Suy nghĩ về hệ thống chuyên Toán

Đăng lúc: Thứ năm - 07/01/2016 22:52 - Người đăng bài viết: admin
Trong bài viết này tôi sẽ tập trung vào một số câu hỏi mà mình coi là then chốt về hệ thống chuyên Toán.

Có nên tồn tại hệ thống chuyên Toán?

Câu trả lời là rất nên có một hệ thống chuyên Toán. Hệ thống chuyên Toán ở đây được hiểu là một hệ thống các lớp đặc biệt, mỗi lớp gồm một số ít học sinh có năng khiếu về tư duy và được học môn Toán một cách chuyên sâu với một phương pháp đặc biệt. Hệ chuyên Toán do nhà nước tổ chức, và được hưởng một quy chế riêng.

Để hiểu thấu đáo vấn đề này, chúng ta nên xác định rõ mục đích và sự cần thiết của hệ chuyên Toán. Sau khi trả lời các câu hỏi đó, ta sẽ phân tích về việc nên thực hiện hệ chuyên Toán như thế nào?

Mục đích của việc đào tạo theo hệ chuyên Toán?

Giáo dục ở bậc phổ thông không chỉ để cung cấp các kiến thức cho học sinh mà quan trọng là phát triển khả năng tư duy và khả năng cảm nhận của các em.

Trong bậc học phổ thông, cách hiệu quả nhất để phát triển tư duy tốt là thông qua việc phát triển năng lực học Toán.

Như vậy, mục đích của hệ chuyên Toán không chỉ để đào tạo các thế hệ những người làm Toán cho tương lai mà là khuyến khích, phát huy và tạo đà phát triển tư duy cho những học sinh từ bé đã bộc lộ năng khiếu; từ đó góp phần đào tạo nên những người có khả năng tư duy sâu sắc và độc lập, biết cách lập luận logic chặt chẽ, có đầu óc phản biện và hoài nghi, những người sẽ có những đóng góp cho sự phát triển của nhiều ngành khoa học và cho sự phát triển của xã hội.

Sự cần thiết của hệ đào tạo chuyên Toán?

Cần phải nhìn nhận rằng có những học sinh có năng khiếu tư duy bẩm sinh. Và trong môi trường học tập của bậc tiểu học và trung học cơ sở thì khả năng này thường được bộc lộ qua việc học tập môn Toán.

Những năng khiếu đó thể hiện qua việc học sinh có được những cảm nhận trực quan về một vấn đề, việc chạm vào được bản chất của vấn đề lấp sau những câu hỏi hóc búa, việc có thể tổng quát hoá những vấn đề cụ thể, và khả năng tưởng tượng được những khái niệm trừu tượng, mơ hồ như khái niệm mâu thuẫn, khái niệm quy nạp, khái niệm vô cùng, v v.

Những học sinh có năng khiếu như vậy nếu học ở các lớp đại trà có thể sẽ cảm thấy nhàm chán với những bài toán đơn giản, các em không có những thử thách để phải đào sâu tìm hiểu kiến thức hay tập trung suy nghĩ trong một thời gian dài.

Nếu nhìn rộng ra trên thế giới, không chỉ ở các nước trong khối xã hội chủ nghĩa cũ, mà ở các nước phát triển khoa học như Mỹ, Pháp, vv, vẫn luôn có các trường học, các lớp học tập trung các học sinh có năng khiếu, và không ít những người tiên phong trong khoa học đã từng học tại những trường đặc biệt như vậy. Có thể hình thức tuyển chọn hoặc tên gọi của họ không như trường chuyên, lớp chuyên của ta; nhưng thực tế là vẫn cần có môi trường, chương trình học, và giáo viên đặc biệt để phát huy khả năng của những học sinh có năng khiếu.

Nếu được học trong một môi trường với nhiều hứng thú và thử thách, những năng khiếu của các học sinh sẽ được bộc lộ và phát huy, làm tăng niềm say mê, và đồng thời lại càng làm phát triển khả năng của các em.

Nên giảng dạy ở các lớp chuyên Toán như thế nào ?

Sự khác nhau của hệ chuyên Toán và hệ không chuyên không phải ở việc cung cấp khối lượng kiến thức rộng hơn, mà ở việc phát triển tư duy sâu hơn.

Người thầy giáo không chỉ đưa ra lời giải cho học sinh hay chứng minh tính đúng đắn của định lý; mà người thầy còn chỉ ra được nguyên nhân, con đường dẫn đến lời giải đó. Cao hơn nữa, người thầy gợi mở và dẫn dắt để học sinh tự mình tìm ra lời giải.

Để thực hiện được điều đó, người thầy phải biết nhìn nhận từng ý tưởng, từng nhận xét của học sinh. Thậm chí ngay trong những cách giải sai của các em, người thầy vẫn có thể nhìn ra một cảm nhận đúng nhưng chưa trọn vẹn, và từ đó khuyến khích các em phát triển thành những lời giải đúng. Người thầy cần phải hiểu được những cảm nhận trực quan của các em, định hướng cho các em để cụ thể hóa những cảm nhận mơ hồ đó và diễn đạt được chúng thành lời; qua đó cho các em hiểu rằng chính trong việc diễn đạt ý tưởng một cách chân phương và chuẩn xác nhất, các em đã hình thành một quá trình tư duy sâu sắc và tinh tế.

Toàn bộ quá trình này sẽ mang đến những hứng thú, sự tự tin và những giây phút tỏa sáng cho học sinh, đó cũng là những giây phút rất hạnh phúc và ngọt ngào với người thầy.

Để tạo ra một không gian học như vậy, cần có những lớp học đặc biệt: chỉ có ít học sinh và thầy giáo có nhiều thời gian cho các em. Không chỉ cần nhiều thời gian trên lớp, mà thầy giáo cần có nhiều thời gian chuẩn bị bài để có thể hiểu sâu sắc vấn đề, suy nghĩ về các ngóc ngách có thể có, phát triển tổng quát và tìm hiểu cội nguồn sâu xa của vấn đề.

Thực hiện hệ đào tạo chuyên Toán như thế nào ?

Cấp học đầu tiên của chuyên Toán: Nên bắt đầu từ trung học cơ sở vì khi đó tư duy của học sinh đã hình thành và đang trong giai đoạn phát triển.

Thi tuyển: Nên tổ chức các kỳ thi để có thể phát hiện được những học sinh  có năng khiếu tư duy. Vì vậy, cần phải có những bài thi có thời gian đủ dài. Có thể là trong hai tiếng (với học sinh dưới 10 tuổi) và ba tiếng (với học sinh trên 10 tuổi). Mỗi bài thi chỉ nên có từ ba đến năm bài toán để học sinh có thời gian suy nghĩ sâu về một bài toán và có thể trình bày các lập luận một cách chặt chẽ. Không nên thi theo kiểu trắc nghiệm.

Tổ chức: Các lớp học chỉ nên có từ 20 đến 30 học sinh, nên tăng thời lượng của môn toán lên (hiện nay học sinh có một số tiết tự học, có thể sử dụng các tiết học này để giảng dạy môn chuyên).

Giáo viên: Giáo viên chuyên toán phải được đào tạo theo chương trình đặc biệt, hoặc phải theo học những lớp bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao năng lực.

Thi học sinh giỏi: Hiện nay nhiều học sinh tham gia các kỳ thi học sinh giỏi, ở trong nước và nhiều kỳ thi của nước ngoài. Đó là quyền tự do của học sinh và gia đình. Vấn đề là chúng ta nên nhìn nhận và đánh giá đúng các kỳ thi này. Không nên nâng cao tầm quan trọng lên quá mức thực chất. Việc lấy kết quả của các kỳ thi này làm tiêu chí xét đầu vào các trường chuyên nên cân nhắc và thận trọng để tránh sự bất công với các học sinh.

Nên tổ chức một kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia giống như một kỳ thi Olympic để học sinh có nhiều cố gắng và hứng thú.

Với suy nghĩ rộng hơn, có thể nhận thấy từ bậc trung học phổ thông, có những môn khoa học khác như Vật lý, Hóa học, vv, cung cấp nhiều kiến thức cơ bản và khá sâu sắc cho học sinh. Việc tổ chức hệ chuyên về các môn học này, hay việc tổ chức các lớp chuyên về khoa học, ở đó học sinh có thể nhận thấy mối liên quan và sự ứng dụng giữa các môn khoa học - là những vấn đề đáng được quan tâm.

Điều cốt yếu nhất của hệ thống chuyên vẫn là để phát triển tư duy sâu sắc, tạo nên lòng say mê ham hiểu biết, niềm tin vào chân lý và tình yêu cái Đẹp của học sinh.

Tác giả bài viết: PGS TS Phan Thị Hà Dương
Nguồn tin: Tia Sáng

Share/Save/Bookmark
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin tức cập nhật

Lien he quang cao
Liên hệ quảng cáo
Thống kê truy cập Website
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 878
  • Tháng hiện tại: 85291
  • Tổng lượt truy cập: 24499947