NYOI: Đánh thức tâm hồn những người trẻ

Đăng lúc: Thứ sáu - 23/09/2016 17:31 - Người đăng bài viết: admin

Paul MacAlindin chỉ huy NYOI tại buổi biểu diễn
ra mắt ở Sulaymaniyah, Iraq, năm 2009.
Nhạc trưởng Paul MacAlindin nói rằng, âm nhạc cổ điển không chỉ làm cho những bạn trẻ Iraq bị bầm dập bởi chiến tranh trở nên nổi tiếng mà nó còn có sức ảnh hưởng đến nền chính trị của quốc gia này. Ông chia sẻ về khoảng thời gian làm việc với Dàn nhạc Thanh niên Quốc gia Iraq (NYOI).

NYOI, một dàn nhạc gần như không tưởng trong thời đại chúng ta, hoạt động từ năm 2009 đến năm 2014. Nhạc trưởng người Scotland Paul MacAlindin đã có công dẫn dắt các bạn trẻ Iraq – người Kurd và người Hồi giáo, cả dòng Shiite và Sunni - vượt qua sự chia cách về ngôn ngữ, tôn giáo, văn hóa và những thiếu thốn về vật chất. Ông cũng là người đưa dàn nhạc đi lưu diễn nước ngoài.

Cuốn sách mới ra mắt của của ông - “Upbeat” (tạm dịch: “Lạc quan”)1, là hồi ức về NYOI với nhiều chi tiết sống động và cái nhìn sâu sắc về đất nước và con người Iraq.

Việc thành lập NYOI được miêu tả bằng những từ như “điên rồ” và “quả cảm”. Vậy thái độ của xã hội Iraq đối với âm nhạc cổ điển phương Tây như thế nào? Trên thực tế, đã có vài người gọi đó là công việc xấu xa?

Sau khi Quốc hội Iraq được bầu ra vào năm 2006, do những ảnh hưởng tôn giáo trong chính quyền Iraq, âm nhạc đã bị cấm trừ phi nó tuân thủ những quy định tôn giáo ngặt nghèo.

Các nhạc công có cảm thấy lo sợ cho tính mạng của mình không?

Với mức độ xung đột vũ trang và sắc tộc như những năm 2006, 2007 và 2008, bất cứ người nào ở Baghdad cũng cảm thấy lo sợ cho tính mạng của mình. Bên cạnh những khó khăn thông thường về việc đi lại, các nghệ sĩ của chúng tôi còn phải ngụy trang nhạc cụ của họ bằng cách sử dụng thêm “vỏ bọc”.

Rạn nứt trong xã hội sau thời kì Saddam Hussein có khiến quan hệ giữa các thành viên trong dàn nhạc - giữa người Hồi giáo và người Kurd hay giữa người Shiite và Sunni – trở nên căng thẳng hay không?

Sự chia rẽ rõ rệt nhất là sự chia rẽ sắc tộc giữa người Kurd và người Hồi giáo. Nhưng với những người cùng nói được tiếng Anh thì mọi chuyện đều tốt đẹp. Những vấn đề khác đều ít nghiêm trọng hơn nhiều. Chúng ta đang nói về những công dân tử tế, chỉ mong muốn có một cuộc sống hòa hợp. Yếu tố sắc tộc đã bị thổi phồng lên bởi truyền thông phương Tây và bị làm rối lên bởi cách thức mà chính quyền Iraq được thành lập vào năm 2006.

Chúng ta thường nghe nói “âm nhạc vượt qua mọi giới hạn”, “đem con người gần nhau hơn”, “xóa nhòa khoảng cách văn hóa”. Những cụm từ này nghe có vẻ sáo mòn nhưng dường như có phần nào đó đúng với NYOI.

Chúng ta đều được sinh ra là những người yêu âm nhạc. Một điều hoàn toàn dễ hiểu là, âm nhạc có sức tác động lớn và thực sự hiệu quả trong việc đưa con người đến gần nhau hơn và có thể đóng vai trò quan trọng trong một bối cảnh thích hợp. 

Ông có thể kể cho chúng tôi một câu chuyện ngắn, để cho thấy dàn nhạc này độc đáo như thế nào không?

Chuyện này xảy ra vào năm đầu, khi tôi đang điều khiển dàn nhạc chơi bản giao hưởng số 99 của Haydn trong một phòng tập nhỏ và kín thì đột nhiên mất điện. Tôi đã ngừng điều khiển, nhưng dàn nhạc vẫn tiếp tục chơi cho đến nốt cuối cùng dù họ không nhìn được bản tổng phổ. Tôi phát hiện ra là các nghệ sĩ Iraq thường ghi nhớ bản nhạc mà họ sắp trình diễn hay phải tập dượt trước bởi vì họ quá quen với việc mất điện như vậy.

Một câu chuyện khác phổ quát hơn: Những bạn trẻ mà tôi gặp ở Iraq đều rất dễ thương, được nuôi dạy tử tế và rất bình thường. Nhưng chính điều này lại là điều khác thường nhất về họ. Tuổi thơ và cộng đồng của họ bị tàn phá, và bất cứ ai trong số họ cũng đều bị mất bạn bè, người thân trong những cuộc bạo động. Vì vậy thật sự là một trải nghiệm kì lạ đối với tôi khi chứng kiến âm nhạc đã gắn kết những người trẻ này như thế nào cũng như khi biết rằng sau khi kết thúc khóa học, họ sẽ phải trở lại với sự nguy hiểm và bất thường hằng ngày, cái mà họ cho là “bình thường”. Tôi thấy rất khó khăn để bản thân mình thực sự hiểu được điều này.

Giữa những điều cản trở như sự khác biệt về ngôn ngữ và thiếu thốn về hậu cần, ông viết rằng có một yếu tố còn nghiêm trọng hơn là sự lạnh lùng và thiếu hụt cảm xúc trong sự trình diễn của họ. Ông có thể giải thích rõ hơn không?

Mặc dù thành thạo kĩ thuật nhưng họ lại bị suy kiệt về cảm xúc. Họ đơn giản chỉ có thể chơi “đúng” một bản nhạc cổ điển. Vì vậy tôi đã nhờ cậy đến Haydn và Beethoven - những nhà soạn nhạc bản năng và vui vẻ mà tôi cho là có thể đánh thức được tâm hồn của những người trẻ này và giúp họ bộc lộ niềm vui sướng của mình lần đầu tiên sau nhiều năm. Và sau khoảng thời gian năm năm, việc trình diễn ngày càng ăn ý hơn, dàn nhạc đã tự chữa lành chính mình.

NYOI có tác động tới các mối quan hệ quốc tế không?

Tôi nghĩ tác động mạnh nhất của chúng tôi là tới chính quyền Iraq. Các thành viên chính phủ được “điệu” đến những buổi biểu diễn. Họ không thể chạy trốn một thực tế là, trong cái địa ngục ở Iraq, nếu những người trẻ được trao cho một cơ hội lớn, họ sẽ bỏ qua những bất đồng do chính những chính khách tạo ra. Đối với rất nhiều người từng không muốn chúng tôi tồn tại, chúng tôi đã chứng minh được rằng gặp điều kiện thích hợp, những người trẻ Iraq sẽ có tiền đồ rộng mở.

Ông có còn giữ liên lạc với các thành viên trước đây không? Một vài người trong số họ có thể bây giờ đang sống trong hoàn cảnh rất khó khăn.

Vâng, tôi có. Thi thoảng một vài người xuất hiện trên Facebook. Một vài người đã rời khỏi đất nước để tị nạn hoặc du học. Những người khác vẫn tiếp tục ở lại Iraq chơi nhạc.

Ông hiểu vai trò của mình trong dàn nhạc sẽ bị giới hạn về mặt thời gian, tuy nhiên dàn nhạc đã giải thể vào năm 2014 trong hoàn cảnh không được chọn lựa: nỗ lực bất thành để được lưu diễn ở Mỹ và sự xâm chiếm Iraq của “IS”. Sau những cảm xúc ấm lòng khi các nhạc công đã trưởng thành, giờ ông thấy sao về việc giải thể dàn nhạc?

Hai năm trước, tôi phải đối mặt với khoảng thời gian chán nản, nhưng giờ tôi đã trở lại bình thường. Việc viết ra quyển sách giúp tôi nhìn nhận mọi việc lạc quan. Tôi cảm nhận rằng bản thân mình vừa mới khép lại một chương của cuộc đời và giờ đã có thể an toàn lên đường tiếp.

Bài học mà ông rút ra được từ NYOI là gì?

Tôi đã hiểu ra điều cản trở chính mình, và cuối cùng cũng biết giới hạn bản thân nằm ở đâu. Nó cho tôi thấy khả năng và sự kiên cường của mình hóa ra lại lớn hơn rất nhiều so với tôi tưởng trước đây. 

Có thể hình dung một Dàn nhạc Thanh niên Quốc gia của Iraq trong điều kiện hiện nay được không?

Iraq là một con phượng hoàng. Nó vươn mình lên từ đống tro tàn, huy hoàng trong phút chốc, và lại bị phá hủy bởi cuộc chiến tiếp theo. Nhưng những con người của đất nước này có đầu óc sáng tạo phi thường. Họ có thể tạo ra những giải pháp thay thế cho hầu hết tất cả mọi thứ. Những kết nối đang được thiết lập giữa các nhạc công trẻ này với những nghệ sĩ nhạc cổ điển trên khắp thế giới sẽ làm nhân lên những dự án mới. Dàn nhạc đã có NGO của riêng mình ở Baghdad. Điều gì sẽ đến sau đó phụ thuộc vào sự thúc đẩy của nhóm làm việc ở Iraq và những người ủng hộ ở Đức.

Nét đẹp của âm nhạc cổ điển chính là bạn không cần ổ điện nào cả, chỉ cần ngồi xuống và chơi. Và đó chính là một lợi thế to lớn của dàn nhạc so với các nhóm nhạc nam hay nhạc rock ở Iraq. 

Đức Hưng dịch 

Theo Deutsche Welle


Share/Save/Bookmark
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin tức cập nhật

Lien he quang cao
Liên hệ quảng cáo
Thống kê truy cập Website
  • Đang truy cập: 4
  • Hôm nay: 2427
  • Tháng hiện tại: 64660
  • Tổng lượt truy cập: 24479316