Quan trọng hơn cả là trình độ hội đồng xét duyệt

Đăng lúc: Thứ sáu - 31/03/2017 18:47 - Người đăng bài viết: admin
Nói về cuộc thảo luận các tiêu chuẩn GS,PGS thời gian gần đây, GS Hoàng Tụy cho rằng, kinh nghiệm quốc tế cũng như của chính chúng ta đều cho thấy không nên mất nhiều thì giờ thảo luận về tiêu chuẩn mà nên quan tâm nhiều hơn lựa chọn đúng đắn hội đồng xét duyệt bởi không có tiêu chuẩn định lượng nào có thể thay thế được sự đánh giá định tính của chuyên gia đủ thẩm quyền học thuật.


GS. Hoàng Tụy. Ảnh Xuân Trung/giaoduc.net.vn

Gần đây lại nổi lên vấn đề tiêu chuẩn Giáo sư, Phó giáo sư. Về nguyên tắc, tôi đồng ý với phát biểu của GS Ngô Việt Trung trong số báo Tia Sáng vừa rồi. Nhưng theo tôi biết, nếu theo thông lệ quốc tế thì tại các nước phát triển chẳng mấy nơi có tiêu chuẩn GS, PGS viết thành văn thật cụ thể. Có dịp tham gia tuyển chọn GS ở vài đại học ở các nước phát triển, tôi không bao giờ hỏi mà cũng không ai nói cho biết tiêu chuẩn GS như thế nào. Tại sao như vậy? Vì người ta tin rằng hội đồng tuyển chọn có trình độ phù hợp để hiểu đúng yêu cầu đối với đối tượng cần chọn mà không cần dựa vào những tiêu chuẩn tường minh nào cả.

Trong thực tế chỉ khi hội đồng tuyển chọn chưa đủ độ tin cậy về công tâm và/hoặc trình độ thì mới cần đưa ra tiêu chuẩn. Cho nên cái đáng quan tâm là hội đồng tuyển chọn gồm những ai, có đáng tin cậy về trình độ và công tâm hay không, chứ không phải tiêu chuẩn cụ thể đã hợp lý chưa hay cần sửa đổi như thế nào. Tiêu chuẩn nếu chỉ coi là điều kiện cần (chứ không đủ) thì cũng nên có, nhưng khi ấy thì phải cụ thể để không thể vận dụng tuỳ tiện.

Tôi còn nhớ cách đây 30 năm, khi Việt Nam bắt đầu xúc tiến phong các chức danh GS, PGS, có lần ông Tổng thư ký Hội đồng xét duyệt GS, PGS hãnh diện tuyên bố trước bàn dân thiên hạ rằng các GS, PGS vừa được xét phong đều ngang tầm quốc tế. Tưởng rằng một tuyên bố như thế được hoan nghênh chào đón, không ngờ nó làm dấy lên một cuộc tranh luận gay gắt xung quanh trình độ của bản thân Hội đồng xét duyệt. Nhiều người đặt câu hỏi thẳng thắn: Hội đồng xét duyệt đã chắc đâu ngang tầm quốc tế, ngay chính ông Tổng thư ký cũng chắc đâu xứng đáng GS theo chuẩn mực quốc tế nên cái tuyên bố nói trên chẳng có ý nghĩa gì hơn là biểu thị sự huênh hoang khoác lác của người quản lý kém cỏi.

Đó là tình hình thuở ban đầu. Sau này công việc được chỉnh đốn dần mới rõ ra một bộ phận khá đông thành viên Hội đồng xét duyệt trước đây chưa nắm được thế nào là GS theo chuẩn mực quốc tế thông thường. Thậm chí ngồi trong Hội đồng xét duyệt GS còn có cả một số người mới chỉ là ứng viên, mà cũng chưa phải ứng viên sáng giá gì, cho chức danh PGS! Sở dĩ có chuyện kỳ quặc như vậy một phần quan trọng là do thời ấy danh sách Hội đồng không được bầu chọn dân chủ nghiêm túc mà hoàn toàn do Ban Tổ chức TƯ quyết định võ đoán dựa trên những tiêu chuẩn nặng về chính trị. Oái ăm nhất là việc xét duyệt danh sách đề cử GS, PGS ở mấy cơ quan lớn như Bộ Giáo dục, Bộ Y tế, Viện Khoa học VN (ngày nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ), đều do phòng tổ chức ở đấy quyết định mà phụ trách phòng này ở cả ba cơ quan không may đều là cán bộ chính trị trình độ học vấn chỉ đến cấp hai phổ thông. Với tình hình ấy dĩ nhiên cần có các tiêu chuẩn GS, PGS cụ thể được chừng nào hay chừng ấy để hạn chế bớt những sai lầm. Khổ nỗi phần đông cũng chẳng có mấy ai có khái niệm rõ về GS theo chuẩn mực quốc tế để nêu ra tiêu chuẩn đúng đắn. Nhiều người vẫn quan niệm GS, PGS là những phẩm hàm để vinh danh, chứ không nghĩ đó là những chức vụ cụ thể. Ngay cả nhiều lãnh đạo cấp cao của hai ngành giáo dục, khoa học lúc bấy giờ khi đã được trao quyền xét duyệt thì cũng tự cho mình hiểu biết hết, cho nên nhiều tiêu chuẩn định lượng đưa ra có vẻ chặt chẽ chính xác mà thật ra máy móc đến mức ấu trĩ. Đã thế Hội đồng xét duyệt lại gồm nhiều người thiếu công tâm, thích ai thì dễ dãi, ghét ai thì khó khăn. Tôi nhớ có một trường hợp có bằng tiến sĩ ở Pháp, chuyên về tối ưu, đã giảng dạy mấy năm ở Đại học Quy Nhơn, có nhiều công bố quốc tế được các chuyên gia tối ưu ở Viện Toán đánh giá cao, nên khi đưa ra xét để phong PGS thì toàn Hội đồng cơ sở nhất trí ủng hộ (khi ấy Hội đồng này là Hội đồng ở Viện Toán vì Đại học Quy Nhơn chưa đủ điều kiện thành lập Hội đồng riêng), thế mà đưa lên Hội đồng ngành thì bị bác chỉ vì một thành viên Hội đồng Chức danh Nhà nước nhất quyết chống lại mà không có lý do xác đáng nào cả. Đó là xét PGS cho một trường hợp về tối ưu, mà ý kiến ủng hộ của cả một tập thể gồm những chuyên gia tối ưu hàng đầu cả nước vẫn không có giá trị gì trước ý kiến một cá nhân chẳng hiểu tí gì về tối ưu. Chuyện vô lý, bất công như vậy nhưng hệ thống cứng nhắc đến mức nhiều nhà khoa học có uy tín kiến nghị đi kiến nghị lại vẫn không thay đổiđược.

Cho nên kinh nghiệm của các nước cũng như của chính chúng ta đều cho thấy không nên mất nhiều thì giờ thảo luận về tiêu chuẩn mà nên quan tâm nhiều hơn lựa chọn đúng đắn hội đồng xét duyệt. Thật ra không có tiêu chuẩn định lượng nào có thể thay thế được sự đánh giá định tính của chuyên gia đủ thẩm quyền học thuật.

Tác giả bài viết: Hoàng Tuỵ
Nguồn tin: Tia Sáng

Share/Save/Bookmark
Từ khóa:

tiêu chuẩn

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin tức cập nhật

Lien he quang cao
Liên hệ quảng cáo
Thống kê truy cập Website
  • Đang truy cập: 21
  • Khách viếng thăm: 19
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 2877
  • Tháng hiện tại: 72502
  • Tổng lượt truy cập: 24487158