Lien he quang cao
Liên hệ quảng cáo
Thống kê truy cập Website
  • Đang truy cập: 6
  • Hôm nay: 423
  • Tháng hiện tại: 60842
  • Tổng lượt truy cập: 24475498