Năm lên ngôi của phụ nữ với giải Nobel

Đăng lúc: Thứ ba - 13/10/2020 13:31 - Người đăng bài viết: admin
Năm 2020 là năm huy hoàng lần thứ hai khi các nhà khoa học nữ được vinh danh với cả giải Nobel Vật lý và Hóa học. Đặc biệt là toàn bộ giải Nobel hóa học 2020 được trao cho hai nhà Hóa học nữ. Hãy điểm lại vài nét lịch sử các thành tựu của phụ nữ với giải Nobel.

Huy chương vàng giải Nobel Vật lý và Hóa học (Ảnh: Internet).

Giải thưởng Nobellà các giải thưởng danh giá được trao hằng năm kể từ năm 1901, lập theo di chúc của nhà phát minh người Thụy Điển Alfred Nobel năm 1895, cho những cá nhân đạt thành tựu xuất sắc trong 5 lĩnh vực Vật lý, Hoá học, Y học, Văn học và Hòa bình. (Giải Nobel hoà bình có thể được trao cho tổ chức hay cho cá nhân.) Từ năm 1969, Ngân hàng Thụy Điển đưa thêm một giải thưởng khoa học Kinh tế, thường gọi là giải Nobel Kinh tế.

 Năm nay phái nữ hẳn rất tự hào là có tới bốn người đạt giải Nobel thuộc về nữ giới. Đó là hai GS Jennifer Doudna và Emmanuelle Charpentier chia nhau giải Nobel Hóa học. GS  Andrea Ghez đồng sở hữu với hai nhà khoa học nam giới giải Nobel Vật lý về các nghiên cứu liên quan đến hố đen. Cuối cùng là nữ thi sĩ Louise Gluck đoạt giải Nobel Văn học

GS Jennifer Doudna và  GS Emmanuelle Charpentier đoạt giải Nobel Hóa học

Nữ GS Andrea Ghez đoạt giải Nobel Vật lý cùng hai đồng nghiệp nam là GS Roger Penrose và GS Reinhard Genzel.

Nữ thi sĩ  Louise Gluck thắng giải Nobel Văn học.

Giải Nobel từ năm 1901 đến năm 2020 đã được trao cho phụ nữ 58 lần, trên tống số 934 lần trao cho cá nhân (cộng với 28 lần giải Nobel hòa bình trao cho các tổ chức). Chỉ có một phụ nữ là Marie Skłodowska-Curie đã được vinh danh hai lần, với giải Nobel Vật lý năm 1903 và giải Nobel Hóa học năm 1911. Điều này có nghĩa là tổng cộng 57 phụ nữ đã được trao giải Nobel.

Tỉ lệ phụ nữ được trao giải Nobel chỉ chiếm khoảng 6% tổng số các giải trao cho cá nhân. Nếu chỉ tính các lĩnh vực khoa học (Vật lý, Hóa học, Y học) thì tỉ lệ này còn thấp hơn nữa, chỉ là 3.7%, khi chỉ có tổng cộng 23 phụ nữ trên tổng số 624 cá nhân đạt giải. Nếu tính riêng cho từng lĩnh vực khoa học, tỉ lệ này chỉ dao động trong khoảng 1.9% đến 5.4%, trong đó tỉ lệ nhà khoa học nữ đạt giải Nobel Vật lý là thấp nhất, chỉ là 1.9%, khi chỉ có 4 phụ nữ được vinh danh trong tổng số 216 lần trao giải (cho 215 cá nhân).

Chúng ta cũng không thể quên lý do là ngay vào thời kỳ khi giải Nobel bắt đầu được trao tặng, phụ nữ cũng chẳng có nhiều cơ hội được tiếp cận thế giới khoa học. Vào đầu thế kỷ 20, số phụ nữ được học tập và làm việc ở các trường đại học hay các viện khoa học mới chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay.

Thống kê cũng cho thấy tỉ lệ phụ nữ đạt giải Nobel kinh tế cũng rất thấp (2.4%), khi chỉ có 2 phụ nữ đạt giải. Nhưng cũng có một lý do là giải Nobel Kinh tế cũng chỉ mới được trao trong vòng 50 năm gần đây (từ năm 1969).

Nhìn vào thống kê cho năm 2018 và năm 2020, chắc chắn tất cả phụ nữ trên thế giới đều vui sướng và tự hào, khi tỉ lệ phụ nữ được trao giải Nobel trong các lĩnh vực khoa học tăng vọt lên đến 25% và 37.5% (xem Bảng 1, 2018 (khoa học)-số liệu màu xanh, 2020 (khoa học)-số liệu màu đỏ). Và tỉ lệ chung nhận được giải Nobel của phụ nữ tính cho tất cả các giải Nobel cho hai năm này cũng rất cao: 30.8% và 36.4% (Bảng 1, 2018 (chung), 2020 (chung)). Năm 2020, 3 giải Nobel đã vinh danh 4 phụ nữ (giải Nobel Vật lý (Andrea Ghez), Hóa học (Emmanuelle Charpentier và Jennifer Doudna) và Văn học (Louise Glück)). Năm 2018, 4 giải Nobel đã vinh danh cho 4 phụ nữ (giải Nobel Vật lý (Donna Theo Strickland), Hóa học (Frances Hamilton Arnold), Văn học (Olga Tokarczuk) và Hòa bình (Nadia Murad)). Nói nôm na, cứ trong 2-3 cá nhân đạt giải Nobel thì có 1 người là phụ nữ. Một bước đại nhảy vọt trong kỷ nguyên mới.

Bảng 1. Thống kê các giải Nobel và Giải thưởng Khoa học Kinh tế từ năm 1901 đến năm 2020. John Bardeen là người duy nhất được vinh danh giải Nobel Vậy lý hai lần, vào năm 1956 và 1972. Có nghĩa là tổng cộng (215) người được trao giải Nobel Vật lý trong tổng cộng 216 lần trao giải. Frederick Sanger là người duy nhất nhận được hai giải Nobel Hóa học (vào năm 1958 và 1980). Có nghĩa là tổng cộng (185) người được trao giải Nobel Hóa học trong tổng cộng 186 lần trao giải. Cho năm 2018 và 2020, tỉ lệ được tính cho tất cả giải Nobel trong năm (chung) và tính riêng cho lĩnh vực khoa học bao gồm Vật lý, Hóa học và Y học (khoa học).

Nhà khoa học nữ đầu tiên được vinh danh giải Nobel Vật lý là Maria Skłodowska-Curie vào năm 1903, chỉ hai năm sau khi giải Nobel được trao (từ năm 1901). Nhưng rồi phải đến tận 60 năm sau mới có người phụ nữ thứ hai được vinh danh: Maria Goeppert-Mayer nhận giải Nobel Vậy lý năm 1963. Rồi sau 55 năm vắng bóng trên bục nhận giải mới có người phụ nữ thứ ba được vinh danh: Donna Theo Strickland nhận giải Nobel Vậy lý năm 2018. Năm đó cũng có nhiều bàn tán liệu có phải chờ đợi 55-60 năm mới có phụ nữ nữa được vinh danh? Thật đáng mừng khi lịch sử đã không bị lập lại. Chỉ cần thêm 2 năm, đã có thêm một nhà khoa học nữ xuất sắc tham gia đội ngũ được vinh danh: Andrea Ghez được trao giải Nobel Vật lý năm 2020.

Hãy nhìn vào thành tựu của các nhà khoa học nữ được vinh danh giải Nobel Vật lý (bảng 2) và Hóa học (Bảng 3). Họ là các nhà khoa học nữ đạt được những thành tựu trong các lĩnh vực tiên phong.

Bảng 2. Thống kê các giải Nobel Vật lý được trao cho phụ nữtừ năm 1901 đến năm 2020. Chỉ có 4 phụ nữ đạt giải.

Maria Skłodowska-Curie được vinh danh vì thành tựu nghiên cứu về hiện tượng phóng xạ tự nhiên (cùng với chồng bà là Pierre Curie), là hiện tượng mới chỉ được phát hiện 6-7 năm trước đó. Bà đã phát triển lý thuyết phóng xạ và thuật ngữ phóng xạ cũng là do bà đặt ra. Đặc biệt là dưới sự chỉ đạo của bà, các nghiên cứu đầu tiên về điều trị các khối u bằng cách sử dụng các đồng vị phóng xạ đã được tiến hành.

Maria Goeppert-Mayer đề ra lý thuyết cấu trúc hạt nhân dạng lớp và đã khám phá ra các con số kỳ diệu (magic numbers). Ngay cả với lực hạt nhân mạnh, mô hình hạt nhân dạng lớp này đã mô tả chính xác các tính năng quan trọng của hạt nhân.

Donna Theo Strickland được trao tặng giải Nobel cho các sáng chế về vật lý laser. Đặc biệt là các sáng chế này đã được bà thực hiện trong thời gian làm luận án tiến sĩ cùng với giáo sư hướng dẫn của bà (Gérard Mourou, cùng được trao giải Nobel). Họ đã phát triển được kỹ thuật khuếch đại xung cực ngắn cường độ cao (chirped pulse amplification), được sử dụng để tạo ra các xung siêu ngắn có cường độ rất cao, hữu ích trong vi xử lý laser, phẫu thuật, y học và trong các nghiên cứu khoa học cơ bản.

Andrea Ghez giành giải Nobel cho một thực nghiệm mà không ai nghĩ được rằng nó sẽ có tác dụng. Nhờ đó bà đã thu được bằng chứng phát hiện hố đen siêu khối lượng ở chính giữa dải Ngân Hà của chúng ta.

Maria Skłodowska-Curie cũng là nhà khoa học nữ đầu tiên được vinh danh giải Nobel Hóa học vào năm 1911, cho phát hiện ra hai nguyên tố phóng xạ mới là Poloni và Radi. Đặc biệt là bà nhận được trọn giải này. Bà là người đầu tiên và cũng là phụ nữ duy nhất đạt được hai Giải Nobeltrong hai lĩnh vực khác nhau: vật lý(1903) và hóa học(1911).

Chỉ hơn 20 năm sau đã có người tiếp bước bà, là con gái bà, Irène Joliot-Curie, được trao tặng giải Nobel Hóa học năm 1935 cho phát hiện hiện tượng phóng xạ nhân tạo (cùng với chồng bà là Frédéric Joliot-Curie). Khám phá này có đã thúc đẩy nghiên cứu về đồng vị phóng xạ và các ứng dụng thực tế của hóa học phóng xạ, đặc biệt là trong y học. Ví dụ, đồng vị phóng xạ của iốt được sử dụng để điều trị các bệnh tuyến giáp.

 

Bảng 3. Thống kê các giải Nobel Hóa học được trao cho phụ nữtừ năm 1901 đến năm 2020. Chỉ có 7 phụ nữ đạt giải.

Trong 29 năm sau khi Irène Joliot-Curie đạt giải, không có phụ nữ nào được vinh danh trong Hóa học, cho đến khi Dorothy Crowfoot Hodgkin được vinh danh vào năm 1964 cho thành tựu nâng cao kỹ thuật tinh thể học tia X để xác định cấu trúc của các phân tử sinh học, một công cụ thiết yếu trong sinh học cấu trúc. Sau đó là một quãng thời gian gần nửa thập kỷ (45 năm), mới có người phụ nữa thứ tư được vinh danh: Ada E. Yonath được trao giải Nobel Hóa học năm 2009 cho cho nghiên cứu về cấu trúc và chức năng của ribosome. Một điều hết sức thú vị là bà đã nghĩ đến một số kiểu sắp xếp trật tự để bảo quản các ribosome hoạt động, khi bà liên tưởng đến những con gấu Bắc Cực khi chúng ngủ đông (khi các ribosome hoạt động được bảo quản hay ‘đóng gói’ lại) và khi chúng bắt đầu quá trình trao đổi chất vào mùa xuân.

Năm 2018 Frances Hamilton Arnold nhận được giải Nobel Hóa học cho những nghiên cứu giúp kiểm soát được quá trình tiến hóa, biến đổi và chọn lọc gen để phát triển các protein mới. Phát hiện này là một cuộc cách mạng trong hóa học về quá trình tiến hóa và sử dụng nó vì lợi ích lớn nhất cho nhân loại.

Emmanuelle Charpentier và Jennifer Doudna đã phát triển một phương pháp chỉnh sửa gen và họ được trao tặng giải Nobel Hóa học năm 2020. Một cách ngắn gọn, họ tạo ra được một chiếc kéo đặc biệt („kéo” phân tử CRISPR/Cas9) có thể cắt phân tử mang thông tin di truyền (DNA) tại một vị trí chính xác, cho phép các nhà khoa học thực hiện những thay đổi cụ thể đối với các gen cụ thể. Công nghệ này đã có một tác động mang tính cách mạng đối với khoa học đời sống, góp phần vào các liệu pháp điều trị ung thư mới và có thể biến giấc mơ chữa khỏi các bệnh di truyền trở thành hiện thực.

Đặc biệt là năm 2020 là lần đầu tiên giải Nobel Hóa học được trao toàn bộ cho hai nhà khoa học nữ. Nó trở thành nguồn cảm hứng lớn cho những phụ nữ trẻ theo đuổi khoa học.

 

Tài liệu trích dẫn: Internet.

Tác giả bài viết: Nhữ-Tarnawska Hoa Kim Ngan

Share/Save/Bookmark
Từ khóa:

giải nobel, hóa học

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin tức cập nhật

Lien he quang cao
Liên hệ quảng cáo
Thống kê truy cập Website
  • Đang truy cập: 4
  • Hôm nay: 386
  • Tháng hiện tại: 60805
  • Tổng lượt truy cập: 24475461