TỰ “ĐẠO” THƠ MÌNH HAY LÀ KỶ NIỆM VUI VỀ MỘT BÀI THƠ NHỎ

Đăng lúc: Chủ nhật - 05/03/2017 10:47 - Người đăng bài viết: admin

Tôi không bao giờ dám nhận mình là nhà thơ. Lĩnh vực chính của tôi là dịch thuật. Có thể nói như vậy vì trong dịch thuật tôi đã có được ít nhiều thành tựu. Tuy nhiên tôi cũng có một ít thơ đăng báo và có vài kỷ niệm nhỏ về những gì mình đã viết. Xin phép được chia sẻ với các bạn yêu thơ một trong số những kỷ niệm nhỏ đó.

Năm 1986, sau gần 10 năm làm công việc dạy tiếng Ba Lan cho lưu học sinh tại Đại học Ngoại Ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội), tôi được cử sang Căm pu chia dạy tiếng Việt cho sinh viên Đại học Kinh tế Nông Pênh. Hồi đó nước bạn vừa thoát khỏi nạn diệt chủng Pôn Pốt, một số trường đại học mở lại, nhưng thiếu giáo viên, vì vậy sinh viên phải học tiếng Việt một năm để các năm sau giáo viên Việt Nam dạy các môn chuyên môn bằng tiếng Việt.

Cùng sang Căm pu chia với tôi năm đó có anh Vũ Văn Đại, giáo viên tiếng Pháp. Năm ấy anh đã “ngoại tam tuần” nhưng mới chỉ có người yêu. Chúng tôi ở chung một phòng trong tòa nhà vừa là nơi ở của chuyên gia Việt Nam vừa là lớp học của sinh viên. Tác phong sinh hoạt ít nhiều mang tính thời chiến vì ở Căm pu chia khi ấy vẫn đang duy trì tình trạng thiết quân luật. Thư nhà không nhận qua bưu điện mà trông chờ dịp may khi có người quen của ai đó trong số đồng nghiệp sang nước bạn công tác. Tôi và anh Đại gần như cùng lứa nên chúng tôi quan hệ với nhau khá thoải mái, cởi mở. Mỗi lần nhận được thư người yêu (tên chị là Thanh Hà), anh thường đọc cho tôi nghe những đoạn có thể đọc được.

 Một hôm, nhận được thư người yêu, từ lá thư dày năm bảy trang giấy, anh trích đọc một đoạn chứa đựng ý nghĩ thật độc đáo của chị Thanh Hà: “Trong những đêm nhớ anh da diết, đôi khi em ngước mắt nhìn trời đầy sao và nhận ra một điều vô lý: những ngôi sao kia ở tít tận trời xanh mà em vẫn nhìn thấy, còn anh, anh gần hơn những ngôi sao ấy rất nhiều, nhưng vì em không gặp nên anh trở nên xa xôi”. Sau mấy ngày suy nghĩ, tôi xin phép anh Đại được “đạo” ý nghĩ của chị Thanh Hà để viết lại thành bài thơ chỉ gồm hai câu lục bát:

                    Sao đêm mãi tận trời xanh

          Vì em nhìn thấy nên thành gần thôi

                    Anh gần hơn ngôi sao trời

          Bởi em không gặp thành vời vợi xa.

Khi gửi bài thơ này cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội, tôi chuyển nhân vật trữ tình của bài thơ từ “anh” sang “em”, tức là người con trai nói những lời đó với người yêu của mình. Bài thơ nhan đề Em và vì sao đêm cuối cùng được chốt lại như sau:

                    Sao đêm mãi tận trời xanh

          Vì anh nhìn thấy nên thành gần thôi

                    Em gần hơn ngôi sao trời

          Bởi anh không gặp, thành vời vợi xa.

Bài thơ ngắn này được đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, bình thường như một vài bài thơ may mắn khác của tôi, không gây tiếng vang gì đáng kể.

Vào giữa những năm chín mươi, tình cờ có một nữ học viên cao học từ Thành phố Hồ Chí Minh ra học ở trường tôi. Khi đó tôi làm việc tại Phòng Khoa học của trường. Phòng tôi và Khoa Sau đại học hay phối hợp công việc. Một hôm bạn học viên cao học đó gặp tôi và nói: ”Em rất thích bài thơ Em và vì sao đêm của thầy đăng trên Văn nghệ Quân đội nên đã em chép nó vào sổ tay. Không ngờ lại được gặp tác giả ở đây”. Tất nhiên tôi rất vui trước sự tình cờ thú vị đó.

Năm 2005 tôi sang Poznan giảng dạy theo lời mời của Đại học Tổng hợp mang tên Adam Mickiewicz. Không lâu sau tôi có cơ hội tham dự Liên hoan Thơ Quốc tế Tháng Mười Một Thơ Poznan được tổ chức hàng năm tại đây. Với vốn liếng mươi bài thơ viết bằng tiếng Ba Lan trước đó, tôi “liều mạng” nghĩ đến chuyện viết thêm mươi bài nữa để có thể in thành một tập mỏng những bài thơ viết bằng tiếng Ba Lan của mình. Do bị thúc bách về số lượng, tôi xem lại những bài thơ tiếng Việt đã viết và đành phải tự “đạo” thơ mình, tức là lấy lại ý trong những bài thơ tiếng Việt đã viết trước đó, viết lại bằng tiếng Ba Lan. Bài Em và vì sao đêm là một trong số “nạn nhân” của việc làm bất đắc dĩ đó. Khi “hóa thân” vào bài thơ tiếng Ba Lan, nó dáng vẻ mới như sau:

            TAK BLISKO TAK DALEKO

                        Gwiazda

                        migoce nocą

                        wieki stąd

                        a mnie się wydaje

                        że wystarczy sięgnąć

 

                        Ty jesteś ode mnie

                        o niebo bliżej

                        a ponieważ

                        cię nie widzę

                        wydaje mi się

                        że jesteś

                        o wiele dalej

                        niż gwiazda.

Bài thơ này tôi đã in trong tập Từ sông Hồng đến sông Wisla và sông Warta xuất bản năm 2011 ở Poznan. Sau này, trong một số tuyển tập thơ Ba Lan in song ngữ do Chi hội Nhà văn Ba Lan ở Poznan tổ chức xuất bản, mặc dù không phải là Hội viên Hội Nhà văn Ba Lan, thơ tôi vẫn được bạn bè ưu ái đưa vào các tuyển tập. Bài thơ trên đã có mặt trong các tập song ngữ Ba Lan – Nga, Ba Lan -Đức, Ba Lan – Armenia… Gần đây, nguyệt san Văn học Nước ngoài của Bulgari cũng đã dịch và giới thiệu bài thơ này.

Нгуен Чи Тxуат

 

Така далече

Звездата

блести през нощта

на разстояние от векове

а на мен ми се струва

че трябва само да я докосна

 

Ти си по-близо до мен

отколкото е цялото небе

и все пак

аз не те виждам

струва ми се

че си

много по-далече

от звездата

                  Автор: Нгуен Чи Тxуат

                  Превод от полски: Ваня Ангелова

Hình tôi là người hay gặp may trong cuộc sống. Bài thơ nhỏ Em và vì sao đêm là một ví dụ. Tôi đã được anh bạn cùng phòng ở Căm pu chia “dọn cỗ” về  chất liệu, chỉ thêm một chút công phu sắp đặt từ ngữ là tôi được hai câu lục bát hoàn chỉnh. Và thật không ngờ, sau cú “tự mình đạo thơ mình” ngoạn mục, trong gần 10 năm qua, bài thơ đã trải qua một hành trình thú vị tại Ba Lan.  

Tác giả bài viết: Nguyễn Chí Thuật

Share/Save/Bookmark
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Lien he quang cao
Liên hệ quảng cáo
Thống kê truy cập Website
  • Đang truy cập: 23
  • Hôm nay: 2385
  • Tháng hiện tại: 119170
  • Tổng lượt truy cập: 24405901