Kỹ thuật chỉnh sửa gene ngăn nCoV nhân lên trong tế bào

Đăng lúc: Thứ sáu - 16/07/2021 10:49 - Người đăng bài viết: admin
Các nhà khoa học sử dụng kỹ thuật CRISPR để ngăn sự nhân lên của nCoV trong tế bào cơ thể người, hứa hẹn trở thành phương pháp điều trị Covid-19 mới trong tương lai.

Kỹ thuật chỉnh sửa gene có thể hiệu quả trong điều trị Covid-19. Ảnh: iStock.

Kỹ thuật chỉnh sửa gene có thể hiệu quả trong điều trị Covid-19. Ảnh: iStock.

CRISPR là công cụ cho phép các nhà nghiên cứu chỉnh sửa chính xác ADN. Kỹ thuật này dựa trên hệ thống phòng vệ tự nhiên mà vi khuẩn sử dụng để nhắm vào và phá hủy vật liệu di truyền của virus.

Trong nghiên cứu mới công bố hôm 13/7 trên tạp chí Nature Communications, các nhà nghiên cứu sử dụng một hệ thống CRISPR để phá hủy những sợi ARN thay vì ADN. Cụ thể, hệ thống của họ sử dụng enzyme có tên Cas13b để chia tách sợi ARN giống như ở nCoV. Cas13b giống Cas9, enzyme được sử dụng phổ biến nhất trong kỹ thuật chỉnh sửa gene CRISPR, nhưng Cas9 cắt ADN trong khi Cas13b cắt ARN.

Nhóm nghiên cứu thiết kế CRISPR-Cas13b để nhắm vào vị trí chuyên biệt trên ARN của nCoV. Sau khi enzyme liên kết với ARN, nó phá hủy bộ phận virus cần để nhân lên, theo thông báo từ Trung tâm ung thư Peter MacCallum ở Victoria, Australia, đơn vị cộng tác nghiên cứu. "Một khi nhận dạng virus, enzyme CRISPR sẽ được kích hoạt và cắt nhỏ virus", trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Sharon Lewin ở Viện Truyền nhiễm và Miễn dịch Peter Doherty ở Đại học Melbourne, cho biết.

Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy phương pháp của họ vẫn hiệu quả ngay khi xuất hiện những đột biến mới trong hệ gene của nCoV, bao gồm đột biến ở biến chủng Alpha được phát hiện lần đầu tiên tại Anh. Hiện nay, các vaccine Covid-19 hiệu quả đang được phân phối trên khắp thế giới, nhưng nhu cầu điều trị bệnh vẫn còn. Virus cũng có khả năng tiến hóa để lẩn trốn vaccine.

Một phương pháp lý tưởng là sử dụng thuốc kháng virus không lâu sau khi bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm Covid-19. "Phương pháp sẽ chỉ khả thi nếu có thuốc kháng virus uống được và không độc hại. Đó là những gì chúng tôi hy vọng đạt được một ngày nào đó với phương pháp chỉnh sửa gene này", Lewin chia sẻ.

Lewin và cộng sự mới tiến hành nghiên cứu trên đĩa cạn trong phòng thí nghiệm và chưa thử nghiệm ở động vật hoặc người, có nghĩa cách chữa trị dựa trên phương pháp này còn nhiều năm nữa mới có thể đưa vào ứng dụng. Tuy nhiên, nghiên cứu mới là bước tiến đầu tiên. Các nhà nghiên cứu đang lên kế hoạch kiểm tra phương pháp trên mô hình động vật và cuối cùng là thử nghiệm lâm sàng ở người.

Tác giả bài viết: An Khang (Theo Live Science)

Share/Save/Bookmark
Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Lien he quang cao
Liên hệ quảng cáo
Thống kê truy cập Website
  • Đang truy cập: 11
  • Hôm nay: 4133
  • Tháng hiện tại: 34722
  • Tổng lượt truy cập: 24449378