Sức mạnh của …phân?

Đăng lúc: Thứ bảy - 28/02/2015 17:15 - Người đăng bài viết: admin

   Viết cho mục khoa học trên báo Gazeta Wyborcza hôm thứ sáu, 27-02-2015 bà Maja Gawronska đã viết trên dòng đầu tiên: „Chú ý, bài báo có chứa các nội dung…nặng mùi!”. Bài báo đề cập đến một vấn đề thú vị, ấy là việc tiệt trùng và sử dụng kháng sinh làm hại cho sức khỏe của cơ thể, như một câu nói đùa của người Việt „Ăn bẩn sống lâu”. Cần làm gì để chống lại điều này? Toàn bộ hy vọng là dựa vào… phân bảo quản trong tủ lạnh. Sau đây là lược dịch bài báo này.

Việc đẩy các chất thải ra ngoài cơ thể là một việc rất tự nhiên của con người. Trong nền văn hóa Ba lan (cũng như ở Việt nam- người dịch thêm) lâu nay việc đi ỉa (đại tiện) người ta chỉ nói kín đáo trong phòng khám với bác sỹ hay trong nhà vệ sinh.

Do vậy khi Mark Smith, chàng nghiên cứu sinh 28 tuổi làm việc ở một trường đại học nổi tiếng: Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) quyết định mở một ngân hàng… phân đông lạnh đầu tiên trên thế giới thì anh ta không ngờ là OpenBiome của mình là một trong các chương trình gây tiếng vang nhất trên thế giới và là điểm gặp gỡ giữa khoa học và kinh doanh. Quá trình lấy phân hàng ngày của các người cho và truyền cho bệnh nhân (giống như việc truyền máu) sẽ được coi là một bước ngoặt trong y học. Bệnh viện nổi tiếng của thế giới Cleveland Clinic đã tuyên bố là việc truyền phân là một trong mười phát minh y học quan trọng của năm 2014!

Ông Karl Yoder đang làm việc ở phòng thí nghiệm OpenBiome nằm ở ngoại ô thành phố Boston đã nói, khó mà giải thích tại sao các thực nghiệm kiểu này lại trở thành mốt như vậy. Chỉ có điều chắc chắn là phương pháp chữa bệnh mới này có nhiều hứa hẹn và mang lại hy vọng cho nhiều bệnh nhân, tất nhiên nếu họ không thấy…kinh sợ!

Đối với Smith, do làm đề tài nghiên cứu về vấn đề này thì anh ta cảm thấy hoàn toàn bình thường. Nhưng bước nhảy từ các nghiên cứu lý thuyết về hàng trăm tỷ các loại nấm và khuẩn trong phân người sang việc lấy và gửi đi các mẫu phân không phải là một vấn đề hiển nhiên.

Chàng nghiên cứu sinh với vẻ mặt luôn vui vẻ đã thực hiện bước nhảy nói trên nhờ „sự giúp đỡ” của một đồng nghiệp ở trường MIT. Anh này sau khi bị mổ túi mật và nằm viện đã bị nhiễm một loại khuẩn tên là C.difficile. Smith nhận thấy việc tiệt trùng quá mức trong các bệnh viện đã giết hết các vi khuẩn trong ruột, tạo điều kiện cho việc phát triển quá mức của khuẩn C.difficile mà sau đó ta không có cách gì ngăn chặn. Việc nhiễm khuẩn C.difficile đã làm khoảng 14000 người chết hàng năm chỉ tại Mỹ với số lượng hàng triệu người mắc bệnh mỗi năm. C.difficile xuất hiện trong ruột, khi lớp khuẩn tự nhiên đang sống ở đó bị kháng sinh mạnh tiêu diệt gần hết. Lúc đó nó nẩy nở rất nhanh tạo ra một lớp như rừng không cách gì trị nổi. Bệnh nhân khi đó bị đau bụng, ăn không tiêu và đi ngoài hàng chục lần mỗi ngày, có khi một phần tư thời gian trong ngày là ngồi trong nhà xí.

Các bác sỹ chả giúp được gì cho anh bạn của Smith. Khi uống đủ các loại thuốc mà không có kết quả, anh ta đọc được trên Internet là cách tốt nhất là xin một người khỏe một mẫu vi khuẩn trong ruột, và sau đó „cấy” vào ruột mình. Nói nôm na là thụt vào ruột mình một mẫu phân của người khác, giống như việc tưới… phân tươi cho một cánh đồng khô hạn. Được sự trợ giúp này, các vi phuẩn trong ruột tự sinh sôi và tiêu diệt loại khuẩn có hại C.difficile. Thế là sau đó anh bạn của Smith phải mua một ống thụt và tự làm tại nhà, vì chả có một bệnh viện nào nhận làm cách chữa bệnh này.

Từ đó anh Smith bắt đầu suy nghĩ cách giúp hàng trăm nghìn các bệnh nhân khác „cấy lại” hệ vi khuẩn trong ruột. Về lý thuyết thì đơn giản và rõ ràng, chả có gì khó. Các vi khuẩn này trong ruột từ lâu đã được biết là có ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa, trầm cảm, bệnh béo phì, bệnh Alzheimer hay Parkinson (động kinh). Các bác sỹ về tiêu hóa đều… mừng khi phân bây giờ lên đỉnh vinh quang. Họ còn bổ sung là nếu tính về số lượng các loại tế bào của người, và so sánh nó với số lượng khổng lồ của các loại khuẩn có trong phân, thì con người chỉ là „người” có 10%, số 90% các loại còn lại là...phân!

Khi anh Smith bàn với các đồng nghiệp về cách đưa vào thực tế, thì mọi người đều bàn lùi, nêu các khó khăn hầu như không thể vượt qua. Trước hết, không ai dám nghĩ đến việc đưa vào người bệnh một thứ bẩn thỉu như…phân. Sau đó, không ai biết cách lấy mẫu khuẩn tốt như thế nào như tìm người cho, sau đó phân người cho đó phải qua hàng loạt các thí nghiệm về ký sinh trùng, vi khuẩn, vi trùng…Sau nữa là một vấn đề vô cùng quan trọng: tiền. Ai sẽ trả tiền cho các xét nghiệm đó trong hệ thống bảo hiểm của nước Mỹ?

Tuy nhiên Smith đã nhìn thấy một cơ hội và khẳng định là chỉ nếu ai đó gửi cho các bác sỹ một mẫu khuẩn thì hàng nghìn bệnh nhân sẽ khỏi bệnh. Và Open-Biome đã ra đời như vậy.

Ngân hàng phân sau đó đã rời khỏi tủ lạnh mượn của phòng thí nghiệm của MIT đến văn phòng chính thức của mình. Cũng có một thuận lợi là vào năm 2013, trong một tạp chí y học hàng đầu của Anh, tờ „The New England Journal of Medicine”, một nhóm các bác sỹ đã công bố một nghiên cứu đối chứng hai cách chữa bệnh khuẩn C.difficile, nhóm thứ nhất chữa bằng truyền phân, nhóm thứ hai điều trị bằng kháng sinh vancomycin. Trong nhóm thứ nhất, 90% bệnh nhân khỏi bệnh trong khi ở nhóm thứ hai, chỉ có 30% khỏi. Thí nghiệm cũng đã dừng lại trước khi kết thúc theo kế hoạch vì lý do… thẩm mỹ. Một kết quả tương tự cũng được đăng năm 2014 trên tạp chí „Journal of American Medical Association”.

Hạt giống mà Smith gieo đang phát triển mạnh trên nền đất tốt. Cho đến nay việc truyền phân đã được hàng trăm bác sỹ ở Mỹ áp dụng, và phòng thí nghiệm của anh giờ giống như một bưu điện lớn trên một con phố đông người. Từ một cửa các nhân viên chuyển các mẫu đựng trong ni-tơ lỏng đến các bệnh viện, còn cửa kia để đón các dòng người hiến phân, phần lớn họ bị loại do có các bệnh về tiêu hóa, hay dùng nhiều kháng sinh hoặc có thói quen ăn uống không tốt. Số người cho được chấp nhận sau xét nghiệm sẽ được trả 40$ cho một mẫu phân.

Dù rằng các phương tiện truyền thông đều coi Open-Biome là điều rất mới, anh Smith rất phản ứng khi được coi là người đầu tiên chữa bệnh bằng phương pháp này. Anh có thể nói hàng giờ về lịch sử cách chữa bệnh bằng phân. Từ hàng nhiều thế kỷ trước đây, phương pháp này đã được dùng ở Trung quốc. Ông Lý Thời Trân (Li Shizhen), danh y và nhà dược học nổi tiếng của Trung Quốc thời nhà Minh, thế kỷ thứ XVI, người Kỳ Châu đã chữa các bệnh nhân bị bệnh tả bằng cách cho uống thứ nước vàng là hỗn hợp phân khô và phân lên men. Trong đại chiến thứ hai các lính Đức cũng đã mô tả cách dân du mục Ả rập chữa bệnh tả bằng phân lạc đà, còn trong thú y người ta đã dùng phân để chữa bệnh cho súc vật từ hàng trăm năm nay. Chính con người đã quan sát và học của loài vật cách chữa bệnh này: các chú voi hay gấu nhỏ, lúc sinh ra có bộ ruột hoàn toàn sạch và để làm phát triển hệ vi khuẩn trong ruột, chúng thường ăn phân của mẹ.

Việc truyền phân không chỉ giúp chữa khuẩn C.difficile. Dù hiện chưa có nhiều nghiên cứu song có nhiều bệnh nhân bị viêm đại tràng, tiểu đường, dị ứng… đang sử dụng phương pháp này. Có cả một trang Facebook tên là Sally Brown của những người quan tâm về việc này. Nhiều người tự áp dụng không có bác sỹ theo dõi. Một phần thì vì chữa chính thức ở bệnh viện giá khá cao, cỡ vài nghìn đô la và các cơ quan bảo hiểm đều từ chối không trả tiền. Phần nữa là có các bác sỹ đang hoài nghi, không tin về cách chữa bệnh này. Lý do là chưa có nghiên cứu nào về hệ quả lâu dài của cách chữa trên. Hơn nữa, trong tháng hai này đã xuất hiện một bài báo mô tả trường hợp một nữ bệnh nhân gầy ở Rhode Island đã truyền một mẫu phân của một người mắc bệnh béo phì, và bây giờ không có cách nào giảm cân. Có thể đó chỉ là ngẫu nhiên, hoặc trong phân của người béo phì có một loại khuẩn gây tăng cân?

Anh Smith biết và không coi thường các việc trên. Nhưng anh cũng nói những người mắc khuẩn C.difficile không thể sống bình thường với 4 tiếng hàng ngày ở trong nhà vệ sinh. Hiện không có cách nào tốt hơn việc truyền phân. Anh cũng đang hy vọng có thể cải tiến cách làm. Thay vì truyền phân, anh đang tìm cách chuyển nó thành thuốc uống dạng viên bọc glyxerin. Anh đang làm nghiên cứu này trong những giây phút rỗi rãi, ngoài lúc theo dõi việc vận chuyển các mẫu thử từ Open-Biome.

Câu hỏi đặt ra là liệu các vi khuẩn truyền nhân tạo như vậy vào ruột có như tưới phân tốt cho ruộng không? Mọi thứ hình như là vậy vì có vẻ các vi khuẩn ở đó thích những gì gần với tự nhiên. Mặc dù nói thế có vẻ hơi.., nặng mùi!

 

Nguyễn Hữu Viêm (dịch từ Gazeta Wyborcza)​


Share/Save/Bookmark
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Lien he quang cao
Liên hệ quảng cáo
Thống kê truy cập Website
  • Đang truy cập: 17
  • Hôm nay: 1662
  • Tháng hiện tại: 116663
  • Tổng lượt truy cập: 24403394